Chúng ta vẫn tìm kiếm những hoài niệm xưa, như là một liều thuốc tạm thời mỗi khi cô đơn tìm đến. Để nhớ về quá khứ một cách đăm đăm toàn cảm giác luyến tiếc hay bất an. Thế rồi có lúc chán nản với yêu thương, chán nản cả những cuộc tụ tập bạn bè quậy phá tưng bừng. Những tháng ngày mà chỉ đi đi về về một vài quãng đường nhất định, bắt đầu nhận ra số lần thở dài cứ thế mà nhiều lên.
Càng lớn, số lần cảm thấy thật sự vui bắt đầu ít dần, thấy bỗng dưng thích hoài cổ, hoặc đơn cử hay nghĩ về những điều nhỏ nhặt nhưng khiến tâm trạng bình yên.
Càng lớn, số lần làm mọi thứ một cách bột phát hoặc quyết định theo những gì mình thích bắt đầu ít dần rồi trở nên không còn nữa. Chính vì phải lựa chọn sau quá nhiều lần cân nhắc, chính vì lựa chọn trong áp lực, nên mới dễ cô đơn.
Càng lớn, càng nhiều vết thương, càng biết cách làm bản thân tê liệt với nỗi đau mà không cần ai giúp đỡ.
Càng lớn, càng làm quen với việc chống chọi với mọi thứ, càng học được cách chỉ tin vào bản thân mình chứ không thể hoàn toàn trao niềm tin ấy cho một ai khác.
Càng lớn, thế giới quan càng mở rộng, các mối quan hệ nhiều lên chi chít, nhưng tâm hồn thì khép lại nhỏ xíu, chúng ta trở nên tàn nhẫn với chính mình và những người xung quanh hơn và chúng ta lại càng cô đơn.

Người lớn, muốn lớn lên mà tâm hồn không một vết xước, muốn trái tim không bị bám bụi và tổn thương. Điều này là không thể. Chỉ đến khi nào thoảng thốt nhận ra, hành trình đơn độc cùng với quá trình trưởng thành vốn dĩ là một con đường, mới thấu hiểu hết được mọi nỗi cô đơn từ đâu mà tới. Để rồi khi đó, cô đơn đã tồn tại trong ta từ rất lâu rất lâu rồi...

Ai dạy ta cách làm người bình thường khi ta là độc nhất vô nhị chứ?
Tôi – bất thường.

_ĐỒNG CẢM_
30.03.2017 #MinhTrí