(Bài viết này không nhằm mục đích ủng hộ bạo lực và chỉ là góc nhìn, thắc mắc của chủ bài viết)
    Sự nhân đạo là một tiêu chuẩn, một thước đo mà con người dùng để đo nhân cách của con người. Nó là một vấn đề mà cho tới nay vẫn còn rất nhiều tranh luận và bàn cãi. Nhưng suy cho cùng, nhân đạo vốn chỉ là một vòng tròn mà tôi chẳng thể biết khi nào nó sẽ kết thúc.
    Năm 1950, một tiến sĩ người Liên xô đã thực hiện một thí nghiệm mà cho tới nay vẫn còn rất nhiều người ném đá, đó là thí nghiệm ghép đầu chó. Ông cắt đầu con chó, giữ đầu còn sống bằng một công nghệ đặc biệt và ghép đầu này vào thân một con chó khác.
Nguồn trên internet
    Chắc hẳn nhiều người cũng đã biết tới thí nghiệm này, một thí nghiệm đáng sợ và tàn bạo. Tuy thí nghiệm thất bại khi mà sau vài ngày kể từ khi phẫu thuật, chú chó chết do phản ứng miễn dịch nhưng thí nghiệm này đã mở ra một kì vọng và cơ sở rất lớn cho nhân loại trong tương lai. Nếu thí nghiệm này thành công, ngành khoa học sẽ cứu sống được những người bị liệt não, teo cơ nặng, vân vân và mây mây. Không chỉ cho con người mà còn có cả động vật.
    Thế nhưng đổi lại, thí nghiệm này bị vô số người ném đá và phê phán là một cuộc thí nghiệm tàn bạo đối với một chú chó và chú chó ấy đáng lẽ ra đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo bạn, quan điểm của bạn về thí nghiệm này như thế nào?
    Để khoa học phát triển được như bây giờ, hàng trăm triệu động vật phải hi sinh để phục vụ cho những công cuộc thí nghiệm. Hầu hết tất cả những loại thuốc trên thị trường nếu muốn sử dụng đều phải test thử trước trên cơ thể động vật. Không ít những con vật bị tổn thương, chết một cách đau đớn trong lúc thử nghiệm. Những con vật nếu không chết thì cũng sẽ lở loét, rụng lông, mất đi khả năng bình thường của mình. Chúng không thể đứng lên phản kháng cho chính mình, cũng không thể cho ai biết là chúng đau, và quả thật việc chúng phải chịu đựng là hết sức tàn bạo đối với chúng. Nhưng nhờ vậy mà thế giới chúng ta mới có thể chống chọi được với bệnh tật, mới có vaccine, mới ra đời những loại thuốc chữa bệnh góp phần rất lớn trong y học.
    Hằng năm có rất nhiều động vật, con người được cứu sống nhờ những ca phẫu thuật thành công. Thế nhưng trước đó, các nhà khoa học đã phải thử nghiệm mổ sống trên cơ thể rất nhiều động vật và không ai là biết rõ số động vật bị đem đi làm thí nghiệm là bao nhiêu. Và tất nhiên, cảnh tượng những con vật ấy nằm trên bàn mổ trông đáng sợ hơn nhiều so với lời kể, không ai là biết được những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà những con vật ấy phải chịu đựng.
    Mà đâu chỉ con vật là bị đưa làm thí nghiệm, có những người sẵn sàng tình nguyện để các nhà khoa học thí nghiệm trên cơ thể, dù rất ít nhưng không thể không phủ nhận sự can đảm, sự hi sinh của họ góp phần to lớn cho khoa học. 
    Suy cho cùng, liệu có thật sự là vô nhân đạo khi thí nghiệm trên cơ thể sống? Khi để thế giới chống chọi được với bệnh tật, cần phải có những cuộc thí nghiệm tàn bạo để mở lối cho khoa học phát triển, từ đó nhiều sinh mạng sẽ được cứu rỗi hơn? Tất nhiên tôi không nói đến những người bạo hành động vật vô cớ, tàn sát động vật vì sự ích kỉ. Ở đây tôi chỉ nói đến theo phương diện khoa học, thế nào là nhân đạo và thế nào là vô nhân đạo? Dùng sinh mạng của kẻ này để đổi lấy tương lai cho hàng trăm sinh mạng khác, đó là vô nhân đạo hay là nhân đạo? Tất nhiên những sinh mạng đã nằm xuống để phục vụ cho khoa học không bao giờ là vô ích và tôi cũng biết ơn những sinh mạng nào đã hi sinh cuộc đời, đã chịu đau đớn để mang lại một cuộc sống phát triển hơn. Đôi khi nhìn những con vật bị đem đi làm thí nghiệm cho các công trình nghiên cứu khoa học, tôi cũng đã bật khóc và thương xót vô cùng.
    Trong tương lai khi công nghệ đã phát triển vượt bậc, khi mà chúng ta không cần phải thử nghiệm trên những động vật sống nữa thì sẽ vô cùng là đáng mừng. Tôi mong tương lai ấy sẽ tới nhanh để không ai hay bất cứ con vật nào sẽ bị đem ra làm thí nghiệm, sẽ phải chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần như thế nữa. Thế nhưng quả thật không thể phủ nhận rằng những thí nghiệm ấy đã góp phần vô cùng lớn trong việc phát triển đời sống và xã hội, đưa thế giới phát triển ngày một xa hơn.