Thời gian gần đây mình có dịp được dấn thân từ từ vào giáo dục, đó là đi dạy gia sư. Bé mà mình đang dạy đang trong độ tuổi mà mọi người thường bảo là ngạo nghễ, khó dạy khó bảo. Và mình cũng đôi lần bó tay trước cậu nhóc này.
Hổm rày anh nhà mình có chuyến công tác tại Sài Gòn nên lâu đứ đừ nay mới được gặp offline với anh.
- Dạo này em đi dạy rồi đó anh. Nhưng mà thật, dạy cần có một cái sự kiên nhẫn khủng khiếp. Cạnh đó là một cái đầu phải lạnh chứ không là quýnh người mất.
Anh nhìn mình cười, em hiểu giáo dục là như thế nào hả?
- Ừm, “giáo” ở trong “giáo huấn” này, nhưng còn “dục” em chịu.
- “Dục” à, “dục” ở đây là sự ham muốn. Nghĩa rằng, khi kết hợp lại, ta hiểu việc giáo dục là việc ta chỉ dẫn sao cho cái ham muốn đó chạy đúng.
Đây là một cách nghĩ rất hay từ anh.
ⓖⓘⓐⓞ ⓓⓤⓒ
Sau đó, khi về tìm hiểu lại về định nghĩa giáo dục theo Hán-Việt thì mình mới biết cách định nghĩa về giáo dục là như vầy. Chữ “dục” này là “dục” (育) trong “nuôi nấng”, khác với chữ “dục” ở trên là “dục” (欲) trong “sự ham muốn” như anh nói. Nó gồm trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục. Nghĩa rằng, việc giáo dục ở đây chỉ sự toàn diện cho sự phát triển bậc nhất của một con người. Nó không chỉ đơn thuần là việc mình dạy học (giáo) về mặt nào đấy mà còn bao hàm sự yêu thương, nuôi nấng (dục) trong đó. Nhưng suy đi nghĩ lại, kết hợp với cách lý giải của anh thêm nữa thấy đa màu.
Dường như ở nền giáo dục hiện đại, trí dục vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu và vô tình còn được xem là cái bao quát của một nền giáo dục. Đức dục, thể dục và mỹ dục chỉ luôn xếp sau, thậm chí nhiều khi người ta còn cho rằng là vô tác dụng. Nghĩ đi nghĩ lại, mình cũng có thể hiểu vì sao ở thời đại này, trí dục vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Theo quan điểm triết học của chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì việc sản xuất vật chất giữ vai trò là nhân tố quyết định sự sinh tồn, phát triển của con người và xã hội loài người, là hoạt động nền tảng làm phát sinh phát triển những mối quan hệ của con người. Nghĩa rằng, mọi mối tương quan giữa con người với con người không thể nào dừng ở việc suy nghĩ, lời nói và hành động cơ bản tương tác với nhau, mà mục đích con người có thể tồn tại và phát triển từ cái thời ăn lông ở lá lên đến thời ở nhà mát, ăn bát vàng đều xoay quanh mỗi vấn đề tạo ra một cái gì/ điều gì đấy rồi đem bán chúng và ngược lại. Chứ không, một người chẳng thể nào tự mình xoay sở tạo ra thức ăn, áo mặc, xe cộ chứ đừng nói chi đến những việc vĩ mô hơn. Đó là lý do con người cần cộng tác lẫn nhau và sinh sống, từ đó mới phát sinh ra thêm các tên gọi và tính chất về giai cấp. Và đối chiếu theo tháp nhu cầu Maslow, thì tiền đề - nhu cầu cơ bản để tạo cái nền cho việc đáp ứng các nhu cầu phía trên là việc ta ăn, ở và mặc.
Vậy thì chỉ có dùng cái trí dục để học tập, tập trung trau dồi thì mới giúp cho xã hội này phát triển mạnh về mặt vật chất và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của con người được. Thường một mẫu thời trang vừa cập nhập xu hướng hay một sản phẩm mới của hãng A được tung ra thị trường thì luôn có sức hút số đông hơn so với việc thiên về một buổi triển lãm B hay một hang động vừa được khám phá ra tại nơi C. Cho nên, trí dục ở thời này có thể hiểu vì sao được ưu tiên nhiều đến thế.
ⓣⓗⓐⓒ ⓝⓤⓞⓒ
- Nhưng thường em sẽ có xu hướng chọn cách nhẹ nhàng để bảo ban cậu nhóc đó, nhưng nhiều khi em thấy dường như bé nó bị lờn với cách đó đấy anh. Nghiêm răn thì càng phản tác dụng nữa, kiểu đó chả khác gì đổ dầu vào lửa cả. Nên em đang khá loay hoay anh ạ. Nếu như đi theo định nghĩa cách riêng của anh đó, thì giáo dục là việc mình hướng dẫn sao cho cái ham muốn nó chạy đúng phải không?
- Ừ thì vậy, em thấy một con thác như thế nào?
- Dữ dội, xiết chặt cuồn cuộn anh ạ.
- Đúng, thế nhưng em lại muốn chặn cái con thác đó lại, không để nó chảy cuồn cuộn như thế nữa, em nghĩ em có khả năng không?
Một con thác đang chảy đúng với bản chất của nó, nó đang dồi dào và đầy năng lượng như thế mà. Mình là ai, ở đâu đến mà lại bắt nó thay đổi cơ chứ. Đâu thể nào một là ngừng chảy, hai là chảy theo hướng mình muốn được. Anh còn đưa ra một trường hợp ví von, rằng khi mình cố chặn dòng nước chảy đó lại, chắc chắn nó sẽ bị bí và sau đó, nó sẽ phụt ra nhiều hướng khác nhau tạo thành nhiều con thác khác, yếu hơn, nhỏ hơn và không đẹp hùng vĩ như một con thác lúc đầu.Trong việc đồng hành để dạy dỗ một đứa trẻ cũng vậy, phải để nó chảy một cách tự nhiên. Mình nên là người quan sát và có sự kiên trì để uốn nắn lại mỗi khi dòng thác đi hơi lệch so với cái bản chất thật của nó. Nên việc em chọn cách nhẹ nhàng hay nghiêm khắc không quan trọng bằng việc em có đang để cho một đứa trẻ chảy đúng khả năng tự nhiên của nó hay không…
ⓔⓒⓗ ⓒⓐ ⓡⓐⓝ
Câu chuyện cái thác nước đó làm mình nhớ tới bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân” của Kim Ki-duk. Bộ phim kể về hành trình một người vốn bị chính mẹ ruột bỏ rơi và được một vị tu trì cưu mang. Người này lớn lên ở tu viện, dưới sự quản giáo của một vị tu trì. Nhưng rồi, anh lại lỗi lầm và phạm vào giới cấm, với những tội lỗi chồng chất. Và sau cùng, anh đã quay về ăn năn và đi trên con đường tu hành của mình.Trong bộ phim này, đơn cử nhất có một cảnh phim kể về lúc khi người này còn là một chú tiểu. Chú tiểu này vào mùa xuân sang, đã rất nghịch ngợm khi buộc đá vào lưng của ba con vật - cá, ếch và rắn rồi khoái chí chứng kiến cảnh chúng khổ sở khi mang hòn đá ấy. Người sư phụ ấy đã nhìn thấy ngay lúc đó, nhưng thay vì can ngăn thì ông lại bình thản quan sát hành động ấy. Đêm đó, khi chú tiểu đang say giấc nồng thì ông lại đem một tảng đá lớn quấn quanh người chú tiểu như cách chú đã làm với những con vật ấy. Chú tỉnh dậy với sự đè nặng, vô cùng khó chịu nhưng sư phụ chỉ bảo rằng, nếu cậu đi tìm và mở hòn đá ra cho các con vật ngày hôm qua, thì ông mới giải thoát cho cậu. Cậu lặng lẽ đi tìm những con vật ấy, và rồi khi cậu phát hiện ra con cá và con rắn đã chết do hòn đá cậu buộc, cậu đã òa khóc nức nở.
Người sư phụ này đã làm chọn đúng cái ý hướng của giáo dục. Rằng ông không là người can thiệp, không là người bắt cậu bé thay đổi mà ông vẫn để cho chú tiểu chảy một cách tự nhiên. Chảy tự nhiên ở đây chính là việc ông đã để cho cậu tuân theo đúng cái quy luật nhân quả ở đời. Thay vì can ngăn, cắt nghĩa cho cậu ngay lúc ấy chả khác nào việc ta cố chặn cái dòng thác dữ dội kia, thì thôi ông vẫn cứ để dòng thác chảy, rồi chỉ cho nó biết nó đã chảy sai hướng và tự nó hiểu được việc đó như thế nào.Nhưng xét ở một trường hợp khác, nếu một người đang có ý định xâm hại đến một mạng sống nào đấy. Thì lúc này, giáo dục nên ở bước đầu trước khi người đó hành động, nhằm để khuyên ngăn và chặn được dòng nước của họ đã lệch lạc ngay từ đầu chứ không phải thuận theo tự nhiên vốn có của người đó. Vốn dĩ, “nhân chi sơ, tính bổn thiện” nên không ai có sự ác ngay từ lúc hình thành cả.
Nên rằng, giáo dục cũng cần một sự linh hoạt và sáng suốt vậy.
ⓚⓔⓣ
Và đó là một chút suy nghĩ về một phần nào đó của giáo dục.
Trên đây là những điều thuộc về quan điểm của tác giả. Mình vẫn đang trên con đường tự học tự luyện, sẽ đôi lúc không tránh được sự thiếu sót hay nhầm lẫn. Nên mình rất mong sẽ nhận được sự phản hồi từ nhiều góc nhìn của mọi người theo hướng thiện chí xây dựng. Mình nghiêng mình cảm ơn.
thân ái,
mình.