Nhà tôi có một poodle. Lông trắng như tuyết và ngày mới về, trông hắn như một quả cầu tuyết. Hoặc đúng hơn là giống con chó bưởi trong mỗi dịp Trung thu người ta hay làm. Mẹ tôi cưng hắn lắm. Hắn về làm nhà tôi vui hơn và quấn quít người kinh khủng. Mẹ tôi hay bế hắn nũng nịu đu đưa theo kiểu con giai ngoan của mẹ. Bố tôi thỉnh thoảng đòi bế, nhưng hắn chạy. Còn với tôi, hắn chỉ sủa và ham cắn, chắc hắn nhận ra được sự tếu táo trong huyết mạch tôi chảy là dành cho mình hắn.
Mỗi sáng, vào lúc 7h hắn sẽ thức giấc và đi lại loanh quanh trên giường. Nói đúng ra là hắn chạy, lăng xăng khắp giường và chui luồn mình vào trong chăn. Hắn sục sạo gọi tôi dậy, nên tôi không ngủ được nữa dù 8 rưỡi mới vào giờ làm. Hắn hôn hít liếm láp đầy mặt tôi làm tôi phát hãi, lúc nào tôi cũng chùm trăn kín đầu và bo đủ viền không cho hắn vào trong. Những lúc như thế hắn trèo lên trên chăn, dẫm đạp vài cái ở đầu tôi rồi lại chạy xuống chân. Ngày nào cũng thế, vài vòng. 
"Trông hắn thế này này." Mẹ tôi hay tặc tặc lưỡi gọi con giai ngoan và dỗ uống nước.
Ở hắn có một cái làm tôi ấn tượng ngay từ lần đầu gặp mặt. Không phải bộ lông mềm dài như tuyết hay bốn cái chân ngắn củn củn hay chạy loạn. Hắn có đôi mắt láo lươn bẩm sinh hay biết lườm và nhìn lén. Hắn nằm trong lòng mẹ tôi ngủ ở sofa, tôi ngó qua một chốc thì mắt chạm mắt. Đầu hắn cúi nhưng mắt mở láo liên hướng một góc chếch 45 độ lên trên nhìn tôi. Ủa thứ giống gì kì lạ, không hiểu thằng con 3 tháng tuổi học cách nhìn ấy ở đâu ra mà giờ mày dám liếc tao thế? Chắc là bẩm sinh, thứ món quà lỗi hắn được tặng khi mới chào đời.
Cũng vì đôi mắt láo liên thế mà tôi nhớ hắn luôn luôn. Nghĩa là, dù có đi đâu và gặp bao đứa con giai khác cùng loài với hắn, tôi vẫn phân biệt được đâu là kẻ poodle nhà tôi. Có lẽ vì thế mà hắn đặc biệt. Mỗi lúc thấy tôi mở cửa về, hắn đã xông từ tầng 2 chạy xuống sủa inh nhà. Rồi quấn theo tôi và cào cấu đòi cắn cái quần nhung mới lượm được từ Shopee tôi rất quý. Nhờ hắn mà trong hai tháng, cái quần nhung ấy đã lủng mất hai lỗ. To bằng đầu ngón tay và đủ để gió mùa đông bắc luồn vào làm tê dại vài thần kinh cẳng chân tôi. 
Thế rồi hai tháng sau hắn bệnh. Vào những ngày cuối năm, khi nhà tôi bận bịu hơn hết, hắn bị bỏ ở nhà một mình nhiều hơn và chỉ được cho ăn khi tối muộn. Tối chúng tôi vẫn nằm ngủ cùng nhau và sáng hắn vẫn gọi tôi dậy theo cách ấy. Nhưng đến cái ngày đó, hắn không thế nữa. Hắn nằm im lìm một góc ở dưới chân giường. Tôi bế hắn lên nựng và toan cho đi vệ sinh, hắn mềm oặt nằm ư ử không buồn mở mắt ra nhìn. Chúng tôi hoảng, và hắn được đi thú ý sau đó. 
Đời nuôi thú nhà tôi chưa lần nào hết nước hết cái chăm một con chó cảnh như này, trước giờ nhà tôi hay nuôi chó ta. Hắn bệnh, được em tôi và người yêu nó đưa đi khám mấy ngày liền. Hắn bỏ ăn và cũng không uống. Hắn chỉ bị đi ngoài liên tục. Được hai ngày thì hắn đỡ hẳn và biết chạy loạn lên như đã từng. Nhưng mọi chuyện không được như thế, đêm 30, hắn bệnh lần nữa. 
Năm hai mốt tuổi là năm tôi cảm nhận được rõ nhất những nỗi buồn và sự buộc phải lớn lên. Nỗi buồn đã chạm đến cả những ngày vui nhất của tôi như là ngày Tết, ám màu lên đó và để mãi sau này, tôi vẫn không thể quên được những ngày nghỉ Tết vô vị ấy như thế nào. Tết năm nay, hắn đi, vào ngày mùng 5. Sau những nỗ lực và hi vọng của chúng tôi, sau những chuyến xe đi đi về về từ phòng khám thú y và sau những mong mỏi của chúng tôi đối với hắn. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là vào sáng mùng 4. Thức dậy trong một mùi ngai ngái khó chịu. Hắn lê lết mệt mỏi nhảy từ giường xuống đất, toan ra nhà vệ sinh nhưng không kịp. Hắn đi ngoài lỏng và dính chất nhầy có máu, ngay trước cửa phòng rồi đứng im ở đó, không đi được nữa. Chúng tôi ngỏm đầu dậy nhìn, hắn quay đầu liếc về phía chúng tôi. Đôi mắt láo liên của hắn cụp xuống đầy vẻ hối lỗi, và cúi xuống nhìn đi chỗ khác. Đôi mắt ấy cho đến những tháng sau này tôi vẫn không thể quên nổi. Mệt mỏi trong những nỗ lực đầy gắng sức và có cả sự biết điều của một kẻ không biết nói. Hắn biết hắn lại "gây chuyện" làm chúng tôi phiền lòng như mấy lần trước nô nghịch bị tét, nhưng lần này chúng tôi không trách hắn. Chúng tôi lau dọn ngay và bế hắn đi vệ sinh, đặt hắn lên giường và tôi ôm vào lòng. Lúc ấy hắn không còn sức đặt bàn chân hắn trong tay tôi nắm. Hắn yếu xìu, dù thuốc đã uống mấy ngày và truyền nước mỗi sáng vẫn không đủ cho mọi thứ tốt lên. Hắn ư ử được vài tiếng khi tôi đặt đầu hắn gác nhẹ trong lòng tôi. Giây phút ấy tôi tưởng tôi đã chết đi rồi. 
Rồi em tôi lại đưa hắn đi gửi ở phòng khám, với hi vọng mong manh khi lời người ta nói sẽ khỏe thôi và mai lại đón về. Chúng tôi tin thế và luôn tin thế. Cho đến sáng hôm sau, phòng khám nhắn em tôi sang ngay với hắn, hắn đi ngoài không kiểm soát và mọi chuyện dường như trở nên tệ hơn. Lúc ấy tôi đang đứng bếp cho mâm cỗ hóa vàng. Chúng tôi vẫn luôn tin và cầu mong vào một phép màu. Nhưng lần này, không có bà tiên hay phép màu nào xảy đến với chúng tôi. Cuộc sống diễn ra như một sự tất yếu. Sáng hôm ấy, hắn đi. Khi em tôi tới, người hắn đã cứng đờ, nằm duỗi thẳng. Cuộc đời hắn kết trọn ở chương ấy, trong những nuối tiếc và dằn vặt của chúng tôi - những kẻ ở lại. Rồi em tôi đem hắn về, mẹ tôi chôn trong một khoảnh đất đã được dọn bụi rậm ngay trước hàng mẹ tôi. Mẹ đắp lên những mảnh vụn đá hoa cương xin từ hàng bên, cắm một bụi hoa hồng nhỏ đặt lên trên và thắp cho hắn một nén hương. Hắn đã đi trong một ngày như thế, khi trời Hà Nội nhiều sương không nắng và hơi lâm thâm mưa phùn. Một ngày não nề đến bận lòng.
Nhớ lại những gì đã trải qua, dù không nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình đã đi đến nửa đời người. Đã vui và đã buồn, đã nhớ thương và cả nuối tiếc, rồi đã chứng kiến sự ra đi của một cá thể từng là một phần của cuộc đời mình. Chia tay hắn là một trong những nỗi nuối tiếc đau nhất chúng tôi, và tôi từng trải qua. Cầu mong, cho mọi sự đến với em, thật tốt đẹp!