Xem bài viết gốc của tụi mình tại :
Ngày mình còn bé, bố mẹ đi làm cả ngày, không có thời gian chăm sóc mình nên ngày nào cũng quẳng mình lên cho ông bà chăm. Vì thế mà cả tuổi thơ của mình gắn liền với bữa cơm ông nấu, với tiếng hát bà ru, với cây quạt nan chưa bao giờ ngừng đong đưa trong những buổi trưa hè nắng gắt khi nhà mất điện.
Mình thích được ngồi sau xe của ông, ngồi sau tấm lưng vững chãi ấy đi khắp phố phường.
Mình thích được vòi vĩnh bà, đòi bà mua cho đồ ăn vặt vì mình biết bà sẽ chẳng bao giờ từ chối mình.
Mình thích được ngồi nghe ông kể chuyện về thời xưa, về một thời oanh liệt của đất nước. Cái thời mà bom đạn rơi xuống còn nhiều hơn những cơn mưa, cái thời mà ăn không đủ bữa, ngủ không yên giấc, cái thời mà cả giáo viên và học sinh đều phải băng rừng vượt thác để đến trường học, cái thời mà cả đất nước phải gồng mình lên chống giặc. Cái thời vừa đau thương vừa hào hùng, như lời bài hát nào vẫn luôn vang vọng trong tâm trí mình mỗi lần nhắc đến : “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương…” Hay như đôi ba dòng nhà thơ Thanh Thảo đã viết :
“Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Đối với mình, đó là những câu chuyện vừa quen mà vừa lạ. Mình ngưỡng mộ những con người đã sinh ra và lớn lên trong cái năm tháng oanh liệt đầy khói lửa đó. Và những sự ngưỡng mộ, những tình yêu và sự kính trọng đó, tất cả đều do ông dạy cho. Ông dạy mình theo cái cách hoài niệm của một tâm hồn mà đã dành quá nửa cái đời người chìm đắm trong những quyết tâm và mất mát. Năm tháng như là gió bay, từ thời chiến qua thời bình, lịch sử vẫn luôn được ông mình gìn giữ và truyền lại như vậy đấy.
Nhiều lúc, mình muốn được trở lại ngày thơ ấu ấy hơn bao giờ hết, để...lại được nằm trong vòng tay của bà, được nghe ông kể chuyện xưa, nghe bà mắng mỗi khi mình nghịch ngợm.
Nhưng con người ta sẽ thay đổi theo thời gian phải không nhỉ. Thời gian như một con quái vật chẳng chờ đợi ai, hay chẳng nhân nhượng cho cái gì. Không một điều gì có thể qua khỏi con mắt, đôi tay và lời nguyền của thời gian. Như chúng mình rồi sẽ lớn lên, bố mẹ, ông bà rồi sẽ già đi. Như chiếc áo rồi sẽ sờn vải và gót chân người đi rồi sẽ mòn. Câu chuyện của ông cũng thế. Và lời ru của bà cũng vậy, cũng dần thay đổi theo năm tháng.
Ngày mình còn bé xíu, bé đến mức mình không nhớ được gì, bé đến mức mình chỉ biết ê a, chỉ biết nằm một chỗ cả ngày, bà, đã hát ru cho mình nghe, hát ru đưa mình vào giấc ngủ với giọng hát ngọt ngào. Nhưng những câu hát đó, cả những câu chuyện đó, mình chỉ được nghe khi mình đã lớn, khi bà hát ru cho các em. Mình không còn nhớ được khi đó, khi được nghe bà hát, mình đã chìm vào giấc ngủ êm đẹp ra sao…
“À ơi, à ơi,...
Ngủ đi con nhé ngoan ngoan, trông con như đài hoa xinh tươi…
Dịu dàng lòng mẹ một tình yêu thương con….”
Đến khi mình lớn hơn một chút, khi mà mình bắt đầu có được những kí ức đầu tiên thì bà không còn hát ru cho mình nghe nữa, mà thay vào đó bà lại kể truyện. Chắc hẳn các bạn cũng đã một lần được nghe bà, nghe mẹ kể câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” rồi phải không, mình cũng vậy.
Hồi đó ông bà mua nhiều băng đĩa cho tụi mình xem lắm. Nhưng có một chiếc CD làm mình co rúm ró , mình không dám mở ra xem lần thứ 2 vì trong đó có video “Cô bé quàng khăn đỏ” bản đời thực. Con sói trong video đó tạo hình đáng sợ lắm, nó cao và to lớn như một người khổng lồ với bộ lông dày màu nâu xám, với bộ móng vuốt vừa dài vừa sắc cùng hàm răng nhọn hoắt. Và thế là:
“Ngủ đi con không con chó sói với cái lưỡi cái tay dài ngoằng, cái răng nhọn hoắt nó chuẩn bị ăn thịt em bé nào chưa ngủ bây giờ đấy. Sợ quá, sợ quá ! Ngủ nhanh lên con.”
Cứ như thế, lần nào bà doạ là mình cũng nằm im thin thít, và rồi chìm vào từng giấc chiêm bao đứt quãng cả một tuổi thơ dài.
Nghĩ lại mà thấy buồn cười, một câu chuyện vậy thôi nhưng đứa cháu nào bà cũng lôi ra kể. Sau này, mỗi lúc bà doạ mấy đứa em mình là mình lại nằm cười rung cả người. Mà đương nhiên, tụi nó cũng chẳng khác gì mình cái ngày ấy, sợ co rúm người và nằm im thin thít.
Lớn lên một chút nữa, mình đã nghịch lắm rồi, đã đến tuổi “phản nghịch", mình không muốn ngủ trưa đâu, mình chỉ muốn nằm xem hoạt hình thôi. Lúc này bà bắt đầu phải áp dụng “biện pháp mạnh” với những đứa “lớn đầu" ở trong nhà. Và vũ khí chính là chiếc quạt nan thần chưởng.
“Tao phát cho mày mấy phát bây giờ. Mày có ngủ không hả. Nhắm mắt vào. Cái con lớn đầu kia, lớn tướng rồi còn không biết làm gương cho các em à”
Bà nói vậy thôi chứ tụi mình biết bà thương tụi mình nhiều, bà không nỡ “xuống tay" với tụi mình nên tụi mình nhờn lắm! Toàn giả vờ ngủ rồi nhân lúc bà không để ý lại cười khúc khích với nhau.
Bọn mình còn tự hỏi nhau là bà rốt cục có mấy cái quạt nan? Hồi xưa bọn mình thích chơi trò giấu quạt nan của bà lắm vì như thế bà sẽ hết cái để doạ bọn mình.
Thế nhưng, ô kìa, bất ngờ chưa, tụi mình đã giấu đến 4 cái quạt nan, một cái đằng sau tivi, 3 cái dưới nệm mà bà vẫn lôi ra được cái thứ 5. Chắc là bà cũng giấu tụi mình đi luyện phép thần thông biến ra quạt nan rồi !
Sau này nữa bọn mình càng nhờn hơn, vì biết ông bà chiều nên cứ tác oai tác quái. Bọn mình nào là lôi hết chăn bông, ga, gối, màn của ông bà ra để làm bánh mì kẹp thịt, xây lâu đài, nào là mở concert âm nhạc giữa trưa, nào là đóng giả làm công chúa với những chiếc khăn quàng cổ của bà.
“Mày lại lôi khăn của tao ra chơi à?! Rách bao nhiêu cái rồi có biết không hả??”
“3 đứa chúng mày ôm gối xuống nhà ngủ ngay, nhảy ầm ầm sập trần nhà tao bây giờ"
Thời đó vô tư, hồn nhiên, cũng bướng bỉnh và nghịch ngợm vô cùng. Nhưng nhờ có ông bà chăm bẵm, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ mà mình mới lớn được đến chừng này. Đối với mình, ông bà là cả tuổi thơ, là người thầy đầu tiên, là mái nhà bảo vệ mình khỏi những giông bão, là tình yêu thương vô hạn.
______________________________
Xem bài viết gốc tại :