Mong các bạn sẽ đọc bài viết này, để những số 0 sẽ chuyển mình trở thành số 1, và để những số 1 có thêm động lực để mãi là chính mình!
Câu chuyện thứ nhất, là câu chuyện về đỗ đại học, hay nói cách khác- là câu chuyện về nghĩa vụ, về đam mê và những gì mình tin tưởng.
Hẳn các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện về người bố đỗ cùng trường đại học với con trai đã từng dậy sóng dư luận sau khi kết thúc đợt tuyển sinh đại học 2013 vừa qua, nhưng ở đây tôi xin phép không nói về sự quyết tâm đáng ngưỡng mộ của người bố khi vượt qua bao trở ngại tuổi tác để tiếp tục con đường học tập, tôi muốn nói về người con trai, tức anh Hoàng Văn Tĩnh nhiều hơn, tôi nghĩ sẽ không có nhiều người biết rằng trước khi cùng bố mình đỗ vào trường đại học Hồng Đức khoa Sư phạm toán, anh đã thi-học- bỏ ở…5 trường đại học khác nhau trước khi quyết định bến dừng chân cuối cùng của mình vào năm nay, khi anh vừa 24 tuổi.
Đọc câu chuyện của anh, tôi vừa cảm thấy khâm phục anh khi anh dám từ bỏ, lại vừa băn khoăn, sau lần đỗ đại học thứ nhất, anh đã hoàn toàn có được niềm vui sướng, sự tự hào của gia đình và cha mẹ, như thế chẳng phải đã là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường hay sao? Anh có thể nén niềm yêu thích của anh lại, học tiếp sau đó sống cuộc sống êm ả đã được vạch sẵn từng bước đi cùng với niềm tự hào của cha mẹ cớ sao anh lại có thể bỏ ngang như vậy, mà còn bỏ những 5 lần, không phải là đã quá phí phạm? Rồi tôi lại nhìn sang anh họ tôi, năm nay anh cũng 24 tuổi, 4 năm trước đỗ vào một trường đại học danh tiếng nhất nhì Hà Nội, như người ta thì giờ này anh đã phải ra trường, và bắt đầu có một công việc thực sự, nhưng anh tôi, giờ đang phải chuyển xuống hệ đại học tại chức do nợ và trượt quá nhiều môn học ở trường, tôi ngẩn người, có phải anh học cho ai đó không phải chính anh? Vậy liệu có phải, vấn đề chỉ là ở cách nhìn của chúng ta hay không ? Như anh Tĩnh, anh coi đại học là con đường để thực hiện ước mơ, để tận dụng sở thích, anh sẵn sàng mất nhiều năm để đi tìm con đường đúng đắn nhất, cho bản thân mình. Còn anh họ tôi, anh gần như coi đại học là nghĩa vụ phải thực hiện để làm an lòng cha mẹ, mà trong hàm ý của từ nghĩa vụ, làm gì có chỗ cho hai chữ đam mê.
Câu chuyện thứ 2, là về một anh chàng giàu có yêu hot girl và luôn mang trên mình đồ hiệu.
Nghe qua thì có vẻ bình thường đúng không, nhưng để tôi chỉ cho bạn chỗ bất thường ở đây nhé: đó là một anh chàng có bố mẹ giàu có luôn tin tưởng là mình sẽ giàu có, lấy hot girl làm tiêu chuẩn người yêu và nếu thiếu đồ hiệu thì anh chàng sẽ chẳng bao giờ tự tin mà ra khỏi nhà được! Anh ta tự cho rằng mình là số 1 với những điều trên, mà không hề hay biết rằng số 1 đó của anh ta chỉ là chữ sau cùng sau một hàng 0,0000…dài đằng đẵng, vì những thứ bắt mắt đâu thể tồn tại lâu bền, và sự tự tin của con người đâu có phải chỉ là ở vài ba bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu?! Anh ta đặt tiêu chuẩn cho người yêu mình nếu không phải hot girl thì cũng phải xinh như một hot girl vẫn chưa được truyền thông khai thác và anh ta đã tìm được cho mình những cô gái như vậy, nhưng cuối cùng thì sao, trải qua bao mối tình anh chàng vẫn chưa hiểu thế nào là rung động và cũng chưa thực sự đem lòng yêu bất kì một cô gái nào cả, còn chưa nói đến bền lâu.
Vậy là , anh ta có tất cả, anh ta chả có gì cả!
Câu chuyện thứ 3, là câu chuyện về một người nào đó không-phải-bạn.
Có một người nào đó không phải bạn luôn soi gương và chỉ nhìn thấy mình trong hình dáng mà những người khác muốn nhìn thấy, có một người nào đó không phải bạn luôn chạy theo và cố làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh, học những thứ người khác muốn học, ước những ước mơ của người khác, thích những thứ người khác thích, và gần như là sống cuộc đời của một ai khác được nhào nặn ra chứ không phải bản thân mình, chỉ để cha mẹ, bạn bè yên tâm, tự hào, chỉ để bản thân không tách biệt, chỉ vì đâu đó trong bản thân vẫn dồn chưa đủ cố gắng để vùng lên và thoát ra…Có một ai đó không phải bạn đang gồng mình rất nhiều cho những điều như vậy. Thế rồi một vài năm sau, một người-nào- đó-không- phải-bạn chợt nhớ ra, bên trong mình vẫn ẩn chứa một con người khác, một con người vốn thích văn không thích toán, vốn muốn làm họa sĩ chứ chẳng muốn học y, và ham mê được đi du lịch trải nghiệm hơn bất cứ thứ gì chứ chẳng hề thích bó chân ở nhà đi theo con đường đã được kẻ sẵn lề, vạch sẵn lối…Rồi hoảng hồn nhận ra, con người đó vốn là mình cơ mà, sao những ham mê giờ đã trở nên đóng bụi, những sở thích lại bỏ xó mốc meo, rằng suốt thời gian qua, mình đã là ai, đã làm được những gì cho bản thân mình rồi, hay mọi thứ đã làm trước đây chỉ là lưng chừng và chẳng hề mang xúc cảm, yêu thích, quyết tâm?!
Và rồi người-nào- đó-không- phải-bạn chợt nhìn ra, mọi gồng mình trước nay để chiều ý của người khác chỉ là số 0, và mình bây giờ cũng có khác nào một con số 0 tròn trĩnh. Đó là lí do vì sao, ta cần là số 1
Tất nhiên ý tôi không phải khuyên bạn đi đâu cũng cố gắng để cho bản thân mình là số 1, thuộc hàng top, ý tôi không phải vậy, vì số 1 hay không cũng phải từ sự quyết tâm đầu tư công sức một cách chu toàn và say mê nhất, từ chính tâm ý của bạn. Ý tôi là, tất cả mọi thứ khi nhân với số 0 đều trở thành không, nếu như bạn đã không thích, không yêu, thì đừng đem những giá trị tốt đẹp nhân với sự thực-hành- kiểu-nghĩa- vụ, như thế sẽ thật phí, phí hoài cho những giá trị tốt đẹp đó, phí hoài cho cả bạn khi làm những thứ không phải mình.
Mong bạn trước hết hãy là chính bản thân bạn và hãy sống cho chính bản thân bạn, tận hưởng từng phút một bằng đam mê của bạn đối với cuộc sống này, bạn vốn là một bản thể rất riêng biệt, rất độc đáo, tại sao cứ cố gắng gồng mình để làm méo mó đi những giá trị đích thực của bản thân, tại sao lại cứ mải mê để ý người khác nghĩ gì về mình mà không để ý điều quan trọng nhất là mình nghĩ gì về mình? Sau đấy tôi mong bạn hãy là số 1, hãy làm những gì mà bạn luôn hướng về, đem tất cả những niềm yêu thích ngoài kia nhân với bạn để ra đáp số trọn vẹn nhất, như thế tự nhiên bạn cũng đã là người trẻ dẫn đầu rồi.
Kết luận
Kết luận này, tôi xin trích dẫn câu nói gần đây của nhà văn Trang Hạ trên Facebook của chị, câu nói đã làm tôi ám ảnh suốt từ lúc đó đến nay và tạo cảm hứng để viết ra bài viết này : “Khi bạn mới chỉ mười tám tuổi, bạn tưởng vào đại học là nghĩa vụ, hotgirl là mẫu người yêu lý tưởng, giàu có là số phận, và tự tin chỉ là quần áo hàng hiệu. Thế nhưng, nếu bạn có tất cả những thứ đó, nhưng bên trong bạn chỉ là số 0 về tình cảm, số 0 về tri thức và hiểu biết, số 0 về niềm tin, thì những thứ đạt được bề ngoài ấy, liệu có giá trị hơn gì hơn một dãy số 0 đứng sau một con số 0?
Đó là lý do vì sao, ta cần là số 1”
Ngọc Anh (Na) 
Xin hãy ghé thăm Na tại: