Một câu hỏi luôn thường trực trong đầu mỗi khi ta thấy lạc lõng, vô định. Ta không biết được ý nghĩa tồn tại của mình, ta so sánh với những người xung quanh rồi lại tự cảm thấy thất vọng về bản thân.
Ta bị lôi vào vòng xoáy, vào những quy định được xem là bất biến của cuộc sống như khi nhỏ phải chăm chỉ học tập để kiếm được tấm bằng đại học nhằm có được một công việc ổn định sau này, ra trường thì phải xin vào một công ty rồi cố gắng làm việc nhằm có tiền lo cho cuộc sống sau này. Đến 25, 27 tuổi thì phải cưới vợ, sinh con, nuôi con ăn học, rồi phải dành dụm được khoảng tiền để dưỡng già. Đến 60 thì nghĩ hưu chăm cháu, rồi già, rồi chết. Nếu ta không sống theo quy trình này, dường như ở mỗi độ tuổi ta đều phải chịu áp lực từ đủ thứ phía gia đình, bạn bè, xã hội.
Vậy chúng ta sống để làm gì? Tưởng chừng như là một câu hỏi mở nhưng thật ra nó đã đóng khung cuộc sống ta vào chữ LÀM GÌ. Ta phải làm gì đó thì mới được coi là sống ư ? Việc đặt mục tiêu làm gì, chạy theo để đạt được rồi lại đặt mục tiêu mới, lại chạy theo liệu có phải là một cách sống khôn ngoan ? Chúng ta đã chạy quá nhanh, chúng ta làm mọi thứ để thỏa mãn cho thể xác nhưng linh hồn đã chết từ lâu, hoặc có lẽ nó chưa bao giờ được sống.
Ta như những chú cá mải mê tìm đến đại dương rộng lớn, ngỡ rằng hạnh phúc sẽ ở nơi đấy nhưng mất cả đời vẫn chưa tìm đến được, hoặc tìm đến được rồi thì lại cảm thấy vỡ lẽ nơi đại dương đâu chứa những hạnh phúc mà ta hằng nghĩ, mà ta đã hạnh phúc nơi vùng nước nhỏ rồi. Tức là ta mơ ước những thứ vật chất xa hoa, tìm cách thỏa mãn dục vọng cho thể xác, mưu cầu hạnh phúc xa vời, bỏ quên chăm lo tâm hồn như chiếc bình có vẻ bề ngoài thật đẹp đẽ nhưng bên trong lại hoàn toàn trống rỗng.
Cuộc sống vốn vô thường, mọi thứ đều tương đối, riêng quy luật sinh lão bệnh tử là tuyệt đối. Thế nên tôi nghĩ chúng ta không nên đặt câu hỏi ‘‘Chúng ta sống để làm gì?’’ mà nên đặt câu hỏi ‘‘Nếu ngày mai phải chết thì ta có tiếc nuối gì không?’’. Khi đặt câu hỏi này cho chính mình, nó khuyến khích bạn can đảm làm những việc mà bản thân bạn nghĩ là nên làm nhưng sợ sự phán xét của xã hội, sợ không thành công,… mà bạn phân vân. Hãy đặt câu hỏi này trước những quyết định mà bạn phân vân và nếu bạn thấy tiếc nuối, thấy day dứt nếu chết mà chưa thực hiện nó thì bạn hãy làm ngay nhé. Đừng để kí ức những ngày tàn toàn là tiếc nuối, như thế là ta đang lãng phí cái sự sống quý giá của mình.
Câu hỏi ‘‘Nếu ngày mai phải chết thì ta có tiếc nuối gì không?’’ giúp bạn sống trọn vẹn với hiện tại, sống chậm lại để cảm nhận được những cái đẹp xung quanh mà ta đã vô tình lướt qua, giúp ta sống tử tế, yêu thương nhiều hơn. Và khi chậm lại, không chạy đua với cuộc sống ta chợt nhận ra hạnh phúc ngập quanh ta chứ không cần phải tìm kiếm đâu xa. Nó là ngày nắng nhẹ với những đám mây bồng bềnh thả mình chậm rãi như những chiếc lá trôi trên sông không biết đi về đâu, ung dung, tự tại. Là một buổi sáng thức dậy tim bạn còn đập, mắt có thể nhìn thấy những điều tuyệt vời của cuộc sống, bạn có sức khỏe, bạn có tự do, bạn có một chút thức ăn, bạn có thể đi trên đôi chân của mình để khám phá thế giới, có gia đình, có bạn bè, có một công việc để làm, chỉ nhiêu đó thôi là bạn đã hạnh phúc hơn cả tỉ người rồi. Bạn hãy thử nghĩ nếu bạn mất một trong những điều ở trên thì sẽ thế nào?
Ta sẽ có được hạnh phúc nếu biết đủ, biết chậm lại cảm nhận bản thân và ngoại cảnh. Biết tìm niềm vui nơi những điều bình thường hằng ngày, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết tử tế với nhau, loại bỏ bớt những mong cầu không cần thiết. Nếu bạn đọc tới đây mong bạn sẽ tìm được niềm vui sống của mình, mong bạn hạnh phúc với những gì bạn có, mong mọi thứ tốt lành sẽ đến với bạn.
Còn tôi, tôi sống để làm gì? Tôi sống để sống.
Review về bộ phim Soul câu chuyện đi tìm mục đích sống