“Kỳ thi THPT năm 2020 sẽ thay đổi thế nào?”, “Đại học Quốc gia Hà Nội thay đổi phương án tuyển sinh”,… tôi nín thở, cố bình tĩnh để đọc, cập nhật từng tin tức, sự thay đổi cho Kì thi tốt nghiệp THPT. Tôi lo cho bản thân – một du học sinh tương lai, và lo cho các bạn – những học sinh đang miệt mài ôn thi để vào những trường đại học mơ ước trong nước.
Tôi là một học sinh thuộc nhóm chỉ cần tốt nghiệp, vì đã hoàn thiện quá trình nộp hồ sơ du học và được nhận học, kèm theo mức học bổng toàn phần. Tuy nhiên, đối với kế hoạch này của Bộ, tôi sẽ có khả năng cao không thực hiện được ước mơ của mình, đồng thời mất đi số học bổng mà mình đã dành 3 năm để trau dồi bản thân kiếm được. Đó là một quá trình tốn công sức, thời gian và tiền bạc. Để xây dựng một bộ hồ sơ thật đẹp ấy, tôi đã quên ăn quên ngủ ôn luyện chứng chỉ tiếng Anh, ôn thi Học sinh giỏi, tham gia hoạt động ngoại khoá. Các bạn cùng tuổi tôi, những người đã dành cả quãng thời gian THPT để trang bị kiến thức cho kì thi tốt nghiệp, đón chờ cánh cửa đại học danh giá trong nước, những người mà cuộc sống chỉ xoay quanh vòng tròn chu trình cố định: sáng học chính, chiều học thêm ca 1, tối học thêm ca 2, đêm hoàn thành bài tập, tự ôn tập, nay hoang mang vì nỗi lo giới hạn nguyện vọng. Chúng tôi hiện tại, dù ai chăng nữa, bị động hoàn toàn.
“Mày sao rồi? Có kịp sang bên kia không”, “Bách Khoa có thi tự luận mày ạ. Tao đang không biết phải làm sao bây giờ mày ạ!’. Những cuộc nói chuyện của chúng tôi đều xoay quanh việc thi cử, xoay quanh những đề xuất, thay đổi của Bộ Giáo dục. Thật sự vô vọng là khi chúng tôi, những người 18 tuổi – độ tuổi đang hừng hực nhiệt huyết thực hiện hoá ước mơ của mình, lại không có khả năng quyết định tương lai của bản thân. Hằng ngày chúng tôi nhắn tin với nhau, “Sao cuộc đời chúng ta cứ khó khăn thế này?”, “Tao mệt quá, không thể nghĩ được nữa”, tôi thật sự thương bạn, thương bản thân. Chúng tôi quá vô vọng trước nguy cơ mất cơ hội du học, mất học bổng. Và tôi tin rằng, các bạn thi đại học trong nước cũng đang áp lực gấp nghìn lần đối với kì thi năm nay. Có lẽ “rối rem” là từ chính xác nhất để miêu tả chúng tôi bây giờ.
Tôi vẫn đủ bình tĩnh để đọc hết các tin, cập nhật sự thay đổi từng ngày của Bộ Giáo dục, tuy nhiên, đến khi đọc bình luận như "Học hành mà nghe tới thi muốn "phát khóc" là sao?" hay "Đi học mà nghe thi sợ muốn khóc. Tôi chả hiểu học sinh bây giờ học hành kiểu gì. " thì dường như giọt nước tràn ly, tôi buồn và đã khóc.
Thưa các bác, chúng cháu không hề ngại thi. Chúng cháu không hề lười học, ngại học hay chán học. Nếu chúng cháu chán học, chúng cháu đã không quan tâm đến việc có diễn ra kì thi hay không. Chính vì chúng cháu đã quyết tâm học, nên chúng cháu kì vọng vào một tương lai mà mình mong muốn. Đứng trước nguy cơ bị đánh mất cơ hội (mà nguyên nhân không xuất phát từ bản thân) thì chúng cháu mới “phát khóc”. Chúng cháu, dù chỉ cần tốt nghiệp, hay có nguyện vọng nộp hồ sơ đại học trong nước, luôn cố gắng học, trau dồi kiến thức trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Chúng cháu học online 3 ca một ngày, sáng học online chính khoá, chiều học online học thêm ca 1 hoặc học truyền hình, tối học online ca 2. Nhưng thật sự, đứng trước những bất lợi về không gian, đường truyền, hiệu quả lớp học chỉ đạt được đến 60-70%. Tiếp xúc với máy tính quá nhiều trong một ngày, nhiều ngày trong một tuần khiến tôi mỏi mắt và đau đầu. Cháu tin cảm nhận này không chỉ ở riêng cháu, mà còn ở các bạn 2002.
Chúng cháu khóc vì lo cho tương lai của mình. Các bác bảo hồi xưa không ai kêu phiền vì 2 kì thi, nhưng cháu nghĩ (cháu không có ý hỗn láo, hay cãi lại lời các bác), những anh chị khoá trên ấy đã có ít nhất 9 tháng để chuẩn bị tâm lý vững vàng cho 2 kì thi, chính vì thế, họ coi đó là việc bình thường, và không ai than phiền. Thế nhưng, trong trường hợp của chúng cháu bây giờ, thời gian còn lại rất ngắn, ngót nghét 3, 4 tháng để chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho 2 kì thi. Du học sinh thì đứng trước bức tường vô hình ngăn cản ước mơ du học, học sinh trong nước thì đứng trước ngã rẽ tâm lý chọn trường, giới hạn nguyện vọng (hiện nay trường đại học Bách Khoa và đại học Quốc gia đã tổ chức cùng ngày thi tuyển). Chúng cháu kiệt sức và kiệt hi vọng rồi.
Cháu biết tiếng nói của mình không có sức ảnh hưởng to lớn để tạo nên bất kì thay đổi nào trong tương lai, nhưng cháu kính mong các bác hiểu được tình hình, tâm trạng của chúng cháu lúc này, và đừng buông những lời bình luận gây tổn thương trong tình hình nước sôi lửa bỏng như hiện nay. Những lời bình luận của các bác là những mũi dao đâm vào những tia hi vọng hi hữu còn sót lại của chúng cháu. Chúng cháu cũng chỉ là những người trẻ 18 tuổi, chưa đủ kinh nghiệm sống để đối mặt với một tương lai không do mình quyết định thế này.