Bẩm sinh mình là người sinh ra suy nghĩ đã tiêu cực. Khi gặp một vấn đề gì đó mà chưa hoàn thành hoặc ngay cả sự việc chưa diễn ra, tâm trí lúc nào cũng trong trạng thái bứt rứt, căng thẳng. Dù có trấn an bản thân như thế nào, có thể hiện mặt vui vẻ ra sao nhưng mình vẫn không thể nào giấu được trái tim lo sợ và cũng chẳng vượt qua cảm giác đó được.
Trong những buổi tối mất ngủ nằm trằn trọc, mình đã tự hỏi rất nhiều lần: “Làm sao để thoát ra khỏi điều này?” Mình không thích phải sống trong trạng thái tinh thần như vậy nữa. Mình quyết định thử viết ra tất cả những suy nghĩ trong đầu, về những uất ức, sự lo lắng, cả những tự ti, niềm vui...lên giấy, đôi khi lười quá thì sẽ viết lên phần ghi chú trong điện thoại. Và nó có tác dụng ngoài sức tưởng tượng, ít nhất là đối với mình.
Sau khi đọc lại những gì đã viết trong suốt 1 thời gian, mình bất ngờ vì hóa ra bên trong con người mình lại có nhiều mâu thuẫn và dường như những cảm xúc vui, buồn, giận, hờn, ký ức...đều đang cố gắng len lỏi "thể hiện" và chúng nó đang xung đột với nhau. Tiếc là chủ nhân của nó (là mình) chưa biết cách cân bằng nên khiến chúng bị rối tung thành một cục.
Nếu ai đã coi phim hoạt hình "Inside out" (Những mảnh ghép cảm xúc) thì sẽ biết đến câu chuyện của cô bé Riley với 5 mảnh ghép cảm xúc.
Lúc xem phim mình ấn tượng nhất với Sadness (Buồn Bã) vì lúc nào cô bạn này trông cũng ủ rũ và buồn chán. Nhưng Sadness chính là chất xúc tác khiến cho Joy (Vui Vẻ) nhận ra rằng mình đã sai khi cho rằng Sadness không có giá trị nào trong quá trình hoàn thiện nhân cách của Riley, sai khi nghĩ rằng mọi hoàn cảnh chỉ cần lạc quan và vui vẻ một cách gượng gạo thì có thể qua.
Điều này làm mình nhận ra: đôi khi chúng ta không cần vui vẻ mọi lúc. Chúng ta vẫn ổn thôi nếu chúng ta buồn rầu. Nỗi buồn sẽ giúp cho ta nhận ra giá trị của những giây phút hạnh phúc, sau những khoảng lặng tổn thương, buồn rầu giúp chúng ta cứng cáp để đối mặt với những cảm xúc mới trong tương lai.
Và chẳng may bạn cũng đã, đang trải qua những suy nghĩ lạc hướng giống mình, làm sao có thể hướng dẫn nó trở lại đúng hướng để bản thân không chìm trong ưu phiền?
Câu hỏi này đã được Ethan Kross – một nhà khoa học chuyên về tâm lý học thực nghiệm và khoa học thần kinh, cũng là tác giả của cuốn sách “Chatter – Trò chuyện với chính mình” dành sự nghiệp cả đời để nghiên cứu. Ông cho rằng: “Khi tiếng nói nội tâm mất kiểm soát và sự suy nghĩ luẩn quẩn giành quyền điều khiển, tinh thần chúng ta sẽ bị tra tấn và tê liệt. Nó cũng có thể khiến chúng ta làm những điều hủy hoại chính mình.”
Đó là lý do mà Ethan Kross đã nghiên cứu ra các phương pháp chuyển đổi những ưu tư phiền não và suy nghĩ tiêu cực thành sức mạnh nội tâm trong Chatter như: độc thoại tạo khoảng cách giúp con người đối phó với những suy nghĩ luẩn quẩn, sức mạnh của thiên nhiên cung cấp công cụ quí giá để chăm sóc nội tâm, sắp xếp môi trường xung quanh để xử lí suy nghĩ luẩn quẩn, các công cụ để nhận sự hỗ trợ từ người khác…Những kỹ thuật sử dụng tiếng nói nội tâm được tác giả trải dài từ đầu đến cuối trang sách.
Thêm vào đó, Ethan không những chỉ ra các phương pháp khoa học dễ áp dụng vào đời sống hàng ngày mà ông còn đưa độc giả đi vào cuộc hành trình đầy bí ẩn của tâm trí con người: từ một mật vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cho đến thổ dân Trobrianders, từ những người bình thường khác cho tới những người nổi tiếng trên thế giới đã chiến đấu với tiếng nói nội tâm của mình như thế nào.
Suy cho cùng, ai cũng mong muốn có một trái tim bình yên. Hy vọng với “Chatter – Trò chuyện với chính mình” bạn sẽ tìm được hạnh phúc tự thân và hiểu thấu sức mạnh nội tâm của mình.