Có lẽ không họa sĩ nào trong lịch sử có thể sử dụng màu sắc chính xác hơn Claude Monet. Để sáng tác chùm tranh hoa súng và hồ nước lừng danh, Monet đã đến một địa điểm hàng chục lần, những mong bắt trọn từng chi tiết về màu sắc và sắc độ. Kết quả ông gặt hái được đã ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ huyền thoại khác. Họa sĩ Paul Cézanne từng nhận xét: "Monet chỉ là một con mắt, nhưng Chúa ơi, con mắt ấy mới tuyệt làm sao."
Tuy nhiên, vào thập niên 1910, cặp mắt thần kỳ của Monet đã gặp trục trặc. Ông bị đục thủy tinh thể, và đau đớn hơn, mắt ông ngày càng lòa dần. Monet tâm sự với bạn bè rằng chắc ông sẽ sớm phải bỏ nghiệp vẽ. Ý nghĩ ấy giày vò ông: với Monet, sống mà không được vẽ tranh thì chẳng khác gì không sống.
Đứng trước khủng hoảng sự nghiệp nghệ thuật, Monet thu hết can đảm để bước vào phòng phẫu thuật và bước ra với một năng lực mà người bình thường không có: nhìn được tia cực tím.
<i>Rose Arches at Giverny&nbsp;(Vòm hoa hồng ở Giverny), Claude Monet, 1913.</i>
Rose Arches at Giverny (Vòm hoa hồng ở Giverny), Claude Monet, 1913.

LÃNH ĐỊA CỦA TIA CỰC TÍM

Mắt người có một loại tế bào giúp phát hiện màu sắc gọi là tế bào hình nón (cone). Có ba loại tế bào hình nón, nhưng đại đa số động vật có vú chỉ có hai loại, khiến cho bảng màu sắc quan sát được tương đối giới hạn. Ví dụ, chúng ta thấy biển báo dừng lại màu đỏ. Nhưng loài chó thì không thể thấy màu đỏ vì chúng thiếu tế bào hình nón cần thiết. Với chó, màu đỏ sẽ thành màu xám buồn tẻ.
Ngược lại, một số loài động vật có khả năng nhìn được dải màu sắc rộng hơn con người chúng ta. Mắt người quan sát được phổ ánh sáng trải từ đỏ (bước sóng khoảng 750 nanometer) cho tới tím (380 nanometer). Vượt ra ngoài vùng ánh sáng tím khả kiến là vùng tia cực tím (UV), có bước sóng ngắn hơn.
Với chúng ta, tia cực tím là vô hình. Nhưng nhiều loài động vật vẫn thấy được tia cực tím, nhất là côn trùng. Một số côn trùng phụ thuộc vào tia cực tím để tồn tại. Bướm dùng các đốm sáng cực tím trên cánh để phân biệt giống đực với giống cái. Tương tự, một số giống hoa, trông rất tẻ nhạt dưới con mắt của chúng ta, thực ra có đủ các sọc và vòng xoáy cực tím và để dụ ong tìm đến (Một số nhà khoa học còn gọi màu sắc cực tím này là màu "tím ong" (bee purple). Nói chung, thiên nhiên ngoài kia có cả một thế giới màu sắc hoàn toàn vô hình trong mắt chúng ta.
Con người không thấy được ánh sáng cực tím. Nhưng khiếm khuyết này không có cùng căn nguyên với việc chó không thấy được màu đỏ. Chó không thấy được màu đỏ vì tế bào hình nón của chúng không thể phát hiện được màu này. Còn thứ ngăn cản chúng ta thấy được tia UV chính là thủy tinh thể (lens) của mắt - bộ phận chịu trách nhiệm lọc ra tia UV.
Phổ màu sắc quan sát được của chó và người. Có thể thấy trong mắt của loài chó, màu đỏ chỉ là màu xám xịt.
Phổ màu sắc quan sát được của chó và người. Có thể thấy trong mắt của loài chó, màu đỏ chỉ là màu xám xịt.

NGƯỜI HỌA SĨ BỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ

Ngả đường dẫn Monet đến với xứ sở ánh sáng cực tím mở ra từ năm 1905, lúc ông 65 tuổi, khi đó ông nhận thấy thị lực 20/20 của mình ngày càng kém đi. Đến năm 1912, thị lực Monet giảm còn 20/50 và vẫn trên đà đi xuống.
Tệ hơn nữa, cảm nhận màu sắc của ông bắt đầu tụt dốc. Màu sắc không còn đến với Monet như trước đây nữa. Mỗi năm, mọi vật trong mắt Monet càng lúc càng nâu hơn, xám xịt hơn. Cuối cùng, Monet đi khám bác sĩ nhãn khoa và được chẩn đoán mắc đục thủy tinh thể (cataract). Giới sử gia suy đoán rằng một trong những nguyên nhân khiến Monet mắc phải căn bệnh này là do ông dùng sơn có chứa thành phần chì.
Claude Monet trong xưởng vẽ, năm 1920. Thời kỳ này ông đang bị đục thủy tinh thể.
Claude Monet trong xưởng vẽ, năm 1920. Thời kỳ này ông đang bị đục thủy tinh thể.
Đối mặt với tai họa này, Monet phản ứng theo cách rất con người. Ông kệ xác căn bệnh, hy vọng rằng nó sẽ... tự khỏi. Ông vẫn miệt mài sáng tác càng nhiều càng tốt, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh mới. Vì đục thủy tinh thể có thể gây ra hiện tượng lóa, Monet phải đội mũ rơm mềm khi ra ngoài trời. Và giờ đây, ông chỉ có thể vẽ vào gần lúc bình minh hoặc hoàng hôn, thời điểm ánh sáng dịu mắt nhất.
Như ta có thể đoán, gác vấn đề qua một bên thì vấn đề cũng chẳng tự bay hơi đi được, thị lực của Monet vì thế mà ngày càng kém đi. Trong giai đoạn 1912-1918, thị lực của ông tụt từ khoảng 20/50 xuống còn khoảng 20/100. Đến năm 1922, ước tính con số này là 20/200, gần như mù lòa.
Chất lượng tác phẩm của Monet cũng suy kém. Thay vì những nét cọ tỉ mẩn, tinh tế như trước đây, nét cọ của ông giờ đây thô và dày. Không còn những điểm nhấn ánh sáng, cũng không còn không gian ngập nắng nữa. Bảng màu của Monet cũng thay đổi. Ông đặc biệt gặp khó khăn trong việc nhìn nhận màu lạnh, như xanh dương hoặc xanh lục: hoa súng giờ đây ngả sắc nâu, còn hồ nước trông như ao tù.
Khi mọi chuyện càng ngày càng tệ, Monet cố gắng bù đắp cho màu xanh bằng cách cho màu đỏ và vàng trỗi dậy. Trong vài trường hợp, khu vườn yêu dấu của ông nhìn giống như hỏa ngục vậy. Tưởng đâu Monet đang thể hiện ý niệm của ông về cõi u minh.
Tuyệt vọng, Monet bắt đầu đi khám bác sĩ ở tận những nơi xa xôi như London, xin họ tìm cách chữa trị. Ai cũng bảo ông cần phẫu thuật thủy tinh thể. Lần nào ông cũng từ chối. Sau khi biết tin cuộc phẫu thuật kiểu này đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của nữ họa sĩ Mary Cassatt vào năm 1919, Monet càng kiên quyết không phẫu thuật.
<i>The Japanese Footbridge (Cầu đi bộ Nhật Bản), Claude Monet, 1920-22</i>
The Japanese Footbridge (Cầu đi bộ Nhật Bản), Claude Monet, 1920-22
Đến năm 1922, tình trạng của Monet tệ đến nỗi ông chỉ còn có thể nhận ra một vài màu. Ông phải đánh nhãn cho tuýp sơn bằng khối chữ cái và phải đặt tuýp sơn vào cùng một vị trí để tìm chúng dễ hơn.
Cuối cùng, Monet không còn lựa chọn nào khác ngoài phẫu thuật. Ca mổ diễn ra vào tháng Một năm 1923. Bác sĩ chỉ phẫu thuật một bên mắt (phần lớn nguồn tài liệu nói là mắt phải), để nếu chẳng may có chuỵện gì xảy ra, thì Monet vẫn còn con mắt kia mà dùng.
Trong thời kỳ hồi sức, Monet phải nằm yên một chỗ trong suốt nhiều ngày trời. Đầu ông được đặt giữa các túi cát nhằm đảm bảo ông không thể cử động. Trong nhiều tuần sau đó, Monet phát điên vì phải đeo băng quanh mắt.

BƯỚC CHÂN VÀO MỘT THẾ GIỚI BÍ ẨN

Kết quả ban đầu đúng như Monet lo sợ. Vừa tháo băng ra, Monet phải đeo một chiếc kính đặc biệt bóp méo mọi vật. Ông gọi giai đoạn bình phục này là thời kỳ thử thách "khiếp hãi" và bắt đầu gắt gỏng quát tháo bất kỳ ai xung quanh. Ông tin rằng sự nghiệp của mình đã chấm dứt, giống như họa sĩ Cassatt bạn ông.
Monet sau cuộc phẫu thuật năm 1923
Monet sau cuộc phẫu thuật năm 1923
Dẫu vậy, Monet đã thoát khỏi số phận giống Cassatt. Mắt ông dần bình phục. Năm 1924, ông đeo một chiếc kính mới được thiết kế riêng cho bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Chiếc kính này rất đắt: một cặp mắt kính đắt bằng một căn hộ bốn phòng hạng sang. May mắn cho Monet là mọi chuyện đều trở lại bình thường.
À, thực ra cũng không bình thường lắm đâu. Như đã nói ở trên, thủy tinh thể đảm nhiệm chức năng ngăn tia UV đi vào mắt người. Khi thủy tinh thể của Monet được loại bỏ, vách ngăn này đã không còn. Các tác phẩm của Monet hoàn thành trong thời gian này cho thấy ông có thể nhận diện được màu "tím ong" bí ẩn. Với côn trùng, hoa súng có có một quầng sáng tím bao quanh, Monet cũng bắt đầu vẽ hoa với nhiều sắc lam và tím hơn bao giờ hết.
Monet không phải là trường hợp duy nhất. Ngày nay, bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa vẫn loại bỏ thủy tinh thể của các bệnh nhân mắc đục thủy tinh thể và thường thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo có khả năng chặn tia UV. Nhưng trước thập niên 1980, thủy tinh thể nhân tạo không chặn được tia UV, và không phải ai cũng được "lắp" thiết bị này. Kết quả là những người đó thường nhận diện được cái thế giới bí mật của loài bướm cánh đốm và hoa cuộn xoáy.
Sau ca phẫu thuật, Monet chối bỏ các tác phẩm ông sáng tác trong suốt thời kỳ bị đục thủy tinh thể. Khi thị lực bình phục, ông thấy căm ghét những nét cọ thô kệch và màu sắc chói mắt của thời ấy. Còn có giai thoại, có lẽ là ngụy tạo, về việc Monet bí mật mang sơn vào phòng trưng bày tranh và "sửa sai" các tác phẩm của ông đang treo trên tường.
Một số bức tranh dường như vô phương cứu chữa. Ông đã dùng dao mỹ thuật rạch nát chúng đúng như ông từng nói "Tôi bị một cơn thịnh nộ xâm chiếm" mỗi khi thấy chúng.
<i>Water Lilies, Agapanthus (Hoa súng, </i><i>Agapanthus ), Claude Monet, 1920-1926</i>
Water Lilies, Agapanthus (Hoa súng, Agapanthus ), Claude Monet, 1920-1926
Một số học giả hiện nay coi những bức tranh vẽ trong thời đục thủy tinh thể có giá trị riêng. Dĩ nhiên đó là sản phẩm của một con mắt mang bệnh. Nhưng hiểu về cách người mắc đục thủy tinh thể tri nhận thế giới cũng là một dữ liệu quan trọng đối với các nhà khoa học về thị giác và bác sĩ nhãn khoa.
Không chỉ vậy, các bức tranh này còn quan trọng về mặt nghệ thuật. Cho đến thập niên 1920, thế giới hội họa về cơ bản đã chuyển dịch từ trường phái Ấn tượng sang loại hình hội họa ít thể hiện hiện thực hơn. Trong những trào lưu nghệ thuật mới ra đời này, họa sĩ thường dùng màu sắc theo cách mới mẻ để làm biến dạng hình ảnh. Màu sắc không cần tuân theo thực tại nữa. Bạn có thể dựng nên cả một đại dương đỏ rực hoặc bầu trời xanh lá, hay bất cứ điều gì bộc lộ trạng thái tình cảm của bạn.
Dẫu chỉ là chuyện ngoài ý muốn, Monet đã thực hiện những điều tương tự với màu sắc chói lọi và nét cọ dày dặn. Vì vậy, mặc dù chính Monet chối bỏ các tác phẩm thời đục thủy tinh thể, một số học giả coi chúng là cầu nối giữa họa sĩ Ấn tượng của thế kỷ 19 với họa sĩ Biểu hiện trừu tượng của thế kỷ 20. Là một tai họa với Monet, nhưng lịch sử lại đi đúng hướng với tai họa đó.
Lược dịch từ bài viết "Could Claude Monet See Like a Bee? "của tác giả Sam Kean đăng tải trên www.sciencehistory.org