Trước đây, khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do các đối tượng sau thành lập:
+ Cá nhân hoặc một nhóm người Việt Nam đủ 18 tuồi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thành lập.
+ Một hộ gia đình thành lập.
Ngày 04 tháng 01 năm 2021, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về Đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực. Trong đó, các quy định về Hộ kinh doanh cũng đã được thay đổi, cập nhật cho phù hợp.
Một trong số đó là việc bỏ đi nhóm cá nhân người Việt Nam khỏi đối tượng được phép thành lập Hộ kinh doanh. Cụ thể:
Hiện nay, khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do các đối tượng sau thành lập:
+ Một cá nhân thành lập.
+ Các thành viên hộ gia đình thành lập.
Như vậy, theo quy định mới thì “nhóm cá nhân người Việt Nam” không còn được thành lập hộ kinh doanh.
Đối với các hộ kinh doanh do nhóm cá nhân làm chủ đã thành lập từ trước khi Nghị định 01 có hiệu lực, các quy định của pháp luật theo hướng tiếp tục cho phép họ duy trì thực hiện theo mô hình Hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp xử lý hồ sơ thực tế, chuyên viên tại quận X đã không đồng ý cho phép thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh với lý do: “Em cần đọc toàn bộ Nghị định này để hiểu tinh thần của các nhà làm luật”
Phân tích bắt đầu từ điều khoản chuyển tiếp, theo đó: “Điều 99. Quy định chuyển tiếp đối với hộ kinh doanh do hộ gia đình, nhóm cá nhân thành lập
Hộ kinh doanh do hộ gia đình, nhóm cá nhân thành lập đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không bắt buộc phải đăng ký lại theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, thông báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh thì biên bản họp nhóm cá nhân tham gia hộ kinh doanh được sử dụng thay thế cho biên bản họp thành viên hộ gia đình trong hồ sơ. Hộ kinh doanh nêu trên chỉ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên nếu có thành viên không tiếp tục tham gia hộ kinh doanh.”
Đi kèm với đó 02 giải pháp được đưa ra:
- Một là các thành viên của HKD rút vốn chỉ để lại 1 người làm chủ theo hình thức cá nhân thành lập HKD
- Hai là chuyển đổi từ HKD thành Công ty, các cá nhân cùng nhau góp vốn để thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Bài học rút ra là : Đôi khi, điều khoản chuyển tiếp không thể hiện tinh thần của một văn bản pháp luật, bạn phải đọc toàn bộ 101 Điều để hiểu tinh thần của văn bản đó.
Tham khảo nguồn:
[N]ghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về Đăng ký doanh nghiệp: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-01-2021-ND-CP-dang-ky-doanh-nghiep-283247.aspx
[T]rang Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam : http://lsvn.vn/moi-ca-nhan-duoc-lap-may-ho-kinh-doanh1614503399.html