4 năm trước khi tôi mới chuyển vào Đà Nẵng, tôi chia sẻ cùng mẹ tôi, người chuyển vào sớm hơn tôi khoảng 2 năm, những câu chuyện về ngữ âm và tiếng địa phương mà người hàng xóm dùng khi nói chuyện. Mẹ tôi kể rằng khi mẹ tôi đã tới hỏi xin cô hàng xóm một cái túi ni-lon, và mẹ tôi đã tường thuật rằng cô ấy nói: “Nhưng mà cái bô nó không có coi”.
Một bức ảnh tôi vô tình thấy trên mạng.
Đến tận sau này, khi có một người thân trong gia đình, đã ở Đà Nẵng được rất nhiều năm, họ mới giúp mẹ tôi dịch câu nói trên ra là: “Cái bao (túi) nó không có quai”.
Do còn phải học hết lớp 12 và chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sống tại Đà Nẵng, tôi dần phải học cách làm quen với cách phát âm của người dân nơi đây. Tuy ban đầu có chút khó khăn, nhưng vì vẫn còn trẻ và học chung với các bạn đồng trang lứa, vốn chủ yếu là người Đà Nẵng gốc, nên việc học nói của tôi phần nào được cải thiện nhanh chóng, giúp tôi dễ dàng giao tiếp với đa số các đối tượng.
Thế nhưng, khi tôi đã làm quen với văn nói của người Đà Nẵng, thì vấn đề tiếp theo lại xuất hiện, văn viết.
Khi chuyển lên môi trường đại học, việc mỗi học viên đến từ một vùng đất khác nhau không còn là một điều gì quá xa lạ. Nhưng điều khiến tôi khá lấy làm khó hiểu, đó là họ không viết đúng chính tả khi nói chuyện qua tin nhắn. Khi tôi đề cập vấn đề này với bạn gái tôi, thì cô ấy nói rằng đây là vấn đề chung, rằng là không có gì phải sửa cả.
Tôi xem rất nhiều phóng sự về việc phổ cập kiến thức chung cho mọi người dân, và tôi cũng hiểu dù các dân tộc không nói chung tiếng Kinh, nhưng chắc chắn cần phải viết theo một chuẩn quy tắc. Bởi vì có viết đúng chuẩn, thì câu từ mới truyền đạt được hết ý nghĩa, tránh làm sai lệch đi cách hiểu của người đọc.
Hệ lụy chẳng rõ rành rành như ban ngày, bởi vì nó là chuyện của 30 năm, 50 năm. Điều nguy hại nhất là chúng ta làm cái sai nhiều quá đến mức độ, trí não của chúng ta lầm tưởng rằng điều sai đó lại là đúng, vì có quá nhiều người làm theo.