"Chơi là công việc của con trẻ, và đó không phải là sự theo đuổi nhỏ nhoi - Nhà tâm lý học người Áo Afred Alber"   
Mình đắn đo mãi khi viết phần 2, Cuốn sách Cha mẹ độc hại chủ yếu là giúp người trưởng thành bị bạo hành vượt qua những nỗi đau do Cha mẹ độc hại thời thơ ấu gây ra thông qua tư vấn của chuyên gia tâm lý học. Vậy câu hỏi là nếu chúng ta phát hiện ra mình vô tình là bậc Cha mẹ độc hại, chúng ta phải làm gì, đâu là những điểm quan trọng nhất cần làm khi có vô số sách báo nói về kỹ năng dạy con. Sau khi cân nhắc, mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu các bậc Cha mẹ Chúng ta cố gắng sửa lỗi ngay khi phát hiện ra, để giúp trẻ được hưởng một tuổi thơ trọn vẹn, đồng thời giúp định hướng và phát triển tính cách một cách hoàn chỉnh nhất, tránh tổn hại khi trưởng thành.   
Một số ý mình review từ sách, một số ý mình viết theo cảm nhận và kinh nghiệm riêng. Bạn đọc có thể tham khảo tùy vào từng tình huống cụ thể.     
Trước hết mình phân loại các Biểu hiện của Cha mẹ độc hại. Ở Việt Nam mình chủ yếu các bậc Cha mẹ độc hại được biết đến qua hành vi bằng bạo hành lời nói hoặc bạo lực thân thể. Các phương pháp nêu ra chủ yếu dành cho các bậc cha mẹ này chủ động muốn thay đổi. Các hình thức bạo hành độc hại khác mình ko đề cập đến như quấy rối tình dục, nghiện rượu... Để sửa đổi các hình thức độc hại này đòi hỏi phải có hệ thống các phòng khám tâm lý chuyên nghiệp cũng như sự hỗ trợ về luật, các chế tài của Nhà nước.   
Điểm ta thường thấy như phần 1 review ở trẻ có Cha mẹ độc hại là trẻ lầm lỳ ít nói trc mặt nhưng sau lưng lại quậy phá, trộm tiền cha mẹ, bỏ học đi chơi điện tử, ko kiềm chế cảm xúc như giận dữ, khóc lóc hoặc buồn vui thất thường, khó chơi hoặc ko muốn giao tiếp với các bạn cùng lứa, một số có thể nói dối, thiếu trung thực. Một số trẻ lại thể hiện sự yếu đuối, khó tập trung và thiếu quyết tâm khi thực hiện một mục tiêu cụ thể nào. Tùy vào mức độ độc hại của cha mẹ nhiều hay ít, khả năng chịu đựng của từng con trẻ mà biểu hiện sẽ rõ nét hay mờ nhạt.    
😎Có 3 điểm quyết định tới hành vi của con trẻ ở hiện tại cũng như trong tương lai😎
1. Điểm đầu tiên mình muốn đề cập đến là SỰ KẾT NỐI 
SỰ KẾT NỐI là yếu tố phải có trước hết, nếu không mọi bước tiếp theo sẽ không có giá trị. Hiểu nôm na cũng như ta gọi điện thoại, chỉ khi kết nối (Conneting people) ta mới trao đổi được với nhau. Khi điện thoại đang ò ý e thì bạn nói không ai nghe cả. Do đó các bậc cha mẹ cần phải KẾT NỐI với con trẻ trước để xây dựng mối quan hệ 2 chiều, thấu hiểu lẫn nhau. Từ đó mới tiếp tục các bước khác hiệu quả hơn...
Cha mẹ độc hại đánh mất sự kết nối với con cái, và do đó niềm tin của trẻ đối với cha mẹ không còn nữa. Nếu bạn không thể tin Cha mẹ mình, thì bạn còn tin ai được nữa? Niềm tin là thứ mong manh nhất trong mỗi chúng ta; dưới những điều kiện khắc nghiệt, nó sẽ là thứ chết đầu tiên. Để tồn tại, đứa trẻ phải xây dựng vỏ ốc bao bọc quanh nó (trang 90). Vì vậy những gì người lớn mong muốn thường ngược với những gì đứa trẻ thực hiện (cả 2 không thực sự hiểu và cảm nhận được như cầu của nhau).    
🙁Ví dụ thường gặp nhất là trẻ ham chơi điện tử rồi trộm tiền đi quán net và các bậc Cha mẹ độc hại cấm đoán nhưng thường không hiệu quả🙁 (con nhà mình cũng đã từng rất mê đánh điện tử hồi lớp 6, bây giờ cũng quay trở lại bình thường)
Cha mẹ nên nhìn nhận vc chơi điện tử như là một nhu cầu tự nhiên của trẻ. Nên khuyến khích hoặc đáp ứng một cách có tính toán nhu cầu chơi game, đồng thời quy định giờ chơi rõ ràng cho trẻ để trẻ có cơ hội đc chủ động chơi game. Thông qua trò chơi để tạo mối liên kết đã bị đánh mất với trẻ. Trò chuyện về trò chơi như những người bạn là cách dễ nhất để nối lại sợi dây liên kết đã bị đánh mất, thông qua đó để cha mẹ hiểu hơn vì những nhu cầu của trẻ, niềm tin của trẻ đối với cha mẹ tăng lên. Niềm tin và sự kết nối của trẻ sẽ giúp trẻ tích cực trong các hoạt động chung khác của gia đình🙂
2. Tiếp đến là SỰ TỰ TIN.    
Mình đã đọc một bài nghiên cứu của nhà Tâm lý học Harry Harlow về sự phát triển của con trẻ khi tương tác với cha mẹ qua thí nghiệm khỉ mẹ dây thép gai và khỉ mẹ vải (bạn đọc có thể search google với các từ khóa trên để đọc kỹ hơn). Trẻ có được sự yêu thương của Cha mẹ ở tuổi hình thành tính cách sẽ tự tin khám phá thế giới bên ngoài.    
Trong các môi trường gia đình độc hai, trẻ con liên tục bị Cha mẹ độc hại ép phải tư duy và hành động như một người trưởng thành. Liên tục bị la mắng, chê trách, đùa cợt vì không hoàn thành công việc khiến trẻ tin rằng trẻ ko có khả năng (trang 92, 94, 102, 104, 245,... ). Và khả năng rất lớn là khi lớn lên trẻ luôn tự ti, đánh giá thấp mình trong mọi công việc được giao, và số phận thất bại của nó đã được định đoạt.    
Để giảm thiểu tác hại này, điều đầu tiên là tuyệt đối không dùng lời nói sát thương như chê bai, dè bửu hay quát mắng trẻ. Phát hiện, động viên, khích lệ trẻ khi trẻ có năng khiếu ở lĩnh vực nào đó... nhất là các hoạt động thể chất như học võ, đá bóng, bơi lội... Hoặc vẽ mỹ thuật, âm nhạc, ca hát... Sự ghi nhận nỗ lực một cách tích cực của Cha mẹ với bất kỳ hoạt động chính đáng nào của trẻ cũng là động lực to lớn để trẻ tự tin cố gắng trong tương lai. Niềm tin về khả năng bản thân lớn dần sẽ giúp trẻ vững tin trong tương lai.    
Hơn nữa các hoạt động thể thao cũng giúp trẻ tránh xa tivi, trò chơi điện tử. Điều đặc biệt cần lưu ý khi động viên, khuyến khích trẻ dưới cấp tiểu học là chỉ nên tập trung vào quá trình, chứ không phải là kết quả. Khen ngợi quá trình trẻ phấn đấu sẽ giúp trẻ tự tin và tìm cách khắc phục khi không đạt kết quả tốt và trẻ cũng sẽ không bị tự ti khi kết quả không tốt.    
Tôi phản đối bất kỳ kì thi nào của trẻ dưới cấp tiểu học coi trọng và tung hô điểm số hay vị trí thứ bậc một cách thái quá. Sự thành công được tung hô thái quá ở lứa tuổi này luôn phải trả một cái giá đắt khi trưởng thành. Thực tế là những nhà phát minh, các tỷ phú hay những người thành công trên thế giới được biết đến thường ít bị tạo áp lực thành công thời thơ ấu bởi các bậc cha mẹ, trong khi có rất nhiều gương thất bại, thui chột tài năng khi trưởng thành của trẻ vì phát triển thiếu cân bằng thời thơ ấu.
3. Điểm thứ 3 là LÒNG TỰ TRỌNG.    
Lòng tự trọng giúp con trẻ phấn đấu khẳng định mình để vượt qua các thử thách, khó khăn. Lòng tự trọng thôi thúc chúng không chịu khuất phục trc thử thách trong tương lai...    
Những gia đình lành mạnh khuyến khích tính cá nhân, trách nhiệm cá nhân và sự tự lập. Những gia đình đó khuyến khích sự phát triển của tự trọng và cảm giác xứng đáng ở con trẻ (Trang 177, 184, ). Như ta thường nghe: gieo tích cách gặt số phận, mà tính cách của đứa trẻ lại được định đoạt trong 5 năm đầu đời. Nếu 5 năm đầu Cha mẹ độc hại liên tục hạ thấp uy tín con trẻ bằng những lời trách mắng, chê bai, dè bửu hay bạo hành. Như một phản xạ bản năng, trẻ tìm mọi cách để tránh bị la mắng để bảo vệ mình bằng việc nói dối, đổ lỗi cho người khác hay ngoại cảnh.. và dần dần trẻ đánh mất lòng tự trọng.    
❤Chúc các bậc Cha mẹ nuôi dạy con vui vẻ và thành công, chúc các gia đình năm mới Tân Sửu 2021 vạn sự như ý❤