CHUYỆN NHÀ MÌNH
Mong mẩu chuyện đáng yêu của gia đình mình sẽ đem lại vitamin vui vẻ cho mọi người!
Chia sẻ những mẩu chuyện vui vẻ của gia đình, mình nhận được rất nhiều sự “ngưỡng mộ” từ mọi người, "đáng ghen tỵ thật", "nhà m thích thế"... Nhưng căn nhà nào mà chẳng có xó tối, gia đình nào mà chẳng có những góc khuất. Thú thật, ngoài những giây phút ảm đạm, ấm êm thì gia đình ấy rất to tiếng, cực kỳ to tiếng!
*8h sáng ở một ngôi nhà nọ.
— D ơi, xuống ăn sáng đi? - bà mình nói vọng lên nhà trên.
— Cháu không ăn đâu bà ơi - Mình cất giọng 1 quãng 8 vừa đủ nghe, âm thanh du dương, bay bổng.
— Gì lần 1, ơ hay lần 2, D ơi lần 3,... Mình cũng đáp lại thận trọng, lấy hơi đầy phổi, tăng âm lượng, cất giọng 1, 2, 3,.. rồi 5 quãng 8. Thì đúng rồi, người thường đu gì được vài quãng 8, mình chỉ đu trên thanh quản, phát ra thứ anh thanh chua lè với âm lượng x10 lần, chắc cách vài hàng xóm vẫn nghe được.
— Rồi, thế mà hỏi nãy giờ không trả lời. Suốt ngày không ăn, gầy như cá mắm rồi còn giữ dáng - Lời hồi đáp của bà nghe sao mà đau xé thanh quản.
*Trong bữa cơm của gia đình ấy.
— Nghe nói, ông kia bị bệnh nặng lắm rồi,.... - bà kể hăng say lắm, mình cũng không nhớ nội dung gì, vì bà kể nhiều câu chuyện quá =))
— Bà nghe ai kể?
— Ơ thì bà H đấy, rõ ràng tao nghe....
— Thôi lại tai lành tai điếc rồi, bà hóng nửa câu chuyện, mỏi chân rồi đi về đúng không? =))
Cả nhà cứ thế cười giòn tan, giòn hơn miếng đậu bị mình rán cháy.
Thế mới nói, nhà mình đâu nhẹ nhàng, êm đềm như mọi người vẫn nghĩ, nó đôi lúc ồn ào và đầy thứ chuyện. Trong đó, chuyện đãng trí đặc trưng của “trẻ già” cũng là điều đương nhiên.
Bóng ông đạp xe chậm rãi, nghe thoáng tiếng ho khàn đặc trưng. Bà bảo ông ham chơi lắm, rảnh là đạp xe đi chơi quanh xóm. Ấy thế, xẩm tối thấy ông đi bộ về, mình cũng không hỏi, ông rửa chân tay rồi coi thời sự như thường ngày.
— Ơ cái xe đạp đâu rồi D ơi?
— Ối, cháu có đi xe đạp nữa đâu. Hay ông để quên nhà ai rồi?
— Ai đi chứ tao có đi xe đạp bao giờ đâu? Tao đi xe điện rồi... - chỉ 5p sau khi mình giải thích chuyện ông đạp xe ra xem chơi chắn rồi chân không đi bộ về, ông đã tìm lại chiếc xe của mình trong tiếng cười trừ: “tao quên”.
Trong từ điển của ông luôn xuất hiện từ “bao giờ đâu”, nó có nghĩa là tao có nhưng tao không nhớ. “Tao có ăn bao giờ đâu”, “Tao có cất nó bao giờ đâu”,... Vốn dĩ từ này nên chuyển thành “bây giờ đây” hoặc “lúc nãy đấy” có vẻ hợp lý hơn ông nhỉ =))
Đây là mình của những ngày tháng đầu tiên về quê tránh dịch.
— Bao giờ lên HN, ông cắt quả bầu mang lên cho mấy đứa trọ cùng ăn?
— Cháu ở đây mấy tháng cơ, dịch có được đi học đâu!
— Thế hả, vài ba hôm nữa nó già rồi ông đi cắt về nhà ăn không hỏng, chả đợi m lên HN nữa.
Từ đó đến “vài hôm nữa” thì ông cũng hỏi mình gấp vài lần chữ “vài”.
— Bao giờ lên HN, ông ra thăm vườn có 3 quả bầu to ngon lắm!
— Ơ ông không thích cháu ở đây à, ông đuổi khéo cháu gái phải không? Cháu dỗi.
— Không lên mà học còn gì, ở đây ăn bám rồi không lấy được bằng đại học.
— Thế thôi cháu lấy chồng luôn nhớ!
— Mày, ai lấy... *ơ kìa ông =)))
Ông mình bắt đầu bị đãng trí cách đây hơn 1 năm, ban đầu mình hơi khó chịu khi phải trả lời đi trả lời lại 1 câu và có nhiều câu như vậy trong một ngày. Là bạn, bạn có khó chịu mà nổi điên lên không? Ít nhiều gì cũng có thôi! Mình từng thấy nhiều video nói về chuyện những cụ già đãng trí bị con cháu quát mắng, nạt nộ không ra gì, thật quá tệ. Lúc bé bỏng, bố mẹ kiên nhẫn vì những lần ta la khóc giữa đêm, ị đùn khắp nơi và biếng ăn mỗi ngày vậy mà khi bố mẹ về già, ta lại chẳng đủ kiên nhẫn để trả lời bố mẹ một câu hỏi, một lời quan tâm,... chỉ một câu cũng khó đến vậy sao?
Gia đình mình không phải toàn những cá nhân xuất sắc tạo nên hạt nhân hoàn hảo của xã hội. Nhưng trong căn nhà ấy, sự quan tâm, chia sẻ luôn đặt lên hàng đầu. Nhà có 1 người đãng trí thì 6 người còn lại kiên nhẫn, kiên nhẫn trả lời nhiều lần. Nhà có 1 người lãng tai thì 6 người còn lại kiên nhẫn, kiên nhẫn tăng dần âm lượng. Người đãng trí vẫn quên mình vừa ăn gà mà xương còn trong bát, còn người lãng tai vừa kể câu chuyện được hóng từ “hối vợ” sang “vỡ nợ”, cứ cười trừ rồi thành cười cộng, cười nhân đôi, nhân ba. Chẳng phải tự nhiên mà một gia đình hòa bình, êm ấm cả. Nhỉ?
Thì mình cũng hơi phân vân về cái tiêu đề của bài này. Hơi lộn xộn vì tổng hợp kha khá mẩu chuyện nhưng chung một điểm, đều về cặp vợ chồng son nhà mình, có chăng bài này có thể đặt tiêu đề là “cặp vợ chồng son phần 2”. Trong đó, bà vai người dẫn truyện, ông vai quần chúng tập trung nghe bà kể. Một cặp đôi: bà lãng tai, ông đãng trí; bà tokbokki phô mai, ông hồng trà màng sữa; bà mê nhạt cay, ông chuộng mặn ngọt;.... 2 con người đối lập nhưng chung sống hòa thuận, yêu thương lẫn nhau; nuôi dưỡng 5 người con và vài chục cháu chắt, vậy cũng hơn 60 năm rồi! Tuyệt quá phải không?
Nhà mình còn 1 cặp vợ chồng son nữa (mình sẽ kể trong bài sau ha). Vì gia đình có 2 cặp vợ chồng mẫu mực mà khiến mình tin vào tình yêu hơn, còn bao giờ iu đương thì mình không biết =))
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất