CHƠI GAME ĐỒNG ĐỘI, TRÁCH NHIỆM NẰM Ở ĐÂU?
Sự đột phá và tiến bộ của các trang thiết bị điện tử hiện đại ngày nay đã góp phần thúc đẩy bộ môn thể thao điện tử (Esports hay Electronic...
Sự đột phá và tiến bộ của các trang thiết bị điện tử hiện đại ngày nay đã góp phần thúc đẩy bộ môn thể thao điện tử (Esports hay Electronic Sports) vươn lên phát triển mạnh mẽ, đồng thời khẳng định vị trí của mình trong xã hội như một sự lựa chọn đầy tiềm năng cho những ai muốn kiềm tiền từ niềm đam mê với các trò chơi điện tử hấp dẫn. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, chúng ta đã có cơ hội chứng kiến hàng loạt tựa game được các nhà sản xuất cũng như chủ đầu tư tổ chức vô số giải đấu dành cho những vận động viên chuyên nghiệp từ nhiều đội tuyển khác nhau. Và thể loại trò chơi điện tử mang tính đồng đội cực kỳ cao như League of Legend (Liên minh huyền thoại), CS:GO, Valorant, Liên quân Mobile (Arena of Valor) hay Tốc chiến (League of Legends: Wild Rift),… đã và đang chiếm một lượng lớn sự quan tâm từ khán giả, người chơi hay cả tuyển thủ chuyên nghiệp, hơn hẳn hầu hết các thể loại trò chơi điện tử khác.
Khi các trò chơi điện tử ra đời, mọi người cũng chỉ xem chúng như một công cụ giúp họ thư giãn, giải tỏa áp lực như hầu hết những hình thức giải trí khác. Nhưng điều này đã dần thay đổi với sự xuất hiện của thể loại game MOBA (Multiplayer online battle arena), cũng như nhiều con game tương tự.
Đầu tiên, một tựa game đối kháng mang tính đồng đội thông thường sẽ yêu cầu mỗi đội phải có đủ ít nhất năm thành viên để có thể bắt đầu một trận đấu. Do vậy, nếu không thể tìm được bốn người đồng đội mà mình có thể tin tưởng hoặc quen biết từ trước, chúng ta sẽ buộc phải chơi chung với những người hoàn toàn xa lạ theo sự sắp xếp của hệ thống trò chơi. Từ đây, ta sẽ có cơ hội gặp rất nhiều loại người chơi khác nhau, từ ocschos cho đến “Tay to”…
Tuy được lập trình như bao ứng dụng và phần mềm khác, những tựa game MOBA hay game đồng đội nói chung vẫn có thể được vận hành theo cái cách mà chúng ta lựa chọn. Có vô số tình huống có thể xảy ra trong một trận đấu bất kỳ nhưng chúng đều phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định của người chơi. Nếu bỏ qua yếu tố liên quan đến lỗi game, những gì chúng ta làm trong một tình huống cụ thể sẽ hoàn toàn ảnh hưởng đến diễn biến về sau của cả trận đấu. Như vậy, kết quả của một ván game sẽ được quyết định bởi từng pha xử lý của mỗi người chơi tham gia vào trận đấu đó. Đến đây, tư duy và kỹ năng của người chơi sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định đến cục diện của một ván game. Nhưng trách nhiệm và thái độ lại có tác động cực kỳ mạnh mẽ lên hay yếu tố kể trên.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn thường hay nói:"Nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn thì sẽ tìm lý do!". Tuy nhiên, cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Và người ta dần xem nhẹ câu nói ấy bởi nó đã xuất hiện quá nhiều trong đời họ nhưng lại không đi kèm hiệu quả tương ứng. Tôi biết rằng chúng ta từng đọc hoặc nghe câu nói này rất nhiều từ những người xung quanh hay trên các trang mạng xã hội, đến độ nó đang trở nên nhàm chán, thậm chí là nhảm nhí trong một số trường hợp. Dù vậy, bản thân câu nói trên vẫn luôn đúng với hầu hết tình huống trong cuộc sống, kể cả việc chơi game.
Từ khi có sự phân hóa về tầng lớp, giai cấp trong xã hội loài người cho đến thời điểm hiện tại, thứ mà chúng ta quan tâm nhất đối với hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống chính là thứ hạng của bản thân và những người xung quanh. Thực tế đã cho ta thấy rằng mọi người đều luôn muốn nỗ lực đạt được một vị trí đủ cao, đáng tự hào, hay ít nhất là chấp nhận được trong một tập thế có tính cạnh tranh. Đó dường như là cách hữu hiệu nhất để họ nhận được sự công nhận từ người khác. Đa phần các thể loại trò chơi điện tử trực tuyến hiện này đều có chế độ “Ranked”, cho phép người chơi có thể cạnh tranh với nhau về thứ bậc trên một hệ thống bảng xếp hạng nhất định. Thông qua điểm số bị trừ đi hoặc đạt được sau một ván đấu, mức “rank” của chúng ta sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Với những ai thật sự MUỐN cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng, điều mà họ cần làm chắc chắn là tìm mua acc… à nhầm, là cố gắng nâng cao trình độ của bản thân không ngừng.
Phương pháp phổ biến nhất để luyện tập khả năng chơi game là chơi thật nhiều con game đó. Trong khoảng thời gian này, sẽ có rất nhiều thứ xảy ra. Các tình huống thay đổi liên tục, những mưu mẹo, chiến thuật trở nên đa dạng hơn, không ít thông tin về chỉ số, lối chơi hay Meta… cũng được cập nhật. Đặc biệt, người chơi sẽ có cơ hội nhận ra và khắc phục những sai lầm trước đó bản thân đã mắc phải. Tất cả đều là điều kiện cần cho kỹ năng và tư duy chơi game phát triển. Việc sở hữu các thiên phú này ở mức độ cao hoặc thượng thừa sẽ giúp ích cho người chơi rất nhiều trong quá trình “leo rank”. Nhưng để thúc đẩy chúng đi xa hơn, chúng ta cần một thái độ nghiêm túc cùng tinh thần trách nhiệm đủ cao trong quá trình luyện tập, cũng như từng trận đấu của những trò chơi mà mình tham gia. Thời gian, tâm sức bạn bỏ ra sẽ thật vô nghĩa nếu sự hời hợt và vô trách nhiệm vẫn còn hiện hữu trong màn thể hiện của bạn qua từng ván game sau này.
Suy cho cùng, mục tiêu của những người chơi game luôn luôn là giành chiến thắng. Chẳng ai muốn sau một ngày học tập, làm việc mệt mỏi lại phải nếm mùi “thất bại” trong một khía cạnh khác của cuộc sống. Dù chơi game với tâm thế để giải trí nhưng mấy ai có thể tránh được cảm giác thất vọng khi cứ nhận về mấy ván game thua liên tiếp. Bên cạnh đó, với cơ chế tính điểm xếp hạng của nhiều trò chơi hiện nay, nếu theo sau một game đấu thắng lợi mãn nhãn là một trận thua đáng tiếc, và điều này cứ lặp đi lặp lại không ngừng, nó sẽ làm bạn ngày càng khó chịu, chán nản với con game này. Chuỗi những ván đấu thắng và thua xen kẽ nhau đó chẳng khác nào một minh chứng rõ ràng cho việc bạn đang dậm chân tại chỗ với trình độ vẫn chưa khá lên, dù thực tế chưa chắc đã như vậy. Ngoài ra, những thành phần phá game, buff bẩn hay gặp phải đồng đội “gà” nhưng hay “gáy” cũng thường làm giảm đi sự nhiệt huyết, hứng thú của người chơi. Các yếu tố này làm cho chúng ta cảm thấy bất lực và ức chế với chinh con game mà mình từng yêu thích, và lâu dần, chúng sẽ khiến thái độ của nhiều cá nhân chơi game trở nên hời hợt, thậm chí là vô trách nhiệm.
Và đó là những gì phần lớn game thủ phải trải qua khi tham gia vào các trò chơi điện tử mang tính đồng đội. Vậy, có ai “vui lòng” đón nhận những điều tiêu cực ấy chỉ để rước sự bực bội, khó chịu vào trong người? Chẳng ai muốn vậy cả. Nhưng khi đã hiểu được cái cảm giác không mấy dễ chịu đó, ta buộc phải ý thức được rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong mỗi trò chơi, từng ván đấu mà mình tham gia.
Ví dụ, đối với các con game như: League of Legend (Liên minh huyền thoại), Liên quân Mobile (Arena of Valor) hay Tốc chiến (League of Legends: Wild Rift),… mỗi khi có một vị tướng mới xuất hiện trong trò chơi, tất cả game thủ đểu phải mất một khoảng thời gian nhất định để làm quen, vì vậy, (làm ơn) đừng có mang những con tướng đó vào chế độ “Xếp hạng” để thử trải nghiệm (test) bởi chắc chắn bạn không thể điều khiển thuần thục được chúng trong ngày một ngày hai được.
Nếu bạn đang làm một công việc cho phép bạn có tương đối nhiều thời gian trống trong quá trình lao động, bạn vẫn có thể chơi các thể loại game đồng đội nhưng chỉ nên (làm ơn) dừng lại ở một số chế độ giải trí thông thường, đừng cố tìm đến những trận đấu xếp hạng để thỏa mãn “đam mê” của mình. Hãy nghĩ xem, lỡ như trong lúc bạn đang tham gia “combat” với đồng đội, bỗng tại nơi làm việc xuất hiện một vấn đề nằm ngoài ý muốn, buộc bạn phải có mặt để giải quyết ngay, hoặc đơn giản là vài vị khách hàng ghé mua sắm, sử dụng dịch vụ,… Điều này đồng nghĩa với việc bạn buộc phải tạm “AFK” (Away from keyboard) để xử lí những công việc đó. Khi quay trở lại, không chỉ riêng bạn mà những người đồng đội còn lại khả năng cao sẽ có thêm một trận thua trong “lịch sử đấu” của mỗi thành viên.
Khi quá rảnh rỗi và buồn chán, bạn nên thay đổi không khí với những cuộc gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè, đi dạo phố, hít thở không khí trong lành ở khu công viên lân cận hoặc thư giãn với vài cuốn sách bất kì. Bạn cũng có thể tìm đến những tựa game offline để tìm hiểu thêm nhiều cốt truyện hay và đầy hấp dẫn. Thêm vào đó, không nên cố gắng giải tỏa những căng thẳng, áp lực từ công việc, học hành và quan hệ xã hội hay đơn giản cải thiện tâm trạng bằng cách quấy phá, “troll game”, tạo ra bầu không khí tiêu cực trong quá trình chơi game với các đồng đội khác. Ta cần phải học cách hạ cái tôi của bản thân xuống trước những mâu thuẫn, bất hoà với đồng đội. Đừng để mọi chuyện đi quá xa với những lời nói, hành động không hay. Chúng chỉ làm tốn thời gian và góp phần phá hỏng một ngày chơi game vui vẻ của mọi người.
Bạn có thể không tiếc thời gian của mình nhưng những người chơi còn lại, cũng giống như bạn, họ đã bỏ qua vô số lựa chọn khác để tìm kiếm niềm vui từ việc chơi game, nơi mà họ sẽ có cơ hội xây dựng thêm nhiều mối liên kết với các cá nhân có cùng “tần số”, sở thích, thậm chí cả tư tưởng, quan niệm. Và rất có khả năng, đây chính là điều duy nhất có thể an ủi những con người này sau chuỗi sự kiện đáng thất vọng trước đó trong cuộc sống thường nhật của họ. Vậy vì lý do gì mà chúng ta lại cản trở bản thân cũng như người khác được chơi game một cách thoải mái và giải trí?
Không quá khó để chúng ta tìm ra một cá nhân có thể chơi tốt hoặc ít nhất thể hiện tròn vai trò của họ trong bất cứ trò chơi đồng đội nào, ngay cả khi họ chỉ mới tiếp cận với chúng. Những người này luôn ý thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của vị trí mà mình nắm giữ trong một trận đấu. Thái độ nghiêm túc ấy xuất phát từ chính mong muốn có được niềm vui thích khi chơi game cùng những cá nhân khác. Để đạt được điều đó, họ không chỉ quan tâm đến nhu cầu của riêng mình, cụ thể là điểm số và vị trí xếp hạng, mà còn nghĩ đến những ảnh hưởng mà bản thân có thể gây ra cho đồng đội, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu lầm việc làm hài lòng người khác với tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong một tập thể nào đó. Khi cố gắng làm mọi thứ để người khác vui lòng, chúng ta cũng sẽ tự tạo ra áp lực cho mình vì phải hành động, suy nghĩ xoay quanh đối phương, khiến bản thân bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định. Ngược lại, một tinh thần trách nhiệm đủ cao sẽ thúc đẩy chúng ta tự giác nỗ lực hơn cho cả tập thể mà mình tham gia hay thuộc về, dù không được đánh giá cao hay đạt kết quả như mong đợi nhưng ít ra ta đã thật sự hết lòng với những gì mình đã làm.
Nói đi cũng phải nói lại, cơ sở để chúng ta có thể làm tròn trách nhiệm của mình trong mỗi trò chơi mang tính đồng đội nằm ở những kiến thức và các kỹ năng cơ bản liên quan đến con game đó. Nghĩa là chúng ta phải đứng thật vững trước rồi trách nhiệm sẽ giúp/ buộc ta bắt đầu đi, nhanh dần rồi tăng tốc về phía trước. Tinh thần trách nhiệm, sự chăm chỉ, tính kỷ luật,... chỉ thúc đẩy mọi người đi xa hơn chứ không giúp ta lập tức nắm bắt về thứ mà bản thân chưa từng biết đến.
Có nhiều người cho rằng yếu tố may mắn còn quan trọng hơn cả kỹ năng và trách nhiệm trong một trận đấu thuộc tựa game MOBA. Không sai! Chúng ta may mắn chính vì được sát cánh với những người đồng đội có ý thức rõ ràng về trách nhiệm của bản thân. Phải chơi game cùng những cá nhân có kỹ năng kém có thể là thảm hoạ nhưng điều xui xẻo nhất chắc chắn là việc đồng hành cùng những thành phần hời hợt với chính thời gian, tâm sức và trí lực của đồng đội. Ai đó sở hữu kỹ năng chơi game thượng thừa chưa chắc đã là người chơi giỏi nhưng người tự ý thức và biết chịu trách nhiệm cho mỗi hành động của mình chắc chắc là một game thủ không tồi!
Sau cùng, cách bạn làm một việc sẽ cho thấy phương thức bạn giải quyết mọi vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu như đến cả việc cực kỳ đơn giản như chơi game một cách đoàng hoàng, tử tế mà bạn cũng không đủ khả năng và trách nhiệm để đảm đương thì có lẽ đối với những khía cạnh còn lại, nhiều khả năng bạn cũng không thể đi "đến nói đến chốn".
Văn vở thế đủ rồi, hãy cùng giải trí thôi!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất