CHUYỆN NHỮNG CHÚ MÈO VÀ ĐỨA TRẺ
“Ở đâu có bạo hành động vật, ở đó có bạo hành con người”

Các bạn yên tâm là bài viết này không liên quan đến câu chuyện đang dậy sóng dư luận gần đây, tôi chỉ viết bài này khi vô tình đọc được tin tức đó và muốn chia sẻ một chút câu chuyện của mình mà thôi.
Lần đầu tiên tôi thấy động vật bị bạo hành là từ đứa cháu gái yêu quý của tôi.
Gia đình của tôi từ nhỏ đến lớn không tính là hòa thuận, mặc dù ba mẹ vẫn yêu thương nhau nhưng vấn đề xảy ra giữa hai người họ nhiều như cơm bữa. Nhưng tôi nghĩ là cặp đôi nào cũng sẽ trải qua vấn đề tương tự như thế khi ở chung một mái nhà, và dù sao thì tôi và chị gái vẫn được lớn lên trong một gia đình được gọi là êm ấm có đủ ba mẹ, và chứng kiến tình cảm họ dành cho nhau.
Đến chị tôi thì chị ấy cưới sớm. Hôn nhân vội vã đến mức mà người nhà ai cũng ngỡ ngàng, số ngày chị tôi và anh rể yêu nhau còn ngắn hơn mối tình tôi đang có lúc đó. Mặc dù ai cũng cảm thấy không ổn, nhưng vì có thể chị tôi cảm thấy đã tìm đúng người nên ai nấy cũng không muốn ngăn cản. Sau đó một năm thì chị tôi có một bé gái. Tình cảm hai người họ tưởng rằng sẽ vì vậy mà gắn kết hơn thì chuyện này nối tiếp chuyện kia xảy ra.
Tính chị tôi thì hay ghen, anh rể thì thích cờ bạc. Họ cãi vã, đánh nhau và đánh cả đứa con nhỏ của họ, rồi những câu chuyện chỉ toàn là nước mắt xảy ra liên tiếp ngay sau đó. Hết cự cãi thì đánh nhau, hết đánh nhau thì lại tiếp tục cự cãi. Cứ thế kéo dài tầm 3 năm thì hai người họ ly hôn, ly hôn thì ai cũng biết sẽ có ghen ghét và thù hận trong câu chuyện này. Thế là đứa nhỏ lớn lên trong những lời mắng chửi và trách cứ từ chị tôi. Dù tôi nói đi nói lại mãi rằng chuyện này không tốt cho đứa nhỏ chút nào nhưng chị vẫn tiếp tục làm thế với cái lý do khiến tôi câm nín rằng :”Mày có con mà thằng chồng mày mất dại đi rồi coi mày có nói nó không.”
Tôi biết sự tức giận của chị xuất phát từ đâu vì tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện, tôi cũng biết rằng chị tôi cũng không đúng hoàn toàn và phần nhiều là lỗi đến ngay từ đầu khi hai người họ đã không tìm hiểu rõ đã vội vàng đi đên hôn nhân. Nhưng cảm thông cho chị tôi là một lẽ, việc gieo rắc oán hận vào đầu một đứa nhỏ còn chưa đến 10 tuổi là quá tàn ác. Nhưng khi đứng giữa sự lựa chọn cho sự thỏa mãn cơn tức giận của mình với việc muốn sự phát triển tốt nhất cho con, buồn thay chị tôi đã chọn vế đầu tiên. Khi đó chị tôi còn quá trẻ để nghĩ ngợi sâu xa về vấn đề tâm lý cũng như thiếu cả sự toan tính lâu dài cho tương lai của một đứa trẻ. Giờ thì hành động đó đã ngừng, nhưng đứa trẻ cũng đã 11 tuổi, không quá trễ để thay đổi nhưng cũng đã quá muộn cho những gì đứa trẻ phải gánh chịu và suy nghĩ.
Và thế là lần đầu tiên động vật bị bạo hành diễn ra trước mắt tôi khi đứa cháu nhỏ vừa lên 5. Ánh mắt của nó lúc đó chứa đầy sự tức giận và căm ghét đến mức tôi đã rùng mình khi chứng kiến cảnh đó. Không phải là những cái vỗ mông khi chú chó nhỏ hư, mà là những cái tát đau điếng chỉ muốn trút giận từ một đứa trẻ. Nó ra tay nặng đến mức tôi có thể hình dung được nếu nó lớn hơn vài tuổi thì chú chó nhỏ của tôi chắc phải bị gãy vài cái xương. Tôi nhanh chóng ngăn cản và hỏi nó lý do tại sao nó lại làm như thế. Câu trả lời của nó rất ngây thơ là vì chú chó đã vô tình cào tay của nó. Tôi có thấy vết cào xước, nhưng dù có là vậy thì hành động đánh hung tợn như thế vẫn khiến tôi khó tin. Tôi bảo nó rằng phải biết yêu thương động vật, nó dạ rất ngoan ngoãn. Nhưng hành động đó cứ liên tục tiếp diễn, thậm chí có đôi lúc nó còn bỏ đói chú mèo nó mới nuôi chỉ vì chú mèo đó không được xinh, và ói trước mặt nó khi ăn quá độ.
Lúc trước còn có những khi nó hành hạ mấy con côn trùng và giết chết chúng. Trong mắt một đứa trẻ vốn không hiểu thế giới tròn méo như thế nào lại có thể ra tay hành hạ một con vật nuôi trong nhà, và nhẫn tâm giết chết những con côn trùng vô tri. Có thể với một số người thì đó là bình thường, với ba mẹ tôi hay hàng xóm xung quanh cũng đều cho là thế. Vì họ đánh vật nuôi để răn dạy, thậm chí con cái họ thì họ cũng đánh với cái câu “thương cho roi cho vọt” thì với động vật tại sao họ lại không. Cái văn hóa đó ăn sâu vào những con người không coi chó mèo là “người bạn” của mình. Nhưng hành động đánh để răn dạy khác với đánh để trút giận, và đánh để hành hạ. Đứa cháu của tôi rơi vào vế thứ hai, nó vui vẻ khi thấy những động vật nhỏ đau đớn, và không chút mải mai rằng con mèo của nó có thể bị đói đến chết, hoặc chú chó nhỏ có thể bị thương trước cơ thể to lớn của nó.
Trước cả buồn thay cho những con vật xấu số, tôi buồn hơn cho đứa cháu của mình. Nó đã trải qua một tuổi thơ không mấy hạnh phúc với những trận đòn roi từ ba mẹ chỉ để trút giận, những cuộc cãi vã và nó là người phải chứng kiến dù rằng nó còn chẳng nói nổi một câu hoàn chỉnh.
Có vài lần. tôi chứng kiến cảnh chị tôi đánh nó hằn cả dấu bàn tay trên lưng chỉ vì muốn đe dọa chồng mình không được ra ngoài bia rượu với đồng nghiệp. Những tác động vật lý liên tục diễn ra trong suốt 3 năm nó trưởng thành, từ cả ba lẫn mẹ. Sau đó thì cuộc hôn nhân đó đổ vỡ, mọi oán giận từ ba hay mẹ nó lại tiếp tục phải chịu đựng. Tưởng rằng một đứa trẻ không biết gì cả, tôi cho rằng nó biết hết tất cả, chỉ là chúng đang im lặng quan sát, đánh giá xem liệu khi nó làm thế thì nó có bị trừng phạt hay không. Và chứng kiến người lớn làm gì để có thể theo như thế mà học.
Tưởng rằng ở xã hội hiện đại việc ly hôn diễn ra như cơm bữa và những đứa trẻ đã sớm quen với cảnh tuần này qua ba, tuần sau qua mẹ và nghe phụ huynh nói xấu nhau như một chuyện hết sức bình thường. Thì thật ra bọn nhỏ vẫn luôn chịu tổn thương xung quanh cuộc hôn nhân đổ vỡ đó, khi những bạn trẻ khác có ba mẹ đầy đủ và được quan tâm chăm sóc dịu dàng từ mẹ, răn dạy mạnh mẽ từ ba hoặc ngược lại thì bọn chúng chỉ có những ký ức về sự xa cách, về người tình tiếp theo của ba hoặc mẹ, về những lời đâm chọc tàn nhẫn dành cho nhau.
Nếu những cặp ly hôn văn minh, thì đâu đó trong đứa trẻ vẫn có một nỗi buồn. Nhưng có lẽ với chúng thì cũng đỡ hơn được phần nào so với những đứa trẻ chịu những lời chỉ trích hoặc nói xấu đối phương từ ba hay mẹ. Thiếu hụt sự giáo dục, ảnh hưởng từ việc bị bạo hành sẽ dẫn đến bạo hành.
“Ở đâu có bạo hành động vật, ở đó có bạo hành con người”Muller-Harris, D. L., 2011, ‘Animal violence court: a therapeutic jurisprudence-based problem-solving court for the adjudication of animal cruelty cases involving juvenile offenders and animal hoarders,’ Animal Law, vol. 17, pp. 313-336.
Đứa cháu nhỏ của tôi là một ví dụ điển hình, nó ôm ấp một nỗi hận thù và tìm cách trút giận lên những động vật nhỏ bé y như cách mẹ nó đã làm với nó khi nó còn nhỏ.
Những đứa nhỏ có biết gì không? Chúng biết hết tất cả, bằng một sự ảnh hưởng sâu sắc từ trong não bộ đến khi phát triển và hình thành tính cách.
Nếu chúng đánh động vật, và chúng ta cổ súy cho việc đó, chúng sẽ trở nên càng tàn độc hơn. Vì chúng biết chúng có thể làm thế.
Nếu chúng phá hoại đồ của người khác và luôn được ba mẹ bênh vực, sự việc này sẽ càng tiếp diễn vì chúng biết dù thế nào thì chúng cũng có cái đặc quyền là “trẻ nhỏ có biết cái gì đâu”
Nếu ba mẹ đánh chúng như một việc để xả cơn giận dữ, nó cũng sẽ tìm những thứ nhỏ bé hơn để trút cơn tức giận của mình. Y như những gì ba mẹ nó đã từng làm.
Kẻ tổn thương sẽ đi tổn thương người khác, câu này không sai khi đối chiếu với một đứa trẻ chịu quá nhiều tổn thương.
Việc giáo dục một đứa trẻ từ 3 đến 18 tuổi là một công việc toàn thời gian cần ba mẹ bỏ cả kiến thức, trách nhiệm, thời gian và rất nhiều tiền bạc vào đó. Qua câu chuyện của đứa cháu nhỏ của tôi, tôi hy vọng chúng ta có thể thấy dù là một đứa trẻ còn chưa đến mười tuổi thì mọi thứ xảy ra xung quanh nó đều ảnh hưởng đến cách chúng phản ứng với thế giới. Nên thà muộn nhưng đúng người đúng trách nhiệm chứ đừng vì vội vã và thiếu chuẩn bị cho bản thân để rồi một đứa trẻ ra đời trong đau đớn và tổn thương đi tổn thương thêm một ai đó khác.
Có thể tôi chưa kết hôn nên chưa dám chắc được rằng mình có thể cưới đúng người, nhưng nếu nghĩ đến việc có con nhỏ, tôi sẽ nghĩ thật kĩ để chắc rằng bản thân có thể đem đến một môi trường tốt nhất dành cho nó. Đúng là trẻ con không biết không có tội, nhưng người lớn đã biết mà còn dung túng thì người có tội là chúng ta.
-Lâm Duệ Nghi-

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất