“Quê hương là gì hở mẹ
                                       Mà cô giáo dạy phải yêu?"
        Đôi lúc tôi bất giác tự hỏi: "Quê hương là gì nhỉ?". Là gì mà khi bước chân lên thành phố học tôi vẫn chẳng thể quên được mảnh đất cằn cỗi nơi mình sinh ra. Ánh đèn điện rực rỡ chốn thị thành chẳng thể thay thế được những ngôi sao lấp lánh khi ngày dần buông. Tiếng còi xe mỗi chiều tan tầm chẳng thể nguôi nỗi nhớ tiếng càm cạp háu đói của bầy vịt cỏ. Và những ngôi nhà cao tầng hút mắt chẳng thể thay thế được những cánh đồng lúa mênh mông, bất tận. Cứ như thế, người ta tự nhiên yêu quê hương như máu thịt và các tác phẩm viết về quê hương lúc nào cũng khiến người ta thổn thức. Trong số những tác giả chuyên viết về quê hương, tôi đem lòng yêu cô Tư. Tôi tự hỏi phải yêu quê hương như thế nào cô Tư mới kể được tỉ mỉ, chi tiết và chân thật đến vậy. Thật đến xót xa! Và trong các tác phẩm của cô Tư không thể thiếu Cánh đồng bất tận.    
        Trên mặt sông, những cơn gió thoang thoảng mơn man đưa từng chiếc ghe nhỏ khẽ lướt. Xa xa, phía hai bên bờ là cánh đồng lúa trải rộng, không nhìn thấy điểm cuối. Điểm xuyết trong bức tranh non nước là những con người bàng bạc vì nắng, gió; phận người cũng khô quắt lại trong màu đùng đục của nước, màu ua úa của lúa những mùa khô hạn. 
        “Cánh đồng bất tận” bắt đầu với số phận bốn con người. Một người đàn bà làm đĩ bị người ta vây quanh đánh đập, đánh ghen, giật tóc xé áo, đổ cả keo dán sắt vào cửa mình. Cái phận mà “Nó làm sai, tôi được đánh chết nó” bằng thái độ rất đương nhiên và dĩ nhiên nên thế. Một người đàn ông bị tổn thương. Thằng Điền, cái Nương – hai đứa nhỏ khốn khổ vì tuổi thơ bất hạnh. Gia đình Điền và Nương, vốn dĩ cũng có một cuộc sống bình thường như bao cuộc sống khác. Nghèo một chút, khốn khó đôi phần, nhưng vẫn là cuộc sống bình thường, có ăn có mặc – như số phận người ở cái miền sông nước này.
         Nhưng, (tôi thích nhất cách sử dụng từ ngữ, cách so sánh ấn tượng này của tác giả: giàu tính hình tượng mà lại cực kì đơn giản đến nao lòng) “Má tôi ngồi khóc bên bực con sông Dài, cha tôi chèo ghe đi ngang, đã qua khỏi một quãng nhưng vì mủi lòng, cha quay mũi lại. Cha hỏi, cô về đâu tôi cho quá giang… Rõ ràng, thấy chưa, má tôi chỉ quá giang một khúc đời rồi đi, ai cũng linh tính vậy, chỉ cha tôi là không, nên bây giờ mới khóc hận, cười đau.” Từ ngày má thằng Điền rời đi, ba cha con Điền và Nương rời bỏ làng xóm, rời bỏ những lời thì thầm vợ Út Vũ bỏ nhà theo trai, bắt đầu sống cuộc đời du mục, hết mùa hạn cho đến mùa mưa, lang thang qua từng cánh đồng từng vũng nước nhiễm phèn. Người mẹ bỏ đi mang theo cả linh hồn của người cha, cha thằng Điền “giống như đồ vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt, nên chúng tôi chỉ dám đứng xa mà nhìn, mủ mỉ nâng niu, nếu không thì vỡ mất.” Hai đứa nhỏ bị bỏ mặc, chúng phải tự học mọi thứ, tự trả những cái giá rất đắt để có được bài học cho bản thân mình. Bị rắn cắn suýt mất mạng, hay học cách tự tìm đường về để không lạc lõng giữa những cánh đồng bất tận, nhìn đất, nhìn trời, nghe tiếng động vật, tự học đủ mọi thứ. Một ngày, cha thằng Điền thay đổi - cái thay đổi đến từ nỗi đau bị người đàn bà mình yêu bỏ đi - bắt đầu mối tình với những người phụ nữ, gạt họ, lừa họ động tình, rồi… bỏ mặc họ mà đi. Hai đứa nhỏ, Điền và Nương, chúng chẳng trò chuyện với ai, chúng nói với nhau trong suy nghĩ, như một dấu hiệu của bệnh tâm lý. Nhất là thằng Điền. Nó trở nên không bình thường. Nó cảm thấy việc tình ái giữa đàn ông và đàn bà là chuyện dơ bẩn. Ngày người đàn bà làm đĩ xuất hiện trong cánh đồng ấy, nàng yêu cha Điền, Điền lại yêu nàng, một thứ tình cảm mà có đôi lúc Điền đã hỏi Nương: “Người ta thương má như thế nào hả Nương?” Sau đó học lại cách thể hiện tình yêu thương đó với người đàn bà làm đĩ.
         Hai đứa nhỏ từng mong ước và chờ đợi cuộc sống như ngày xưa, có vựa thóc để chúng trốn lấp rồi ngủ quên trong đó, có nhà, cả mong ước được chơi đùa, được hòa nhập vào làng xóm, một thế giới có hơi thở của con người, chứ không phải cuộc sống lang bạt, du mục qua cánh đồng này sang cánh đồng khác. Lỗi do đâu cho những số phận đó? Một người đàn ông đã từng bị lừa gạt, khinh miệt và rẻ rúng người đàn bà làm đĩ. Dù người đàn bà đó đã yêu, hi sinh, dành tình cảm chân thành còn sót lại của phận gái làm đĩ, mong vá lành và sưởi ấm người đàn ông đã rạn nứt như đồ vật bằng gốm ấy. Cuối cùng vẫn tuyệt vọng mà bỏ đi. Thằng Điền cũng bỏ đi, đi tìm người đàn bà làm đĩ. Đổ lỗi cho ai? Đổ lỗi do cuộc sống? Vì mẹ cái Nương ham giàu nên mới bỏ nhà theo trai? Vì cha thằng Điền tổn thương nên mới chìm đắm trong nỗi đau tinh thần mà lơ đễnh bỏ mặc hai đứa nhỏ. Dẫn tới một loạt các hệ lụy cho thế hệ sau này. Lỗi do đâu???
        Còn về Nương, đứa nhỏ trở thành kiếp người xót xa nhất. Đến tận cuối truyện, cha Nương đã không có cách nào bảo vệ Nương, khi những đứa bé mang tên Thù, tên Hận, cưỡng hiếp em. Trong những giây phút khốn nạn ấy, tiếng bật thốt cầu cứu kêu gọi sự giúp đỡ lại là “Điền ơi”, chứ không phải “Cha ơi”. Bởi vì sao? Vì nỗi đau của những ngày lang bạt, nỗi đau từ một người cha vỡ vụn, đã khiến hình ảnh người Cha ấy, có lẽ đã không còn trong Nương. Thế nhưng, cũng chính Nương, vẽ nên một khung cảnh ao ước của Nương và Điền, cái khung cảnh không có màu bàng bạc, ua úa của cánh đồng - những cánh đồng bất tận theo Nương từ tấm bé: “Không biết con có bị có con không hả cha?" Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.”  
        Văn của Nguyễn Ngọc tư đậm màu sắc, giàu tính hình ảnh, và thấm đẫm chất miền Tây Nam Bộ. Phải hiểu miền sông nước này đến thế nào mới có thể viết ra những câu từ trầm buồn đến thế: “Tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt.” Liệu đã có ai viết về nỗi buồn, thứ buồn chảy từng giọt, lặng lẽ như hình ảnh những con ghe trôi trên mặt sông. Tác giả viết về những câu chuyện tỉ mẩn, về số phận của những con người nhỏ bé. Buồn của Nguyễn Ngọc Tư cũng theo đó mà tỉ mẩn và nhỏ bé. Nhưng, nỗi buồn nào là nỗi buồn lớn? Nỗi buồn nào là nỗi buồn nhỏ? Cả Cánh đồng bất tận là những câu chuyện nhỏ nhoi, hàng trăm hàng ngàn những nỗi buồn cũng nhỏ nhoi. Ấy vậy mà truyện nào cũng đầy những buồn: buồn nôn nao, buồn da diết, buồn âm ỉ, buồn rả rích. Rồi tất cả chợt bùng nổ. Sự buồn đau đó có khi như bóng ma, theo con người ta đến hết cả cuộc đời. Đôi khi loáng thoáng qua những câu chuyện của cô Tư, ta nghe thấy tiếng thở dài, tiếng khóc than, tiếng lòng của sự nuối tiếc, một nuối tiếc mỉa mai châm biếm mà vẫn nhẹ nhàng, như những cánh đồng bất tận vàng úa một màu của cái miền Tây dường như chỉ êm ả với những du khách ghé qua.
    Tôi từng đọc không ít những nhà văn nước ngoài viết về nỗi buồn, về những miền quê nào đó trên trái đất này. Thế nhưng, chỉ đến Nguyễn Ngọc Tư, tôi mới tìm được một nỗi buồn rất Việt Nam, một hình ảnh miền quê đậm chất trong từng lời ru, câu chuyện tôi nghe kể từ tấm bé. Vậy nên, không phải nói quá rằng, đã là người Việt, nên đọc Nguyễn Ngọc Tư một lần, để được sống trong những xúc cảm tuyệt vời, được cảm nhận hai tiếng quê hương một cách trọn vẹn.