Tôi viết bài viết này để dự thi và xem xem có kiếm được hạnh phúc tí nào trên đoạn đường này hay không.
Khi nghĩ về hạnh phúc, chúng ta thường nghĩ đến các câu hỏi như sau:
- Hạnh phúc là gì nhỉ?
- Điều gì khiến mình hạnh phúc?
- Làm sao để có được hạnh phúc?
- Hạnh phúc là đích đến hay là con đường? → Chủ đề cuộc thi này he he
- Rào cản nào khiến chúng ta không có được hạnh phúc?
Nào chúng ta cùng lên đường tìm hiểu các câu hỏi trên.

Hạnh phúc là gì?

Chơi với nước từ vòi phun là hạnh phúc rồi!
Chơi với nước từ vòi phun là hạnh phúc rồi!
Không biết định nghĩa thì rất khó mà lý luận. Luôn phải nắm được cái định nghĩa dù sơ sài để rồi khi ta đối chiếu lại chúng ta dễ nhận biết là nó có phải cái ta đang nói tới không hay lại là một thứ khác mà chỉ do mập mờ về mặt chữ nghĩa mà nhập nhằng hết cả tư duy.
Khi tìm định nghĩa cho bài viết tôi nghĩ ngay đến Wikipedia. Wikipedia là trang web mà cộng đồng chung sức gầy dựng nên được đa số mọi người đồng tình và đáng tin cậy. Vì là bài viết dự thi chứ không phải báo cáo khoa học nên tôi chỉ cần được nhiều người đồng tình thôi chứ cũng không cần chính xác hoàn hảo. Tôi xin trích dẫn định nghĩa [link]:
Từ hạnh phúc , được dùng để chỉ trạng thái tâm lý tình cảm, bao gồm cảm xúc tích cực hoặc vui sướng mà vùng của nó trải dài từ cảm giác hài lòng đến cực khoái.
Tức là vùng cũng nó rộng lắm, hơi hài lòng là đã thấy hạnh phúc rồi, còn cực khoái thì hạnh phúc hơn. Vì nó có quá nhiều cấp độ nên khi nói về hạnh phúc người ta dễ hiểu nhầm câu hỏi theo nhiều hướng khác nhau.
- Tôi không nói về hạnh phúc tức thời, nó quá tầm thường, tôi muốn một hạnh phúc vĩnh cữu cơ! hạnh phúc mãi mãi về sau như truyện cổ tích á!
- Hạnh phúc là phải có cơ ngơi sang trọng, tiền đầy két tình đầy tim chứ đang đói mà được ăn thì đó chỉ là niềm vui trong giây lát mà thôi.
- Hạnh phúc là phải làm được người khác hạnh phúc chứ mỗi mình mình hạnh phúc thì ích kỷ lắm.
Còn nhiều nữa nhưng mà thôi tôi tạm viết 3 câu mà tôi hay gặp thôi. Với tôi thì xét theo định nghĩa từ Wikipedia thì cả 3 kiểu hạnh phúc trên đều là hạnh phúc nếu bạn cảm thấy hạnh phúc trong lúc đó. Còn nếu mà giúp người khác khiến bạn thấy quạo thì nó không phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là trạng thái tâm lý tích cực thôi. Dài, ngắn, sâu, nông là các hình thái của nó. Chưa chắc dài đã hay, chưa chắc sâu đã tốt. Nhưng chúng ta tạm lấy định nghĩa của Wikipedia làm nền tảng cho bài viết này nhé.

Điều gì khiến mình hạnh phúc?

Câu này dễ nè! bạn tự mình nhớ lại xem lần gần nhất bạn hạnh phúc là khi nào. Thì cái gì ở thời điểm đó có thể là cái làm bạn hạnh phúc đó. Ví dụ lần gần đây mình thấy hạnh phúc là khi mình ăn được một món ngon mà mình đang thèm là một tô phở. Cảm giác khi đó rất tuyệt, mình cảm nhận được vị ngon của từng thớ thịt, nước lèo thì ấm nóng. Ăn xong là nhìn thấy quang cảnh xung quang rực rỡ như filter của iPhone liền. Thế thì “Tô phở" chắc là điều khiến mình hạnh phúc. Tuy nhiên nếu mình mà bị ép ăn 7 ngày liền toàn là phở. Chắc xỉu! Kinh điển nhất là đặt nhạc chuông báo thức là bài hát mình thích! Thế là mình mất luôn bài hát mình thích. Thế nên “bản nhạc" hay “tô phở” đều có khả năng làm bạn hạnh phúc đấy. Nhưng không phải 100% lúc nào cũng vậy. Mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố xung quanh.
Chính vì bản chất bất thường này của hạnh phúc làm mọi người nản lòng. Món ngon đấy, ăn riết cũng chán. Bạn tốt đấy, cũng có lúc chọc tức mình. Người yêu mình đấy, nhưng cũng có lúc thờ ơ với mình. Sao mọi thứ không như khoa học nhỉ, là đúng công thức sẽ ra kết quả y chang. Như vậy chẳng tốt sao?
Tất nhiên là không tốt rồi bạn! Bạn mà thích hoài một thứ thì chắc chắn bạn đang nghiện thứ đó rồi. Nghiện là có thể ăn hoài không ngán, chơi hoài không chán, ... Và chả ai thích chơi với mấy ông nghiện cả. Vì mấy ổng không thay đổi, cứ vậy làm hoài à. Mà bạn cũng thấy hậu quả rồi đó, nghiện KFC thì béo phì, nghiện game thì héo mòn còn nghiện thuốc phiện thì tèo luôn.
Thế còn chuyện tình cảm thì sao, thích mãi một người có phải nghiện không? Nếu nó kèm theo các hành vi như: Giữ bạn tình khư khư bên mình, không cho người khác tiếp chuyện, cố gắng kiểm soát hoàn toàn bạn mình và luôn đòi hỏi bạn mình quan tâm mình không ngừng thì là nghiện đó! Kể cả bạn yêu vợ/chồng mình đến mấy thì đến lúc lên cty cũng nên tập trung vào công việc nhé. Chứ không sếp đuổi là phiền to.
Thế nghiện “hạnh phúc” thì sao! Theo tôi cũng không nên luôn. Bạn thử nghĩ xem lúc bạn hạnh phúc 100% thời gian thì chuyện gì sẽ xảy ra. Bạn không dám làm những việc khó nhọc và mạo hiểm! Chả có vui vẻ gì khi phải đi đoạn đường xa chục cây số để đến trung tâm ngoại ngữ học cái thứ mà tiếng mà mình không quen thuộc để có thể giao tiếp với sếp nước ngoài cả. Tuy nhiên, nếu phần thưởng cho cái giá phải trả đó là lương cao, giao tiếp bạn bè quốc tế, tự tin trong công việc hàng ngày thì mọi người sẽ hoàn toàn chấp nhận được những khổ cực trên. Thế nên mấy trung tâm ngoại ngữ cứ đông nghẹt người đăng kí. Đến ngay cả “hạnh phúc” mà cũng không nên nghiện. Phải biết đánh đổi để có hạnh phúc hơn!
Từ đây có thể kết luận tạm là việc hạnh phúc chả có nguồn cơn gì cụ thể là một tính chất tuyệt vời, giúp ta không bị nghiện và có thể đánh đổi hạnh phúc thành hạnh phúc hơn. Thế thì làm thế nào để được hạnh phúc hơn.

Làm thế nào để được hạnh phúc hơn?

Viết đến đây thì mình đọc lại mấy câu hỏi ban đầu thấy có hơi khang khác một chút so với kế hoạch. Ban đầu câu hỏi là “Làm thế nào để được hạnh phúc?". Tôi nghĩ sự thay đổi ở đây là do chúng ta dùng định nghĩa nhẹ nhàng hơn của Wikipedia là chỉ cần hài lòng cũng là hạnh phúc. Thế thì ai chả vài lần hạnh phúc trong đời. Mấu chốt là người ta hay quên. Quên là mình cũng từng hạnh phúc, thậm chí đã từng rất hạnh phúc. Cái mà mình ao ước là hiện tại mình đang cảm thấy khó ở quá, mình muốn được hạnh phúc toàn thời gian! Thế nhưng chủ điểm là sẵn sàng hi sinh hạnh phúc để được hạnh phúc hơn đã làm thay đổi mục tiêu hạnh phúc toàn thời gian đó. Giờ cái mà chúng ta cần tìm hiểu là okie mình đã từng hạnh phúc ở một mức độ nhất định rồi. Giờ làm sao để hạnh phúc như trước, hoặc hơn trước càng tốt. Ồ mà 2 câu này khác nhau chắc phải tách ra nha các bạn!

Làm sao để hạnh phúc như trước?

Ai cũng sẽ có vài kỷ niệm đẹp khiến mình hoài cổ. Tuy nhiên mọi thứ luôn thay đổi đâu có gì trường tồn. Nếu bạn đặt mục tiêu là hạnh phúc y hệt như trước từng chi tiết thì xác suất thành công chắc gần bằng zero. Ví dụ như bạn có một kỷ niệm vào ngày đẹp trời ngắm cầu vồng tại công viên cùng người bạn gái và ăn cây kem không thể ngon hơn làm bạn nhớ mãi ngày hôm đó. Giờ thì công viên đóng cửa, ông bán kem chuyển sang bán hàng online còn bạn gái cũ đã có hai đứa con làm sao rủ nó ra công viên ăn kem. Vô lý hết sức!.
Cái mà bạn có thể làm được là hạnh phúc ở mức độ như trước thôi. Nó sẽ là kỷ niệm khác nhưng cũng có thể khắc sâu như vậy. Có thể ngày nào đó trong tương lai bạn gặp một người bạn mới, ăn tôm hùm ở Maldives và kể nhau nghe những câu truyện vui thì bạn sẽ hạnh phúc với mức độ tương tự kỉ niệm trên. Nếu hên thì còn thấy hạnh phúc hơn. Nếu xui thì thua kém xíu nhưng cũng vẫn là hạnh phúc lớn. Tuỳ cảm nhận của bạn lúc đó. Phải thử mới biết.

Làm sao để hạnh phúc hơn trước?

Câu hỏi này cực khó luôn! Vì cái điều khiến mình thấy hạnh phúc thôi đã lúc này lúc khác rồi. Thì làm sao mà kiếm ra cách nào bền vững để hạnh phúc còn hơn trước nữa! Cái này cũng khó như việc kinh doanh mà luôn thắng đậm vậy. Trên cơ bản là xác suất gần bằng 0. Vậy để tăng xác suất lên, bạn phải giảm mục tiêu xuống. Ví dụ như thử 10 cách thì có 2 cách giúp bạn hạnh phúc hơn thì sao? Thì cũng là kết quả rất tốt phải không? Cái này tuỳ bạn cân chỉnh thôi:
1. Có thể bạn thích một hạnh phúc thật là khủng khiếp dù cho có phải thử trăm ngàn lần thất bại cũng đáng.
2. Có thể bạn thích có nhiều hạnh phúc nho nhỏ trong từng khoảnh khắc nhưng ngày nào cũng có vài việc làm bạn vui.
3. Có thể bạn thích một năm có 1 lần hạnh phúc to và vài lần hạnh phúc nhỏ nhỏ cho nó cân bằng cũng được.
Cái này là khầu vị của mọi người rồi nên tuỳ mọi người lựa chọn nha. Tuy nhiên nếu bạn đang lương thấp, không có người yêu, bệnh vặt thì nhiều thì không nên chọn 1 vì nó làm áp lực của bạn gia tăng thêm. Còn bạn mà đang có điều kiện tài chính ổn, sức khoẻ tốt, gia đình yên ấm mà bạn chọn số 2 thì dễ nhụt chí lắm. Đó là mình quan sát thôi chứ cuối cùng thì hạnh phúc là trạng thái tâm lý tích cực thôi, bạn thấy hạnh phúc thì nó chính là hạnh phúc.
Với mỗi lựa chọn trên bạn cũng sẽ có cách đo khác nhau. Như 1 thì mức độ khủng khiếp mới là thước đo. 2 thì tần suất là thước đo. Còn 3 là đúng với kế hoạch đề ra mới là thước đo. Đôi khi đo xong mới thấy, ối mình hạnh phúc quá!!!
Làm sao biết tôi thích cái nào trong 3 phương án trên? Thử đi bạn ơi! Bạn phải tự tìm hiểu chính mình chứ ai mà giúp cái khoản này được.

Vậy hạnh phúc là con đường hay đích đến?

Chạy là vui rồi mà được giải thì còn vui hơn!
Chạy là vui rồi mà được giải thì còn vui hơn!
Đọc đến đây mà bạn chưa trả lời được là mình hơi buồn nha. Vì hạnh phúc là cảm giác tích cực của mỗi người nên bạn ở đâu trên con đường cũng có thể hạnh phúc hết! Bạn có thể rất hào hứng khi bắt đầu một hành trình mới. Bạn rất vui vẻ trên quãng đường đi đến hạnh phúc. Bạn vỡ oà vì hạnh phúc khi đến đích. Ở đâu cũng có khả năng có cảm giác đấy hết quan trọng là nhiều hay ít và bạn thích cái gì hơn thôi.
Khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi “Làm sao để có được hạnh phúc?" thì thật ra trạng thái tâm lý của bạn lúc đó đang rất là khó chịu. Chả có ai đang hạnh phúc lại đặt câu hỏi nhảm nhí đó cả! Đó là một câu hỏi rất mệt mỏi, nản chí và đau khổ. Chỉ cần bớt khổ thôi là bạn sẽ thấy hạnh phúc hé lộ với muôn hình vạn trạng và quên luôn cái câu hỏi kia.
Thế làm sao để bớt khổ? Chủ đề này quá to. Hẹn các bạn ở bài viết khác nha!

Rào cản nào khiển chúng ta không hạnh phúc?

Ngay cả khi chúng ta bình thường ở mọi mặt tài chính ổn định, gia đình ổn định, sức khoẻ ổn định chúng ta vẫn có thể thấy chán dữ dội không hiểu vì sao. Chúng ta muốn tìm hạnh phúc mà chả thấy nó ở đâu. Chúng ta cảm thấy bị giam giữ trong mái nhà của mình và cô độc giữa người thân... thì có thể do chúng ta không chịu dùng cái đầu để suy nghĩ chiến thuật!
Bạn đang chán vì ổn định → thử làm gì đó mạo hiểm
Bạn thấy mệt mỏi vì cày quá nhiều → Sắp xếp một cuộc đi chơi.
Chờ hoài không có bạn gái → Đi giao lưu nhiều lên.
Học hoài không thấy tiến bộ → đổi thầy, đổi môn, đổi trường,...
Cái khó của giải quyết vấn đề là người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề phải thực sự tỉnh táo. Bạn đang buồn và chán thì rất khó mà xài cái đầu được. Lúc này ngoại lực có thể giúp bạn phần nào.
- Đi xa cách ly cuộc sống hàng ngày cho tỉnh táo cái đã rồi mới nghĩ cách.
- Nếu có bạn giỏi (lưu ý đừng xin tư vấn mấy thằng không có khả năng), thầy xịn thì xin nhờ tư vấn.
- Uống cafe! Chống chỉ định với các anh em bị say cafe.
Khi bạn tỉnh táo rồi thì thử viết ra xem mình thấy thế nào. Có chiến thuật nào khả thi không? Cái giá để được hạnh phúc hơn là gì? Có đáng không hay thật ra mình đang hạnh phúc rồi, liều mình là đi tong! Có gì “MỚI" để thử không. Đừng quên các anh em, ông bà ta nói cấm có sai câu nào “Một miếng của lạ bằng một tạ đường phèn". Chúc các bạn nghĩ ra cách hay để hạnh phúc nhé.

Tổng kết những gì mình tìm hiểu được sau khi viết bài:

Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của một người. Điều gì tạo ra hạnh phúc không bao giờ cố định cả, nếu bạn có cái nào đó tạo ra hạnh phúc cố định thì cẩn thận đó bạn có thể đang bị nghiện! Người ta có thể đổi lấy những giây phút hạnh phúc để được những giây phút hạnh phúc hơn. Để có hạnh phúc hơn thì bạn có nhiều cách, mỗi cách lại có kết quả khác nhau và tần suất khác nhau. Thích cái nào bạn phải tự tìm hiểu xem mình thích cái nào. Mà có chơi phải có chịu, chịu khổ thì mới được hạnh phúc hơn. Ngoài việc chơi có chịu cũng phải có chiến thuật đàng hoàng mới hên được và muốn có chiến thuật tốt thì người đề ra chiến thuật cũng phải thật tỉnh táo. Như Đức Phật cũng có nói tôi là người hạnh phúc đâu. Đức Phật nói “Tôi là người tỉnh táo".
Tôi cũng thấy vui vẻ hạnh phúc trong quá trình tham gia bài viết này đó! Nếu mà được giải thì lúc được giải chắc sẽ vui lắm. Chưa biết được. Đến lúc đó mới biết. Ai muốn biết mình có hạnh phúc khi được giải không thì hãy upvote cho bài viết này nhé!