Được một người bạn cho mượn cuốn này sau khi mình review cuốn "Của chuột và người" cũng của tác giả John Steinbeck. Thật là thiếu sót nếu chỉ đọc "của chuột và người" mà bỏ qua "Chùm nho phẫn nộ". Một phiên bản đầy đủ và chi tiết hơn (CC&N) về hoàn cảnh nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng lịch sử - cuộc đại suy thoái cũng là quá trình đi xuống đáy cùng xã hội của một gia đình nông dân Mỹ, gia đình Joad (Tom). Tác phẩm đồng thời phản ánh một cuộc di dân khổng lồ, nạn thất nghiệp khủng khiếp trong tầng lớp nông dân và tiểu địa chủ Mỹ trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của máy móc hiện đại thay thế cho sức lao động con người. 
            Một bức tranh sống động về hiện thực đời sống của người nông phu Mỹ bị phá sản, giãy giụa để sinh tồn, cũng như không khí hỗn loạn của khủng hoảng kinh tế và sự tước đoạt dã man thành quả lao động của con người trong xã hội Mỹ, khi những cỗ máy vô nhân tính dần thay thế những người nông dân đã sống cùng mảnh đất qua bao thế hệ. Họ giống như những cái cây đã ăn sâu bám rễ xuống mảnh đất của mình, họ hiểu đất, yêu đất chứ không như cỗ máy "hiếp dâm" đất một cách lạnh lùng. 
“Y không yêu mến đất, cũng như ngân hàng không yêu mến đất, y có thể ca ngợi chiếc máy cày… những bề mặt nhẵn bóng của nó, sức mạnh của đà vươn tới, tiếng gầm gào của những ống xilanh nổ ầm ầm, nhưng đó không phải là máy cày của y. Phía sau máy cày, những chiếc đĩa quay rộng lấp lánh, lưỡi đĩa sắc lấp lánh cắt xẻ đất – như kiểu giải phẫu chứ không phải cày bừa – gạt đất cắt sang phía phải để cho hàng đĩa thứ hai cắt và đẩy nó sang trái. Rồi, kéo theo sau đĩa là những cái bừa răng bằng thép cào lên đất đến nỗi các mô đất vụn tơi ra và đất được san bằng. Sau những chiếc bừa là máy gieo hạt… mười hai cái dương vật bằng sắt uốn cong trở vào, được luyện cứng ở lò đúc, được khởi động các đòn bẩy, đang hãm hiếp đất một cách có phương pháp, một cách lạnh lùng.”
Dorothea Lange. Courtesy of Jeu de Paume

            Những gia đình khốn khổ bị bứng đi khỏi mãnh đất quê cha đất tổ, họ buộc phải di chuyển đến nơi khác mà họ hy vọng ở đó sẽ có công việc đủ để nuôi sống họ. Niềm hy vọng ấy xuất phát từ những từ quảng cáo tuyển dụng rải khắp các miền quê, những công việc chủ yếu thu hoạch, hái trái cây, làm nông,... Nếu nguồn công việc chỉ cần 5.000 người, thì có tới 10.000 thậm chí 20.000 tờ áp phích tuyển dụng đến tay những nông dân khốn khổ. Để làm gì ư? Để càng có nhiều người lao động cần việc, tiền trả công sẽ càng thấp, họ tha hồ bóp nghẹt đồng loại, nhận việc hoặc chết đói, luôn có người tranh giành nhau đến chết để có được việc làm. 
            Ở đây phải đặt vào hoàn cảnh cuộc đại suy thoái ở Mỹ khi công nghiệp hóa lan tỏa đến các miền quê. Nơi những công việc đủ nuôi sống cả làng nay chỉ cần một người điều khiển một chiếc máy cày và chỉ có thể nuôi được một gia đình. Thu nhập nông nghiệp giảm khoảng 50%. Đến tháng 11/1932, cứ năm người Mỹ thì có khoảng một người thất nghiệp, họ dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm việc làm. Người chủ tha hồ ép sức lao động khi luôn có những người sẵn dàng đánh nhau đến chết để dành lấy công việc. Lương thấp không đủ để trang trải các loại lương thực tối thiểu, người chết đói như ngã rạ vì thiếu ăn, kiệt sức trên đường di cư. Dù cho đất đai màu mỡ, những hàng cây thẳng tắp, những thân cây cứng cáp, trĩu quả chín. Thực phẩm bị tiêu hủy (một phần của cái được gọi là kinh tế học về quản lý cung ứng) để duy trì giá thực phẩm, mặc dù những đứa trẻ chết vì suy dinh dưỡng - vì thực phẩm phải thối rữa, phải bị ép thối rữa. Cứ như vậy họ chìm vào nợ nần dẫn đến vỡ nợ, ngân hàng gặp khó khăn với những khoản nợ xấu ngày càng nhiều,... tất cả tạo nên sự tuần hoàn không có hồi kết của cuộc khủng hoảng. Ngay phần mở đầu câu truyện, tác giả đã cho ta thấy được tình cảnh lẫn quẩn đó bằng câu trả lời của người đến thu hồi đất, không phải lỗi của ông hay bất kỳ ai, cả những người chủ cũng chịu sự chi phối của ngân hàng, những người chủ ngân hàng cũng chịu sự chi phối của những thứ khác. 
            Rất tiếc vì sách mình mượn nên không có ở đây để trích được chính xác trong sách, mọi người có thể xem phim ở đây => https://ok.ru/video/32691784362 (cảnh 13:24)
“Migrant Mother” - người mẹ di cư mới chỉ 32 tuổi 
                Những con người khốn khổ buộc phải rời mảnh đất, rong ruổi khắp nơi để tìm việc mà không ngờ rằng mình đang đâm đầu vào ngõ cụt, mặc dù họ đã được cảnh báo về viễn cảnh đó từ trước. Nhưng nếu họ không đi, họ cũng không thể ở lại được, ở lại chỉ có chết đói, còn đi thì...
                Để hình dung ra được hoàn cảnh ngặt nghèo lúc đó, bạn có thể tìm thêm những tư liệu hình ảnh vô cùng chân thực của nhiếp ảnh gia Dorothea Lange. Bức ảnh nổi tiếng nhất của bà về một bà mẹ di cư bên những đứa con của mình đang tạm nghỉ chân tại một trại ven đường, nơi mà chỉ ít ngày sau khi cô và các con rời đi thì lương thực được viện trợ của chính phủ mới tới.
                Cái tên "Chùm nho phẫn nộ" được lấy cảm hứng từ lời của bài thánh ca "The Battle Hymn of the Republic" do Julia Ward Howe sáng tác. Lời câu thánh ca đó như sau:
Mắt tôi đã thấy vinh quang của sự hiện đến của Chúa:
Ngài sẽ chà đạp những vườn nho nơi chứa những chùm nho uất hận;
Ngài tuốt gươm kinh hoàng lấp lánh ánh tang tóc:
Chân lý của Ngài đang đến.
                Lời thánh ca này lại dựa trên phân đoạn Thánh Kinh trong sách Khải Huyền 14:19-20, ngày phán xét cuối cùng.   
Thiên sứ quăng lưỡi liềm xuống đất, cắt vườn nho ở đất và ném nho vào thùng lớn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Thùng ấy phải giày đạp tại ngoài thành; rồi có huyết ở thùng chảy ra, huyết đó lên đến chỗ khớp ngựa, dài một quãng là một ngàn sáu trăm dặm.
                Hình ảnh gợi lên từ tựa đề là một biểu tượng quan trọng trong việc phát triển câu chuyện và chủ đề lớn của cả tác phẩm. Những áp bức kinh khủng từ những lò ép rượu nho được sử dụng như hình ảnh ẩn dụ cho những áp bức mà người di cư từ Oklahoma và đặc biệt là gia đình Joad đã bị đối xử. Họ đang bị vắt kiệt đến bật máu như những trái nho trong thùng ép. Sự phẫn nộ trong con mắt của kẻ đói đang ngày càng tăng cũng ngụ ý cho sự cần thiết phải trừng phạt và thậm chí là báo thù để thực thi công lý. 
                Ở đoạn giữa cuốn tiểu thuyết, “nho” còn được dùng để tạo ra một sự mỉa mai cay đắng. Các nhân vật liên tục nói về những trái nho ngon tuyệt vời mà họ sẽ có thể ăn khi đến California. Nhưng lần ăn nho duy nhất đó là khi bọn trẻ ăn phải nho xanh và bị tiêu chảy. Ở trong hoàn cảnh đói ăn, suy dinh dưỡng thì chúng lại bị tiêu chảy. 
              Quay lại câu truyện trong "Chùm nho phẫn nộ", với nhân vật chính là gia đình 3 thế hệ Joad, từ Oklahoma di cư về miền Tây sinh sống. Họ bán tống bán tháo tất cả trong nhà để làm lộ phí đi đường, và những người thu mua họ biết tình cảnh đó nên tranh thủ ép giá. Họ cần một cỗ xe đủ lớn cho đại gia đình mình lên đường và những gara xe cũ ranh mãnh tìm cách phù phép những cỗ xe không thể nát hơn thổi với giá cao nhất. 

                Thế nhưng California hoàn toàn không phải là thiên đường trong mơ đối với gia đình Tom. California đã có hơn 300.000 dân di cư, họ cũng đã chịu đói khát nhiều ngày hơn cả gia đình Joad. Sự khốn cùng trong hành trình kiếm ăn, các nông phu đã kiên trì lập hợp đồng, đấu tranh cố định tiền lương, nhưng chủ thuê lại ăn nói úp mở và khiến những người đồng ý bị mắc mưu. Những sĩ quan cảnh sát cùng bao che, bảo vệ chủ đồn điền, ép buộc các nông phu hoặc nhận lấy công việc không đòi hỏi gì thêm hoặc là phải đến nơi khác, và nếu các nông phu không nghe lời khuyến cáo chúng sẽ cho Cục vệ sinh đến dỡ bỏ điểm dừng chân của họ. Những kẻ dám đứng lên chống đối bị gán ghép tội ăn cắp để đẩy vô tù. 
                Có trại khi đến làm việc, họ bị đẩy vào ở một khu vô cùng tồi tàn, bị những tên cảnh sát bảo kê giam lỏng và làm việc quần quật từ sáng đến tối chỉ đủ để gia đình không chết đói. Chúng bán những nhu yếu phẩm thối nát với giá cắt cổ, nếu không mua của chúng họ phải chạy xe khá xa, mà khi đó tiền xăng còn tốn nhiều hơn nữa. Và khi có nhiều nhân công hơn, tiền lương lại tiếp tục cắt giảm, công nhân do bất mãn vì công xá mỗi ngày một giảm nên đã bãi công. 
                Trong khi tranh đấu với bọn cảnh sát, Tom (con trai cả gia đình Joad) đã lỡ tay giết chết một viên cảnh sát, anh đành phải chạy trốn. Gia đình Tom lại một lần nữa chạy trốn khỏi trại trồng đào để rồi sau đó xin được việc làm tại một đồn điền trồng bông, đêm về tạm trú trong một toa tàu bỏ hoang. Bà mẹ giấu Tom vào chiếc cống ngoài bụi rậm khi cả nhà ra đồng, và lén mang đồ ăn đến cho anh. Thế nhưng công việc trồng bông ở đồn điền chẳng mấy chốc đã kết thúc, vừa nhận chút tiền công ít ỏi, gia đình Tom đã phải đối mặt với nỗi lo hết việc.
            Rồi mùa mưa bão thình lình ập đến, đập chắn bị vỡ và nước tràn lên cả sàn tàu. Gia đình Joad một lần nữa phải di chuyển đi nơi khác, nhưng lúc này tất cả đồ đạc trong nhà đã bị phá hủy bởi dòng nước lũ, cả xe cũng hư hỏng vì nước ngập, cả gia đình vừa đói, vừa ngấm lạnh và gần như tuyệt vọng vì kiệt sức cố vượt qua cánh đồng nước đến trú ở một nhà kho. Ở cảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, nó hướng chúng ta khỏi những hình ảnh đen tối kéo dần đến Ngày tận thế như cả mạch truyện trước đó đang đẩy chúng ta tới. Nó hướng đến một thứ khác ngoài những cơn thịnh nộ, nỗi uất hận, lừa lọc,... để đến với lòng tốt và lòng bác ái của con người trong cảnh khốn cùng. 
Bức tranh của Rubin “Roman Charity” được tác gỉa lấy cảm hứng cho cảnh cuối tác phẩm.
                Không hiểu sao một tác phẩm tuyệt vời như vậy lại rất ít bài review, phân tích vì mình muốn tìm hiểu thêm nữa những ý nghĩa hàm chứa phía sau đó mà có thể mình đã bỏ lỡ. Đối với mình tác phẩm không có một nốt thăng nào mà chỉ có trầm và trầm hơn. Có những hoạt cảnh yên bình, vẫn khiến mình cảm thấp thỏm vì không biết sắp tới sẽ xảy ra chuyện gì. Nhưng trước những cơn bão thì bầu trời trở nên yên ắng đến lạ vậy. Đây cũng là một trong những tác phẩm đã khiến mình suy nghĩ và day dứt rất nhiều dù câu chuyện và viễn cảnh đã từ mấy thập kỉ trước nhưng những bài học về lòng bát ái, sự bao dung đoàn kết chống lại cường quyền sẽ khiến bạn có cái nhìn khác hơn về xã hội, cách nó vận hành, mặt tốt và xấu của nó. 
Chiếc xe thồ 13 con người: ông, bà, cha, mẹ, chú, 6 người con, con rễ, cùng ông mục sư.
                Năm 1940, tác phẩm đã được hãng 20th Century-Fox chuyển thể thành phim. Bộ phim cũng thành công vang dội khi đoạt 2 giải Oscars và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ. Nhưng mình khuyên bạn hãy đọc tác phẩm đi mới có thể cảm thụ được hết cái hay của tác phẩm, và phim thì không có cảnh đắt giá nhất cuối tác phẩm nên mình thấy cũng khá tiếc.