Viêm da cơ địa là một tình trạng viêm da mạn tính tái đi tái lại ảnh hưởng khoảng 10% dân số với 90% có độ tuổi khởi phát dưới 5 tuổi [1,2].
Đặc trưng của bệnh là các tổn thương da khô, tróc vảy kèm ngứa thường xuất hiện trên mặt, da đầu, ngực và tay chân ở trẻ nhỏ hoặc ở các bề mặt nếp gấp cơ thể ở người lớn. Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa là sự phối hợp phức tạp của nhiều yếu tố bao gồm mất điều hòa miễn dịch, đột biến gene biểu bì và các yếu tố môi trường làm tổn thương lớp biểu bì.
Khoảng 80% người bệnh viêm da cơ địa được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở chăm sóc y tế ban đầu. Chất giữ ẩm (emollients) và tắm bằng các dung dịch làm sạch không xà phòng là một phần không thể thiếu trong dự phòng hằng ngày và điều trị viêm da cơ địa ở tất cả các mức độ nặng. Corticosteroid dùng ngoài là điều trị đầu tay trong các đợt bùng phát viêm da cơ địa, theo sau là các thuốc ức chế calcineurin dùng ngoài như pimecrolimus và tacrolimus. Ngược lại, các thuốc kháng histamine đường uống không được khuyến cáo vì không giảm ngứa. Hiện tại, một số thuốc mới được chấp thuận bởi FDA như crisaborole và dupiliman đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị viêm da cơ địa, tuy nhiên do có giá thành cao nên hầu hết người bệnh không tiếp cận được với những thuốc này.
Bài review đăng trên American Family Physician cung cấp các khái niệm cơ bản về viêm da cơ địa bao gồm dịch tễ, biểu hiện, tiêu chuẩn chẩn đoán và tập trung vào các lựa chọn điều trị đợt bùng phát cũng như các liệu pháp phòng ngừa và duy trì. Ngoài ra, các tác giả cũng đưa ra các khuyến nghị kiểm soát viêm da cơ địa từng bước theo mức độ nặng và tiến triển của bệnh cũng như cung cấp các thông tin về kế hoạch điều trị cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo

1. Abuabara K, Magyari A, McCulloch CE, et al. Prevalence of atopic eczema among patients seen in primary care: data from the health improvement network. Ann Intern Med. 2019;170(5):354-356
2. Eichenfield LF, Tom WL, Chamlin SL, et al. Guidelines of care for the management of atopic dermatitis: section 1. Diagnosis and assessment of atopic dermatitis. J Am Acad Dermatol. 2014;70(2):338-351