Chuyện là tôi có một đứa bạn, nó bước vào thế giới này với biết bao sự tò mò về vạn vật xung quanh. Từ lâu tôi đã quen với việc nói chuyện với nó như đóng vai người giải đáp trong chương trình 1000 câu hỏi vì sao.
Nó hỏi vì sao với bất cứ điều gì nó thấy. Ngồi ăn cơm khi tôi xới đầy bát, nó nói tại sao phải xới đầy vậy? Tôi biết thế xới ít lại thì nó hỏi tại sao phải xới ít, tao nấu nhiều cơm mà??? Mày ăn nhiều như vậy tại sao mày không béo? Mày ăn ít vậy thì béo làm sao được? Rồi ăn xong tôi xin cái tăm thôi, nó hỏi tại sao lại phải dùng tăm? Lại chuyện uống cafe thì tôi hay ngồi ở quán quen, nó hỏi vì sao không phải chỗ khác mà là chỗ này? Nói chung nó hỏi về mọi thứ. Có những lúc tôi định không trả lời, thì nó lại bảo khinh nó, còn trả lời thì một danh sách câu hỏi luôn trực chờ để tôi giải đáp.
Đấy là lúc tôi được nói, còn lúc nó nói thì tôi sẽ phải bật chế độ lắng nghe sâu và không được phản hồi, hành động nguy hiểm nhất là cắt ngang câu chuyện của nó. Nó kể về chuyện công việc, đồng nghiệp có nhiều vấn đề, chuyện yêu đương toàn là màu xám, chuyện gia đình, và tất nhiên không thể quên tự đặt câu hỏi tại sao lại họ cử xử như thế, mà không phải thế này, thế kia. Nghe đâu nó kể, nó từng đi tư vấn tình yêu gì đó, màu gì cũng có, vấn đề gì cũng gặp, giải quyết kiểu gì cũng xong, nhưng chia tay đều.
Mỗi khi bắt đầu nghe nó kể chuyện, việc của tôi là sử dụng trí nhớ và logic ít nhất có thể, vì vẫn là câu chuyện đó thôi nhưng mỗi lần một tình tiết khác nhau, việc thắc mắc đã kể rồi hay chưa, hợp lý hay không, điều nó định kể ra sao là không nên những lúc như thế này. Vì đơn giản ngồi đôi co kể rồi hay chưa sẽ mất nhiều thời gian hơn việc tôi ngồi nghe nó kể hết một lần nữa.
Tôi vẫn nhiều đêm suy nghĩ tại sao tôi lại chơi được với nó lâu đến thế, nếu có giải thưởng về sức chịu đựng và sự kiên nhẫn, tôi xứng đáng có được giải đặc biệt. Nhưng rồi tôi cũng phải tự tìm câu trả lời cho mình. Tích cực mà nói, nó cũng có những cái hay mà nếu tôi chịu khó vứt đi vô vàn những điều xấu khác. Nếu không có nó, tôi đâu có sức chịu đựng, hay sự kiên nhẫn đến vậy, làm sao ngồi nghe nó than vãn trên trời dưới biển mà tâm vẫn bất biến giữa những câu chuyện đầy phốt như vậy.
"Đôi khi nó giúp tôi nhận ra rằng, đến nó mình còn chịu đựng được thì trong cuộc sống, công việc có gì làm mình phải xi nhê cơ chứ?"
Nếu một ngày nào đó, nó ăn nói bớt hãm hơn, tính cách bớt cằn nhằn hơn, than vãn ít hơn, hoặc đơn giản là bớt đặt câu hỏi hơn, thì chắc tôi không chơi được với nó nữa, vì tôi không quen cuộc sống dễ dàng đến vậy.
---
Ảnh minh hoạ: Bên trái là điều nó định kể, bên phải là thứ nó nói.