Thật buồn khi phải thừa nhận rằng chấn thương tâm lý là một điều thực tế của cuộc sống. May thay, chúng ta còn sở hữu khả năng hồi phục (resilience).

Chấn thương tâm lý có thể đến từ những sự kiện bất thường như bạo hành và xâm hại

Nói cho dễ hiểu, khả năng hồi phục là năng lực giúp chúng ta tự phục hồi từ chấn thương tâm lý, lấy lại tinh thần sau khi trải qua sợ hãi, bất lực và cảm xúc choáng ngợp, quá sức chịu đựng. Khả năng hồi phục giống như cái lò xo kim loại: Khi bạn kéo giãn hai đầu, lò xo sẽ tự bật về hình dáng và kích thước ban đầu. Dĩ nhiên, nếu bạn cứ kéo giãn liên tục nhiều lần (hoặc kéo giãn quá mạnh) thì lò xo sẽ mất tính đàn hồi.
Con người (đặc biệt là những người trẻ) không được để mất khả năng hồi phục này. Nói cách khác, chúng ta có năng lực để xây dựng và tăng cường khả năng hồi phục tinh thần khi gặp căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Trẻ em có khả năng hồi phục thường cũng sở hữu lòng can đảm. Điều này không có nghĩa là chúng sẽ bị các tình huống nguy hiểm cám dỗ, mà có nghĩa là chúng cởi mở và tò mò khám phá thế giới bằng tất cả sự hồ hởi và hứng thú. Và trong quá trình khám phá của mình, trẻ chắc chắn cũng gặp phải những tình huống hỗn loạn, va chạm và xung đột.
Với những đứa trẻ có khả năng hồi phục tinh thần, khi gặp phải những tình huống này thì chúng vẫn cởi mở thay vì khép kín bản thân lại. Thực vậy, tính cởi mở là một đặc điểm tiêu biểu nhất ở những đứa trẻ có khả năng hồi phục tinh thần. Song song đó, chúng cũng có thể thiết lập được ranh giới cho khoảng không gian riêng và cho những gì thuộc về sở hữu cá nhân. Chúng kết nối được với cảm xúc của bản thân, biết cách biểu lộ tình cảm, biết cách giao tiếp phù hợp với độ tuổi của chúng. Và hơn hết, khi xảy ra bất trắc, chúng có một năng lực diệu kỳ (khi được hỗ trợ) để có thể dễ dàng vượt qua. Chúng ta từng mong ước mình là những đứa trẻ hạnh phúc và sôi nổi như thế. Thử thách lớn nhất mà chúng gặp phải là những sự kiện có thể gây chấn thương tâm lý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các loại tình huống trong cuộc sống có thể khiến trẻ em phản ứng quá mức.
Chấn thương tâm lý có thể đến từ những sự kiện bất thường như bạo hành và xâm hại, nhưng nó cũng có thể đến từ các sự kiện thường tình trong cuộc sống hằng ngày. Thực chất, các sự cố thông thường như tai nạn, té ngã, khám chữa bệnh và cha mẹ ly hôn cũng có thể khiến trẻ thu mình, khép kín, mất tự tin, hoặc trở nên lo âu, ám ảnh sợ hãi. Những trẻ bị chấn thương tâm lý cũng có thể biểu hiện các vấn đề về hành vi như hung hăng, tăng động, và khi lớn lên, trẻ có thể nghiện ngập nhiều thứ khác nhau.
May mắn thay, nếu cha mẹ và những người chăm sóc trẻ ý thức được những nguy cơ này và sẵn lòng học hỏi các kỹ năng cần thiết, họ sẽ nhận diện được những trẻ em nào có nguy cơ bị chấn thương tâm lý, đồng thời có thể giúp trẻ tránh bị tổn hại và lưu dấu chấn thương ấy suốt đời cho dù các sự kiện ấy có sức tàn phá đến đâu đi nữa.

Trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với những tình huống tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương tâm lý

Nhưng cha mẹ cũng không cần tuyệt vọng. Chúng ta vẫn có thể giảm đến mức tối thiểu tác động của các sự kiện thường tình đã nói ở trên cũng như các sự kiện bất thường như thiên tai và nhân tai (bao gồm bạo lực, chiến tranh, khủng bố và xâm hại).
Trong cuốn sách “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý”, bạn sẽ được hướng dẫn các công cụ thiết thực để giúp con mình tăng cường tối đa khả năng hồi phục tâm lý, để từ đó chúng có thể khôi phục lại sự cân bằng khi bị căng thẳng quá mức chịu đựng. Được trang bị “công thức để hồi phục” này, cha mẹ và người lớn có thể giúp con trẻ tránh bị chấn thương tâm lý cũng như giúp chúng gia tăng sức chịu đựng trước những căng thẳng thường ngày. Bằng cách này, trẻ mới thực sự trở thành những con người mạnh mẽ, biết quan tâm, vui vẻ và có lòng trắc ẩn hơn.
Cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn cách giúp đỡ trẻ em nhận diện, vượt qua cảm xúc và cảm giác đau đớn mà không phải lo âu quá mức. Kiến thức mới mẻ này sẽ giúp bạn xóa tan nỗi sợ hãi của trẻ khi trải qua những phản ứng và cảm xúc không chủ ý để trẻ có thể hồi phục lại từ chấn thương tâm lý cũng như từ những cảm xúc tiêu cực. Cuốn sách này cũng có nhiều ví dụ thực tế để minh họa cho bạn về cách thức hỗ trợ trẻ em hồi phục từ các trải nghiệm quá mức chịu đựng. Bạn sẽ học cách nhận biết các dấu hiệu chấn thương tâm lý cùng các kỹ năng đơn giản để làm dịu và phòng ngừa các triệu chứng chấn thương tâm lý sau một tai nạn kinh khủng hoặc một sự kiện gây căng thẳng trong đời sống.