Các tranh cãi và hiểu lầm phổ biến xung quanh bài thi IELTS
Dạo gần đây, IELTS hay bị mang mang ra làm vật tế thần. Nhiều người "chửi" IELTS, chửi với đủ mọi thể loại lý do, đúng có, sai có.
Hôm qua, mình có đọc một bài viết với trọng tâm xoay quanh vấn đề bài thi IELTS bị méo mó ra sao ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Tác giả viết khá dài, nhưng khi đọc qua thì mình thấy có nhiều điểm chưa ổn nên mình muốn chia sẻ một chút quan điểm cá nhân về những ý kiến được tác giả đưa ra trong bài của bạn ấy. Các luận điểm chính trong bài viết có thể được tóm tắt như sau:
[1] IELTS chỉ dành cho sinh viên đại học vì chỉ sinh viên đại học mới được trang bị các kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên ngành/đặc thù như khoa học, kỹ thuật, kinh tế v.v. Bạn tác giả dẫn chứng bài thi IELTS Reading (theo mình hiểu ý tác giả là IELTS Academic) chứa rất nhiều từ vựng hàn lâm nên chỉ những người đã học qua các kiến thức này mới có thể hiểu được bài đọc. Bạn cũng nói rằng sinh viên đại học mới có kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn để làm bài viết (kỹ năng Academic Writing).
[2] Bạn thắc mắc tại sao người Việt Nam đua nhau thi để đạt 7-8.0 trong khi học tiến sĩ ở nước ngoài cũng chỉ yêu cầu IELTS 6.5.
[3] Bạn cho rằng thí sinh Việt Nam chỉ toàn học vẹt (học bài mẫu, tips, tricks) để đạt điểm cao nên không thể nào viết được một bài báo khoa học hay một bài luận văn bằng tiếng Anh.
[4] Bạn cũng cho rằng cái mà các nhà tuyển dụng nước ngoài cần là giỏi chuyên môn chứ không phải giỏi tiếng Anh.
---
Mình xin phép phản hồi ý kiến cá nhân cho các luận điểm ở trên:
[1] Bài thi IELTS được phát triển dành cho thí sinh không chuyên, đảm bảo tính công bằng (unbiased & fair) cho tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi dù họ thuộc ngành nghề/lĩnh vực nào. Thông tin này được thể hiện rõ trên trang web chính thức của IELTS (*). Nếu nói rằng nội dung của bài thi IELTS có chứa các kiến thức chuyên môn thì không khác gì kết luận rằng chỉ có thí sinh thuộc một số lĩnh vực nhất định mới có thể đạt điểm cao – và điều này là hoàn toàn không chính xác. Bài thi IELTS có chưa các thuật ngữ hàn lâm không? Câu trả lời là CÓ. Nhưng, các từ ngữ hàn lâm này có không làm ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh khi họ có kỹ năng đọc tốt. Ngoài ra, các từ vựng đặc thù sẽ được chú thích ở cuối bài đọc. Nói tóm lại, cái mà bạn cần giỏi là kỹ năng đọc chứ không phải chuyên môn.
Tương tự cho bài thi Academic Writing, thí sinh cũng không cần có kiến thức thuộc bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào để có thể hoàn thành bài thi. Bài thi không được thiết kế để kiểm tra trí tuệ của người dự thi mà tập trung đo lường kỹ năng viết (ví dụ: kỹ năng xây dựng luận điểm, kỹ năng sắp xếp và phát triển ý tưởng mạch lạc) của họ. Do đó, việc nói rằng chỉ có sinh viên đại học mới có đủ khả năng tham gia kỳ thi là không những vô lý mà đi ngược với lại thực tế rằng các trường đại học quốc tế yêu cầu học sinh tốt nghiệp cấp 3 nộp chứng chỉ IELTS như một cách để chứng minh năng lực tiếng Anh bên cạnh các điều kiện xét tuyển đầu vào khác.
[2] Câu hỏi tại sao lại cần 7-8.0 trong khi 6.5 là đủ để học tập ở nước ngoài được trả lời bởi tổ chức IELTS như sau: “The higher you can score in your IELTS, reflects a better understanding and ability to communicate in English.” (**) Hay có thể hiểu là: Điểm IELTS càng cao thể hiện bạn càng hiểu tiếng Anh và càng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn. Nói dễ hiểu là một bạn có IELTS 8.0 chắc chắn năng lực giao tiếp sẽ cao hơn một bạn khác chỉ đạt 6.5. Vậy việc cố gắng để giao tiếp tốt hơn thì có gì là sai nhỉ?
[3] Việc học vẹt để đạt điểm cao có thể được thấy trong bất kỳ một kỳ thi nào không chỉ riêng IELTS. Nói vậy không có nghĩa mình ủng hộ học vẹt mà để chỉ ra rằng việc kết luận tất cả các thí sinh Việt Nam chỉ học vẹt để có điểm cao là một lỗi lập luận và đương nhiên là vô căn cứ. Như ở [1], bài thi IELTS được dùng để đánh giá năng lực tiếng Anh, nên việc một người giỏi tiếng Anh đâu có nghĩa là học có thể viết được các thể loại văn bản chuyên ngành. Trong bài viết của mình, chính bạn cũng nói một người Việt Nam cũng không thể viết được một bài báo khoa học hay luận văn bằng tiếng Việt nếu không có kiến thức chuyên ngành. Rõ ràng đây là một lỗi nguỵ biện: đánh tráo khái niệm.
4] Lại là một lỗi nguỵ biện khác: nguỵ biện nhị nguyên. Tại sao chúng ta không thể cùng lúc vừa giỏi tiếng Anh vừa giỏi chuyên môn, mà chỉ là một trong hai? Có phải các nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến chuyên môn mà không quan tâm đến năng lực giao tiếp ngoại ngữ hay không? Mình thừa nhận tầm quan trọng của chuyên môn, nhưng việc không thể trình bày lưu loát bằng tiếng Anh trong cuộc họp hay buổi thuyết trình chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công việc. Dù vậy, ở đây bạn lại tiếp tục đánh trao khái niệm rồi vì năng lực ngoại ngữ và vấn đề chuyên môn vốn là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
---
Tuy nhiên, đâu đó trong bài viết của bạn tác giả mình cũng có đôi chỗ đồng tình. Mình nhìn nhận việc người người học IELTS, nhà nhà thi IELTS trong thời gian gần đây là một thực tế đáng buồn vì đâu đó mục đích của bài thi đang bị hiểu sai.Vậy, học sinh cấp 2 có nên học IELTS không? Theo kinh nghiệm cá nhân của mình là KHÔNG NÊN vì dù bài thi không đánh giá năng lực chuyên môn nhưng để hoàn thành bài thi tốt, đặc biệt là IELTS Writing task 2 và Speaking part 3 thì người học cần một lượng kiến thức xã hội nhất định (kiến thức xã hội KHÁC kiến thức chuyên môn). Ở giai đoạn này, các bạn cấp 2 nên trau dồi năng lực ngôn ngữ chung bên cạnh việc tăng cường sự hiểu biết xã hội thông qua các hoạt động đọc, nghe, xem, trò chuyện, v.v. Khi kỹ năng tiếng Anh đã tốt và kiến thức xã hội được tích lũy đủ nhiều thì việc ôn luyện/chuẩn bị cho bài thi IELTS sau đó sẽ nhẹ nhàng và đỡ tốn thời gian rất nhiều.
han.fearless
28/6/2023
---
(*)
(**)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất