Rùa, một trong những Tứ Linh trong truyền thống của nhiều nước Đông Á, là nguồn gốc của hình tượng con Bí Hí cõng bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám (và nhiều công trình khác của các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc), là... ờm... (insert Đại Khái Là Thế) một nhóm động vật bò sát thuộc bộ Rùa (Testudines). Tuy có tầm ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa của người Việt, thế nhưng oái oăm thay, những loài rùa ở nước ta có số phận khá là thê thảm.


Cho đến hiện tại, có 31 loài rùa được ghi nhận ở Việt Nam, trong đó có 26 loài rùa cạn và nước ngọt, 5 loài rùa biển, và may thay tất cả tụi nó đều được liệt vào "Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm" đối với 26 loài rùa cạn và nước ngọt, trong đó có 7 loài thuộc nhóm IB (các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam) và 19 loài thuộc nhóm IIB (các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam) theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; còn 5 loài rùa biển thì cũng khá là may mắn khi được xếp luôn vào Phụ lục I của CITES và được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, bạn có thể bị phạt tiền ít nhất là 30 triệu đồng (xử phạt hành chính) hoặc thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được một suất ăn cơm nhà nước miễn phí nếu bị phát hiện có hành vi vi phạm về các loài này, bao nhiêu năm thì tùy mức độ, nhưng ít nhất là 3 năm, đủ để thấy con cái mình lớn khôn. Tất cả 31 loài rùa trên đều được xếp hạng VU (Sắp nguy cấp), EN (Nguy cấp) và CR (Cực kỳ nguy cấp) trong Sách Đỏ IUCN quốc tế.


Nhưng, luôn luôn có chữ nhưng, không hiểu vì lý do nào mà rùa Việt Nam, dù đã được bảo vệ bởi pháp luật, nhưng vẫn chịu số phận khá hẩm hiu, bị hành lên hành xuống...


1. Từ đồ chơi trẻ em...

Vâng, những trường hợp như thế này không ít. Rất nhiều ông bố bà mẹ vì chiều con, hoặc muốn đứa trẻ ngồi yên để mình được yên tĩnh, nên liền mua cho mấy đứa nhỏ một cái gì đó để nghịch, và mấy con rùa cũng không thoát khỏi cái "vòng càn khôn" đó. Một con rùa, chỉ cần có có mười hay mười lăm nghìn đồng là đã có thể mang về một con ba ba bé tí như đồng xu, hay nhiều ông bố, bà mẹ sang hơn, chi hẳn hơn năm mươi nghìn đồng để được một con rùa cổ sọc (vốn cũng là loài bản địa Việt Nam nhưng xuất xứ từ trang trại trong và ngoài nước), đấy là chưa kể những loài nhập ngoại như rùa tai đỏ, rùa cá sấu,... Rồi kết cục của con rùa đi về đâu? Về đâu cũng thế mà! Cuối cùng thì tụi nó chết.

Thường thì những phụ huynh mua cho con em mình những con thú nuôi để tụi nó ngồi nghịch (cá, rùa,...) thường rất lười tìm hiểu về những con vật đấy và cách nuôi chúng và cố gắng phớt lờ nó đi, vì họ làm gì có thời gian, miễn sao con mình ngồi im là được! Nhưng chuyện này cũng rất đáng trách, họ quá coi thường sinh mạng của một sinh vật sống, để cho mấy đứa nhỏ nghịch, chết mua con khác!

Đừng hiểu lầm, mình hoàn toàn không chê trách việc tập cho trẻ con nuôi một con vật cưng nào đó, vì đơn giản, đấy là một hoạt động rất bổ ích và lành mạnh, giúp những đứa trẻ có trách nhiệm hơn, biết thương yêu động vật hơn, bao dung và biết bảo vệ những kẻ yếu thế hơn mình... Nhưng điều đấy chỉ xảy ra khi cả những vị phụ huynh và những đứa trẻ thực sự nghiêm túc về vấn đề đấy, chứ không phải trẻ nghịch thì vẫn nghịch, còn phụ huynh thì sống chết mặc bay. Như vậy là phản giáo dục! Điều đó tập cho những đứa trẻ rất nhiều tính xấu chứ không phải chỉ một thứ, những đứa trẻ ấy sẽ coi thường sinh mạng động vật, thích ức hiếp những kẻ không có sức phản kháng, và có mới nới cũ, vì cứ chết thì mua con khác chứ luyến tiếc gì.

Để nuôi một con rùa không phải chuyện dễ. Chúng không hề muốn ở trong một cái hũ thủy tinh tròn như quả bưởi, vừa chật, vừa dơ, suốt ngày ăn cám cá, uống thứ nước đầy chất sát khuẩn và chất tẩy trùng. Chúng cần một cái hồ lớn, ít nhất phải dài gấp sáu lần kích cỡ của chúng, chúng cần được sưởi nắng Mặt trời hằng ngày để có thể tiêu hóa, hấp thu nhiệt và tia UV để thực hiện các hoạt động sống, chúng cần ăn đa dạng dinh dưỡng như cá, tôm, ốc và rau xanh chứ không phải chỉ là cám cá, chúng cần có chỗ cạn và chỗ nước để bơi lội và nghỉ ngơi chứ không phải là một cái chậu nước đầy 24/24,... đấy là lý do vì sao phải tìm hiểu thật kỹ về một loài vật nào đấy trước khi nuôi đấy! Một con ba ba mười lăm nghìn đồng bé như đồng xu có thể phát triển lên đến 30 cm và gây thương tích khá nặng cho người nuôi, tức con em quý vị, nhưng mà mình nghĩ là điều đấy không xày ra đâu, vì nó làm gì sống được đến lúc đó.

Làm ơn, đừng bao giờ dạy con em quý vị cách hành hạ một con vật!


2. ...đến những trung tâm hoạt động tôn giáo...:

Chắc hẳn những bạn nào ở thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực Quận 1 sẽ biết đến một ngôi chùa X, nổi tiếng vì cầu duyên rất linh, và cũng vì ngôi chùa đó có rất nhiều rùa. Đó chỉ là một trong vô số các ngôi chùa trải dài khắp Việt Nam ta xuất hiện một hiện tượng gọi là "phóng sanh ngay trong chùa", và những ngôi chùa như vậy, mình hay gọi là "quy tự", tức "chùa rùa".

Những con rùa - đương nhiên, hầu hết các loài rùa trong những ngôi chùa kiểu như đã nói ở trên đều thuộc Sách Đỏ IUCN và Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp CITES - được các nhà hảo tâm (real hoặc authentic) mua về khỏi những tay buôn bán rùa bất hợp pháp và... thay vì thả về tự nhiên, họ thả vào chùa, đôi khi còn kèm những dòng chữ như tên tuổi, ngày tháng năm sinh và điều cầu nguyện được khắc thẳng lên mai rùa, hoặc dùng bút xóa viết lên. Những con rùa đấy sẽ vật lộn để sinh tồn trong một điều kiện không thể tệ hơn, và mình sẽ thêm hình ở dưới để cho trực quan. Thiếu thức ăn, thiếu ánh nắng, thiếu nước sạch, đôi khi lại có thê những vết thương, những vết nhiễm trùng do xây xát trong quá trình được "giải phóng" hay vì người ta khắc dao lên mai, vốn là xương sống của rùa và chúng cũng biết đau, hoặc ngộ độc vì mực của bút xóa, những con rùa đấy được "phóng sanh" mà như sống dưới 18 tầng địa ngục.

Mình có một anh bạn chuyên làm những công tác bảo tồn liên quan đến rùa. Có một hôm, mình ngồi cà phê cà pháo với anh bạn đấy, và anh ấy cho mình coi một số bức ảnh về những con rùa trong ngôi chùa X nói trên vào năm 2016. Mình thực sự hoảng hốt và bị ám ảnh. Bức hình chụp một chiếc chuồng nhốt rùa, trong chuồng có rất nhiều những con rùa núi vàng, vốn là loài ăn thực vật là chính và chỉ ăn giun đất, ốc sên để bổ sung protein, chúng lại ăn thịt lẫn nhau, vì bị stress, bức ảnh đấy thực sự rất nên được censored vì có rất nhiều thứ vung vãi vung quanh, nói văn vở là "nhục", "bì" và "huyết". Chúng bị stress vì bị giam cầm trong môi trường đó đến mức bị rối loạn hành vi.

Tệ hơn, có những người "phóng sanh" tệ đến mức mình phải dùng cả 3 từ "tham", "sân", "si" để miêu tả họ. Tham, tham lợi, vì lợi mà bất chấp, đày đọa chúng sanh. Sân, tuy tỏ ra làm việc thiện nhưng lại giành giật, to tiếng với những người xung quanh. Si, "phóng sanh" mà không chịu tìm hiểu, đôi khi phóng sanh luôn cả túi nylon, hoặc phóng sanh rùa cạn xuống nước như hình dưới này (một con rùa núi vàng đang đứng khép nép trong một hồ nước, chỉ cần trượt chân là ngã xuống nước, và chúng là rùa cạn nên không bơi được).
Phóng sanh không phải việc xấu, nó giúp ta, giúp luôn cả những sinh linh được phóng sanh. Nhưng phóng sanh quá thực dụng, quá u mê, quá mê tín là điều cần phải bị bài trừ ngay lập tức. Vậy thì nhiều bạn sẽ hỏi là: Các cơ quan chức năng ở đâu? Xin thưa, rất nhiều lần, các cơ quan chức năng và các NGOs (tổ chức phi chính phủ) đã đến làm việc và thuyết phục những ngôi chùa trên tự nguyện chuyển giao rùa, nhưng vì một lý do bí ẩn nào đấy mà nhà chùa lại không chịu, và cũng vì sợ động chạm đến tôn giáo, động chạm đến tín đồ của tôn giáo nên những công tác này hiện tại đang rất khó để được hoàn thành. Thôi, thiện đức tại tâm, vạn sự tùy duyên, các bạn chỉ cần đừng có mua rùa "phóng sanh" như trên, và khuyên người thân đừng có làm như trên là được, bớt chừng nào, hay chừng đó.


3. ...và ra cả ngoài đường phố!

Nếu các bạn có dịp đi ngang những đường lớn trong thành phố Hồ Chí Minh như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, CMT8 hay những con đường đi về Thủ Đức, các bạn sẽ thấy lâu lâu, có những người phụ nữ bịt kín mặt như ninja Lead ngồi bên vỉa vè, ngay ngã tư, trước mặt là mấy con rùa được đặt trên cục gạch trông rất đáng thương. Vâng, một lần nữa, đấy là những loài rùa đang bị nguy cấp ở Việt Nam, và những người đấy đang vi phạm pháp luật. Nếu gặp các trường hợp như vậy, mình khuyên là đừng có lại gần, cũng đừng có đến mua rùa, vì bạn càng mua, họ càng bắt, và đấy là một dây chuyền tội phạm chứ không phải riêng lẻ. Các bạn nên ghi nhớ địa điểm đối tượng đấy ngồi, sau đó đi thật xa khỏi vị trí đấy và gọi cho đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam ENV (SĐT: 1800 1522) và báo cáo lại địa điểm của đối tượng bán rùa. Vì sao phải đi xa mà không đứng đấy gọi luôn? Vì những tội phạm này không đi một mình. Sẽ có những kẻ trà trộn vào khu vực quanh đấy để đề phòng bị báo lên chính quyền, nếu như cần thiết, chúng sẽ đe dọa (bằng vũ khí). Thế nên, hãy tránh xa nhất có thể và tránh bứt dây động rừng.


Bài viết này mình viết lên sau sự kiện có một con RÙA BIỂN không biết vì sao lại được mang thả vào hồ rùa trong ngôi chùa X ở Quận 1, không biết kẻ buôn bán con rùa đấy đã nộp phạt chưa, nhưng mà bé rùa hiện tại đã được giải cứu thành công. Hy vọng bài viết này đã giúp mọi người có thêm một số hiểu biết nhất định về rùa Việt Nam nói riêng và động vật hoang dã Việt Nam nói chung và cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn này. Peace!