CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI (P1)– NHÂN TỐ NGOẠI SINH HÌNH THÀNH
Trước mỗi tình huống, vấn đề phát sinh trong môi trường quốc tế, các quốc gia phải có phương hướng hành xử phù hợp với lợi ích của...
Trước mỗi tình huống, vấn đề phát sinh trong môi trường quốc tế, các quốc gia phải có phương hướng hành xử phù hợp với lợi ích của quốc gia và xu hướng chung của nhân loại. Việt Nam đã nhiều lần thay đổi chính sách đối ngoại mình đối với các quốc gia, khu vực, quốc tế. Cụ thể, trước năm 1986, Việt Nam đề cao chính sách đối ngoại trong quan hệ hợp tác coi “Liên Xô là hòn đá tảng”. Thế nhưng, sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chính sách đối ngoại của Việt Nam đổi mới toàn diện về phương châm, quan điểm “sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị”. Ví dụ trên về Việt Nam chỉ là một trong vô vàn những sự thay đổi chính sách đối ngoại trên cơ sở, tình huống chung của bối cảnh.
Vậy, để có thể hiểu sự thay đổi, tồn tại của chính sách đối ngoại ta cần phải nắm bắt được các cơ sở nội sinh và ngoại sinh kiến tạo một chính sách ngoại giao. Do đó, bài viết này mình xin cung cấp hai loại yếu tố trong và ngoài tác động đến sự hình thành và phát triển chính sách đối ngoại của mỗi quốc hay nói nôm na đó là cách phản ứng, thái độ của quốc gia đối với một tình huống xảy ra trên thế giới.
Khái niệm chính sách đối ngoại
Đầu tiên, mình xin trích dẫn một khái niệm “chính sách đối ngoại” khá đầy đủ nhằm đạt được thông tin bước đầu giúp các bạn tiếp cận nội dung chủ chốt một cách dễ hơn. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là “toàn bộ những chủ trương, quan điểm, đường lối, biện pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế trên thế giới nhằm điều chỉnh các hoạt động của Việt Nam cho phù hợp với lợi ích và những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong sự phát triển chung của văn minh nhân loại.” (1)
Môi trường quốc tế.
Một quốc gia hiện hữu ở thế giới luôn luôn nhận những ảnh hưởng cấp khu vực mà mở rộng hơn là phạm vi cấp toàn cầu. Trái đất như một thực thể sống mà bên trong nó các chủ thể, tế bào quốc gia tồn tại với vị trí, vai trò khác nhau nhưng có tác động một cách chung nhất đối với cơ thể này. Cần phải hiểu rõ rằng, phạm vi quốc tế là một không gian rộng lớn toàn cầu, bao gồm sự tổng hợp của các quốc gia trên thế giới.
Vào thời kì thịnh Đường, Trung Quốc, “con đường tơ lựa” trở thành một công trình lưu thông, hội nhập hàng đầu cho nền kinh tế - chính trị và thậm chí là văn hoá vô cùng phồn hoa giữa Đông và Tây. Quả thực, chính cơ sở hạ tầng này là một biểu hiện cho chủ nghĩa toàn cầu hoá chớm nở một cách thực chất từ quá khứ. Sự phát triển của nó dần dần trở thành điểm nối cho những ảnh hưởng liên đới toàn cầu rộng mở, thu hẹp khoảng cách địa chính trị giữa Châu Á và Châu Âu. Trước thế kỉ 13, các nước Châu Âu dường như ít bận tâm cho tình trạng xâm lược chính trị bởi các quốc gia Châu Á thế nhưng về sau đó khi sự hưng thịnh của đế chế Mông Cổ bắt đầu mở rộng chiến dịch xâm lược toàn diện sang phần Trung Âu. Điều này đã định hình lại suy nghĩ của các quốc gia trên thế giới như một biểu hiện rõ ràng của các vấn đề quốc tế đều chi phối tới họ.
Tiếp đến thời kì cận hiện đại, sự bành trướng lãnh thổ của các đế quốc ở Châu Âu bắt đầu hình thành bằng liên tục các sự kiện tiến hành thực dân quốc gia Châu Á, Châu Phi và phát kiến địa lý sang tận Châu Mỹ. Ở đó, các quốc gia cho xây dựng những đại diện pháp lý của chính quốc ở nước thuộc địa đô hộ bằng cách cho xây các công ty xuyên quốc gia đầu tiên. Vào 1600, nước Anh đã cho xây dựng công ty đại diện ở thuộc địa Ấn Độ tên là Công ty Đông Ấn Anh với nhiều mục đích về kinh tế - chính trị - văn hoá. Rõ ràng, những biểu hiện đó góp phần minh chứng viễn cảnh thực chất của tầm ảnh hưởng bởi bối cảnh quốc tế khi mà sự trỗi dậy của quốc gia ở bên nửa bán cầu này có thể tác động vô cùng mạnh mẽ tới các quốc gia nhỏ bé, ít chạm mặt nhất ở bán cầu kia.
Cho đến nay, từ sau thế kỉ 21, hàng loạt sáng chế vĩ đại về công nghệ trở thành chất keo kết dính cho tiềm năng toàn cầu hoá sâu rộng hơn. Các quốc gia xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, những ranh giới về không gian và thời gian bị thu hẹp một cách đáng kể. Về không gian, sự di chuyển từ lục địa này tới lục địa khác chỉ mất 20 tiếng với ghế máy bay phổ thông và thậm chí rút ngắn cho những chuyến bay hạng cao cấp. Về thời gian, một sự bẻ cong đại lượng thời gian một cách đầy sáng tạo của các công ty tư bản bằng việc cho xây các nhà máy ở Trung Quốc và Mỹ để tạo ra môi trường làm việc luân phiên không kể ngày đêm, việc này hình thành một định nghĩa về “thế giới phẳng”. Chính điều kiện này, đối với chính trị, các quốc gia được đan kết lợi ích bằng quan hệ hợp tác nhiều hơn và sự ảnh hưởng bởi khủng hoảng lẫn nhau cũng nhiều hơn. Cụ thể rõ nhất ngày nay, đại dịch toàn cầu covid – 19, tưởng chừng sự kiện có thể kết thúc sự dịch SARS ở chỉ riêng Trung Quốc vào năm 2002 nhưng chính toàn cầu hoá đã khiến virus thuận lợi và dễ dàng thâm nhập khắp nơi trên thế giới.
Tóm lại, môi trường quốc tế là cơ thể và các quốc gia là tế bào, cơ thể tổn hại gây ảnh hưởng tới tế bào và đồng thời tế bào ở nơi bất kỳ nhưng quan trọng có ảnh hưởng vô cùng lớn ngược lại. Với chứng minh của lịch sử, khi một quốc gia phát triển nội địa tới một ngưỡng độ nhất định, sự gia tăng dân số và kinh tế buộc nó phải tìm kiếm nguồn tài nhiều hơn như là một tế bào nhỏ đến lớn và buộc phải chiếm không gian một cách tương đối lớn hơn. Cùng với trí tư duy của bản thân cá nhân lãnh đạo và bản năng ưa thích khám phá của con người góp phần vào dòng chảy chung của thế giới. Vì vậy, sự tác động mạnh mẽ của thế giới bởi những vấn đề, tình huống đặt ra đối với các quốc gia bị tác động khiến họ phải hoạch định các chính sách đối ngoại phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của mình trước các sự kiện bủa vây.
Địa chính trị.
Chúng ta không quyết định được bản thân sẽ được sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào và tương lai sẽ ra sao. Cũng như vậy, các quốc gia – dân tộc không hoàn toàn được lựa chọn lãnh thổ dài hay ngắn, lợi thế hay bất lợi, đa dạng hay hạn hẹp. Tuy rằng, họ có thể mở rộng lãnh thổ bằng xâm lược với dân tộc, quốc gia khác để tranh giành địa lý tài nguyên thuận lợi hơn thế nhưng việc làm này khảm trong mình một nguy cơ hết sức nguy hại với con người, thậm chí gây phương hại đến việc đánh mất quốc gia. Vì vậy, địa chính trị sản sinh ra hai hướng quốc gia là: nước lớn sở hữu nhiều tài nguyên và lợi thế về địa lý; nước nhỏ chịu tác động bởi lời nguyền địa lý và vốn tài nguyên hạn hẹp.
Trung Nguyên, một mảnh đất màu mỡ được nhào nặn trong tiềm thức của các dân tộc xung quanh, nó được bao bọc bởi phù sa vô cùng lớn đến từ hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang ở Trung Quốc ngày nay. Dân tộc Hán được chọn được sinh ra và làm chủ vùng đất này phần lớn thời gian lịch sử cho đến ngày nay thành lập nhà nước Cộng hào Dân Chủ nhân dân Trung Hoa. Vì lẽ đó, dân tộc đấy được hưởng các đặc quyền địa lý đặc biệt như là diện tích lớn về lãnh thổ, tài nguyên đa dạng và ở nơi đầu nguồn nhiều con sông chảy tới các quốc gia lân cận. Có thể thấy, Trung quốc là một nước lớn mà khi sự ổn định của dân tộc Hán trong quốc gia sẽ tạo động lực thực hiện nhiều chính sách đối ngoại bành trướng ở quy mô lớn nhằm phát triển nhiều hơn tham vọng của con người, quốc gia. Các quốc gia hứng chịu sự bành trướng của Trung Quốc nhiều nhất phải kể đến Việt Nam. Nước ta đã chịu nhiều xiềng xích từ đế chế phương Bắc này và với tâm thế là một nước nhỏ cũng như địa lý bị dính lời nguyền lệ thuộc về sông ngòi, chữ viết, văn hoá. Vì vậy, những chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc trong mối quan hệ nước lớn – nước nhỏ thường biểu hiện sự rụt rè, nhún nhường thậm chí là bị động.
Câu chuyện của Napoleon trong chiến dịch xâm lược nước Nga cũng hàm ý nhiều tầm quan trọng cho chính sách đối ngoại. Khi ở Pháp, Napoleon có sức mạnh vĩ đại, khả năng lãnh đạo thiên tài và địa lý tài nguyên Pháp to lớn đã và đang cổ vũ sự xúc tiến về khả năng bành trướng. Nhờ đó, Bonaparte xây dựng chính sách xâm lược Nga rất táo bạo bằng việc xâm chiếm “trái tim nước Nga” - thủ đô Mátxcơva. Sự việc này khiến Sa hoàng Nga phải kiêng dè bằng nhiều biện pháp đàm phán, cắt đắt để giảm nhẹ ảnh hưởng của chính sách đối ngoại của Bonaparte. Thế nhưng, khi chiến lược của Napoleon thành công, làm chủ được Mátxcơva, những lời nguyền về địa chính trị Nga đã làm tan tành quân đội Pháp bằng lửa và băng giá. Từ đó, chính sách đối ngoại của Napoleon suy yếu dần đi bởi địa chính trị vốn không thuộc vào tiềm năng của quốc gia.
Nhìn chung, dấu vết địa lý khảm sâu trong nền tảng ý thức của người hoạch định chính sách cũng như quốc gia đó. Một nước lớn bởi địa chính trị sẽ thuận lợi xây dựng nhiều chính sách chủ động, táo bạo và bành trướng, nhiều tiếng nói hơn so với một nước nhỏ về địa lý. Những lợi thế hoặc bất lợi từ địa chính trị sẽ là căn cơ quan trọng định hình chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Sức mạnh quân sự.
Trong lịch sử, con người bản năng vẫn không tránh khỏi những xung đột nhằm tranh giành lợi ích. Khi số lượng cá thể người lớn hơn, nhu cầu lãnh đạo dần hình thành và giai cấp được phân chia ngày một rõ ràng, dân tộc này bắt đầu đẩy mạnh chiến tranh đối với dân tộc khác để giành giật lợi ích của cá nhân lãnh đạo hoặc cả cộng đồng dân tộc. Thế nhưng, vì lý do hay mục đích gì đi chăng nữa ta cũng có thể thấy các cuộc chiến tranh đã xuất hiện theo một quá trình lâu dài từ khi con người nguyên thuỷ cho đến con người hiện đại. Tương tự đó, trong quá trình phát triển chiến tranh, nghệ thuật triển khai, nâng cấp quân sự trở thành yếu tố then chốt để đánh giá tiềm lực sức mạnh của dân tộc, quốc gia, đồng thời tạo chỗ dựa phát triển nhiều chính sách đối ngoại với các nước.
Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chiếm vị trí sức mạnh quân đội đứng đầu thế giới với 0,0721 điểm theo “Global Firepower”. Với chi phí “cực khủng” khoảng 740 tỷ/ năm cho quân sự quốc phòng, cùng 749 vũ khí quân sự đỉnh cao bậc nhất thế giới, Mỹ chiếm vị trí thượng phong trong bảng xếp hạng “Chỉ số hỏa lực toàn cầu” là điều dễ hiểu.(2) Hiển nhiên, với sức mạnh quân sự cường thịnh, Mỹ dễ dàng phát triển nhiều chính sách đối ngoại bảo hộ, lôi kéo và gây hấn với nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sách đối ngoại “cây gậy và củ cà rốt” vốn được Mỹ sử dụng như là một biện pháp nhằm thúc đẩy, định hướng các giá trị lợi ích của mình đối với các nước nhỏ. Mỹ luôn giơ củ cà rốt như một phần thưởng đầy hoa mĩ ở đường đi dẫn dắt các nước đi theo những giá trị Mỹ được sắp đặt sẵn. Trên con đường đi đó, các nước bỗng dưng bị trễ nải hoặc tìm cách từ bỏ giá trị ấy thì sẽ bị Mỹ trừng phạt bằng “cây gậy”, tức là quân sự.
Luận điểm sức mạnh quân sự củng cố cho chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia càng xác đáng với phát minh học thuyết “quyền lực mềm” của Joseph. Nye. Ông cho rằng, sức mạnh quân sự là công cụ tồn tại trên hai phương diện lợi nhuận đem lại khi quốc gia đó đầu tư, vừa tạo lập quyền lực cứng vừa được hưởng quyền lực mềm.
Theo Sách trắng của Việt Nam, quốc phòng tron nước được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%... 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36% (khoảng 5,8 tỉ USD).(3) Nhìn chung, sức mạnh quân sự của Việt Nam tuy không bắt kịp với các nước trên thế giới nhưng nó vẫn được đầu tư ổn định nhằm tạo động lực cơ bản để từng bước nâng cao vị thế của chính sách đối ngoại trên trường quốc tế.
Như vậy, sức mạnh quân sự của quốc gia trở thành tiêu chí lớn trong việc xây dựng, quyết định điều kiện hoạch định và hiệu quả của chính sách đối ngoại của quốc gia. Một nước có nền quân sự mạnh sẽ tương thích với một chính sách đối ngoại chủ động và vun đắp nhiều uy tín hơn. Ngược lại, quốc gia sở hữu sức mạnh quân sự thấp hiển nhiên sẽ bị phụ thuộc, mềm dẻo trong chính sách đối ngoại, như một cách để bảo vệ quốc gia mình khỏi bị xâm lược.
Đặc điểm kinh tế
Nền kinh tế vận hành không chỉ đến từ bản thân quốc gia đó mà còn là sự chuyển động không ngừng nghỉ của sự lưu thông đồng tiền của quốc gia trên thế giới. Vì thế, các quốc gia muốn nền kinh tế phát triển buộc phải mở rộng quan hệ ngoại giao khắp thế giới nhằm tìm kiếm sự trao đổi kinh tế, thương mại. Do đó, chính sách ngoại giao cũng được phát triển một cách chủ động đan xen bởi những lợi ích kinh tế và trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế phát triển.
Những sai lầm lớn nhất trong tư duy kinh tế ở Phương Đông thời kì phong kiến là chính sách “bế quan toả cảng” đối với các thương nhân phương Tây. Điều này khiến các quốc gia phong kiến tụt hậu về kinh tế để phát triển đất nước và bế tắc hoàn toàn trong chính sách đối ngoại với thế giới. Phía ngược lại, các nước phương Tây đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể ở trong nước và các tập đoàn tư bản mở rộng tìm kiếm nguồn lợi bằng giao lưu, hợp tác với nhiều quốc gia. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của các công ty tư bản nên các Chính phủ Tây phương phải đích danh mở rộng quan hệ ngoại giao nhằm thúc đẩy giao lưu, thương mại một cách hợp pháp. Ở Châu á, trong quá khứ, Nhật Bản đã tiếp xúc khá sớm với thương nhân phương Tây và có những chính sách đánh đuổi họ thế nhưng tư duy bắt đầu thay đổi ở thời kì Thiên Hoàng Minh Trị. Ông xây dựng nhiều chính sách đối ngoại với nhiều quốc gia phương Tây, mở cửa rộng lớn, chấp nhận kể cả sự khác biệt về văn hoá để phát triển kinh tế nhằm kiến thiết đất nước.
Ở Việt Nam, từ một nước bị cấm vận bởi Mỹ cho đến chính sách đối ngoại này của Mỹ chính thức huỷ bỏ vào năm 1994. Sự kiện này giúp Việt Nam gia tăng hợp tác phát triển kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế bị lạm phát và khủng hoảng sâu sắc. Từ đó, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác song và đa phương với nhiều chính sách đối ngoại cởi mở nhằm thu hút vốn đầu tư vào trong nước. Chỉ tính từ 1994 đến 1998, tức 4 năm sau khi bị phá vỡ thế bao vây cấm vận từ Mỹ, Việt Nam thiết lập ngoại giao với 22 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới: (châu Mỹ: 7 quốc gia, Châu Á: 3 quốc gia, Châu Âu: 6 quốc gia, Châu Phi: 3 quốc gia, Châu Đại Dương: 3 quốc gia). Hầu hết, các quốc gia được thiết lập ngoại giao với Việt Nam chủ yếu là nhóm nước đồng minh giàu có được Mỹ viện trợ, do đó họ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Tóm lại, đặc điểm kinh tế quốc gia với chính sách đối ngoại có mối tương quan vô cùng chặt chẽ về mức độ cao hay thấp. Các chỉ số về kinh tế quốc gia tăng cao đồng nghĩa với chính sách đối ngoại của quốc gia đó cũng gia tăng theo nhằm mở rộng sự hợp tác, thúc đẩy kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguyễn Anh Cường – Phạm Quốc Thành: Chính sách đối ngoại của Việt Nam (sách chuyên khảo), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2018, trg.11.
(2) Thuỳ Linh, (2020), “Điểm danh 50 quân đội mạnh nhất năm 2020 theo Global Firepower”, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/diem-danh-50-doi-quan-manh-nhat-nam-2020-theo-global-firepower-p2-1014115.vov
(3) Đức Bình, (2019), “Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng 2019”, https://tuoitre.vn/viet-nam-cong-bo-sach-trang-quoc-phong-2019-20191125220311349.htm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất