CHUYỆN MÙA COVID: Chuyện người về, kẻ ở
Hơn 2 tháng trước, Vietnam Airlines tuyên bố ngày 25/03 sẽ là chuyến bay quốc tế cuối cùng dành cho công dân Việt Nam đang ở Úc trở...
Hơn 2 tháng trước, Vietnam Airlines tuyên bố ngày 25/03 sẽ là chuyến bay quốc tế cuối cùng dành cho công dân Việt Nam đang ở Úc trở về nước trước khi hãng hàng không này tạm dừng khai thác các chuyến bay về Việt Nam, và sau đó sẽ tiến tới đóng cửa toàn bộ các đường bay quốc tế... Bố mẹ gọi giục tạm gác mọi việc lại để về, bạn bè điện hỏi về luôn đi chứ? Ai cũng lo cho sức khỏe mình, rằng một mình ở lại đó có tự xoay sở được không? Về nhà đi, chẳng may trong trường hợp xấu nhất thì vẫn được tận tình điều trị, vẫn cứ là an tâm hơn, chứ ở nước người ta, chính phủ cũng phải lo cho dân người ta trước, bao giờ mới tới lượt mình?
Thực ra ai nói cũng đúng. Chi phí khám chữa bệnh ở Úc vốn đắt đỏ, nói gì đến những lúc dịch bệnh nghiêm trọng này. Tháng trước nói chuyện với chị quản lí, chị tâm sự hôm trước thấy có dấu hiệu sổ mũi hắt hơi, gọi điện tới bệnh viện muốn được xét nghiệm vi rút Corona, vì chị có con nhỏ, chị muốn được kiểm tra để yên tâm hơn. Nhưng kết quả là bị từ chối với lí do “chưa đủ điều kiện”, vì họ cần “để dành” cho những trường hợp có dấu hiệu chắc chắn, rõ ràng hơn. Mà ấy là chị còn là công dân Úc, chứ chả phải mấy đứa du học sinh mới tốt nghiệp, đang ở lại đi làm theo dạng Visa tạm thời như mình. Ấy thế nên cũng trăn trở lắm. Chuyện về hay ở.
Nhưng sau vài ngày bàn bạc với gia đình, mọi người cũng nhất trí việc về nước lúc này sẽ gây xáo trộn nhiều thứ, như kế hoạch công việc, rồi khá nhiều bất cập có thể xảy ra đối với Visa, bởi lúc đó Úc đã quyết định đóng cửa khẩu quốc tế, và với tình hình khi ấy thì không ai dám khẳng định bao giờ chính phủ mới cho mở cửa trở lại. Chưa kể việc di chuyển ở sân bay, ngồi trên máy bay gần 10 tiếng với hàng trăm người, rồi sau đó còn xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để check-out khi đã về tới Việt Nam, thì không thể làm lơ với quá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Vậy nên cuối cùng thì vẫn là chọn ở lại. Úc cũng đã bắt đầu xem xét vấn đề nghiêm túc hơn, không còn chỉ chăm chăm tuyên truyền rửa tay thường xuyên mà đã đặt lệnh cách ly, giãn cách xã hội và cho đóng cửa các tụ điểm không cần thiết như bãi biển, nhà hàng, quán bar,… còn bản thân mỗi cá nhân cũng phải tự giác cách ly giao tiếp cộng đồng, đặt yếu tố đảm bảo sức khỏe và an toàn lên hàng đầu.
Thế rồi mấy hôm sau, đọc được bài báo một số em du học sinh bị kẹt lại ở sân bay bên Mỹ, cầu xin giúp đỡ được trở về quê hương. Kéo xuống phần bình luận, thấy có người kêu các em “có tiền đi du học thì ở lại tự lo đi”, “lúc sướng thì có nhớ gì tới quê hương tổ quốc không?”,… dẫu biết chỉ là một vài ý kiến, nhưng vẫn xót xa. Vì cùng là phận xa nhà, chỉ vì một vài cá nhân có cách hành xử không hợp tình trước đó mà làm bùng lên làn sóng đánh đồng cả một cộng đồng những người đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, cớ làm sao ngày xưa “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, giờ lúc khó khăn hoạn nạn lại quay về cầu cứu, tìm kiếm sự đối đãi tử tế từ quê nhà.
Tôi cũng có bạn bè đang du học bên Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp,… hầu hết cũng đã về nước cả rồi. Nghe chúng nó tâm sự lúc đầu cũng đắn đo hoang mang lắm, vì sợ về lại thành ra gánh nặng, nhưng giả như bỏ lỡ chuyến này rồi ai biết tương lai mờ mịt này sẽ tiếp diễn ra sao, biết sẽ nương tựa vào đâu…? Phải tới lúc đặt chân lên đất mẹ rồi, mới dám thở phào nhẹ nhõm, cảm giác như từ giờ an tâm được sống rồi! Nghe mà thương chúng nó…
Dẫu biết hơn bao giờ hết, “hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” là thiết thực, nhưng cũng trộm nghĩ, trước khi bình luận như vậy, họ có thực sự hiểu hoàn cảnh của những người là đồng bào của mình đang vật lộn giữa tâm bão ngoài kia hay không, đang chống trọi khi xung quanh không phải hàng chục mà là hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày hay không, những người mà dịch bệnh đâu có xét duyệt quốc tịch hay hoàn cảnh của họ rồi mới quyết định lây nhiễm cho ai…
Thủ tướng Úc thậm chí đã thẳng thừng tuyên bố bất chấp sự chỉ trích của nhiều quan chức và dư luận, rằng ông khuyến khích du học sinh, khách du lịch và những người đang lưu trú tạm thời ở Úc “sớm trở về quê hương nếu không đủ điều kiện tiếp tục sinh sống ở đây, và nhận sự giúp đỡ đang được thực thi sẵn có ở quê nhà của các bạn…để chính phủ Úc có thể tập trung chăm sóc tốt nhất cho công dân của mình”. Những người bình thường đã phải vất vả sinh tồn trong một thế giới xa lạ không được ưu đãi, giờ đây dịch bệnh cũng chẳng ưu ái mà chừa họ ra, vô hình chung bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn mình sẽ đi hay ở, mình sẽ thuộc về nơi đâu. Ấy là chưa kể đến những câu chuyện phân biệt chủng tộc đối với người châu Á đang gia tăng hơn bao giờ hết trong thời điểm nhạy cảm này…
Tới bây giờ cũng được ngót nghét hai tháng kể từ ngày quyết định ở lại. Và thất nghiệp. Nhưng vẫn đang sống sót. Là người làm trong ngành du lịch- khách sạn, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lí cho điều đó, nên không thể gọi là quá bất ngờ. Vậy nên cũng cố gắng bình tĩnh lên một kế hoạch mới cho khoảng thời gian này, trau dồi thêm nhiều thứ, học tập thêm nhiều điều mà giờ rảnh rang mới nghĩ ra để mà mày mò này nọ.
Hôm trước Vietnam Airlines lại mới thông báo mở đường bay trở lại để tiếp tục đón công dân Việt Nam về, nhưng sẽ chỉ hạn chế số lượng người. Nhưng chắc mình vẫn sẽ ở lại thôi, mặc dù cũng vừa nhận được mail từ chỗ làm, xin lỗi bạn sẽ còn thất nghiệp tiếp tới hết tháng 9….
Cũng chả trách được ai. Tình hình Covid-19 ở Úc đang được cải thiện khá nhanh chóng, tới thời điểm này là hơn 7,000 ca nhiễm, nhưng gần 6,500 trong số đó đã được chữa khỏi, số ca nhiễm mới cũng giảm còn dưới 10 ca/ngày thay vì tăng 250-300 ca trong vòng mỗi 24h như cách đây hơn 1 tháng. Giãn cách xã hội cũng bắt đầu được nới lỏng, nhưng cái giai đoạn từ ổn định kinh tế – xã hội tới bình thường hóa du lịch- dịch vụ thì còn xa lắm. Tự nhiên thấy dở khóc dở cười. Chưa thấy lúc nào đủ tự do được làm này làm nọ như bây giờ (ví như ngồi viết lách thế này). Nhưng tiền trong túi thì vẫn cứ phải ra đi, rồi bao nhiêu kế hoạch xa hơn cũng phải sắp xếp lại. Vẫn đang phải cố chắt chiu mà sống sót, rồi tìm cách mà kiếm thêm thu nhập tạm thời...
Người ở lại cũng khổ sở trăm mối lo lắm, nhưng đã chọn ở lại rồi, đã tập thích nghi rồi thì mình cứ chiến đấu tiếp vậy…!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất