Bệnh nhân tái khám sau mổ 8 năm. Xem hồ sơ thì thấy bệnh nhân được mổ khối u tủy cổ kéo dài từ C1 đến C6 (6 đốt sống, gần hết chiều dài của cột sống cổ).
Thật bất ngờ là xem trên phim XQuang kiểm tra sau mổ. không thấy dấu cắt xương. Với một khối u lớn và dài như vậy, thường người ta phải cắt toàn bộ cung sau của cột sống cổ. Khi chụp phim XQuang kiểm tra, chắc chắn sẽ phải thấy dấu xương bị cắt, nhiều cấu trúc xương cung sau không còn. Tuy nhiên, mới xem qua thì các cấu trúc xương của bệnh nhân vẫn còn nguyên.
Đối với những khối u tủy ngắn, các bác sĩ thường cắt bỏ cung sau để lấy u. Nhưng đối với các u dài, nếu cắt bỏ cung sau dài sẽ có hàng loạt hệ lụy, đặc biệt là trượt đốt sống thứ phát, gù vẹo cột sống thứ phát sau khi cắt cung sau dài. Để khắc phục điều này, các bác sĩ Nhật đã đề ra một phương pháp, mà sau này nhiều bác sĩ trên thế giới thực hiện theo. Đó là mở cung sau ra rồi đậy trở lại (Laminoplastic Laminotomy). Tôi cũng đã thực hiện khá nhiều ca như vậy. Nhưng ngay cả làm như vậy thì vẫn phải thấy chỉ hoặc nẹp vít cố định.
Nhìn phim XQuang sau mổ 8 năm của bệnh nhân này, thì thấy độ cong sinh lí của cột sống cổ còn rất tốt, không thấy dấu cắt bỏ cung sau. Lục lại hồ sơ cũ, khối u khá lớn và kéo dài dọc theo gần hết chiều dài cột sống cổ. Mặc dù bệnh nhân gần như bình thường, nhưng xem lại thì thấy trên cổ bệnh nhân có sẹo mổ khá dài. Kiểm tra lại tên họ trên phim thì đúng hoàn toàn.
Lại phải xem lại hồ sơ cũ. Tìm đến tường trình phẫu thuật. Thì ra là bệnh nhân được cắt nửa bản sống (Hemi-Laminectomy) rồi lấy u. Làm theo kĩ thuật này thì chỉ cần mở một bên, bảo tồn toàn bộ hệ thống dây chằng sau của cột sống, trừ một chút dây chằng nơi cắt nửa bản sống, gần như rất ít ảnh hưởng đến độ vững của cột sống sau mổ.
Tuy nhiên, muốn làm được vậy thì phải có đủ phương tiện. Đầu tiên là phải có loại banh cơ một bên. Đây là một loại dụng cụ không mắc tiền lắm, nhưng ít bệnh viện nào chú ý trang bị nó. Sau đó phải có khoan mài cao tốc hoặc dao cắt xương siêu âm. Với phạm vi mổ rất nhỏ, nếu dùng kìm cắt xương để thực hiện cắt nửa bản sống thì gần như chắc chắn sẽ gây ra sang chấn.
Nhưng quan trọng hơn nữa là cần phải có kính hiển vi phẫu thuật có đủ độ phóng đại, và khoảng cách làm việc phù hợp, cùng với dụng cụ vi phẫu thuật. Trước đây, tôi đi mổ ở đâu là phải mang kính theo. Mỗi lần như vậy, lại mất công các anh em của hãng phải phụ trách việc vận chuyển và cân chỉnh kính sau khi vận chuyển. Từ hồi mổ tại Nam Sài Gòn, nơi có kính phù hợp, tôi mới không phải mang theo kính hiển vi phẫu thuật của mình.
Rất nhiều thứ “nhiêu khê” mà trước đây tôi không thể làm. Nhiều đồng nghiệp của tôi hiện nay biết là như vậy nhưng cũng không thể làm, do không có đủ phương tiện. Nhiều người còn tự hào “tay không bắt giặc”. Họ quên mất, rằng cũng là mổ, cũng lấy hết khối u, nhưng tỉ lệ biến chứng ra sao, 8 năm sau người bệnh thế nào.
Đâu phải chỉ mổ lấy hết khối u, đâu phải chỉ mổ giải hết khối chèn ép. Bảo tồn thêm được một chút chức năng, hạn chế thêm những căn bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenie), mà ngay cả khi bị, người bệnh cũng không biết mình được “khuyến mại” từ ca mổ trước, là điều mà các bác sĩ cần lưu ý.