Không phải tự nhiên mà cảm giác hạnh phúc có một tên gọi khác là lên đỉnh đâu các cậu ạ. Hạnh phúc có kiểu this kiểu that, riêng kiểu lên đỉnh thì thật khó để tả. Nếu buộc phải tả, tớ cần dùng tới cả đoạn văn.
Đó là khi cơ thể trở nên trong suốt, đầu óc chẳng nghĩ gì cả. Người ta cũng không còn thiết tha đến lớp kem nền sáng nay cố dặm cho thật mịn hay bận lòng đôi lông mày kẻ đã cân đối hay chưa. Mình thật thà và tan ra sau một pha vật lộn lên xuống. Hơi thở nhẹ nhàng như thể một thứ chất lỏng độc hại nào đó trong người vừa được đẩy đi. Cậu thấy mình là kẻ chiến thắng khi đã chinh phục “đỉnh”, nhưng đồng thời cũng là đứa trẻ hiền lành đang ngập chìm trong hạnh phúc và phó mặc bản thân cho trời đất - hoặc người bên cạnh. 
Khác với vô vàn kiểu hạnh phúc khác, lên đỉnh cực kỳ ngắn ngủi. Nó đến chưa chắc đã nhanh nhưng đi thì tương đối vội. Có đôi khi, chưa kịp vui hết đã cảm thấy dấu hiệu gì đó man mác của nỗi buồn xuất hiện. Bản thân lên đỉnh cũng mang hàm ý những trạng thái đối lập nhau: hưng phấn - hụt hẫng, kiêu hãnh - tự ti, sở hữu - mất mát,... Giống như hai mặt của một tờ giấy chẳng thể tách rời. Khác hẳn với niềm hạnh phúc “ngồi không cũng tới” như khi sử dụng chất kích thích, lên đỉnh đòi hỏi cả thể lực, tâm trí và cộng sự (hiển nhiên vẫn đúng trong ngữ cảnh khác của từ này).
Nhân dịp kết thúc chuyến leo núi thứ 2 trong đời mình, tớ xin viết về 5 điều đã vừa thở vừa học được trong quá trình lên đỉnh. Không chắc chúng sẽ có ích nhưng tin tớ đi, hóa ra rất nhiều chuyện trên đời bọn mình phải làm chứa quy luật tương tự với một lần lên đỉnh. Biết đâu lại ứng dụng được.
Lên đỉnh là một loại hạnh phúc khó tả
Lên đỉnh là một loại hạnh phúc khó tả

Mình tự do, do tự mình (DSK đã nói rồi)

Để mà đứng trên đỉnh, trước tiên cần phải lành lặn và khỏe mạnh đã. Càng trong nguy hiểm, bản thân càng phải tự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đừng mong chờ quá nhiều vào đồng đội vì nếu một chuyện xấu xảy ra giữa rừng thiêng nước độc thì có nghĩa chuyện xấu ấy xấu hơn bình thường gấp 100 lần. Không thể gọi cấp cứu kịp thời, không thể gọi cứu hộ nhanh chóng, không có phương tiện di chuyển nào khác hai chân, thậm chí không có sóng điện thoại. Muốn tự do hít một hơi gió lớn trên đỉnh núi, bạn phải tự lo rất nhiều thứ: thể lực, quần áo, giày mũ, tư trang, thiết bị liên lạc, thuốc thang. Khúc này đánh lái sang kinh nghiệm leo núi, bạn nên mặc áo gió để tránh mưa và sương lạnh ngấm vào người, đội mũ tránh ướt tóc dẫn tới đau đầu, đi ủng không ngấm nước hoặc giày chuyên dụng. Khuyến cáo: lót thêm băng vệ sinh tự tin sải bước cho đỡ đau chân. Tất cả những thứ đó, bạn phải tự có ý thức lo lắng, tìm hiểu, kiểm tra và giữ gìn tới khi lên đỉnh. Hiển nhiên, bạn phải tự leo cũng như đảm bảo sự an toàn cho chính mình chứ chẳng ai vác chúng ta trên vai suốt dọc đường.
Muốn được tự do đứng trên đỉnh, chúng mình phải tự lo rất nhiều thứ
Muốn được tự do đứng trên đỉnh, chúng mình phải tự lo rất nhiều thứ

Chọn đồng đội để dựa dẫm

Ai cũng hiểu rất nguy hiểm nếu leo núi một mình, thế nên bạn đồng hành là bắt buộc. Team work makes dream work. Chặng đường dễ dàng hơn vì có người cùng chia sẻ hành lý, thức ăn, nước uống, hỗ trợ nhau khi ai đó đuối sức hoặc vấp ngã. Bài học lớn nhất để duy trì teamwork tớ muốn nói là: Chọn đồng đội mà dựa dẫm. Nhưng trước khi nghĩ tới chuyện dựa dẫm, hãy xem lại bài học 1. Chúng mình có thể nhờ người khỏe hơn đeo balo, theo sát sau những người thông thuộc địa hình và nhiều kinh nghiệm đi rừng. Chủ động nhờ họ hướng dẫn xem nên đặt chân ở đâu, bước vào chỗ nào, tránh chướng ngại vật gì trước mỗi cung đường khó. Thường đó sẽ là những người mạnh hơn cả thể lực và tâm trí. Ngược lại, nếu phụ thuộc vào đồng đội ngang bằng hoặc ít kinh nghiệm thì teamwork sẽ cực kỳ khó khăn đấy. Thế nên trước chuyến đi, cần thẳng thắn chia sẻ về khả năng của bản thân với đồng đội nhé. 
À, nếu tự lo được cho bản thân thì san sẻ chút để “xây dựng hình ảnh” hay thực tế hơn là đảm bảo tốc độ của đoàn thì càng tốt. Hãy làm mấy việc đơn giản như: chia sẻ balo, cảnh báo đoạn nguy hiểm, đợi chờ đồng đội,... hoặc bất kỳ việc gì vừa sức của mình.

Cảm nhận giới hạn của bản thân

Niềm hạnh phúc của leo núi gắn liền với mệt mỏi thậm chí đau đớn. Có đôi khi họng cậu nghẹn lại, áo cậu ướt sũng, chân cậu căng cứng còn gió thì vẫn rít bên ngoài. Những lúc như thế, tớ thường bắt đầu với suy nghĩ “Thôi nghỉ một tí”. Nhưng nghỉ càng nhiều càng mất sức, hơi thở cũng điều tiết bất ổn hơn và tốc độ leo của cả đoàn bị chậm lại.
Dần dần tớ nhận ra leo núi là môn đòi hỏi sức bền cộng với nhịp độ. Thay vì ngồi sập xuống, tớ bắt đầu hỏi “Còn cố được 5 bậc nữa không”, rồi từ từ tăng lên 7 bậc, rồi đến cả con dốc hay thậm chí tới đoạn đường bằng rồi mới tranh thủ nghỉ chân. Hóa ra chúng ta mạnh mẽ hơn mình tưởng. Mệt thì mệt thật, nhưng nó là mặt sau của tờ giấy hạnh phúc. Muốn vui nhanh tớ đã dùng loại chất kích thích nào đó. Muốn lên đỉnh, tớ phải chấp nhận sự kiệt sức cũng thuộc một phần quá trình. 
Mệt thì than nhưng từ từ hãy nghỉ. Viết tới đây, chợt nhớ tới lời giảng viên môn quản trị bán hàng từng bảo: “Các em nghỉ việc cũng được thôi, nhưng đời này nghỉ việc được bao nhiêu lần”. Leo núi chính là cứ chậm chậm nghe xem giới hạn của bản thân nói với cậu nó có thể đi xa tới đâu đó.
Những thứ xinh xắn không tên chúng mình bắt gặp trên đường
Những thứ xinh xắn không tên chúng mình bắt gặp trên đường

Phải quan sát trước khi đặt chân

Một đứa luôn vội vàng và cà cuồng trước deadline như tớ cuối cùng cũng thấm thía bài học này (sau bao lần bị dập túi bụi). Nếu 4 giờ phải nộp bài thì ngay lập tức 2h tớ đã cắm mặt vào làm theo brief. Thế nhưng nếu đúng quy trình, tớ nên dành 10 phút đọc brief, 10 phút hỏi đáp hết thắc mắc và confirm với sếp trước khi thực hiện. Tính ra, tớ bắt đầu trễ hơn 20 phút nhưng lại chẳng mất nguyên buổi tối để sửa bài vì hiểu lầm. Các cậu không cần leo núi để học điều này, nhưng leo rồi thì khắc cốt ghi tâm luôn. 
Nếu đặt chân nhầm vào một rễ cây, cậu rất dễ trượt xuống vách núi. Nếu bám phải mảng đá có rêu, cậu rất dễ mất đà. Nếu chỉ bước theo người phía trước, cậu rất dễ xảy chân mà nhào vào phía họ. Thế đấy, muốn vội vàng mà được à. Đi leo núi rèn cho cái nết và bộ óc mình điềm đạm lại thì thôi.

Lên đỉnh chưa chắc đã vui. Quay đầu chưa chắc là thất bại

Đỉnh luôn ở đó, có chạy đi đâu mà sợ. Giống như quote “Đi rồi sẽ tới”, chỉ cần có thời gian kiểu gì chúng mình cũng lên được đỉnh. Nhưng đôi khi cảm xúc không tuyệt vời như cậu tưởng. Khi đã ngắm xong biển mây cuồn cuộn như bông dưới chân, thấy hoàng hôn đỏ lựng lùi vào bóng tối, cậu nhận ra sao mà lạnh quá. Tối nay ngủ không đệm, chân rất bẩn mà làm gì có nước nóng, sóng điện thoại thì chập chờn, cái cột mốc hóa ra cũng chỉ là...cái cột mốc. Niềm hạnh phúc nguội lạnh giống tô mì đã nở bung bét. Cố gắp thêm vài miếng nhưng mì đã thôi chẳng còn ngon. Vậy là mình hụt hẫng qua đỉnh.
Chúng mình sẽ lên đỉnh nếu đủ thời gian, nhưng thường những cuộc trekking đôi khi mang màu sắc “trốn chạy” khỏi thành phố. Rồi hết ngày phép, ai lại về văn phòng người ấy. Nhiều lúc, chúng mình chẳng kịp đợi cái chân đau phục hồi, chẳng kịp chờ cơn mưa qua đi và nắng lên rực rỡ để leo tới đỉnh nữa. Nhưng điều hạnh phúc nhất là người ta biết tự tìm lý do nhắc nhở bản thân về những cảm xúc đã gom nhặt được suốt chặng đường. Khi ấy, chúng mình còn sống mà có phương hướng và động lực, nó khác hẳn với cảm giác hụt hẫng “Ờ thì làm gì tiếp đây” sau khi đã lên đỉnh. 
Tóm lại, đi lên đỉnh đôi khi còn tuyệt hơn là lên lên đỉnh ấy các cậu ạ. Đang mùa thích hợp để leo núi săn mây, nếu được thì thử bộ môn mất sức mà gây nghiện này xem. Dù không lên được đỉnh, đừng quên vẫn còn nhiều niềm vui khác chờ ở phần khúc dạo đầu nhé.