Câu chuyện về ngôi trường nhỏ ở Belitong – Indonesia, nhưng mang lại cho tôi đầy lòng khâm phục. Ở nơi cái đói nghèo đến cùng cực bủa vây, nơi ấy có Thầy Harfan và cô Mus những người thầy người cô mẫu mực, nơi ấy có Lintang thần đồng toán học và Mahar với phức cảm trời sinh về nghệ thuật, và hơn cả là các “Chiến binh cầu vồng” chiến đấu lại số phận, những thế lực khổng lồ để bảo vệ quyền cơ bản của con người “Quyền được học hành”.

Hiểu hơn để hạnh phúc hơn

Thầy Harfan và cô Mus chắc chắn không phải là những người giỏi nhất về chuyên môn nhưng với tôi đây là những nhà giáo điển hình, bởi hơn ai hết họ hiểu linh hồn của giáo dục. Giáo dục đem lại hạnh phúc. Hạnh phúc luôn công bằng với tất cả chúng ta, hạnh phúc vẫn đến ngay trong cái nghèo, bởi, hạnh phúc tại tâm, và cái nghèo lớn nhất không phải là vật chất mà chính là trong tâm hồn. Ở cái xứ nghèo khó ấy, nơi những con người chưa từng biết đến học là gì thì ý nghĩa của giáo dục lại hiện hữu rõ hơn bao giờ hết. Bởi đi cùng với cái đầu ít hiểu biết là một tâm hồn cằn cỗi, phiến diện, thiếu tự chủ và đầy định kiến. Có lẽ vì vậy mà cô Mus từ chối cơ hội trời cho tại PN, thầy Harfan dù thiếu thốn vẫn cống hiến cho sự nghiệp cao cả tại ngôi trường nhỏ đến hơi thở cuối cùng.

Bài học của thầy Harfan, hạnh phúc đến từ việc cho đi không phải cố để lấy về thật nhiều. Thầy hiểu điều đó chứ, vì thầy đã cống hiến cho ngôi trường này, cho biết bao con người mà chẳng nhận về một đồng lương. Bài học của cô Mus về vị tổng thống đầu tiên, khi những khó khăn chỉ đơn giản là thử thách và than vãn chỉ là để ngụy biện cho sự yếu đuối của bản thân. Tác giả có nói “Ở đâu tôi cũng thấy người kém may mắn nhất thế giới là người bi quan”. Và tôi nhớ đến Lintang, cậu bé gia đình ngư dân thiếu thốn đủ bề, nhưng đổi lại là thành tích học xuất sắc, chưa từng nghỉ học một ngày dù trải qua con đường vài chục cây số nguy hiểm tính mạng, quyết bám lớp ngay cả khi cô Mus không thể có mặt, là ánh sáng truyền động lực cho cả đám bạn sống mạnh mẽ dám ước mơ. Cậu làm tất cả điều đó không một lời than, ngay cả khi ước mơ chẳng còn nữa và có lẽ là suốt đời này vẫn vậy.

Hạnh phúc đơn giản là khi ta được tự do, có nhiều hơn một sự lựa chọn. Những đứa bé kia, cha truyền con nối, chưa bao giờ dám mơ về một cuộc đời khác, vòng quay luẩn quẩn cứ mãi đeo bám chẳng rời. Và giờ thì ít nhất Sahara, Ikal, Kucai, và Mahar đã không phải trở thành những culi của PN như ông cha của chúng. Lintang đã thực hiện lời hứa thứ 3 của mình – không trở thành một ngư dân, A Kiong không tiếp tục nghề làm nông , Syahdan đã trở thành diễn viên như cậu mong muốn, Samson có một công việc giúp cậu thể hiện được sức mạnh và tinh thần trượng phu của mình chứ không phải người trông đập.

Hiểu hơn, để thấy sự bình đẳng

Cô Mus có lẽ đã phải rất khó khăn để vực lại sự tự tin nơi bọn trẻ trong những ngày đầu đi học trước những lời chê bai của dân làng, trước sự khoe khoang hợm mình của đám học sinh trường PN. Và chính cô Mus cũng đã dạy cho mấy đứa bài học, rằng đừng bao giờ cho mình là thấp kém. Chúng có thể sinh ra trong nghèo khó, chúng có thể không có nhiều thứ như những đứa trẻ nhà giàu sang kia, nhưng chúng vẫn luôn có một điều quan trọng nhất “Quyền được học” là hiến pháp Nước Cộng hòa Indonesia.

Hình ảnh ấn tượng nhất với tôi trong truyện, có lẽ là của cô Mus, một phụ nữ nhỏ bé khắc khổ nhưng toát ra bên ngoài sự mạnh mẽ, kiên cường. Người phụ nữ ấy dám đứng chắn ngang trước máy xúc hay cũng chính là lời tuyên chiến với thế lực khổng lồ để bảo vệ cho ngôi trường nhỏ, người phụ nữ ấy dám đối đầu với quản đốc, trưởng bộ phận khai thác PN với sự điềm tĩnh. Cô trích dẫn luật pháp và những lời răn trong kinh Koran mà khiến ai cũng phải sửng sốt ngỡ ngàng. Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra một điều rằng tri thức san bằng mọi khoảng cách về địa vị, giàu sang.

Cô Mus đến gặp người đứng đầu PN, có lẽ sự điềm tĩnh nơi người đàn ông ấy cho cô biết cô không cần phải nói nhiều, người đàn ông ấy hẳn phải hiểu hết những gì cô và đám học trò nhỏ phải trải qua, ông hẳn đã thuộc làu những điều luật về giáo dục và những điều răn của một người con đạo Hồi. Nhưng vậy thì có sao, khi ông đã quyết tâm gạt đi tất cả để tiếp tục đào tung cái ngôi trường đang thương ấy lên rồi khai thác thiếc, thì những lời viết trong 5 trang giấy kia cũng chẳng là gì. Điều cuối cùng cô có thể làm là đưa cho ông những mẩu phấn viết dở, như những bài học vẫn còn dở dang, như một lời thỉnh cầu sâu sắc, hãy để bọn trẻ được tiếp tục học, và rằng chỗ thiếc kia chẳng thể làm quốc gia này giàu hơn là bao nhưng được học là tất cả đối với chúng. Có lẽ giây phút ấy, người khổng lồ kia cũng đã có cho mình một bài học. Cô Mus đã thành công, trên chặng đường đi đến thành công ấy không một giọt nước mắt. Bởi cô muốn dạy cho bọn trẻ của cô đừng bao giờ sợ hãi điều gì, chúng ta đều bình đẳng.

Hiểu để biết ước mơ, không phải thực hiện ước mơ bằng mọi giá

Giữa một xã hội suy đồi về nhận thức, khi vị thần được tôn thờ số một là Địa vị được xây dựng trên nền tảng của sự phân biệt đối xử, khi giáo dục không còn là để xây dựng nhân cách mà là để kiếm thật nhiều tiền, khoe khoang chức tước học vị, thì may mắn sao từ nơi tăm tối nhất của hòn đảo Belitong ấy, vẫn còn một viên ngọc sáng chói là thầy Harfan. Bởi theo thầy học là thể hiện lòng tự trọng, là ánh sáng văn minh, là niềm vui khi được cắp sách tới trường, và học không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu có được bằng cấp hay trở nên giàu có. Và có lẽ Thầy cũng đồng ý với tôi rằng học là để biết ước mơ, nhưng không có nghĩa là bằng mọi giá phải thực hiện được ước mơ ấy.

Hạnh phúc đến từ quá trình. Những đứa trẻ ấy không phải ai cũng đạt được ước mơ thuở nhỏ. Lintang không trở thành nhà toán học, Sahara chẳng thể thành nhà bảo vệ nữ quyền, Samon không làm công việc soát vé như cậu mong muốn. Nhưng có sao khi quan trọng hơn cả chúng đã có cho mình “tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, mà thậm chí còn hơn cả những ước mơ”. Ước mơ quan trọng, nhưng cao hơn có lẽ là “lẽ sống” - là trở thành người tốt, trở thành người tự do hơn, hạnh phúc hơn, mang những giá trị ấy sẻ chia tới tất cả mọi người. Và những ước mơ kia xét cho cùng cũng chỉ là những hướng đi tới cái đích cuối cùng là lẽ sống. Hướng đi có thể thay đổi nhưng đích đến thì không. Kết thúc câu chuyện có thể làm nhiều người thất vọng, nhưng trong mắt tôi những chiến binh ấy vẫn luôn thành công trên hành trình hướng tới lẽ sống của mình. Chiến thắng Vua Thiếc kia không chỉ dành cho họ, mà còn dành cho tất cả những con người nghèo khổ trên hòn đảo lấp lánh Belitong, thắp lên niềm hy vọng về sự bình đẳng, tự do, thắp lên niềm hy vọng về sự đổi thay thần kỳ nhờ giáo dục, và giờ đây những giá trị ấy đến lan tỏa toàn thế giới. Nếu như định mệnh là một thứ gì đó khó có thể thay đổi, ta vẫn luôn có thể điều khiển được cách nhìn nhận của mình, sống hết mình và không hề nuối tiếc.

Một câu chuyện với quá nhiều giá trị, cho ta một cái nhìn sâu sắc hơn về nhận thức của nhiều tầng lớp con người và trên cả đó là linh hồn của giáo dục sáng lấp lánh nơi ngôi trường nhỏ Muhammadiyah. Câu chuyện ấy có lẽ không bao giờ là cũ, trong một xã hội mà chức tước, địa vị, tiền bạc vẫn luôn là nỗi ám ảnh với chúng ta, một xã hội mà việc chạy theo mục đích vẫn luôn là tôn chỉ, hạnh phúc được định nghĩa bằng những cái đích ta đạt được thay vì quá trình. Tôi và bạn hẳn đã thấy mình ở trong đó. Nhưng rồi thì sao? Thay đổi hệ thống giáo dục và định kiến xung quanh mình? Có lẽ hơi xa vời, nhưng sẽ tốt hơn khi bắt đầu với chính nhận thức nơi bản thân. Lời cảm ơn tới những chiến binh, các bạn đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.