CHẤN THƯƠNG TÂM LÝ - BÓNG MA TÂM HỒN
(Posttraumatic stress disorder - PTSD)

“Lắng nghe những câu chuyện về nạn diệt chủng, chúng ta khai quật được một bộ tranh khảm của những bằng chứng thường bị vùi lấp dưới tầng tầng lớp lớp của sự không hoàn thiện. Chúng ta vật lộn với phần mở đầu của một câu chuyện mãi mãi không bao giờ hoàn thiện, đầy những khoảng trống, đối mặt với những nhân chứng nao núng và thường câm nín trong khổ sở vì bị những ký ức sâu xa đàn áp”. [The Ruins of Memory - Nhân chứng nạn diệt chủng: Những ký ức đổ nát (1991) - Lawrence Langer]
Everything will be OK?
Có vẻ là một câu nói có phần sáo rỗng với những người đang chịu đựng nỗi đau của chấn thương tâm lý. Đó là một trải nghiệm tâm lý đau thương mà người trải nghiệm có thể bị nó đeo bám, dai dẳng nhưng một vết thương khó liền sẹo và rỉ máu trong một mảnh ký ức của họ. Có thể nói chấn thương tâm lý là một bóng ma của tiềm thức, bóng ma đó có thể là ký ức vụn nát về chiến tranh, về một tai nạn, thảm họa, hoặc nỗi đau của bạo lực, lạm dụng,...
Chúng ta có thể là người đứng ngoài? Liệu chúng ta sẽ không mắc phải chứng bệnh tâm lý này? Tôi? Bạn? Hay chúng ta?
Không! Ta đâu thể dự báo trước về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai của chính mình? Ta đâu thể biết được? Ai trong chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của bóng ma đó.
Ta đều muốn được sống, được bao bọc trong thế giới màu hồng, xung quanh toàn là hạnh phúc. Nhưng cái thế giới gọi là “utopia” đó đâu có tồn tại. Chấn thương tâm lý giúp chúng ta ngộ ra những thực tế đáng sợ, tàn bạo mà chúng ta đang sống. Bạn đoán xem, một điều mà khiến lý trí con người gục ngã và suy sụp, tổn thương sâu sắc như vậy thì nó có thể khốc liệt đến nhường nào.
Everything is not OK!
Đâu ai muốn phải chịu đựng sự dày vò khôn nguôi của những nỗi đau tinh thần, nhưng để thoát khỏi nó cũng đâu có dễ dàng. Căn bệnh ám ảnh tâm lý mang lại những ảnh hưởng sâu sắc đến cả thể chất và tinh thần, hệ miễn dịch của người bệnh.
Biểu hiện của hội chứng PTSD là khiến người bệnh gặp những cơn hồi tưởng, ảo giác, cảm giác né tránh, tách rời và cô lập, có xu hướng tăng nhạy cảm và tâm trạng, nhận thức thường xuyên rơi vào trạng thái tiêu cực. Họ thường có suy nghĩ muốn nguyền rủa bản thân, ghê tởm chính mình và mất đi cảm giác an toàn.
Những người chịu chấn thương tâm lý khó chữa lành còn có xu hướng tự hủy hoại bản thân đó như một cách trốn tránh hiện thực, trốn tránh những nỗi đau tâm lý đang dày xéo và phá nát tâm hồn của họ. Họ muốn dùng nỗi đau thể xác để chế ngự những thương tổn trong tâm hồn.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng : những người từng bị lạm dụng tình dục và lạm dụng thể chất khi còn bé thường có xu hướng cố gắng tự sát nhiều lần và tự cắt người mình. Liệu những người bề ngoài trông có vẻ ổn nhưng lại đang che giấu một nội tâm hỗn loạn bất thường. Họ thường muốn coi như những chuyện tồi tệ đó chưa hề xảy ra với mình nhưng ký ức hoang tàn, mục nát đó dường như chưa bao giờ ngừng đeo bám.
Nguồn ảnh: The Guardian
PTSD từng được gọi với cái tên là “Sốc vỏ đạn” (shell shock) hoặc “Hội chứng mệt mỏi sau chiến tranh” (Battle fatigue syndrome). Điều này có thể thấy rõ ở các cựu binh lính tham chiến tại Việt Nam. Đôi khi chỉ là tiếng pháo hoa nổ cũng khiến họ có những trải nghiệm đau đớn khó chịu vì kí ức truy xuất lại sự tàn khốc của đạn lạc, bom rơi của những trận đột kích, chiến đấu mà họ đã trải qua trong chiến tranh. Nó được chỉ ra trong nghiên cứu vào năm 1980, khi các bác sĩ tâm thần Mỹ nghiên cứu về một hội chứng gọi là “Hội chứng sau chiến tranh Việt Nam” xuất hiện ở khoảng 700.000 cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam (1965 – 1973).
Có thế một tình huống hay dấy hiệu nhỏ có liên quan đến trải nghiệm đau thương trong quá khứ cũng có thể khơi dậy và kích động những mao mạch bị tổn thương trong não bộ, giải phóng ra hormon của stress vô cùng lớn gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát.
“Ai có thể tìm thấy một ngôi mộ đúng đắn cho những bức tranh khảm đã bị tàn phá của tâm trí, nơi họ có thể an nghỉ? Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng theo hai hướng thời gian cùng một lúc, tương lai không thể thoát khỏi sự kìm kẹp của ký ức đầy đau đớn” - Lawrence Langer
Xoa dịu, thoát khỏi xiềng xích tâm lý
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi động ở độ tuổi 14 - Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ những trải nghiệm sang chấn tâm lý được tích lũy lâu ngày ở trẻ. Với giới trẻ hiện nay những tổn thương tâm lý xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân, bởi tâm hồn trẻ em thường mong manh và rất dễ chịu tổn thương, đả kích, ảnh hưởng lâu dài sẽ dẫn tới chấn thương tâm lý nghiên trọng và gây hậu quả khó lường. Tôi có thể kể ra hàng loạt những nguyên nhân khiến giới trẻ phải chịu đựng hội chứng PTSD ví dụ như: Bị bạo hành thể xác, ngôn từ ở trường học, quấy rối tình dục, chứng khiến những đổ vỡ, bạo lực trong gia đình,.....
Vết thương tinh thần và cảm xúc đâu thể nói chữa lành là có thể lành lại hoàn toàn nó để lại những tổn thương đau đớn gấp nhiều lần nỗi đau thể xác. Điều trị chứng PTSD cần những liệu trình tâm lý và sự hỗ trợ điều trị của bác sĩ tâm lý. Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị PTSD như: trải nghiệm Soma (Somatic Experiencing) - Vượt qua sang chấn tâm lý bằng cơ thể được phát triển bởi tiến sĩ Peter A. Levine hay liệu pháp Chánh niệm Nhận thức [Mindfulness-Based Cognitive Therapy], liệu pháp Thân nghiệm [Somatic Experiencing],...
Nguồn ảnh: Ashtonshospitalpharmacy
Nhưng trong chính chúng ta cũng cần dũng cảm đối mặt và thẳng thắn với sự thật để có thể nhẹ nhàng bước qua. Cũng đừng cuốn bản thân vào những vòng xoáy không lối thoát khác bằng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Và đừng gượng ép bản thân phải gồng mình, mạnh mẽ vượt qua chúng ngay lập tức, hãy thử mở lòng trút bỏ muộn phiền và sợ hãi trong lòng mình với người mình có thể tin tưởng.
“Một khi bạn vẫn còn giữ bí mật trong lòng và kìm nén những thông tin, tức là bạn vẫn đang đấu tranh với chính mình. Che đậy những cảm xúc cốt tủy đã lấy đi của bạn một nguồn năng lượng khổng lồ, nó làm bạn mất động lực để theo đuổi các mục tiêu xứng đáng và khiến bạn cảm thấy chán nản, đóng khép bản thân lại.” - Bessel Van Der Kolk.
Hãy truy cập vào chính nội tâm của mình và tự xoa dịu những tổn thương sâu bên trong nó. Viết ra cũng là một cách để chúng ta trò chuyện với nội tâm, trò chuyện với cái “tôi” yếu đuối nhất và cũng là cái “tôi” mạnh mẽ nhất tồn tại trong bản ngã của chính mình. Hãy trút hết sầu, bi, ái, ố vào những trang giấy và dùng ngòi bút để khâu vá vết thương tâm hồn.
“Khi viết thư cho chính mình, bạn không phải lo lắng về bị ai đó phán xét. Bạn chỉ cần lắng nghe những suy nghĩ của bản thân, và cứ để cảm xúc tuôn chảy theo dòng chữ. Bạn được tự do để đi vào một loại trạng thái đê mê, trong đó ngòi bút của bạn (hoặc bàn phím) dường như đang hướng về bất cứ điều gì đang sôi sục bên trong bạn. Bạn có thể kết nối những phần tự quan sát và tường thuật của bộ não của bạn mà không phải lo lắng về những gì bạn tiếp nhận được.” - Bessel Van Der Kolk
----------------------------------------------------
Hãy để Letterman chúng mình đồng hành cùng bạn trên chuyến xe đi tới trạm của “người trưởng thành” nhiều tổn thương, vụn vỡ nhưng cũng đầy những kỉ niệm, hồi ức đẹp đẽ, hạnh phúc và không kém phần thú vị.
Cho Letterman có cơ hội được nghe câu chuyện của bạn, được tiếp cận những "góc tối" sâu trong tâm hồn để hình tượng hóa chúng qua những nét chữ như một lời động viên, nhắc nhở dành cho chính mình.
Letterman luôn ở đây chờ bạn!