☯️Thiên âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Hàn thịnh quá thì biến ra nhiệt, nhiệt thịnh quá thì biến ra hàn”. Lại nói: “Hàn cực thì sinh nhiệt, nhiệt cực thì sinh hàn”. Đó là chỉ vào hàn chứng phát triển đến cực điểm thì thấy hiện ra giả tượng của nhiệt, nhiệt chứng phát triển đến cực điểm cũng thấy hiện ra giả tượng của hàn. Sự xuất hiện của một số chứng trạng như thế, đều đã đến giai đoạn nguy cấp, một mất một còn, một sống một chết. Vì thế biện chứng nên kỹ càng, sát đúng để khỏi bị lầm vì giả tượng.

1️⃣Chân nhiệt giả hàn

Vì nhiệt ở trong thịnh quá, dương khí bị uất kết mà không phát ra được, cho nên lại thấy tay chân buốt lạnh, mạch trầm mà hữu lực. Xét chứng bên trong của nó, tất nhiên là hơi thở to (thô) và nóng, họng khô và hôi, rêu lưỡi vàng đen hoặc như có gai, rất khát, nói sảng, hoặc bụng đầy trướng nắn vào thì đau, tiểu tiện đỏ mà ít, đại tiện táo kết, hoặc đại tiện ra thuần nước không có phân [Nguyên văn: Nhiệt kết bàng lưu]. Đó cũng là nói chung về chứng dương quyết (nhiệt quyết).

2️⃣Chân hàn giả nhiệt

Về bệnh tình chân hàn giả nhiệt, thì sách Thông tục thương hàn luận dựa vào chứng trạng lâm sàng mà quy nạp vào hai loại “hàn thủy vũ thổ” và “thận khí lăng tâm”. Nay chép ra nguyên văn dưới đây:
👉Chứng hàn thủy vũ thổ: “Đau bụng thổ tả, tay chân quyết nghịch, mồ hôi lạnh tự chảy ra, cơ thịt giật, gân run, tiếng nói yếu, ăn ít, bụng đầy, hai chân càng lạnh, tiểu tiện trong trắng, chất lưỡi mềm bệu, rêu lưỡi đen mà trơn, màu đen chỉ thấy ở giữa lưỡi, mạch trầm vi muốn tuyệt, đó đều là chứng cớ của bệnh chân hàn ở lý. Duy ở ngoài da, ấn tay nặng xuống thì không nóng, phiền táo mà khát, muốn uống nước cũng không uống nhiều, miệng ráo, họng đau, đòi nước đưa đến mà lại không uống, đó là âm hỏa vô căn, vì âm thịnh ở trong bức dương ra ngoài, ngoài giả nhiệt mà trong chân âm hàn, đó là chứng “cách dương”.
👉Chứng thận khí lăng tâm: “Hơi thở ngắn và gấp, đầu choáng, tim nhảy mạnh, chân lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, hoặc đi chảy, khí kém, không hay nói, gắng gượng nói thì hơi trên không tiếp hơi dưới, rêu lưỡi tuy đen thẳng đến đầu lưỡi, nhưng mà lưỡi mềm bệu, đó đều là chứng cớ chân hư hàn ở lý. Duy miệng và mũi có khi ra huyết, miệng ráo, răng lung lay, mặt đỏ, da tươi hơi trắng, hoặc phiền táo muốn cởi truồng, hoặc muốn nằm ngồi vào trong bùn nước, mạch phù sác, ấn tay xuống như muốn tán đi, hoặc phù đại đầy ngón tay, ấn tay xuống như không thấy gì, tuy cũng là hỏa vô căn, nhưng âm kiệt ở dưới, dương vượt lên trên, ở trên thì giả nhiệt mà ở dưới thì chân hư hàn, đó là chứng “đái dương”.
👉Chứng cách dương là âm thịnh ở trong, cách dương ra ngoài, trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt; chứng đái dương là âm kiệt ở dưới, dương vượt lên trên, dưới chân hư hàn mà trên giả nhiệt, đó là theo lý luận để phân biệt. Trên thực tế, bệnh tình đến đó rất dễ sinh biến, chứng trạng của hai bệnh này thường thấy lẫn lộn nhau mà không thể tách rời hẳn được, đó lại là điều cần phải biết.

*️⃣Điểm trọng yếu biện biệt hàn-nhiệt, chân-giả

Tóm lại, điểm trọng yếu để biện biệt hàn nhiệt, chân giả đại để có thể dựa vào hai phương diện mạch và chứng trạng để xét.
👉Phương diện mạch: Mạch của bệnh giả nhiệt, hoặc phù hoặc sác nhưng ấn xuống không đập mạnh ở ngón tay, ấn nặng xuống như không có gì, đó là âm thịnh cách dương và không phải là nhiệt chứng. Mạch của bệnh giả hàn hoặc trầm hoặc trì, nhưng ấn xuống thấy càng đập mạnh vào ngón tay, hoạt mà hữu lực, đó là dương đến cực độ giống như âm, không phải là hàn chứng.
👉Phương diện chứng trạng: Có thể căn cứ vào thiên dương minh sách Thương hàn luận nói: “Người bệnh mình nóng dữ (giả nhiệt ở ngoài) lại muốn mặc áo (chân hàn ở trong) là nhiệt ở ngoài da, hàn ở trong xương tủy; người bệnh rét dữ (giả hàn ở ngoài) lại không muốn mặc áo (chân nhiệt ở trong) là hàn ở ngoài da, nhiệt ở trong xương tủy”.
✨Theo đây chúng ta có thể biết được chân hàn ở trong (hoặc chân nhiệt) là bản chất của bệnh, giả nhiệt ở ngoài (hoặc giả hàn) là hiện tượng của bệnh. Hiện tượng và bản chất thường không nhất trí, vì vậy nên chú ý trong khi chẩn đoán bệnh.
[Trung y học khái luận – Quyển thượng]