Mình chưa từng có ý niệm chính xác về việc mình lớn lên, và người lớn như ba mẹ, ông bà sẽ già đi cho đến khi đi học xa. Một năm mình về khoảng 2 – 3 lần, mỗi lần gặp, gương mặt của bà nội lại có những thay đổi mang dấu ấn tuổi tác thấy rõ. Và mình cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ chăm một bà nội bị lẫn. Hệt như một vòng tròn: bà chăm cháu, rồi cháu chăm bà.

Khi bà chăm cháu

Mình ở chung với bà từ hồi nhỏ xíu. Hay nói đúng hơn cả nhà mình sống cùng với bà, nhà này, đất này là của bà nội cả. Ba chị em mình ăn, ngủ, tè, ị đều có tay bà lo. Hồi xưa mình còn thấy chính bà hút dịch mũi cho các em bằng miệng nữa. Lớn lên đi học, chính bà là người gọi mình dậy. Mỗi lần “nướng” khét lẹt trễ giờ là mấy cái miệng lại gào lên khóc lóc, đổ thừa cho bà nội không gọi dậy sớm hơn. Hồi đó mọi việc đều một tay bà làm, mình chả cần nhón tay vào việc gì. Tỉnh dậy bà đã xếp mền gối thẳng thớm, đi học về áo đẫm mồ hôi có bà treo lên ngay ngắn.
Bà yêu cháu nhưng khá khắt khe với con dâu. Bà hay lườm nguýt mỗi khi mẹ làm gì đó trái ý. Mẹ buôn bán vật liệu nên chẳng tránh khỏi việc gặp gỡ với khách hàng, thường là đàn ông. Bà khi ấy sẽ ngồi ở bên này nhìn sang, nhìn chằm chằm như ai đó sẽ lấy mất đồ trong nhà đi vậy. Bà sẽ chẳng nói trực tiếp vấn đề với mẹ đâu, chỉ thể hiện bằng thái độ, hoặc đi “mách” với tụi mình. Ngày đó còn nhỏ không biết nên đôi lúc mình cũng không thích mẹ. Lòng mình cứ lợn gợn những cáu bẩn, chẳng nhớ chính xác là gì nhưng đôi lúc không thể hòa hợp với mẹ.
Mình nghĩ bà mình khá là “phong kiến” và cổ hủ. Bà yêu cháu, giữ mọi thứ cho cháu và con ruột. Bà cũng thương con dâu đấy, nhưng không phải ưu tiên số 1 của bà. Bà cũng là người đàn bà kiêu hãnh với tuổi trẻ được nhiều người mến mộ, là con gái của một gia đình cũng có của ăn của để. Bà tháo vát, khéo tay, biết làm các thể loại bánh truyền thống, có khả năng xắt hoa chuối, khổ qua mỏng như tờ giấy. Cũng là bà, một mình với gian hàng tạp hóa nuôi 4 đứa con. Chồng mất, bà chẳng nơi nương tựa, đến cái quần của chồng cũng bị em trai chồng chiếm lấy. Thế nên, mình đoán là bà sẽ luôn đặt ra yêu cầu cao với mẹ bởi vì chính bà thời đó cũng đã đáp ứng theo những tiêu chuẩn thời xưa. Có lẽ đó là nguồn gốc của những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu ha ta?

Đến lượt cháu chăm bà

Vai trò giờ đã đảo ngược. Trí nhớ bà không còn minh mẫn. Bà như đứa trẻ 4 tuổi cần có người chăm sóc hàng ngày.
<i>Bà nội mình. Chụp tầm 3 năm trước.</i>
Bà nội mình. Chụp tầm 3 năm trước.
Thay vì thức dậy vào 4h sáng tập khí công, bà sẽ ngủ đến khoảng 7h. Tụi mình sẽ cần gọi bà dậy để đi tè, súc miệng rửa mặt, cho bà uống 1 ly mật ong. Có thể bà sẽ lên nằm thêm một chút, hoặc đi loanh quanh trong nhà, hoặc rên rỉ khó chịu vì một cơn đau không rõ ở đâu trên cơ thể sau một đêm thức dậy.
Bà quên mất cách nhặt rau, nhặt giá, cầm dao. Những lúc mình nấu cơm, bà đi lên đi xuống, hoặc ngồi cạnh bàn, cầm những lá rau đặt trong cái rổ gần đó rồi vứt như một trò chơi, hoặc bà chỉ ngồi, nói vu vơ, hoặc thỉnh thoảng ngủ gật.
Thay vì có thể tự cầm đũa muỗng, “em bé 4 tuổi” nhà mình sẽ có nhu cầu được đút ăn (bón cho ăn). Món nào bà thích ăn bà sẽ ăn ngon lành, món nào ghét, bà sẽ phun. Đứa nào dám càm ràm với bà, bà sẽ phun vào mặt đứa đó. Xưa nội thích ăn mặn, giờ bà thích ăn món có vị ngọt. Ăn quà nhiều hơn ăn cơm. Chỉ có vài “món ruột” là vẫn như vậy: chả ram, bánh tráng, bánh xèo, bún riêu. Bạn có biết, bà mình có thể nhai bánh tráng, bánh quy bằng nướu đó!
1 ngày ở với bà, có thể là một ngày bình thường như bao ngày, nhưng cũng có thể là một cuộc chiến. Cuộc chiến sẽ manh nha xuất hiện trong giờ cơm, lúc bà đang trong cơn khó ở. Đôi lúc vì muốn ép bà ăn, tụi mình sẽ cố cho bà ăn dù lúc ấy bà chán, phun phèo phèo. Bà sẽ quờ quạng khắp bàn, bốc thức ăn, ném. Càng cản bà, bà sẽ càng dữ tợn mà dùng tay quơ quơ, mà lực tay bà rất mạnh nên lỡ mà trúng thì đau lắm. Một cuộc chiến khác có thể diễn ra nơi toilet. Bà sẽ quên mình cần phải đi tè, hoặc đi tè rồi nhưng quên mất mình đã đi, hoặc nghĩ rằng tụi mình đã lấy mất đồ. Những lúc đi tắm bất hợp tác, bà sẽ tạt nước ngược vào mình, la hét, cào cấu. Cứ vài ngày lại có vài ngày hơi mệt như vậy.
Tuy nhiên, khi vào đến giường ngủ, nội lại trở thành một em bé. Một em bé muốn có người ngủ cùng. Lúc mới chớm lẫn, đêm nào bà cũng đi tìm tụi mình, chỉ khi có 1, 2 đứa cháu trong phòng bà mới chịu nằm ngủ. Bà sẽ ôm mình, thơm mình, đắp mền cho mình như một phản xạ có điều kiện đã được thiết lập mười mấy năm nay. Bà sẽ gọi mình là “cục vàng” dù mình biết khi ra khỏi phòng bà sẽ quên đi mất.

Bà chăm cháu 10 phần, cháu chăm bà chỉ còn 5

Ngày xưa, full-time của bà chính là chăm cháu và coi ngó nhà cửa. Ngày nay, mình chăm bà chắc được một nửa ngày xưa.
Mình chăm bà theo lịch, gói gọn trong các khung sáng, trưa, chiều, tối với các hoạt động cơ bản. Thỉnh thoảng mình lấy việc chăm bà để viện cớ cho lý do làm việc không tập trung, vì bà làm mình xao nhãng. Khi bà hỏi mình những câu hỏi được lặp lại đến 10 lần. Mình trả lời cho có hoặc im lặng tập trung vào việc khác. Nếu như lúc trước, chắc bà sẽ kiên nhẫn trả lời cho cháu nhỉ?!
Tụi mình cho phép bản thân la ó, quát mắng bà. Có lẽ tụi mình nghĩ bà giờ như một đứa trẻ, hoặc tụi mình chọn đây là cách để giảm bớt sự bực tức, nên tự cho phép bản thân lớn tiếng với bà. Biết như thế là không phải phép, nhưng nhiều lúc bực quá cũng không thể tránh khỏi làm những việc như vậy.
Đôi lúc mình nghĩ với tình hình sức khỏe như kia, nếu bà không có nhà, không có ai chăm sóc. Liệu bà nội sẽ “sinh tồn” ra sao. Tự nhiên mới nghĩ tới thôi mà thấy chua chát. Liệu ai sẽ dìu bà nội đi? Lúc bà đói, bà sẽ ăn mọi thức trước mặt. Làm sao bà có thể ngủ, thức dậy, đi vệ sinh. Ai sẽ ôm bà, thơm má và cột tóc cho bà?
Tết mấy năm trước, mỗi lần lên chùa mình hay cầu xin Thần, Phật lấy của con mươi, mười năm tuổi cho bà nội được sống khỏe. Chắc là mọi người trên trời nghe thấy hết cả nhỉ. Nên ít nhất khi bà lẫn, sức khỏe vẫn ổn định, da đẹp, má hây hây khi trời nóng, thỉnh thoảng lại đọc vu vơ mấy bài đồng dao. Chắc là đúng rồi, phải không?