Bạn đã bao giờ tức giận chưa? Chắc chắn là có. Làm thế nào để bạn kiềm chế cơn giận đó, tránh sự việc xảy ra đáng tiếc, hay ít nhất để tránh không cho cơn giận đó ảnh hưởng đến những việc khác mình làm? Vậy còn nỗi buồn và sự ngạc nhiên? Và có khi nào bạn vui quá đà không?
Hồi sáng nay, trong khi đang say ngủ, tớ bị đánh thức bởi tiếng càu nhàu của chị tớ về việc anh tớ ăn xong không xả nước vào đĩa, để thức ăn két khô, khó rửa. Thói quen này của anh trai tớ đã biết từ lâu rồi, cũng không lạ, vì vậy nên câu chuyện cũng không có gì đặc biệt nếu nó không làm tớ nhớ tới một số quan điểm về hành động và cảm xúc mà mình vẫn cố gắng áp dụng bấy lâu nay.
Nhìn lại vào quá khứ cá nhân tớ một chút, khi mình còn là trẻ con, ý thức kiểm soát cảm xúc ảnh hưởng đến hành động của tớ hầu hết được hỗ trợ bởi nỗi sợ, chứ không phải lý trí. Tớ cố gắng học cho tốt nhất có thể vì sợ bố mẹ mắng, làm những việc anh trai sai làm vì sợ bị bắt nạt, hay lựa chọn trốn đi chơi thay vì ở nhà chỉ khi nào nghĩ rằng mình sẽ có thể dùng câu chuyện khác để lấp liếm được hành động của mình. Tớ cũng đã có lần dùng tên của ông ngoại tớ để hát bài "Vì nhân dân quên mình" vì thấy nó hợp, nhưng ngừng ngay và không bao giờ lặp lại ngay sau khi bị mẹ tớ chửi lúc đó, dù mình biết về lí mà nói, chuyện đó không quá là nghiêm trọng. Cũng vì là con út bé nhất nhà, từ nhỏ tớ đã có thói quen giấu cảm xúc của mình, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã. Việc này còn kéo dài đến tận sau này sau khi tớ tìm được một lý do mới (mà cũ) ở tuổi thiếu niên:
1. Nếu mình bộc lộ tiêu cực với một thế lực mạnh hơn mình, mình sẽ bị các thế lực đó làm hại mà mình không chống đỡ được.
2. Nếu mình bộc lộ tiêu cực với những đối tượng không biết rõ mình, mình sẽ làm hình tượng mình xấu đi.
Hai lí do này dẫn đến việc tớ sẽ chỉ bộc lộ bất kỳ cảm xúc nào, cả tiêu cực lẫn tích cực, cho một đối tượng khi mình biết rõ là mình không phải sợ sệt điều gì cả. Đấy cũng là điều (mà tớ nghĩ) trả lời cho câu hỏi: "Tại sao người ta vui vẻ, dễ chịu với người ngoài mà lại cáu gắt, không kiên nhẫn với người trong nhà?" - Bởi vì người thân là nơi an toàn gần nhất để mình sống thật, trừ bản thân mình.
Một lý do khác không thể bỏ qua đó là tính cách cá nhân của chính tớ. Tớ luôn đề cao và ưu tiên hòa bình, tránh mâu thuẫn và thậm chí là không muốn tranh đua với bất kỳ ai, miễn là cuộc sống của mình vẫn đang ổn (nhưng tính cách ẩn của tớ là cực kỳ thích tranh luận, và một khi đã bước vào một cuộc đấu thì mình luôn mong muốn là mình phải giỏi hơn người ta dù thắng hay thua cuộc đấu. Cảm giác thắng cuộc thì bao giờ cũng tốt mà.). Đương nhiên, hòa bình không phải lúc nào cũng tốt. Mặt tích cực của sự tranh đua là phát triển của từng cá thể trong cuộc đua, và mặt tích cực của mâu thuẫn đó chính là khiến các bên của mâu thuẫn hiểu nhau hơn. Đó là lí do mà, một khi đã đạt độ thân nhất định với một ai đó, tớ luôn ủng hộ việc mình nói thẳng với nhau càng nhiều càng tốt, vì việc đó sẽ làm cho đối phương hiểu mình hơn trong khoảng mà chúng mình vẫn có thể thông cảm được nhau, và việc đó không làm tổn thương ai hết. Hơn nữa, lẽ đời chẳng bao giờ cho mình hết những cái mà mình muốn, nên chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận việc mâu thuẫn xảy ra đi ha? Vậy đấy, nên trong ngàn kế sách đối nhân sử thế gì đó, tớ chọn cách giữ cho cảm xúc của mình nằm im để hành động sau.
Nhờ có sự che giấu cảm xúc mà tớ đã vượt qua nhiều tình huống một cách khá an toàn, không chỉ là giữ được hòa khí ngay tại chỗ, ngay tại thời điểm giao tiếp với người khác, mà còn để mở cho mình nhiều cơ hội hành động về sau, bao gồm cả cơ hội có thời gian nghĩ xem cảm xúc lúc đó của mình là đúng hay sai, những sự thật xung quanh nó và đánh giá xem có nên dùng nó vào lần sau hay không bao gồm cả khi gặp những người bạn mới, những đối tác mới, làm việc với sếp hay thậm chí là cả ngồi chung một bàn với người mà mình thích. Trong một chừng mực nào đấy của việc đàm phán, nó còn giúp mình khó đoán hơn, làm cho người mình đang nói chuyện phải cẩn thận hơn. Nhờ thường xuyên phải che giấu cảm xúc, và với thói quen quan sát người khác, tớ tự nhận là tớ có thể nhìn rõ được tốt hơn ai là người hay giấu cảm xúc như tớ, và ai là người không, và khi nào người ta đang che giấu cảm xúc của mình, và một cách khá mơ hồ cảm nhận được đó là sự giả tạo, hay khéo léo, hay chỉ đơn giản là người ta chưa thân mình nên chưa biểu hiện được.
Nhưng cũng do việc che giấu cảm xúc này, tớ thường bị đánh giá là lì lợm (một cách tiêu cực), lạnh lùng và xa cách, hay tệ hơn đôi khi là chậm phản ứng, chậm suy nghĩ, cần phải rèn luyện để phản xạ nhanh hơn. Một đặc điểm khá tiêu cực mà tớ nhận ra có trong mình nữa, đó là sự vô cảm xúc của tớ đối với người thân, gia đình và đa số những tình huống thông thường mà mọi người sẽ nảy sinh tình thương, cụ thể là tình yêu gia đình, sự quan tâm và nhớ nhung cha mẹ, anh chị em là thứ mà tớ xếp sau rất nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống của mình, và tớ coi những mối quan hệ gia đình nghiêng về phía lí trí nhiều hơn. Cụ thể hơn là trong thời điểm này, tớ có tâm lí bỏ qua ràng buộc gia đình vô hình hiện tại (cha mẹ cũng đã lớn tuổi, anh trai cũng muốn mình phải có trách nhiệm) để rời ra tìm những thứ mà cá nhân mình mong muốn. Đương nhiên điều đó không có nghĩa là tớ không coi trọng gia đình. Nếu bố tớ hay mẹ tớ cần tớ, và việc đó buộc tớ phải bỏ công việc hiện tại chẳng hạn, thì tớ cũng sẵn sang bỏ công việc để chạy về, vì lí trí của tớ cho rằng việc đó là cần thiết. Hay sự thật khác là khi bạn bè của tớ bị bệnh hay chết đi, tớ không hề có cảm giác buồn bã như bao chúng bạn khác, dù tớ không thể nói điều đó ra. Khi một người sống, tớ vui vì người đó còn sống, nhưng khi họ chết, tớ cảm thấy cần phải chấp nhận. Dần dần, tớ đang trở thành một người vô tâm và cũng vô trách nhiệm luôn với những việc mà, nếu tớ có nhiều nhiệt huyết như hồi còn thanh niên thì tớ sẽ làm mà không cần biết là mình có thích hay không. Trong khi đó, những người bạn và kể cả những người tớ chưa làm bạn, mà tớ biết là rất yêu quý gia đình và người thân của mình, bao giờ cũng cho tớ một cảm giác ấm áp mà tớ rất quý trọng.
(cont.)