CHẬM LẠI ĐỂ NHÌN THẤY GIA ĐÌNH
Ngày trước đọc Trà Hoa Nữ có một câu làm mình nhớ mãi đến tận sau này: “Em có thể có gốc rễ, sau đó đồng thời cũng có đôi cánh”. Mình...
Ngày trước đọc Trà Hoa Nữ có một câu làm mình nhớ mãi đến tận sau này:
“Em có thể có gốc rễ, sau đó đồng thời cũng có đôi cánh”
Mình luôn cảm thấy may mắn vì được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, đủ đầy và luôn ủng hộ nhau. Bố mẹ mình không phải là những người tường tận về cách để nuôi dạy con sao cho thành tài, thành “ông này bà kia” nhưng họ luôn dùng tất cả sự yêu thương để nuôi lớn mình và bằng lòng bao dung, thấu hiểu, họ cố gắng cho mình cảm giác được bao bọc, an toàn trong hơi ấm, vòng tay gia đình. Để từ cái tổ ấm thân thương ấy mà mình mạnh dạn và dũng cảm khám phá tất thảy mọi điều đẹp đẽ của thế giới. Nhưng rồi năm này qua tháng khác, cái thế giới ấy, thế giới của người lớn - hoặc cũng có thể là của những đứa trẻ đang lớn, dần dần “nuốt chửng” lấy mình. Mình không còn đủ sự tin tưởng vào những ý niệm, vào những điều mà mình nghĩ là rất đẹp đẽ đang ở đâu đó ngoài kia. Những lần thất bại, những lần bị áp lực và cuốn vào vòng xoáy của cạnh tranh, mình luôn cảm thấy dường như đang chạy trong một cuộc đua mà mãi sẽ chẳng có hồi kết. Và rồi mình chẳng còn thời gian cho gia đình, cho nơi mà từng là tất cả những gì mình có. Tất nhiên nói không có thời gian thì chẳng phải, mình có thời gian cho mạng xã hội, cho bạn bè và những cuộc trò chuyện phiếm dài đằng đẵng… Có lẽ mình đủ thời gian để cùng ngồi lại và chia sẻ cùng ông bà, bố mẹ, những người thân bên cạnh nhưng mình không đủ sự quan tâm dành cho họ. Và khi những lúc yếu lòng, bất lực nhất, nơi mà mình có thể tựa vào, tỉ tê mọi chuyện lại là gia đình. Bố mẹ không phải lúc nào cũng ủng hộ, bênh vực mình bất chấp nhưng sẽ chấp nhận và cho mình lời khuyên hữu ích nhất. Không phải là những lời sáo rỗng kiểu: “Thôi cố lên nha” mà kiểu “Gì? Lo mà học hành đàng hoàng đi đừng để phí tiền của bố mẹ” hay là “Ôi giời, có gì mà phải lo, tiền của bố của mẹ chứ có phải của con đâu mà tiếc”. Thế đấy, đôi lúc những điều mà các bậc phụ huynh nói cũng mâu thuẫn lắm chứ, nhưng ít nhất điều đó khiến những đứa con như mình nhẹ nhõm đi bao nhiêu.
Đương nhiên gia đình đôi lúc cũng khiến mình khó chịu, nào là những lời trách mắng của bố, sự cằn nhằn bất kể ngày hay đêm của mẹ và những lời hỏi thăm chẳng bao giờ đúng lúc của anh hai. Mình khi đang stress mà nghe những điều đó bên tai sẽ khó chịu lắm chứ, thậm chí còn không thèm trả lời lại nữa. Nhưng mà giả sử không có những âm thanh “ào ào” ấy trong một ngày mình sẽ nhớ lắm. Có một câu thoại mình thấy mọi người nhắc hoài mà rất đúng, rất đáng để nhắc đi nhắc lại cho những người con dễ quên như mình ghi nhớ: “ Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố” (Reply 1988). Hồi trước bố của mình đi làm xa nhà nên những lần gặp mặt và chuyện trò ít ỏi chẳng giúp mình có tình yêu cho bố quá to bự, chỉ be bé thôi. Nghe buồn cười và thật đáng trách nhỉ, con không yêu bố thì yêu ai? Nhưng thật sự là hồi đó mình chỉ yêu anh và mẹ mình trong nhà thôi vì anh thì lúc nào trông cũng ngầu với đủ thứ trò hay ho còn mẹ khi nào cũng ấm áp, dịu dàng. Bố trông có vẻ hơi “cộc cằn”, sau này lớn lên mới nhận ra bố mình là người tuyệt vời nhất thế gian, hoặc ít nhất là trong trái tim mình. Nghe từ “cộc cằn” thì có lẽ mọi người sẽ nghĩ bố mình đáng sợ lắm nhưng không phải, bố mình hiền khô à, chỉ là lâu lâu nói chuyện hơi lớn tiếng mà lại có đứa con thích mè nheo, dễ tổn thương, buồn rầu. Nhớ có tiệc sinh nhật năm nào bố lỡ nói mình một tẹo vì làm rơi chiếc bánh mà mình giận cả tuần. Tất nhiên giận xong thì cũng là lúc bố đã xa nhà… Nghe hơi giống chuyện “Chiếc lược ngà” nhỉ?
Tất nhiên càng lớn mình càng hiểu được sự vất vả và cách thể hiện tình yêu của bố dành cho gia đình, nhờ vậy mà mình cũng thương bố nhiều hơn. Sau này tuy không còn làm xa nữa nhưng bố vẫn đi sớm về khuya, chỉ có mùa dịch là mình được gần bố thật gần thôi. Nhưng vào thời điểm này mình lại vùi đầu trong bài vở, deadline và những ý định dang dở của tuổi mới lớn. Nhưng mình không trốn tránh và lấy đó làm lí do cho sự thờ ơ của bản thân nữa mà học cách chia sẻ sự khó khăn ấy và ở cạnh những người thân thương nhiều nhất có thể. Đôi khi chỉ là vài câu bông đùa hay nụ cười buổi sớm dành cho nhau đã là điều thật tử tế trong một ngày rồi đúng không? Mình nghĩ không chỉ có mình mà những bạn trẻ gen Z hay bất kì gen nào khác cũng đều đã, đang trải qua cảm giác tưởng gần mà lại xa thật xa gia đình. Nhưng mình tin tất cả chúng ta đều mang một trái tim yêu thương, ấm áp nồng nàn để lại lần nữa trở về vòng tay của nhau, trở về để sẻ chia và thấy mình được an toàn, đủ đầy bên gia đình. Chúc các bạn độc giả sẽ luôn tìm thấy được điểm tựa vững vàng và tình yêu vô điều kiện bên gia đình.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất