Năm ngoái, mình học môn Kỹ năng mềm – môn tự chọn. Tưởng đâu được học những kỹ năng quan trọng, đại loại như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm hay… có khi được học cả kỹ năng sinh tồn. Nhưng không, môn Kỹ năng mềm đọng lại trong mình chỉ còn là những tiết học vô thưởng vô phạt với giảng đường hơn 200 sinh viên đủ mọi thể loại ngành trong trường. Là hình ảnh thầy giáo đứng lớp cứ nói và nói, còn bên dưới thì ồn vô cùng ồn. Là không gian vừa kín, vừa ồn và điều hòa hỏng và, chưa bao giờ thôi ồn trong hai tiếng rưỡi. Mình vốn ghét ồn ào và thiếu tôn trọng ( ở đây là tôn trọng giảng viên khi giảng bài ). Vì thế mà môn học tự chọn nói chung và Kỹ năng mềm nói riêng, nghe thiên hạ đồn là AUTO A, không đi buổi nào vẫn A – bỗng chốc trở thành một trải nghiệm cực kỳ toxic ( ít nhất thì đối với kẻ khó tính, ẩm ương như mình.)
Pinterest
Pinterest
Tuy nhiên, có một khái niệm được học từ những buổi đầu là mình nhớ như in : đội, nhóm ( bọn sinh viên thì thích gọi team ) và các cách để làm việc nhóm hiệu quả, các biểu hiện của một cá nhân có trách nghiệm, hợp tác tốt. Nhóm là một tập hợp từ hai người trở lên có cùng mục tiêu (nhiệm vụ, chí hướng, nhu cầu, đam mê, sở thích, thói quen...). Khái niệm team đơn giản và dễ nhớ đấy chứ, nhưng mà thực tế có giống lý thuyết đâu- thế mới có chuyện để nói. Nhóm nào mà chả có trên hai người và trong số từng đấy người, ai chả có mục tiêu giống nhau, làm nhóm với nhau để cùng được điểm cao môn này, để chia nhỏ công việc cho đỡ nặng? Thế vậy cớ làm sao không mấy ai mặn mà với chuyện làm nhóm. Ít ra thì đến thời điểm hiện tại, những người mình biết, đứa bạn cùng lớp hay anh người yêu hết sức dễ tính ( điểm 90/100 dễ tính ) của mình đều không thích trải nghiệm làm nhóm?
Và đương nhiên, mình và chuyện làm nhóm có thể viết hằng mấy sớ. Mọi người thường dễ dàng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Bề ngoài mình ít nói, trầm tính và cực kỳ khó gần nên dễ dẫn đến kết luận: mình là người khó tính. Anh người yêu cũng nói mình khó tính nhưng khó theo kiểu bắt người khác phải làm theo ý của mình mới chịu, khó tính đến vô lý? Và còn kiểu khó tính nào khác nữa không thì mình không biết, khó tính cũng cần phải hợp lý với người khác nữa mới được coi là khó tính healthy? Mình cũng tự nhận mình khó tính mà, điểm Agreeableness ( độ dễ tính/dễ chịu của một người) của mình chỉ có 14/100, cực kỳ thấp. Nếu quan tâm bạn bạn có thể làm bài test tại:
"Agreeableness là một trong năm đặc điểm tính cách của lý thuyết tính cách Big Five. Một người nếu có mức độ Agreeable cao trong bài test thường là người có tính cách ấm áp, thân thiện và khéo léo. Họ thường có cái nhìn lạc quan về bản chất con người và hòa đồng với những người khác. Ngược lại, nếu mức độ Agreeable của một người thấp thì anh ta thường có xu hướng đặt lợi ích của bản thân lên trên người khác, xa cách, không thân thiện và khó hợp tác."
Kết quả của mình
Kết quả của mình
“Người dễ tính và bọn khó tính trong làm việc nhóm” hay “ Hướng đi nào cho bọn người khó tính trong môi trường làm việc tập thể” . Không không không, mình sẽ không viết tiếp theo hướng khái quát hóa như vậy. Bài viết dưới đây sẽ nói về chuyện mình làm nhóm và kinh nghiệm của bản thân rút ra được từ những lần làm nhóm đó. Trải nghiệm đó có toxic không? Mình cũng chả biết nói thế nào, vì khái niệm toxic mỗi người mỗi khác, với bạn này thì thái độ của đứa này thật toxic, nhưng với con bạn bàn bên “ t thấy cũng bình thường mà, hay m làm quá lên ?” Còn với mình, việc không gian vừa kín vừa ồn, không cho ai học, lại thêm thái độ thiếu tôn trọng và hỏng điều hòa thì đúng là không còn trải nghiệm nào toxic hơn thế. Vậy nhé! Câu chuyện bắt đầu.
Khó tính khác khó hợp tác
Khó tính khác khó hợp tác
Cuối năm hai, mình mới thực sự vào chuyên ngành. Chuyên ngành không phải chỉ học các kiến thức chuyên sâu, khó nhằn và nặng. Chuyên ngành mới thực sự là môn dạy cho mình nhiều nhất về kỹ năng làm việc nhóm. Chuyên ngành dạy mình phải làm sao có tính cách ôn hòa để “thu hút” các bạn !

Từ team member đến team leader

Suốt kỳ học năm hai và lên đầu năm ba, mình chỉ làm việc duy nhất với một nhóm, gồm ba bạn nữa. Nhóm mình khi ấy kiểu lười như đười ươi, nước đến chân mới nhảy. Lý do thì có muôn vàn. Bài tập nhóm là phần thi cuối kỳ (nghĩa là sát hôm thi làm cũng được ). Chúng mình vẫn còn nhiều môn đại đương nặng không kém để mà đầu tư thời gian, thi cho qua cái đã. ,…Mình không phải team leader. Mình sống trong tâm thế thụ động, đợi có sự phân chia công việc từ leader thì làm, không thì thôi, không quan tâm lắm. Có thì mình chỉ làm đúng phần được giao thôi! Ôi trời ơi, sao tôi lại có thái độ như thế nhỉ, tại sao? Leader khi ấy hiền và dễ tính vô cùng, đến nỗi mình còn chả được bài vở có tốt hay không, có khen hay chê ai không, bắt ai làm lại không, nhưng cuối kỳ chúng mình vẫn có bài tập lớn để báo cáo.
Nhưng buổi báo cáo Lịch sử trang phục (còn một môn nữa nhưng chán không muốn kể) hôm ấy đúng là thảm họa. Chúng mình chuẩn bị không tốt, máy tính không rõ là phân công cho ai mang, đến lúc thuyết trình thì chả có chiếc laptop nào. Người vốn không có contribution thì sẽ làm slide thuyết trình ( luật ngầm bọn mình ) thì lại đi muộn. May quá, cuối cùng cũng đọc slide xong! Nhưng, cả lớp không ai hiểu chúng mình nói cái gì, giảng viên không hiểu chúng mình vẽ rồng vẽ phượng gì trên bảng kia. Trong khi các nhóm thuyết trình xong thì có điểm luôn trên tờ danh sách sinh viên, toàn 8 trở lên ( 8 với chuyên ngành bị coi là thấp rồi đó), vậy mà nhóm mình ăn hẳn hai dấu hỏi chấm to đùng của cô? Kiểu này toang thật rồi. Và toang.
Pinterest
Pinterest
Những kỳ học sau đó, mình quyết không để tình trạng như vậy xảy ra nữa. Mình trở thành team leader trong hầu hết tất cả các môn học buộc phải làm nhóm. Từ nhóm lớp chuyên ngành quen thuộc cho đến nhóm môn tự chọn, làm việc với những gương mặt mình chưa gặp bao giờ. Mình xông xáo, kêu gọi ai muốn làm chung nhóm thì vô. Mình chủ động lập nhóm chat, thu gom mọi người lại cho yên ổn đã rồi dí luật lệ sau. Đương nhiên mình vẫn tôn trọng ý kiến tập thể. Câu hỏi đầu tiên khi mọi người đã về một nhóm là “ Ai sẽ làm team leader ?”. Mình biết chắc chắn câu trả lời nhưng vẫn muốn hỏi bởi cần sự xác nhận, để sau này dù mình có làm gì, yêu cầu cao thế nào thì cũng không phải lỗi của mình, là do lựa chọn của các bạn đấy chứ.

"Làm team leader khó lắm, phải đâu chuyện đùa"

Một: Không phải nước đến chân mới nhảy và càng không phải cân team

Có muôn vàn kiểu team leader mình đã được nghe kể hay đã đọc ở đâu đó trong cái thời đại chuyện gì cũng đem lên mạng phốt. Có team leader bỏ bê, gần hạn chót mới phân công nhiệm vụ khiến teamwork như hạch, ai cũng cuống cuồng lên, làm thâu đêm suốt sáng. Có team leader giỏi ơi là giỏi, nhưng lại chỉ thích làm một mình… trong một nhóm. Những team leader như này thường ôm hết, ôm sạch công việc vào mình để tự giải quyết với ý nghĩ, họ làm còn tốt gấp vạn lần nhóm làm hoặc chỉ đơn giản là họ không thích làm chung thế thôi. Điều này có thể đúng thật, vì họ giỏi ơi là là giỏi mà.
Còn team member cũng có người nọ, người kia. Có người thở phào, ôi sống rồi, tự nhiên có thằng giỏi thế này đứng ra cân team, chả phải làm gì vẫn điểm cao. Những người như này trong nhóm thường rất thích động viên “ người cân team”. Thường thì bọn cân team sẽ nhanh nản với khối lượng công việc khổng lồ, và phải làm việc hết nấc để xong trước deadline, dễ dẫn đến stress, thi thoảng bọn nó sẽ vào group chat than thở vài câu để mọi người thấy mình đang vất vả thế nào. Những người còn lại sẽ tích cực reply động viên, react nhiệt tình kiểu “ cố lên m ơi, vận mệnh của cả nhóm nằm trong tay m”,… Tuy nhiên cũng có người hỏi “ có cần t giúp gì không ?”, mình đánh giá cao những lời đề nghị như thế. Nhưng thường những kiểu cân team thế này là gấp lắm rồi, làm để chữa cháy, họ có thừa năng lực để làm tốt, còn hơn là mai nộp, nay mới nhờ: “m làm t phần A, đứa kia làm phần B” rồi mất công chờ bọn nó nộp và sửa , sửa và làm lại, và tự làm.
"Ghê vậy á" . Nguồn:  Pinterest
"Ghê vậy á" . Nguồn: Pinterest
Tuy nhiên cũng có kiểu team leader tự phong mọi người ạ. Ví dụ là anh người yêu dễ tính của mình. Cũng có group chat, nhưng nó sinh ra chỉ làm đúng một nhiệm vụ là cho biết những người trong group đấy là cùng một team. Ngoài ra, có tán ngẫu linh tinh về môn nọ, môn kia, ông thầy dễ tính thường cho điểm cao hay cô kia bắt phải vấn đáp từng người một,… Tuyệt đối không đả động đến chuyện ai làm làm team leader, rồi m làm phần này, t làm phần này, con A thuyết trình. Và đến cuối cùng anh dễ tính của mình làm hết, chả phải leader gì cũng làm. Mình có hỏi : sao phải khổ vậy, chia ra cho chúng nó nữa chứ? Câu trả lời của anh là ngại?? Ngại nói, ngại phân công, hay ngại gì ? Mình chả rõ, mình chỉ biết nguyên nhân của những lần cân team như thế từ sự dễ tính mà ra. Làm team leader cũng là một loại năng lực nên có, chứ sau này đi làm thì anh dễ tính không lẽ làm hết project, tiền thưởng chia đều theo đầu người? Chịu nổi không? Người dễ tính cũng có giới hạn riêng của họ. Về sau, với những môn học được lựa chọn giữa làm cá nhân và làm nhóm, anh dễ tính của mình luôn chọn làm cá nhân 😊. Mình chỉ muốn nói là mình không như thế, nhưng không biết viết câu kết sao cho hay.

Hai: đúng nói đúng, sai làm lại. Đừng nói sai là không có đóng góp!

Mình làm team leader, mình chủ động đưa ra sự phân công nhiệm vụ và dí deadline nên không có chuyện cân team hay nước đến chân mới nhảy. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Nhóm của mình teamwork không kiểu cuống cuồng lên, thâu đêm để làm hay chữa cháy, một phát ăn ngay. Không kiểu này thì là kiểu khác. Nhóm mình rơi vào trạng thái, team member nộp bài nhưng không phải thế là xong. Đời cơ bản là không đi theo cái suy nghĩ bạn định hình sẵn trong đầu. Mình đọc bài, rồi đánh giá, đánh giá và làm lại ,và team member nộp bài lần 2 ( lần 3 cũng có ). Nhiều lúc mình cũng stress chứ, tại sao mình không vơ bừa lại mà làm tổng hợp cho xong đi, không đúng chỗ nào thì tự sửa bài các bạn luôn (tự nghĩ mình đủ khả năng đấy ). Đằng này chả khác nào mua dây buộc mình, vừa mất thời gian vừa khiến cho cho việc teamwork trở nên ngột ngạt hơn cả việc báo cáo tiến độ với giảng viên ấy chứ.
Chúng mình teamwork và mình lên cơn
Chúng mình teamwork và mình lên cơn
Điều này mình rút ra được từ việc mình tự ý sửa bài của team member. Vì có quá nhiều nhóm bài tập, bạn tưởng tượng đấy, năm tư rồi chỉ còn toàn chuyên ngành thôi đồng nghĩa với việc mình đảm nhận “hơi” nhiều vị trí leader. Mình không còn đủ kiên nhẫn để cứ chờ đợi các bạn nộp một bài thật hoàn hảo, thật đúng ý mình và có thế đóng góp được cho team? Trong một môn học, mình có nhận xét thế này, đại loại: phần này làm thì nhiều đấy, nhưng thực ra chỉ là nhắc lại lý thuyết, chưa đúng với yêu cầu của bài tập lần này, để đánh giá thì contribution của m bằng 0, t cũng đã sửa lại rồi, lần sau chú ý làm đúng yêu cầu nha ( một cái icon cười ). Mình cũng chủ động inbox cho bạn ý, hỏi han xem bạn đồng ý hay không đồng ý với việc làm của mình. Bạn cũng nói rất thật lòng, bạn học khác chuyên ngành với mình, đương nhiên cách làm việc, nghiên cứu sẽ khác, đâu thể đòi hỏi bạn phải làm giống mình ngay từ đầu. Và bạn không đồng ý với việc mình tự ý sửa bài, bạn cũng muốn có đóng góp vào phần công việc chung của nhóm.
Từ giây phút ấy, mình biết mình đã sai hoàn toàn. Mình cứ nghĩ mình giỏi đấy. Mình tự làm hết thì các bạn sẽ càng vui. Mình chưa một lần đặt bản thân vào vị trí của bạn để biết bạn thực sự nghĩ, muốn gì. Mình cứ tự quyết và cho rằng chắc chắn mọi người sẽ không phản đối. Mình thật là tồi tệ, ahuhu.

Ba: Đừng tự đánh giá quá cao năng lực của bản thân. Team leader không đồng nghĩa với việc giỏi chuyên môn

Trước giờ mình tự nhận làm team leader đấy, một phần vì mình không muốn toang lần nữa, phần vì mình tự nghĩ mình giỏi chuyên môn đó. Nhưng có những môn học, mình dốt vô cùng, mình chủ động xin được chung nhóm với các bạn giỏi hơn để được làm member vài lần trong đời. Nhưng không, mình rất được các bạn “yêu thương” đề cử làm leader. Vậy cớ là làm sao?
Bạn mình kể, bạn chung nhóm với một cậu lớp bên giỏi cực kỳ ( nghe đâu CPA chưa bao giờ dưới 3.5) trong một lớp thực hành. Bạn kể, bạn không phải làm gì cả, cậu đó làm hết từ A – Z, toàn làm một mình. Mình nghĩ chắc team đấy chả đi họp bao giờ mất. Nhưng cậu ấy làm như thế để làm gì, yêu cầu là làm nhóm mà. Nếu trong nhóm chỉ có cậu làm tốt, các bạn kia dở, không có nghĩa là cậu làm hết mà không san sẻ cho ai. Cậu giỏi ơi là giỏi trong những project cá nhân, thật tuyệt, mình rất ngưỡng mộ. Nhưng nếu để mình chọn một người giỏi làm team leader của mình, rất tiếc cậu không phải đối tượng.
Từ hai mẩu chuyện nhỏ nhặt trên, mình rút ra một điều rằng để làm team leader, không nhất thiết phải giỏi chuyên môn. Một người leader phải có cái nhìn bao quát nhất về mục tiêu của việc làm nhóm, nhận thức đúng đắn về khả năng của từng thành viên, để giao đúng người đúng việc. Hãy để các cá nhân trong nhóm bù điểm mạnh trừ điểm yếu cho nhau. Tuyệt đối đừng bao giờ đánh giá cao năng lực của bản thân mà không san sẻ với đồng đội. Và không có gì phải dè chừng khi đứng ra nhận trách nghiệm làm leader hết, miễn là bạn có một mục tiêu đúng đắn, đưa team mình đến với mục đích một cách healthy!
Người viết,
Hà Trần
Bài viết đăng tại blog của mình, mời bạn ghé chơi: