CHA MẸ ĐÃ ĐỐI XỬ NHƯ THẾ NÀO VỚI CHÚNG TA?
Only trở về nhà trong tâm trạng lo sợ. Trước đây, mỗi lần có điểm kiểm tra thì trường sẽ tự cập nhật điểm về điện thoại của ba mẹ....
Only trở về nhà trong tâm trạng lo sợ. Trước đây, mỗi lần có điểm kiểm tra thì trường sẽ tự cập nhật điểm về điện thoại của ba mẹ. Lên Đại học thì không còn chuyện báo điểm nữa, nhưng Only vẫn không thể không có cảm giác sợ hãi.
Bước chân vào cửa, Only tự hỏi, “Có khi nào ba mẹ biết chuyện điểm của mình rồi không?”
Trông thấy ba đang ngồi xem ti vi, Only chào ba, nhưng ông không hồi đáp.
Trong lòng Only bắt đầu thấy hoang mang, lo sợ.
“Ba đã biết rồi sao?”
Cô cắm đầu đi lên phòng thật nhanh. Cô không biết chuyện gì sắp xảy đến với mình nữa. Only thấy sợ hãi lắm. Cô nhìn thấy mẹ đang loay hoay trong bếp. Cô sợ đến mức không dám vào chào mẹ mà đi thẳng về phòng. Cô sợ rằng mẹ sẽ nói ra những lời chỉ trích gì đó.
Only đóng cửa, trốn trong phòng. Mặc dù cô biết có thể mình đã nhạy cảm quá với thái độ của ba, có thể ba quá tập trung vào ti vi nên không biết đến sự có mặt của cô. Nhưng những năm qua, ba vẫn luôn im lặng và tỏ ra lạnh nhạt mỗi khi Only làm gì đó không như ý.
“Lỡ như ba biết rồi thì sao nhỉ?”, Only nghĩ.
“Mình phải làm gì đây?”
“Nếu ba biết rồi chắc ba thất vọng lắm”
“Ba sẽ không thương mình nữa”
“Mẹ cũng sẽ không thương mình nữa”
“Mình có nên đi nói với ba mẹ luôn không?”
“Không được…”
“Một lát nữa làm sao đối diện với ba mẹ đây?”
“Ôi trời ơi, muốn chết quá đi mất”
“Ước gì có thể biến mất ngay lập tức”
Bỗng mẹ Only gọi: “Only”.
Tim Only lúc này chỉ muốn rớt ra khỏi lồng ngực, “Thôi xong rồi”, cô nghĩ.
Only cố gắng trấn tĩnh và đáp lại, “Dạ?”.
Thì ra là mẹ gọi cô xuống ăn cơm.
Ngồi vào bàn ăn, đối diện với ba và mẹ, Only vẫn chưa thể hết lo sợ. Và vẫn như mọi khi, bữa cơm diễn ra trong không khí yên ắng một cách nặng nề.
Không khí trong gia đình là do ba quyết định. Nếu trong bữa ăn ba không mở lời, thì cũng không ai dám nói chuyện. Only đã ăn cơm trong không khí này được 19 năm rồi. Kể cả vậy thì cô cũng không thể nào làm quen và dễ chịu với điều này nổi. Nhất là vào những khi cô có đầy rẫy bất ổn, đầy rẫy sợ hãi như hiện tại. Cô thực sự không muốn ở trong cái tình thế này thêm bất kì giây phút nào nữa.
“Dạo này học hành sao rồi?”, ba Only bỗng lên tiếng.
Only khựng lại, lòng cô tràn ngập hoang mang.
“Dạ…cũng bình thường ạ”.
“Liệu mà học hành cho đàng hoàng đó”, ba Only nói mà không nhìn mặt cô.
“Dạ”, Only đáp một cách yếu ớt.
Cô vẫn luôn luôn cố gắng, không hề dám chểnh mảng. Cô không biết phải cố gắng đến mức nào để ba cô có thể nhìn thấy và ngừng nói những lời như vậy với cô.
“Con bé Na dạo này nó học hành sa sút. Ba mẹ nó mới phát hiện ra chuyện nó cúp học đi chơi đó”, ba Only tiếp tục nói.
“Dạ…”, Only không biết nói gì hơn.
Only biết thực ra ý của ba là: “Con không được đi cúp học đi chơi giống Na. Con phải ở nhà, chăm chỉ học hành, và phải đứng nhất lớp”. Ba Only luôn như vậy, luôn bỏ lửng mọi câu nói để Only tự hiểu. Điều đó khiến Only thực sự khó chịu. Nhưng Only chỉ có thể tiếp nhận, không thể chống đối.
“Nhà nào phải vô phúc lắm mới có đứa con như vậy”, mẹ Only giờ mới lên tiếng.
“Có đứa con như vậy thì chết cho sướng chứ sống chi cho xấu hổ”, ba Only nhẹ nhàng nói.
Only dừng đũa, cô lén nhìn ba mẹ.
Mẹ Only bỗng quay sang nhìn Only: “Ăn đi con, ăn đi rồi lên học bài”.
Only gượng cười đáp: “Dạ”.
Mẹ Only xoa đầu cô: “Only ngoan quá. Ba mẹ thương và tự hào về con lắm đó”.
Only cúi gằm mặt. Cô cảm thấy xấu hổ. Ba mẹ sẽ nghĩ thế nào khi biết được tình hình học tập hiện tại của cô đây? Câu nói của ba bỗng hiện lên trong tâm trí Only: “Có đứa con như vậy thì chết cho sướng chứ sống chi cho xấu hổ”.
Kể từ khoảnh khắc đó trở đi, trong đầu Only luôn có một ý nghĩ…
-------------------------------
Đã bao giờ chúng ta nghe cha mẹ mình nói những câu như:
“Ngoan đi ba mẹ thương”,
“Con phải ngoan thì ba mẹ mới thương”,
“Con phải như thế này, như thế kia thì mới là một đứa trẻ ngoan”
“Nếu con học giỏi thì ba mẹ sẽ dẫn con đi chơi”?
Riêng với Only, những câu nói này cô đã nghe rất nhiều suốt 19 năm qua. Và cũng vì những câu nói đó, ngày hôm nay cô mới phải trải nghiệm cảm giác mình không có năng lực, mình tồi tệ và mệt mỏi như thế này. Mà tại sao những lời nói đó lại là nguyên nhân?
Những câu nói trên đều cho thấy sự quan tâm của cha mẹ dành cho chúng ta. Nói rằng được quan tâm là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, thật là khó nghe biết mấy. Nhưng khi ta tiếp cận theo thuyết Nhân văn của Carl Rogers, thì đúng là cách chúng ta được quan tâm đã ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, sự hình thành và phát triển khái niệm bản thân, cũng ảnh hưởng đến sự hòa hợp hay không hòa hợp mà chúng ta bàn luận với nhau những ngày qua.
Quan tâm thì có nhiều kiểu. Có quan tâm tích cực vô điều kiện, quan tâm tích cực có điều kiện và quan tâm tiêu cực có điều kiện.
Quan tâm tích cực vô điều kiện là cha mẹ yêu thương, chấp nhận con mà không đặt điều kiện gì với con, không phụ thuộc vào hành vi của con. Dù con có quậy phá, không học hành chăm chỉ hay làm bất kì điều gì thì cha mẹ vẫn yêu thương con. Đó chính là quan tâm tích cực vô điều kiện.
Quan tâm tích cực có điều kiện là cha mẹ yêu thương, chấp nhận con chỉ khi con đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Và quan tâm tiêu cực có điều kiện là cha mẹ ít yêu thương, chấp nhận con khi con không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ.
Nhưng không phải kiểu quan tâm nào cũng tốt. Một khi đã “có điều kiện” thì sẽ không tốt, dù là tiêu cực hay tích cực.
Carl Rogers nói rằng, kể từ khi được sinh ra, chúng ta đã có nhu cầu được quan tâm tích cực. Chúng ta muốn được thương yêu, được chăm sóc, được chấp nhận chính con người mình và muốn những hành động của bản thân được tán thành. Sự quan tâm tích cực ấy đến từ mọi người xung quanh, đặc biệt là đến từ mẹ - người chúng ta tiếp xúc nhiều nhất thuở sơ sinh.
Khi người mẹ cung cấp sự quan tâm tích cực thì đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc. Khi sự quan tâm tích cực ấy mất đi hoặc bị giảm, đứa trẻ sẽ thấy thất vọng. Cha mẹ sẽ cung cấp sự quan tâm tích cực khi trẻ có hành vi như họ mong đợi, và quan tâm tiêu cực khi trẻ có những hành vi trái với mong đợi của họ. Dần dần, trẻ học được rằng tình thương của cha mẹ là có giá, có điều kiện, tình thương đó phụ thuộc vào hành vi của trẻ. Trẻ học được rằng, trẻ sẽ được yêu thương khi làm theo những điều ba mẹ muốn, và không được yêu thương khi làm trẻ làm sai. Và mỗi lần trẻ làm sai, trẻ sẽ tự thất vọng về mình như ba mẹ đã thất vọng. Với nhu cầu nhận được sự quan tâm tích cực, trẻ sẽ cố gắng hành động để trở nên có giá trị, trẻ cố gắng trở thành người mà cha mẹ mong muốn. Điều này dẫn đến hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng của trẻ không hòa hợp. Trẻ không được là chính mình, không có tự do. Trẻ bị kiềm hãm quá trình phát triển và hiện thực hóa bản thân. Thay vì tập trung phát triển chính mình thì trẻ phải tìm cách để có giá trị, để được cha mẹ yêu thương.
Chẳng hạn, khi mẹ nói rằng: “Con phải ngoan thì mẹ mới thương”, trẻ sẽ dần tự hiểu nếu mình không ngoan thì sẽ không được mẹ thương. Vậy thì “ngoan” là một điều kiện để có tình thương từ mẹ. Và khi người mẹ có những phản ứng tiêu cực với những hành vi của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mình là một đứa trẻ hư hỏng. Thế nên đứa trẻ không dám có những hành vi trái với kỳ vọng của mẹ. Trẻ muốn được vui chơi cùng các bạn trong xóm, nhưng mẹ cho rằng ở nhà học bài sẽ tốt hơn. Trẻ muốn được đi khu vui chơi giải trí, nhưng mẹ cho rằng đến lớp học thêm là tốt nhất. Trẻ muốn mua quả bóng chuyền, nhưng mẹ nói cờ vui sẽ tốt hơn. Trẻ nói trẻ thích màu xanh, mẹ nói mẹ thích màu vàng hơn. Trẻ nói sau này muốn học Tâm lý học, nhưng mẹ nói học bác sĩ thì mới tốt. Vậy là trẻ ở nhà học bài, đến lớp học thêm, mua cờ vua, chọn màu vàng, thi bác sĩ và tin rằng những điều đó là tốt nhất. Chỉ để nhận được tình yêu thương từ mẹ. Cho đến một ngày…
Người đó thi rớt trường Y. Cú vả đầu tiên, khái niệm bản thân không hòa hợp với trải nghiệm thực tế. Rồi cú vả thứ hai, hình ảnh bản thân không hòa hợp với bản thân lý tưởng. Người đó chợt nhận ra, mình không muốn thi trường Y. Mình cũng không muốn ở nhà học bài, không muốn đến lớp học thêm, không muốn chơi cờ vua, càng không thích màu vàng. Mình đã quá mệt mỏi với việc phải sống theo cách mà người khác mong muốn. Người đó bày tỏ khao khát được là chính mình với mẹ. Và người đã mẹ quay lưng, lạnh nhạt. Sự quay lưng đó chính là quan tâm tiêu cực có điều kiện. Người con đã vô cùng tuyệt vọng, cảm thấy mình không còn bất kỳ giá trị gì. Cả thế giới đã đổ sụp xuống.
Đó là hệ quả của việc bản thân lý tưởng không hòa hợp với hình ảnh bản thân. Và nó đến từ sự quan tâm tích cực có điều kiện và tiêu cực có điều kiện mà cha mẹ dành cho chúng ta.
Cũng như câu mà mẹ Only đã nói: “Only ngoan quá. Ba mẹ thương và tự hào về con lắm đó”, đó cũng là một câu quan tâm tích cực có điều kiện. Nghĩa là Only phải ngoan thì ba mẹ mới thương và tự hào về cô. Ngoan theo nghĩa của ba mẹ Only là học hành chăm chỉ, không cúp học, đứng nhất lớp. Vậy nên, để có được sự quan tâm của ba mẹ, Only phải làm theo những gì ba mẹ cô mong muốn và điều đó thì không đúng với hình ảnh bản thân cô. Từ sự không hòa hợp trong chính khái niệm bản thân, đến sự không hòa hợp giữa khái niệm bản thân và trải nghiệm thực tế của Only, ta có thể thấy cô đã suy sụp đến nhường nào. Nói đến đây, hẳn chúng ta cũng thấu hiểu được những suy nghĩ, những xung động phức tạp vì sao lại diễn ra trong tâm trí Only suốt bao ngày qua.
Vậy thì phải quan tâm như thế nào mới là tốt?
Chính là quan tâm tích cực, nhưng vô điều kiện. Nghĩa là ta yêu thương, ta chấp nhận, ta chấp thuận, mà không vì lý do gì cả. Nghĩa là ta yêu thương con không phải vì con ngoan mà vì con là con; nghĩa là cha mẹ yêu thương Only không vì Only chăm chỉ, học giỏi, mà vì Only là chính Only. Và khi mà ta nhận được sự quan tâm tích cực vô điều kiện, dần dần ta sẽ tự quan tâm tích cực vô điều kiện với bản thân. Đồng thời ta sẽ đem sự quan tâm tích cực vô điều kiện ấy truyền cho những người khác.
Vậy như thế nào là quan tâm tích cực vô điều kiện, quan tâm tích cực có điều kiện, quan tâm tiêu cực có điều kiện?
Khi một đứa trẻ phạm lỗi, người mẹ quan tâm tích cực vô điều kiện sẽ nói: “Mẹ biết con làm như vậy để chọc tức mẹ. Mẹ rất tức giận khi con làm như vậy. Nhưng con biết đó, dù con có làm gì thì con vẫn là con của mẹ, mẹ vẫn sẽ yêu thương con”.
Một người mẹ quan tâm tích cực có điều kiện sẽ nói: “Con phải ngoan thì mẹ mới thương”.
Và người mẹ quan tâm tiêu cực có điều kiện thì sẽ tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với con mình, để đứa trẻ ấy tự thấy hối lỗi và lần sau không tái phạm. Hoặc người mẹ ấy sẽ nói: “Nếu lần sau con còn làm như vậy, mẹ sẽ không thương con nữa đâu”.
Các bạn thân mến, đến đây, có lẽ các bạn đã ngộ ra, không phải sự quan tâm nào cũng là tốt. Và kinh nghiệm thơ ấu, đặc biệt là cách cha mẹ quan tâm chúng ta, đã ảnh hưởng nhiều như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận chính mình; cách chúng ta hình thành, phát triển khái niệm bản thân và cách chúng ta trải nghiệm cuộc sống. Có thể các bạn sẽ trải nghiệm sự đau khổ suy sụp như người bạn thi trường Y, như cô bạn Only, hoặc may mắn hơn thì sẽ được là chính mình và hạnh phúc; có thể các bạn đang oán trách gia đình, oán trách cha mẹ, hoặc chúng ta cảm thấy may mắn vì được sinh ra trong gia đình mình. Thế nhưng, bất luận các bạn cảm thấy thế nào, may mắn, hay đau khổ, thì các bạn vẫn có thể lựa chọn tin rằng, bản chất của mọi sự quan tâm đều nhằm mục đích giúp chúng ta tốt lên, chỉ là đúng cách hay chưa đúng cách. Khi thấu hiểu điều này, các bạn có thể sẽ cởi mở hơn với trải nghiệm của bản thân.
Bạn thân mến, dù giờ đây bạn đang chìm trong những xúc cảm dễ hay khó gọi tên, tích cực hay tiêu cực, thì mong bạn hãy thử nhìn nhận những gì mình đi qua dưới một góc độ khác mà Carl Rogers đã đề xuất, để thấy dễ chịu và chấp nhận chính mình hơn: “Bản sắc thực sự là cái được khám phá từ trải nghiệm của một cá nhân, chứ không phải cái mình cố tạo ra”.
Cảm ơn và yêu thương mọi người <3.
--------------------------------
Tài liệu tham khảo
- Schultz, D. P. (2008). Theories of Personality (9th Edition). Wadsworth Publishing.
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Thuyết Nhân vị trọng tâm. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.
- Roth, G., Assor, A., Niemiec, C. P., Ryan, R. M., & Deci, E. L. (2009). The negative emotional
and behavioral consequences of parental conditional regard: comparing positive
conditional regard, negative conditional regard, and autonomy support as parenting
practices. Developmental Psychology, 45, 1119-1142.
and behavioral consequences of parental conditional regard: comparing positive
conditional regard, negative conditional regard, and autonomy support as parenting
practices. Developmental Psychology, 45, 1119-1142.
- Rogers, C., & M.D., P. K. D. (1995). On Becoming a Person: A Therapist’s View of Psychotherapy (2nd ed.). Mariner Books.
--------------------------------
Chi nhánh “bóc hành”:
- Instagram: https://www.instagram.com/fleseht/
- Wordpress: https://chumeolangthang.wordpress.com/2020/11/23/cha-me-da-doi-xu-nhu-the-nao-voi-chung-ta/
- Facebook: https://www.facebook.com/PeelinggggOfffff
- Youtube: Nơi Bóc Hành
- Email: [email protected]
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất