Đã bao giờ bạn cảm thấy CÔ ĐƠN

Lủi thủi đi ăn tối một mình ở một quán quen nào đó. Có một bộ phim rất rất muốn đi xem nhưng nhìn qua nhìn lại không biết rủ ai bây giờ… rồi là đi một mình.
Nhiều bữa ở nhà buồn chán, ngột ngạt, muốn rủ rê mấy đứa bạn đi cà phê nói chuyện, muốn rủ mấy anh em cột chèo đi uống vài ly bia. Nhưng nó chỉ dừng ở ý định!
Một ngày làm việc mệt mỏi quay về không thấy cái một câu tin nhắn hỏi han nào từ ai, chỉ toàn là nhà mạng và công việc.
Để rồi nằm xuống, bật một bài nhạc buồn, nhắm mắt lại và cảm giác như bài hát đó đang viết cho mình vậy. Đến khi nhạc tắt mới nhận ra rằng thì ra nãy giờ nước mắt mình cứ tuôn một cách vô thức mà không hề để ý.
Cảm giác ấy là CÔ ĐƠN đó!
Và có một điều đáng sợ hơn là
Cô đơn đủ lâu, bạn sẽ chết

"Cô đơn" khác với "Ở một mình"

Cô đơn nó cũng giống như là trạng thái đói khát của cơ thể vậy. Nếu bạn bị bỏ đói, bỏ khát trong một thời gian dài các bạn sẽ chết và cô đơn cũng vậy, nếu cô đơn đủ lâu, bạn cũng sẽ chết.
Trước khi nói về cô đơn thì mình cần làm rõ hơn một xíu về 2 khái niệm. Đó là
CÔ ĐƠN và Ở MỘT MÌNH
“Cô đơn” nó sẽ khác với “ở một mình”
Ở một mình chỉ là một trạng thái vật lý chỉ một người đang một mình trong một không gian nào đó.
Còn cô đơn là một trạng thái về tâm lý. Đó là cảm giác khi bạn cảm thấy không có sự kết nối với một người khác hoặc một vật thể nào đó để có thể chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ hay quan điểm của bản thân.
Cái cảm giác cô đơn nó vẫn có thể ập đến khi xung quanh chúng ta là một môi trường rất bận bịu và nhộn nhịp với sự có mặt rất nhiều người.
Nghe thì có vẻ tiêu cực nhưng mà chính cái sự cô đơn đó mới là kinh khủng nhất.
Càng buồn hơn nữa khi có một sự thật rằng, chính những nơi đông đúc nhất, nhộn nhịp nhất lại là nơi có nhiều người cô đơn nhất. Và họ phải tìm đến một phương thuốc “giảm đau nhanh” đó là smartphone.
Nếu nghe đến đây mà bạn vẫn cảm thấy là
Ok, mình thấy vẫn ổn mà, có gì đâu, cô đơn chút thôi mà!
Hay không thấy mình cô đơn, hoặc không sợ chết vì cô đơn thì thật vui cho bạn vì có thể đời sống tinh thần của bạn đang rất tốt. Và bài viết này của mình chỉ có giá trị với bạn đến đoạn này!
Còn nếu cuộc đời bạn đang vướng một nút thắt đó là “cô đơn” và muốn tháo gỡ nó, thì mình có một vài chia sẻ trong bài viết này. Mong là nó dễ nghe!
Việc đầu tiên và mình nghĩ nó là việc khó nhất
Đó là hãy tập để “mặt mộc” khi đi ra đường!
Mặt mộc không phải là không trang điểm, không tô son, mà là một gương mặt mang cảm xúc thật của bạn lúc đó.
Đừng đắp lên mặt mình quá nhiều loại kem trộn, phấn nền của hãng “Không sao, tôi ổn mà!” cùng với một nụ cười luôn nở trên môi cùng với một vài câu chuyện đã được chuẩn bị sẵn để có thể tiếp chuyện bất cứ lúc nào có người muốn kết nối.
Chúng ta ai cũng có một gia đình hoặc một vài người bạn, có thể không nhiều nhưng mình tin là họ chắc chắn sẽ mở lòng, kết nối và chia sẻ với bạn những lúc bạn cô đơn hay khó khăn nhất.
Nhưng nếu họ không thấy được mặt bạn, mà chỉ nhìn thấy cái phấn nền hiệu “Tôi ổn” cùng với một nụ cười luôn tươi. Thì làm sao họ biết bạn đang cô đơn để kết nối và chia sẻ!
Mình thường gọi cái này là thành thật với bản thân, thừa nhận rằng mình đang gặp một vấn đề mà mình chưa thể gọi tên.
Điều thứ hai, đó là
Đừng cố đâm đầu vào “bức tường” giữa bạn và người khác.
Bức tường đó có thể là sự giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, trình độ,... thậm chí là thần tượng.
- Fan GD sẽ rất khó để kết nối và chia sẻ với Fan Sơn Tùng trong âm nhạc
- Người giàu sẽ rất khó nói chuyện với người nghèo về việc đầu tư
- Học sinh cấp 2 sẽ rất khó nói chuyện với sinh viên năm cuối về thuyết tương đối của Einstein.
v.v
Tại sao chúng ta không đi vòng qua bước tường mà cứ cố gắng đâm đầu vào nó.
- Fan GD và Fan Sơn Tùng có thể nói chuyện với nhau về công nghệ mà…
- Người giàu và người nghèo vẫn có thể chia sẻ với nhau nỗi cô đơn mà…
- Học sinh cấp 2 và sinh viên năm cuối có thể nói chuyện với nhau về âm nhạc mà…
v.v
Thay vì xây tường hay cứ đâm đầu vô tường thì mình chọn cách dễ hơn chút. Đó là chấp nhận nó và né nó đi là được!
Và cuối cùng
Đôi khi có thời gian cô đơn một chút, nó lại TỐT!
Nếu bạn nào đang có chế độ ăn diet hoặc eatclean sẽ biết, có thể mỗi tháng chúng ta sẽ có một vài ngày không ăn, chỉ uống nước ép, sinh tố,... Và những ngày đó gọi là Detox!
Sự cô đơn có kế hoạch chính là sự detox cho cơ thể khỏi một xã hội phát triển đang quá bận rộn, mất quá nhiều năng lượng cho việc giao tiếp, công việc và kết nối.
Cái này đối với những bạn sống hơi hướng nội một chút thì chắc là nó khá đơn giản, mấy bạn hướng nội có khi ngày nào cũng detox. Detox đến mức cơ thể không còn gì vẫn detox.
Còn đối với các bạn hướng ngoại thì việc lên kế hoạch để ở một mình là một điều gì đó khá xa xỉ. Nó quá khó đi, thiếu kết nối một chút là đã chịu không nổi rồi chứ đừng nói là lên hẳn một kế hoạch để chủ động ngắt kết nối.
Nhưng dù là hướng nội hay hướng ngoại thì vẫn là nên!
Lâu lâu có kế hoạch cho sự cô đơn, ngắt bớt những kết nối từ bên ngoài, đi sâu hơn vào đời sống nội tâm để kết nối với chính bản thân mình. Đồng thời giữ lại cho mình chút năng lượng cho những hoạt động cần thiết hơn.

Mình từng cô đơn đến mức rối loạn lo âu

Mình là đứa đã từng có khoảng thời gian thật sự CÔ ĐƠN và nó tệ đến mức mình bị rối loạn lo âu.
Lúc đó mình có yêu một bạn, sau một thời gian thì mình cảm thấy rằng đời sống cá nhân của mình khá mất cân bằng và mất cả cân bằng với các mối quan hệ xã hội khác.
Sau một thời gian thì cuộc tình đó dừng lại, và việc mất cân bằng của mình đã khiến cho mình cảm thấy rất rất CÔ ĐƠN.
May mắn là mình đã dám cởi mở và thừa nhận rằng mình đang gặp vấn đề về đời sống tinh thần. Không còn cách nào khác, mình tự thân đi tìm cách để chữa lành.
Giai đoạn đó mình đọc cũng nhiều, xem và nghe cũng nhiều để tiếp thu. Thử cũng khá nhiều cách. Nhưng dường như những thứ mà mình tìm được lúc đó chỉ là cái ngọn của vấn đề.
Nghĩa là mình chỉ bớt bớt cô đơn được một lúc thôi, nó như kiểu thuốc giảm đau á. Giảm đi cảm giác đau thôi chứ vết thương thì nó vẫn ở đó.
Rồi vô tình mình xem được video nói về sự cô đơn của anh Nguyễn Hữu Trí, đột nhiên mình nhận ra được là cái gốc của vấn đề ở đâu để rồi đi sâu hơn để chữa lành bản thân một cách tận gốc nhất.
Thật sự rất rất cảm ơn anh Trí vì một bài giảng quá hay đúng vào lúc em bất ổn nhất!
Mình thật sự dần dần hồi sinh sau khi hiểu được những điều ấy. Sống bằng cảm xúc thật nhiều hơn, cởi mở đón nhận và chia sẻ hơn. Dành thời gian một mình một cách chất lượng hơn.
Đến thời điểm này thì thật sự là mình đã cảm thấy mình ổn hơn rất nhiều, đôi lúc sự cô đơn nó vẫn tìm đến. Tùy mỗi lúc khác nhau mình sẽ đón nhận nó bằng một cách khác nhau.
Nếu nó quá tiêu cực, mình chọn cách tìm sự trợ giúp từ bên ngoài như bạn bè, người thân,...
Còn nếu mình cảm nhận nó không quá tiêu cực, mình biết nó chỉ đến như một tín hiệu của cơ thể để báo cho mình rằng à mày đang cô đơn thì có thể mình sẽ chọn cách chấp nhận và enjoy sự cô đơn ấy.
Nói chung thì
CÔ ĐƠN đáng sợ thật đó nhưng có lúc không đáng sợ lắm!
Chỉ là chúng ta đón nhận nó như thế nào mà thôi và có dám chấp nhận nó hay không thôi.