Hằng hà sa số công việc ở đời, lười biếng rõ ràng là dễ nhất. Bởi việc duy nhất chúng ta phải làm là...chẳng làm gì cả. Nó hẳn dễ đến độ ai cũng sa đà vào được. Đứa trẻ lười ăn, thiếu niên lười học, thanh niên lười lao động, người già lười vận động.
Khắp xung quanh ai cũng kêu lười. Khắp xung quanh, cứ 5 phút lại có người đăng status than bản thân dạo này lười quá chểnh mảng quá! Thế rồi cũng chính anh đó/chị đó hôm sau đăng thêm chiếc status kết thúc sáu tháng trời cực nhọc làm dự án A chương trình B công việc Z, tag 500 nhân sự và một lời cảm ơn thật dài. Thế là sao nhỉ…
Photo by Erik-Jan Leusink on Unsplash
Mình đặt ra một khái niệm gọi là "lười chân chính". Không phải ai cũng biết lười cho ra hồn. Nhiều người làm được không có nghĩa tất cả đều biết cách. Mà bạn biết đấy, làm việc sai cách ít khi mang lại hiệu quả. Đơn giản như việc ăn, cậu em mình lên 5 tuổi mới thỏ thẻ hỏi mẹ: "Mẹ ơi, nhai có nghĩa là hai hàm răng cắn cắn vào nhau ạ?" Mẹ mình ngạc nhiên hỏi lại, thì ra bấy lâu cu cậu chưa biết nhai đúng cách thật.
Nếu để lâu, rất có thể em mình sẽ giống cô bạn gì đó nổi tiếng chỉ húp mì vì không biết cách nhai, sinh ra béo phì phải nằm một chỗ.
Nếu để lâu, rất có thể những tháng ngày chúng ta dành để chẳng làm gì, để tĩnh tâm, quan sát chính mình bla bla rồi sẽ thành chuỗi ngày tự trách bản thân vô công rồi nghề, vô dụng, không có tương lai, không xứng đáng. Vậy thì phí phạm và nguy hiểm lắm thay.
Nếu để lâu, rất có thể những tháng ngày chúng ta dành để chẳng làm gì, để tĩnh tâm, quan sát chính mình bla bla rồi sẽ thành chuỗi ngày tự trách bản thân vô công rồi nghề, vô dụng, không có tương lai, không xứng đáng.
Mình nghĩ "lười chân chính" là khi bạn thực sự chẳng làm gì cả. Bạn không suy nghĩ, chẳng đắn đo, bạn không lo trong lúc mình nằm im nghe nhạc thì những người bằng tuổi đang rong ruổi du học, túi bụi kinh doanh, học hành chăm chỉ hay lấy vợ lấy chồng. Bạn chỉ hiện diện ở giây phút đó, không bận bịu với suy nghĩ, đánh giá hay trách móc.
Photo by Toa Heftiba on Unsplash
Và cũng chính bởi vậy, mình cho rằng để thật sự lười biếng chúng ta cần rất nhiều can đảm. Mình đã quen bị nhận xét là lười và tự mình cũng tin vậy. Thế nên mỗi khi chẳng làm gì cả, mình tự trách bản thân đã không dành thời gian đó cho việc "ý nghĩa" hơn như học ngôn ngữ hay kĩ năng mới. Nhan nhản bài viết "tuổi trẻ phải dấn thân, còn trẻ phải làm hùng hục, còn trẻ, đừng phí phạm một giây phút nào mà hãy học đi, hãy du lịch, hãy kiếm thật nhiều thật nhiều tiền..." Chúng tác động không nhỏ. Những ý nghĩ tương tự ám ảnh "bọn lười" chúng mình ngày lẫn đêm. Thế rồi ngoảnh lại, mình tự hỏi: tại sao sống lại luôn phải lo sợ mình làm không đủ tốt? Thế nào là tốt, thế nào là đủ? Làm "đủ tốt" theo ý xã hội rồi thì mình có hạnh phúc không? Làm "đủ tốt" theo ý mình liệu có phải cái cớ để chây ì, để rồi tương lai bấp bênh không?
Lười "chân chính", lười đúng cách, lười cho ra hồn thật sự cần nhiều can đảm hơn chúng ta tưởng. Can đảm đối diện với bản thân. Can đảm để yêu thương bản thân như chúng ta vốn là, không so sánh mình với người khác, không bị ảnh hưởng bởi những thứ tốt đẹp phô diễn cố ý trên Facebook, Instagram của người nổi tiếng nọ, người thành công kia. Can đảm để hiểu rằng ai cũng có tiến trình riêng, bạn mình 21 tuổi đã tốt nghiệp trường xịn đi làm lương ngàn đô không có nghĩa mình phải làm quần quật để bằng họ, hay bằng họ mới xứng đáng được vui vẻ nghỉ ngơi. Can đảm để hiểu rằng, không làm gì cũng là một phần thiết yếu của cuộc chơi. Máy móc còn dừng để bảo trì nữa là loài người mềm mại toàn cảm xúc. Chân tay chẳng hoạt động nhưng đầu óc điên cuồng mắng bản thân vô dụng thì không phải lười biếng, đó là tự hành hạ.
Photo by Sebastien Gabriel on Unsplash
Nhiều khi gặp những bạn làm quần quật vẫn đăng status kêu lười, muốn táng cho một cái, bảo “đồ phô trương". Nhưng nghĩ lại biết đâu các bạn ấy tưởng họ lười biếng thật. Vì mình làm 40 tiếng một tuần vẫn còn người làm 80 tiếng 100 tiếng cơ mà. Thế nên mấu chốt vẫn là đừng so sánh. Sống cuộc đời của mình xong đi ngủ thôi…