Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đều đã ít nhất một lần trải qua cái giai đoạn phải nói là “vật vã” với việc học một điều mới, cụ thể ở đây là học tiếng Anh. Mình năm nay 22 tuổi, bắt đầu học tiếng Anh cách đây 10 năm và mình cũng từng trải qua những khoảnh khắc vật vã, chán chường như thế. Rồi đến một ngày nọ cách đây khoảng 3 năm, có lẽ chính là cái độ tuổi đủ để mình suy nghĩ chín chắn với việc học tiếng Anh của mình. Mình nhận ra việc mình vật vã không phải là tiếng Anh khó hay mình không có khả năng học mà là mình không xác định được mục đích của việc học một ngôn ngữ mới để làm gì, tại sao mình bắt buộc phải thành thạo nó trong khi nếu không thành thạo mình vẫn có thể sống tốt?
Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu mình: “Bắt đầu từ hôm nay mình sẽ làm chủ cách học của mình, mình không thể học theo kiểu “vật vã” mãi như thế được”. Và đó chính là điều thúc đẩy mình học tiếng Anh một cách thoải mái và tự nhiên nhất nhưng vẫn cải thiện trình độ rất nhiều qua thời gian. Mình viết bài này vừa để ghi lại câu chuyện học tiếng Anh của mình, vừa là động lực để bạn có thể dựa vào đó và vững tin rằng bạn có thể chinh phục tiếng Anh mà không cần phải “vật vã” đến thế! Bắt đầu thôi!
Câu chuyện học tiếng Anh của mình
Dĩ nhiên, mình không muốn mọi người hiểu lầm là mình từ một đứa mất gốc hay câm thù tiếng Anh mà học được và đạt kết quả như thế trong thời gian ngắn. 
Mình ở vùng quê, với những bạn cùng lứa mình sẽ biết việc học tiếng Anh khi đó bắt đầu lúc vào cấp 2 chứ không phải lớp mẫu giáo hay tiểu học như hiện tại. Bốn năm học ở Trung học cơ sở, mình học tiếng Anh ở một mức độ khá giỏi, nhưng là vì siêng học chứ thật ra lúc ấy mình cũng chưa xác định được mình học tiếng Anh để làm gì. Hồi đó, mình còn dành một lượng lớn thời gian để ôn thi cuộc thi tiếng Anh trên máy tính huyền thoại tên IOE nữa vì mình thấy nó vui nhưng cuối cùng khi đi thi tỉnh thì mình lại trượt.
Lên cấp 3 thì mình lại thi vào đội tuyển Học sinh giỏi Anh Văn của trường, nhưng không phải mình đam mê Anh Văn mà là mình không còn thích môn nào khác ngoài nó thôi. Nói ra hơi xấu hổ nhưng đây cũng là lần thứ 2 mình thi trượt một cuộc thi tiếng Anh nữa vì lúc đó khả năng nghe của mình cực kì tệ, hầu như là không nghe được gì. Nhưng nhìn lại thì những năm cấp 3 đã đặt nền tảng khá lớn cho mình về ngữ pháp và từ vựng. 
Đỉnh cao là lúc ôn thi Đại học, mình từng dành 3 tháng để ôn thi Đại học theo kiểu học nhồi, có lẽ đây chính là giai đoạn “vật vã” nhất mình từng trải qua, áp lực tiền bạc, áp lực điểm số đã thúc đẩy mình học nhiều như thế. Sau khi thi Đại học xong với số điểm  mình nhớ tầm 8.5/10 môn Anh Văn, mình nhìn lại “một bao” tài liệu và khoảng 5 quyển sổ để ghi chú và viết luận, mình còn không hiểu sao mình lại làm được những điều đó. Nghĩ lại thật sự thì cái vật vã đó cũng giúp mình cải thiện kỹ năng viết và kỹ năng đọc hiểu rất nhiều. Tuy nhiên, nếu hỏi mình có muốn học tiếng Anh theo kiểu “vật vã” như thế một lần nữa không thì câu trả lời là không, mình muốn học một cách thoải mái và làm chủ cách học của mình hơn. 
Tiếp tục lên Đại học, trường mình thuộc ĐHQG nên bắt buộc sẽ thi Anh Văn đầu vào để xếp lớp phù hợp, mình không nhớ là mình thi bao nhiêu điểm nhưng chỉ được xếp vào lớp Tiếng Anh thương mại 2  thiếu một vài điểm để vào mức 3 (trên 4 mức 1, 2, 3, 4) lại chính là vì kỹ năng nghe. Cái khoảnh khắc mà mình nhận ra kỹ năng nghe của mình cần được cải thiện ngay lập tức. Vào lớp học, mình lại rơi vào vòng xoáy không biết là mình đang học vì mục đích gì mà mình thấy không có hứng thú nào cả. Đến lúc này mình mới đủ chín chắn hiểu ra vấn đề: 
  • Mục đích của việc học tiếng Anh này là gì?
  • Mức độ thoả mãn với tiếng Anh của mình là như thế nào?
  • Và tiếng Anh sẽ giúp gì cho cuộc sống sau này của mình? 
Mình bắt tay vào từng bước trả lời 3 câu hỏi này và tự học tiếng Anh theo cách của riêng mình để có được ngày hôm nay, với những điều đạt được trong phần trình độ kể trên. Có lẽ sẽ không có gì thay đổi nếu như mình không vào làm trong một công ty đa quốc gia, tiếp xúc với các sếp, các khách hàng là người nước ngoài và các tài liệu đều là tiếng Anh. Mình tự cảm thấy hình như mình vẫn còn thiếu thiếu gì đó, mình chưa thể thoả mãn với mức độ hiện tại được, mình cần biến việc học tiếng Anh thành một thói quen và cuộc sống thay vì ngừng lại ngắm nhìn những thành tích đã qua.
Từ câu chuyện của mình, bạn có thể thấy, mỗi giai đoạn bạn sẽ có một nhận thức khác nhau, mức độ tiếp thu và mục đích khác nhau. Vì thế để không vật vã hay bất lực trước việc học của mình, bạn cũng hãy thử trả lời 3 câu hỏi bên trên nhé. Mình tin chắc bạn mới là người có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất cho chính mình!
Mục đích của việc học tiếng Anh của bạn là gì?
Thử kể ra một vài mục đích sâu xa của việc học tiếng Anh của mỗi cá nhân ngoài mục đích “qua môn” đơn thuần và quen thuộc lúc còn là sinh viên xem nào:
  • Có thể bạn muốn có một bằng cấp Ielts, Toeic, Toefl,… với số điểm cao để làm các công việc dịch thuật,  thông dịch viên, dạy học, luyện thi… đòi hỏi chuyên môn cực kì cao.
  • Có thể bạn muốn nâng cao chuyên môn vì hầu hết tất cả các nguồn tri thức của nhân loại đều được lưu trữ bằng tiếng Anh.
  • Có thể bạn muốn chứng minh rằng bạn là một người giỏi hơn người, được nhiều người ngưỡng mộ?!
  • Có thể bạn chỉ muốn một số điểm vừa đủ phù hợp với yêu cầu bằng cấp ra trường hay xin việc của mình.
  • Có thể bạn đơn giản muốn giao tiếp với người nước ngoài và hiểu hơn về các nền văn hoá trên thế giới.
… Và còn rất nhiều mục đích khác nữa.
Với mình, mình nhận thấy mình cần học tiếng Anh vì nó là một công cụ trung gian giúp mình học tốt những lĩnh vực khác trong cuộc sống vì như đã nói hầu các tài liệu quan trọng đều được ghi lại bằng tiếng Anh. Mình cần học tiếng Anh để giao tiếp với người khác, để mở rộng mối quan hệ và phát triển sự nghiệp của mình. Mình cần học tiếng Anh để giải trí đơn thuần như nghe nhạc, xem phim nước ngoài và hiểu được nó. Mình cần học tiếng Anh để phát triển bản thân và mở rộng đầu óc thông qua việc đọc sách, xem các bài diễn thuyết, các tài liệu quan trọng,.. Và hơn hết, mình cần học tiếng Anh để cải thiện mức sống của chính mình, gia đình và góp phần vào xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Vì thế, thực sự mình không đặt nặng lắm việc phải luyện đề để thi lấy bằng cấp với điểm thật cao hay phải phát âm cực chuẩn, phải học chuyên sâu tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống… Mình không đặt kì vọng quá cao, mình sẽ thoả mãn ở một mức độ vừa đủ đáp ứng những điều mình muốn về việc học tiếng Anh. Từ đó mình không còn xem việc học tiếng Anh như một việc bắt buộc, khó khăn, phải học theo lộ trình này, phải học theo giáo trình kia nữa. Mình học tiếng Anh như một thứ mình thích, một thứ có thể giúp mình tốt hơn một cách thoải mái nhất có thể.
Dĩ nhiên, mỗi chúng ta sẽ có những mục đích khác nhau đối với việc học tiếng Anh, nhưng điều quan trọng là bạn phải xác định rõ chúng, hãy viết ra và cam kết luyện tập có chủ đích. Đây sẽ chính là thứ có thể níu kéo bạn mỗi lúc bạn nản lòng, vật vã hay mất cảm hứng. Cuối cùng, hi vọng bài viết này có ích với bạn!
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #93
Đọc nhiều hơn ở Blog của mình nhé