Không mấy ai còn xa lạ gì với hai chữ “tình nguyện” nữa, đặc biệt với học sinh, sinh viên. Trong lớp, khoa hay trường, lúc trên xe buýt hay khi dừng xe chờ đèn đỏ, tôi cam đoan là kiểu gì cũng phải có ít nhất mười lần các bạn nhìn thấy màu áo tình nguyện. Tại sao lại là số 10? Đấy là số điểm tớ hằng ao ước cho mỗi môn học trong suốt 4 năm trời và đời chẳng được như “chiếc xe Dream”.
Bài viết này sẽ thể hiện rất nhiều góc nhìn về câu chuyện sinh viên tình nguyện (nhiều nhưng không phải tất cả). Tớ sẽ không bài trừ quan điểm của quý độc giả, vì vậy, tác giả rất mong nhận được những đóng góp từ các thế hệ sinh viên từ cựu đến tân, Quý thầy cô đang làm hoạt động đoàn thể, tình nguyện,…
Đặc biệt, bài viết này tớ muốn dành đến rất nhiều các bạn trẻ đang đặt câu hỏi về chuyện làm tình nguyện?

TỚ NHỚ VỀ HAI SẮC MÀU TÌNH NGUYỆN

Tớ nghĩ là không chỉ riêng trường tớ, sinh viên được làm quen với hai màu áo. Màu xanh và màu đỏ đã trở nên quá đỗi quen thuộc về sự xuất hiện của hai Hội/Đội/Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện mang tên:
+ Sinh viên tình nguyện (màu áo xanh): Là lực lượng nòng cốt tham gia đa dạng các hoạt động tình nguyện như: Hỗ trợ những người khó khăn, Hỗ trợ sự kiện tại trường, khoa (về mảng này thì rất nhiều các sự kiện lớn nhỏ như: Hỗ trợ tân sinh viên, hỗ trợ các sự kiện văn hóa & văn nghệ, hoạt động Đoàn thể lớn nhỏ,…)
+ SVTN Vận động hiến máu (màu áo đỏ): “Hiến máu cứu người – nghĩa cử cao đẹp”. Sứ mệnh của màu áo này được thể hiện rõ ở tên gọi – vận động hiến máu. Đối với mỗi sự kiện hiến máu, các bạn ấy sẽ xuất hiện trên lớp, trạm xe buýt, các khuôn viên trường học, các kênh truyền thông,… để kêu gọi. Các bạn ấy cũng là những người hỗ trợ trực tiếp những ai đi hiến máu: nhận đăng ký, quan tâm, chăm sóc & gửi quà tặng,…
Hoạt động nào cũng có những vất vả riêng mà không kể được hết. Hai đơn vị này đều hoạt động tình nguyện nhưng trong vận hành có nhiều riêng biệt.
Trong khoảng thời gian của năm nhất, năm hai Đại học, tớ có cơ hội biết đến một số CLB tình nguyện từ một tiền bối khóa trên. Tớ tham gia vào Sắc màu tuổi trẻ của Thành phố Hà Nội, Đội sinh viên tình nguyện Đại học Mở Hà Nội, sau cũng có tham gia cả vào Đội tình nguyện của Khoa, Ký túc xá Pháp Vân.
Ngày đó cũng hỗ trợ được một xíu hoạt động của thành đoàn, của trường,... Có nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có “Đêm đông ấm áp”. Tụi tớ có cơ hội giúp đỡ những người khó khăn, và đó là lúc lưu trữ cảm xúc tốt nhất.
Khoảng thời gian của năm đầu thì tớ tham gia sôi nổi hơn, năm hai giảm bớt và dần dần thì tớ rời khỏi, không còn hoạt động tại các CLB đó nữa. Tớ cũng không tham gia “Mùa hè xanh” vì có kế hoạch cá nhân vào mỗi mùa hè.
Bạn bè trong lớp tớ hay thằng bạn thân cùng phòng tớ thì nhiều đứa tham gia “Đội máu” hơn. Tớ cảm thấy mỗi đội có một sắc màu khác hẳn, nhưng đều thấy bạn nào tham gia cũng vui lắm. Trừ một số đứa ghét nhau, chia bè phái nói xấu ra thì vui. Cộng đồng mà, tránh sao được!
Tớ đã quen biết rất nhiều khi tham gia tình nguyện, đến giờ tớ vẫn có liên hệ qua MXH với một số ít các bạn trường khác, khoa khác mà tớ quen qua các hoạt động của những năm tháng đó.
Kỷ niệm là kỷ niệm! Sau này tớ đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, gác những sự tươi đẹp vào một góc, chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận về những thứ trái chiều ở “lĩnh vực” tình nguyện này!

HIỂU SAI VỀ TÌNH NGUYỆN?

Để tớ thể hiện sự hiểu biết một tí nhá. E hèm… Xét về tính học thuật, theo từ điển đất nước Đông Lào, chúng ta có khái niệm về tình nguyện:
(1) Tự mình nhận lấy trách nhiệm để làm (thường là việc khó khăn, đòi hỏi hi sinh), không phải do bắt buộc.
(2) Tình nguyện là các hoạt động có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, xã hội và hoàn toàn tự nguyện.
Trải qua một thời gian hoạt động tình nguyện, đã từng nghe tâm sự của bạn bè, các em khóa dưới về nhiều vấn đề. Tớ thấy rất nhiều người đã hiểu sai về việc tình nguyện, thậm chí là một số người đang vận hành một số các CLB/Đội nhóm tình nguyện cũng hiểu sai là chuyện bình thường.
Những bài viết trên báo mạng than thở về việc “Tình nguyện không còn đẹp trong mắt mọi người”; “Sinh viên tham gia cho vui, cho có”; “Sinh viên đua nhau làm tình nguyện”; “Nhiều bạn tham gia chỉ để lấy điểm rèn luyện”;… Những vấn đề đó người ta gọi là “Thực trạng tình nguyện của sinh viên hiện nay”.
Tớ không biết các cậu đã gặp những tình huống như tớ chưa. Hồi mới lên Đại học, tớ từng được nhắc mấy câu như là: “Tham gia tình nguyện làm gì?”; “Hỗ trợ tình nguyện kiểu gì mà bê bàn ghế sự kiện gãy cả lưng thế?”; “Chú em không thấy là có mấy đứa mày làm nhiều, còn bục vinh quang với bằng khen, huân chương thì lãnh đạo nhận à?” Nếu tớ quan tâm mấy điều này, chắc chắn tớ không tham gia nữa.
Đối với mỗi vấn đề, nếu cậu nào hay đọc các bài của tớ, tớ thích ngẫm về bản chất sự việc. Để xuất hiện thực trạng như trên, tất nhiên là không thể không đề cập đến lỗi của những người tham gia hoạt động tình nguyện với tinh thần chưa đúng. Nhưng nếu đã không đúng ngay từ đầu, từ nóc, thì đấy là chuyện dễ hiểu.
Nếu muốn bớt những cái nhìn tiêu cực, không tốt về hoạt động tình nguyện, có nên đưa nó về đúng khái niệm ban đầu? Câu này thì tớ nghĩ phạm trù của tớ không đủ sức trả lời và giải quyết.
Nhưng:
- Ở CLB/Đội nhóm bạn tham gia, hoạt động tình nguyện là tình nguyện hay ép buộc? Bạn có bị khiển trách nếu không tham gia được các hoạt động đội không?
- Ở các trường học: Tại sao lại đưa thước vào để đo lường một hoạt động không bắt buộc? Tự tham gia tình nguyện bên ngoài thì điểm rèn luyện có “được tính”?
- Có nên đánh đồng việc tham gia các hoạt động có ảnh hưởng tích cực với cộng đồng & việc hỗ trợ các sự kiện lớn nhỏ để tránh cái danh hiệu “culi”?
- Chính vì sự phân biệt không rõ ràng, một số hoạt động lại xuất hiện khoản “chi phí hỗ trợ”. Tình nguyện là tình nguyện, hoạt động hỗ trợ có phí hỗ trợ.
Tớ biết ở phần này, tớ đã mổ xẻ vấn đề quá rạch ròi. Những dòng này tớ viết, nếu đủ sức lan tỏa, tớ sẽ phải đối mặt với rất nhiều phản bác về chuyện “trách móc” này. Có thể đối với nhiều người, cái gì phổ biến thì nó đúng, cái gì nhiều người nói nó đúng thì nó đúng. Với tớ thì không!

CÂU LẠC BỘ TÌNH NGUYỆN: ĐƯỢC & MẤT?

Ngay lúc này tớ nghĩ, nếu cậu mong chờ nhận được gì từ tình nguyện, hay muốn tham gia cho vui, hay để lấy điểm,… tốt nhất đừng tham gia. Tớ biết sau khi đọc xong câu này, cậu sẽ thắc mắc rằng mắc mớ gì, cậu có quyền được mong đợi, có quyền được tham gia theo ý cậu. Đúng! Cậu đã đúng, nhưng nếu cậu mong đợi trong tư tưởng, gặp kết quả trong thực tế, chính cậu đã mang một cái thước dài hơn cái mà tớ đến ở trên để đo hai chữ “tình nguyện này”.
Những người không tham gia các CLB/Đội nhóm tình nguyện, chưa chắc đã nói xấu về nó. Nhưng những người tham gia, chắc chắn sẽ nói tốt. Tham gia tình nguyện sẽ được rất nhiều thứ: quen biết thầy cô, anh chị em bạn bè, phát triển kỹ năng mềm,…
- Không phải cứ tham gia tình nguyện là tăng kỹ năng giao tiếp;
- Không phải cứ là 1 tập thể tình nguyện thì mọi người sẽ yêu thương quý mến nhau;
Nếu mấy người đam mê tình nguyện nói rằng nếu không nhận được gì từ tình nguyện thì là do bản thân người đó phấn đấu chưa đủ, chưa tốt,... Tớ sẽ trả lời rằng: Có những người đã từng lấy hết can đảm, bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để tham gia tình nguyện. Kết quả là chuyển qua trạng thái “bị cô lập” khác. Bị từ chối khi đăng ký tham gia và phỏng vấn ở các CLB. Trường hợp được tham gia vào nhưng không được coi là “người trong nhà”.
Cuộc sống khác nhau dẫn đến công thức của các vấn đề cũng khác nhau. Không phải 10 CLB/Đội nhóm tình nguyện đều được cả 10 môi trường khác. Không phải 10 bạn sinh viên tham gia thì đều tự tin và cứng cáp cả 10. Không thể đồng nhất điều kiện và khả năng của từng cá nhân.
Đối với một cá nhân thích nghi tốt và khá hòa đồng như tớ, dù trong CLB hay không, tình nguyện được gì:
- Những hoạt động tình nguyện mang tính chất cộng đồng thật sự có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn cực kỳ tốt. Thậm chí có thể chữa lành vết thương bên trong mỗi con người. Đó là khi mình giúp đỡ người khác lại chính là đang giúp đỡ chính mình. Để đêm về ngủ, nhắm nghiền mắt lại nghĩ về, không thể không mỉm cười.
- Tình nguyện giúp tớ một vài người bạn. Việc quen biết giúp cho mình đỡ tự ti ở giai đoạn đầu, để trong một đám đông ngoài kia, mình có thể gọi tên một đứa nào đó rồi quen thêm vài đứa bạn khác. Tiếc là tớ tham gia chưa đủ để có tri kỷ từ hoạt động tình nguyện.
- Tình nguyện giúp tớ biết cách tự sử dụng maps khi đi xe buýt ra đường vào những ngày tháng bỡ ngỡ đầu tiên, để tớ hiểu thêm về đường sá Hà Nội.
- Tình nguyện đã giúp tớ biết đến nhiều tiền bối tài giỏi để học hỏi và đáng ngưỡng mộ.
Như vậy đó!

CHUYỆN PHỎNG VẤN Ở CLB TÌNH NGUYỆN

Tớ đã từng quay lại tâm sự với thằng bạn của mình đang hoạt động CLB. Tớ với nó chia sẻ về chuyện liệu rằng chuyện phỏng vấn có thực sự cần thiết không? Đặc biệt là mấy câu hỏi “để thử” tụi nhóc nhưng không giải quyết được vấn đề gì như:
- Em có chắc chắn rằng mình sẽ tham gia đầy đủ, đều đặn hay không?
- Nếu lịch hoạt động đội trùng với lịch học thì em chọn đi học hay tham gia tình nguyện?
… hoặc những câu tương tự.
Ngày trước, tiền bối của tớ đã hỏi tớ như thế. Nhưng từ chính bản thân và những người xung quanh, giữa câu trả lời và thực tế: có rất nhiều khác biệt. Chúng ta không thể biết trong thời gian sắp tới, ta phải đối mặt với những gì. Nếu sau này cô/cậu sinh viên đã trả lời rất mạch lạc, thẳng thắn, tràn đầy khí thế kia bỗng xin nghỉ hoạt động vì công việc/học hành, tôi xin đặt câu hỏi cho người hỏi: Anh/chị có thấy thất vọng, lấn cấn trong tâm lý và trách nhỏ đó là nói thì hay, làm thì dở không?
Quay lại chuyện phỏng vấn các thành viên vào đội nhóm. Tớ vẫn nghĩ là nên phỏng vấn. Trước tiên, tớ xác định vấn đề: Tham gia câu lạc bộ tình nguyện và tham gia hoạt động tình nguyện là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Tự nguyện là một tinh thần tốt trong tình nguyện, nhưng đội nhóm thì cần có kỷ luật. Đối với mỗi CLB/Đội nhóm trực thuộc các trường, khoa,… đều có sự phân chia điều hành. Nếu không có đội ngũ cốt cán để giữ vững quy định và kỷ luật, CLB sẽ sớm tan rã. Nếu CLB không được quan tâm, không được tham gia ủng hộ, tớ nghĩ nên đặt câu hỏi về các hoạt động mà đội đưa ra. Đấy cũng chính là vấn đề về chuyện số lượng và chất lượng.
Nhớ: Thành viên của CLB thì có giới hạn, nhưng thành viên tham gia các hoạt động mà CLB đưa ra thì không nên giới hạn. Hãy mở cửa cho những hoạt động tình nguyện đúng nghĩa, tớ chắc chắn sẽ rất nhiều người hưởng ứng.

ĐỪNG ĐỂ TÌNH NGUYỆN TRỞ THÀNH MỘT GÁNH NẶNG

Đến đây rồi thì chắc chẳng ai hỏi tớ là có nên tham gia hoạt động tình nguyện không, vì tớ tự tin rằng tớ cũng đề cập được kha khá vấn đề ở trên rồi.
Tớ luôn luôn tôn trọng và nể phục những người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và vẫn học hành giỏi gian, xong vẫn đi làm thêm kiếm tiền đều đặn. Họ siêu giỏi luôn ý, tớ chứng kiến từ anh chị khóa trên, bạn bè rồi mấy đứa khóa dưới như vậy, nhiều lúc ghen tị.
Như tớ nói rồi, bản thân của mỗi người đã là cá thể riêng biệt, nên không so sánh được cuộc sống của anh A với anh B. Đến năm đại học thứ 2, tớ đã giãn dần các hoạt động tình nguyện ở CLB để dành thời gian đi làm thêm, học hành. Tớ cảm thấy lựa chọn đó phù hợp, và tớ đã đúng.
Tại sao tớ lại nói là đừng để tình nguyện trở thành một gánh nặng?
Giả sử cuộc sống của cậu là một cán cân, cậu đang phải tập cân bằng rất nhiều thứ để đứng vững trên đôi chân của mình. Trên các đĩa cân nếu chỉ có chuyện ăn, chuyện học thì về khía cạnh nào đó, cậu đã đỡ hơn rất nhiều so với những đứa bạn học đang phải vác lên cân nào là chuyện kiếm tiền học, chuyện phấn đấu từng điểm số để giật học bổng, thậm chí có một số người còn phải lo cho gia đình,…
Điều đấy không có nghĩa là phân tích đứa nào sướng, đứa nào khổ. Nếu cậu có thể lo cho bản thân mình tốt, cân bằng cuộc sống của chính mình, sắp xếp được thời gian để tham gia được hoạt động tình nguyện, đó là tín hiệu tốt.
Dù cậu rất muốn tham gia CLB tình nguyện, nhưng cán cân của bản thân chỉ có giới hạn, đừng cố! Vì lúc đó tự cậu sẽ mang thêm gánh nặng vào mình. “Ốc chưa mang nổi mình ốc còn đòi mang cọc cho rêu” đúng trong trường hợp này.
Cậu đừng nghĩ rằng phải tham gia CLB thì cậu mới có thể làm tình nguyện. Cậu có thể giúp đỡ những người xung quanh khi họ cần, có thể chung tay trong chốc lát với những hoạt động của thanh thiếu niên ngoài đường phố. Cậu thấy một hoạt động nào đó thật ý nghĩa và muốn đăng ký tham gia vì đang rảnh – hãy đề xuất! Tình nguyện không to tát, nó xuất phát từ những điều rất nhỏ!
Nếu đã đọc đến đây, cảm ơn cậu rất nhiều. Tớ mong rằng nếu cậu còn thắc mắc về tình nguyện trước đó, thì giờ cậu đã hiểu. Tớ rất mong các cậu góp ý, phản biện, để tớ có thêm nhiều cái nhìn khách quan hơn. Xin cảm ơn!
Chu Đức Dũng - 08/08/2021