CLB Sinh Viên Lập Nghiệp - CSS
Hành trình 4 tháng không thể quên Từ ngày lên đại học tôi tôi đã từng nghĩ rằng 5 năm đại học của tôi sẽ vùi sâu vào sách vở và những...
Hành trình 4 tháng không thể quên
Từ ngày lên đại học tôi tôi đã từng nghĩ rằng 5 năm đại học của tôi sẽ vùi sâu vào sách vở và những con chữ. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ không thể tham gia khởi xướng điều gì đó tốt, điều gì đó mang lại giá trị cho cộng đồng. Mấu chốt là cái bản tánh ngại giao tiếp nơi đông người được bồi đắp từ những ngày học cấp 3, tôi luôn là người khá nhút nhát trong lớp cũng như trong các hoạt động tập thể. Điều này thể hiện khá rõ ràng khi đứng trước ánh nhìn của mọi người là tôi lại ngại ngùng và thiếu tự tin hơn cả.
Tôi muốn nói về căn nguyên hình thành của CLB từ những ngày đầu tiên.
Một buổi chiều tháng 11 năm đó (2018), sau khi vừa kết thúc 1 công việc tại công trường mà tôi đã gắn bó trong 3 tháng. Tôi ngồi lại với người thầy của tôi, cùng chia sẻ lại những trải nghiệm và đúc rút những bài học mà công việc đã mang lại. Dưới ánh nắng xiên qua lũy tre ngà xuống hàng ghế đá, tôi thổ lộ nỗi niềm chán chường, tâm tư và khúc mắc từ bấy lâu nay về trải nghiệm của tôi.
Tôi của ngày đó khác tôi của bây giờ, trong tâm trí luôn đổ lỗi cho nền giáo dục, cho môi trường đang sống, cho xã hội, thậm chí cả những người xung quanh. Trải qua 3 công việc bán thời gian, tôi chưa học được những kỹ năng bài bản nào cả, đã hơn 1 năm rưỡi đi làm thêm bên ngoài kể từ cái ngày đầu tiên lên đại học mà tất cả vẫn chỉ thật manh mún. Tôi đã từng là một nhân viên nhiệt huyết tại tạp chiếu phim, đã từng là một chú tiNi nhanh nhẹn và yêu quý các cháu, đã từng là một phụ tá quản lý thi công sàn gỗ tất bật.
Tôi sẽ còn là gì, là ai nữa đây? – Đó là câu hỏi mà tôi đang rất băn khoăn thời điểm đó.
Sau những tâm sự của tôi và nhận lại lời khuyên từ thầy, ở cái tuổi của tôi làm gì có mấy người đã rõ ràng về tương lai của tôi, duy chỉ có 5% những người trẻ xuất sắc mới thực sự vượt lên, còn lại tôi và rất nhiều người trẻ bình thường khác cũng chỉ nằm trong 60% những người trẻ đang lạc lối tìm kiếm cho tôi một con đường. Trải lòng với thầy, tôi đôi phần cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước cái thực tại vô định của tôi.
Cuối cùng tôi hỏi thầy: Môi trường nào sẽ phù hợp với một sinh viên năm hai như em? Phù hợp cho những người giống như em? Tại sao không có môi trường đủ phù hợp cho những bạn sinh viên mong muốn phát triển bản thân ạ? Tại sao không ai chịu làm?
Thầy có nói một câu mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ: “Nếu không tìm được môi trường phù hợp để rèn luyện thì tại sao không tự xây dựng môi trường cho tôi và những người xung quanh?”
Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi từng nghĩ đến việc tạo ra môi trường mà chính tôi trở thành một phần trong đó. Tôi chỉ là một người sinh viên năm 2 bình thường thôi mà… Suy nghĩ một hồi, tôi cũng nhận lời bắt đầu hành trình khởi xướng một CLB lần đầu tiên trong đời một cách hào hứng và hồi hộp.
Những ngày đầu tiên, tôi được hướng dẫn rất ít bởi nguyên tắc giữa tôi và thầy là tôi phải tự trưởng thành qua từng trải nghiệm, mentor chỉ là người gợi mở con đường.
Lúc đó, CLB chưa có tên? Cấu trúc một CLB như thế nào? Cốt lõi của nó? Giá trị cốt lõi nó mang lại cho cộng đồng cụ thể là gì? Kiếm thành viên ở đâu? Sứ mệnh là gì? Tầm nhìn như thế nào? CLB sẽ chịu chi phối của nhà trường hay doanh nghiệp?... Cả tá câu hỏi ập đến với tôi.
Tôi khá lạc lõng, nhưng tôi cũng nhanh chóng tự tay lập nên bản kế hoạch tất tần tật mọi thứ cho một CLB, tất nhiên trước đó phải tìm kiếm thông tin rất nhiều trên mạng. Tôi tìm đọc rất nhiều tài liệu để thành lập một CLB hoàn chỉnh, từ tên, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn, những ban bệ trong CLB, nội quy, quy trình tuyển thành viên, hoạt động offline, online của CLB,... Về mặt lý thuyết việc xây dựng một CLB cũng tương tự như việc xây dựng một tổ chức, một doanh nghiệp, nhưng thực tế khó hơn tôi tưởng rất nhiều, tôi bắt đầu rối và cần sự hỗ trợ từ mentor là người thầy của tôi.
Việc trao đổi với người mentor khiến tôi dần vỡ ra nhiều điều hơn, CLB sẽ là cầu nối kết nối 3 bên đó chính là sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức này sẽ mang sứ mệnh lớn lao giúp cho mọi sinh viên sau khi ra trường đều kiếm được công việc chuẩn mực và bền vững. Điều này cần sự thúc đẩy cả 3 bên phải cùng chung tay hành động, nhưng chính những bạn sinh viên mới là nhân tố khiến CLB phát triển. Đúng rồi, mình cần tìm kiếm những thành viên đầu tiên đặt nền móng cho CLB, hay còn gọi là những Co-Founder.
Mình nhanh chóng tìm kiếm được những bạn đầu tiên bằng một vài cách như đi comment dạo, đăng bài tuyển người trên nhóm của trường. Sau đó, mình trao đổi với từng bạn qua tin nhắn để lọc trước những người tiềm năng, cuối cùng chốt lại 5 thành viên đầu tiên, điều trùng hợp là chúng tôi đều là sinh viên Bách Khoa.
Chúng tôi nhanh chóng bước vào những giai đoạn hoạt động gây dựng CLB bằng những cuộc gặp gỡ, những nhóm chat trao đổi. Tôi, ngay sau buổi gặp mặt phổ biến với các thành viên bắt đầu với vai trò là người kết nối cũng là người khởi xướng CLB, tôi vạch ra nhiều quy trình để áp dụng thử cho nhóm, chọn cách phân quyền đều cho những thành viên để không ai cảm thấy thiệt thòi. Sau giai đoạn 1 hoạt động khá năng nổ, nhóm đi đến thống nhất được tên của CLB là CLB Sinh viên lập nghiệp – CSS cùng với giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh rất tốt đẹp.
Tiếp sau đó, chúng tôi được gặp gỡ và giao lưu với những doanh nhân trong một buổi thuyết trình trao đổi để đưa ra phương hướng phát triển CLB trong tương lai. Buổi hôm đó tôi không nói được nhiều, nhưng lại đóng vai trò là người ghi chép báo cáo buổi nói chuyện. Chợt nhận ra khả năng ghi chép tốc ký của mình khá tốt, gần như tôi không bỏ sót bất kỳ lời chia sẻ nào từ phía anh chị chủ doanh nghiệp. Ngày hôm đó nhóm thực sự mở mang đầu óc khi được tiếp xúc với những anh chị có tâm có tầm đang đứng đầu những doanh nghiệp ngoài thương trường khốc liệt, mặc dù kết quả buổi hôm đó không tốt, nhưng chúng tôi ai nấy đều cảm thấy hứng thú và quyết liệt hơn. Cũng là một cái duyên khi tôi gặp được chị Liên, một nhân vật tôi sẽ gặp lại khá nhiều trong tương lai.
Nhưng mọi chuyện tiếp đó không suôn sẻ, nhóm dần tan rã với việc 2 thành viên năm 3 dần lạc nhịp và xin rút khỏi nhóm. Chúng tôi còn lại 3 người và đứng trước nguy cơ giải tán. Giải pháp cấp bách ngay lúc đó là tuyển mộ thêm thành viên phù hợp hơn. Chúng tôi đến giai đoạn 2 với việc kết nạp thêm 3 thành viên mới trong đó có 1 bạn đến từ đại học Kinh Tế Quốc Dân tạo làn gió mới cho nhóm.
Lúc này chúng tôi làm việc hiệu quả hơn, phân đầu việc rõ ràng hơn dần hoàn thiện những mảng việc như nội quy nhóm, xây dựng những hoạt động online và offline cho nhóm, xây dựng quy định thưởng phạt, lên kế hoạch rèn luyện thói quen cho từng người,…
Nhưng cũng chính giai đoạn này, nhóm dần xảy ra xung đột quyền lực giữa các thành viên với nhau, nhiều lúc cũng rất căng thẳng vì quan điểm của người này đưa ra bị người kia phản đối những đầu việc không thể thống nhất, thậm chí nhiều khi chính tôi cũng vướng vào những tranh cãi vì bất đồng quan điểm thay vì đứng giữa để điều phối nhóm.
Những lúc như vậy, tôi chọn cách nói chuyện riêng với từng thành viên trong nhóm, với mỗi người tôi lại có cách nói chuyện khác nhau, mục đích của tôi chính là hiểu về từng người hơn và quy những ý kiến trái chiều thành một hướng. Nếu khó tôi sẽ hỏi ý kiến của mentor để nhận được những lời khuyên và góp ý điều chỉnh. Tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn 2, mọi thứ đầy căng thẳng.
Khi mà nhóm đã cơ bản vượt qua những căng thẳng ban đầu, đã xây dựng được những thói quen chung hàng ngày để kết nối với nhau tốt hơn, nhưng nhóm tiếp tục phải chia tay những thành viên không còn phù hợp với văn hóa CLB để kết nạp thêm những thành viên mới.
Nhưng chính lúc này chúng tôi mới đối mặt với thử thách thật sự, nhóm gặp bế tắc trong việc xác định thành viên tiềm năng cho CLB, chúng tôi tìm hiểu rất nhiều, tham khảo những nhóm trong trường để tự xây dựng chân dung thành viên mà CLB hướng tới phù hợp với giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh mà chúng tôi vẽ ra. Thêm một vài khảo sát thực tế về nhân khẩu học, thói quen, thời gian biểu và bước vào những vòng thuyết trình phản biện nhau để chọn ra đối tượng mà chúng tôi sẽ hướng đến trong tương lai. Nhưng bước này có vẻ quá sức với nhóm, chúng tôi cứ quẩn quanh xây rồi lại đập qua 2-3 tuần lễ, liên tục là những cuộc họp căng thẳng. Và tôi biết nhóm đang mất kiểm soát và tôi cần sự trợ giúp của mentor. Nhưng thầy lúc này chủ động không gợi ý nhiều cho chúng tôi nữa, thầy muốn chúng tôi tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó.
Sau khoảng thời gian bế tắc, thói quen của chúng tôi dần bị phá vỡ, bỏ bê, sự gắn kết của nhóm dần yếu đi, lúc này tôi biết đã đến giai đoạn 3, giai đoạn tan giã. Tôi lại hỏi mentor của tôi về bước tiếp theo, thầy nói rằng đây là lúc thanh lọc ra những nhân tố cốt lõi phù hợp nhất để bước sang giai đoạn mới, hãy mạnh dạn từ bỏ những người không phù hợp với CLB. Điều đó là tốt cho tất cả.
Cuối cùng thì, nhóm 7 người trong buổi gặp để đưa ra lựa chọn đi tiếp hay dừng lại, chỉ còn 3 người trong chúng tôi chọn đi tiếp trong đó có tôi, chúng tôi ngồi lại cùng nhau, tâm sự cởi mở với nhau về 4 tháng cùng nhau trải nghiệm xây dựng 1 CLB, rất nhiều cảm xúc, rất nhiều bài học cho từng thành viên, và có lẽ tôi chính là người học được nhiều điều nhất qua mọi chuyện.
Sau rồi, 3 chúng tôi cũng chính là 3 thành viên cốt lõi nhất của nhóm, tiếc thay chúng tôi lúc đó lại có những dự định riêng của bản thân, dự định tiếp tục với CLB bị gác lại cho đến ngày hôm nay, dù không còn hoạt động cùng nhau nhưng chúng tôi vẫn là những người bạn, thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với nhau về công việc, cuộc sống.
Đối với tôi, với góc nhìn của một người đi từ những ngày đầu tiên cho đến cuối cùng của CLB, được quan sát và theo dõi sự hình thành và phát triển của một tổ chức, được trực tiếp điều phối, dàn xếp công việc giữa những thành viên giúp tôi học được thật nhiều điều. Đến đây, sau một khoảng thời gian trải nghiệm tiếp theo, tôi mới thấy việc thành lập 1 tổ chức không hề đơn giản và nó cũng giốn như khi bạn thành lập 1 công ty vậy, có điều lập công ty còn khó khăn hơn bội phần. Nếu nhìn lại giai đoạn đổ vỡ của chúng tôi thì thật ra chúng tôi đã vấp ngã tại bước tìm kiếm khách hàng của mình, không biết thành viên CLB là đối tượng nào thì tuyển mộ sao cho được. Chẳng phải ngoài kia có hàng ngàn doanh nghiệp lập ra cũng vậy và phải trả giá đắt vì không kiếm nổi khách hàng hay sao?
Thật ra đến bây giờ tôi mới biết vì sao ngày ấy mentor không giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn cuối cùng đó. Trải nghiệm đó đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn thật nhiều, giúp mỗi người bớt đi sự ảo tưởng, sự nông nổi của tuổi trẻ để coi đó làm bài học sâu sắc cho bản thân. Cuối cùng chúng tôi đã chiến thắng chính bản thân mình, chấp nhận cái sai, chấp nhận chịu hậu quả vì thiếu hiểu biết và tìm tòi, không một ai hối hận vì thất bại đó. Nếu mai sau, có làm lại, tôi tin rằng mỗi người đều sẽ vững bước hơn trên chặng đường của mình, tôi tin là như vậy.
Chưa biết tương lai sẽ ra sao, nhưng trong lòng tôi vẫn luôn nung nấu ý định khởi xướng thêm nhiều tổ chức, nhiều cộng đồng tốt hơn, mạnh hơn, mang lại giá trị lớn hơn cho mọi người. Biết là cô đơn, biết là phải mò mẫm trong bóng tối, phải lao động chăm chỉ mỗi ngày đấy, nhưng tôi biết mình đang đi đúng con đường của mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất