Nếu không biết rõ, rất có thể chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng.
Nếu không biết rõ, rất có thể chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng.
Thưa các bạn, dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một điều: Cảm xúc của chúng ta chi phối rất nhiều về chất lượng cuộc sống và các hiệu quả trong kinh doanh.
Trong cuộc sống, hẳn là rất nhiều lần chúng ta thường tự hỏi những câu kiểu như:
- Tại sao mình lại hành động như thế nhỉ?
- Tại sao mình lại nói với người đó những câu như vậy nhỉ?
Mỗi khi làm một việc gì đó mà kết quả không được như ý, thường thì chúng ta hay nghĩ lại điều đó. Bạn biết vì sao không? Đó là bởi vì không như ý thì chúng ta sẽ thất vọng, và khi thất vọng, chúng ta sẽ cố gắng tìm cách để đạt được mục đích, hoặc bỏ cuộc, hoặc cố cứu vãn tình huống, hay đơn giản là giảm thiểu rủi ro nhất có thể, cũng như là rút ra bài học để lần sau ta sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. Trạng thái lúc đó của chúng ta chính là đang trải nghiệm 1 cảm xúc tên là thất vọng.
Việc thất vọng này được hình thành từ chuyện, chúng ta kỳ vọng cao quá mức thực tế, hoặc chúng ta chưa đủ nỗ lực. Có 1 sự thật là Bạn không thể thất vọng được khi mình không kỳ vọng. Cho nên việc đặt ra kỳ vọng cho mình trong mỗi sự việc cũng rất quan trọng, điều này sẽ giúp bạn trải nghiệm những cảm xúc tích cực hơn. Tôi nói ví dụ:
Tôi có 1 anh bạn, muốn kinh doanh để cải thiện cuộc sống, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập, mới mở 1 quán phở. Trước khi làm thì anh ta có kể với tôi về những thứ như kiểu: kiếm được bao nhiêu tiền, rồi thì phát triển được thì như thế nào, hay đến mức tạo chuỗi này nọ, kiểu vậy. Cái đó là hết sức bình thường, bởi vì ai cũng có tham vọng cả, đừng nói là mình không nghĩ đến chuyện đó. Có thể họ không chia sẻ với ai nhưng từ sâu thẳm trong đáy lòng, chúng ta đều muốn những thứ tốt đẹp nhất đến với mình. Thế xong rồi mở 1 quán phở đầu tư  đâu khoảng 50 triệu mà tưởng tượng ra là bán được 100 đến 200 bát phở 1 buổi sáng rồi kiếm được 50 triệu - 100 triệu 1 tháng. Không có sự chuẩn bị gì, không có kế hoạch gì, không tính toán gì? Đấy, thế là lúc làm mới vướng này vướng nọ, bán hàng gọi người thân người quen đến ủng hộ các kiểu, rồi tháng đầu lãi được vài triệu, tháng thứ 2 lỗ, tháng thứ 3 lỗ tiếp … Bởi vì lỗ, nên không thỏa mãn được kỳ vọng mình đặt ra. Và thế là thất vọng, rồi khi thất vọng, bản năng là tìm nguyên nhân, ông nào tốt thì còn nghiêm túc nhìn lại xem mình làm sai cái gì để sửa và trưởng thành, thế là còn may. Nhưng cũng có những ông khi lỗ, bắt đầu tìm cách đổ lỗi ra bên ngoài, sang những đối tượng khác như vợ, con, hoàn cảnh …
Thông qua ví dụ trên, thì ở đây: hy vọng, thất vọng đều là cảm xúc của chúng ta.
Cảm xúc của chúng ta có được là sự kết hợp giữa 3 yếu tố:
1, là từ bên ngoài như những sự vật, hiện tượng xung quanh tác động vào. Trong ví dụ trên: sự vật, hiện tượng ở đây là kinh doanh phở và thua lỗ, thât bại. Yếu tố đầu tiên này còn gọi là thân.
2, là từ bên trong, có thể hiểu là thái độ: mỗi thái độ lại chọn cách đối diện với sự vật, hiện tượng khác nhau? Trong ví dụ trên, Anh này chọn thái độ tránh né và đổ lỗi để đối diện. Yếu tố thứ 2 này gọi là tâm.
3, là từ 1 yếu tố riêng biệt, chính là: hiểu biết của chúng ta. Hiểu biết đến đâu, kết luận sự việc hiện tượng đến đó, hiểu và phân tích toàn bộ mọi chuyện là như thế nào. Trong ví dụ trên: Anh này bởi vì chọn thái độ đổ lỗi để đối diện với thất bại, nên Anh ta kết luận sự việc kinh doanh thất bại đó xuất phát từ vợ con và những người khác. Làm như vậy, là Anh ta đánh đổi sự thoải mái, thỏa mãn ảo tưởng bằng những nỗi khổ của những người xung quanh. Vì thiếu hiểu biết nên tạo nghiệp cho những người xung quanh và chính bản thân mình. Yếu tố này gọi là tuệ
Stephen Richards Covey - Tác giả cuốn sách nổi tiếng: "7 thói quen của người thành đạt"
Stephen Richards Covey - Tác giả cuốn sách nổi tiếng: "7 thói quen của người thành đạt"
Chiếu theo góc nhìn Phật học, thân - tâm - tuệ là 3 phần không thể tách rời, 1 thể thống nhất tạo nên con người. Và từ đó, cảm xúc được hình thành.
Ví dụ khác, có lần, 1  nhóm người chúng tôi đi chung với nhau nhìn thấy 1 người đổ rác trộm.
- Có người thì cảm thấy phẫn nộ và họ lên tiếng nhắc nhở người kia về việc đổ rác bừa bãi.
- Có người, thì cảm thấy tức giận và lầu bầu với nhóm bạn kia về hành vi vứt đổ rác sai quy định của người đó
- Có người thì họ thấy bình thản, quá quen rồi. Đối với 1 số người, họ chỉ cần không làm điều đó là được.
- Có người thì cười ha hả và còn cảm thấy vui khi nhìn thấy người khác làm điều đó, bởi vì họ cũng làm những điều như vậy
Rõ ràng 4 con người, nhưng cái cảm xúc họ trải nghiệm lại khác nhau hoàn toàn. 1 người thì phẫn nộ, 1 người thì tức giận, 1 người thì bình thản, 1 người thì hả hê. Tại sao lại như vậy? Tại sao cả 4 cùng trải nghiệm 1 sự vật hiện tượng mà mỗi người lại nhận được những cảm xúc khác nhau? Khác biệt là gì?  Xin thưa, đó là tâm mỗi người khác nhau tạo ra  thái độ sống khác nhau, từ cái tâm này tạo ra ý thức - ý thức là hiểu rõ điều gì đúng, điều gì sai, việc gì phải làm, việc gì không được làm. Ý thức là 1 trong 6 bộ Lục Thức của Phật học. Có dịp tôi sẽ chia sẻ sâu về vấn đề này sau. Bởi vì ở đây ta đang tập trung vào việc: tìm hiểu xem, cảm xúc đến từ đâu.
Vậy có thể nói, tâm ta tạo ra thái độ sống, tâm ta tốt thì ta sẽ nhận được những cảm xúc tốt đẹp, ví dụ như vui vẻ, thoải mái, bình an ... Vậy thế nào là tốt? Việc này chúng ta phải tu học, tức là nghiên cứu và hiểu sâu đến gốc rễ của mọi vấn đề. Nếu không rõ ràng, thì cái ranh giới giữa tốt và xấu, nó mong manh lắm, và không biết thế nào là tiêu chuẩn của nó, chúng ta không biết rõ thì sẽ hành động theo số đông, hoặc nghe lời dậy của những người khác, tuy nhiên không phải lúc nào người khác dậy lại cho ta cũng là đúng đắn, cho nên chúng ta vẫn phải tự nghiên cứu học hỏi, quá trình học hỏi này được gọi là tu tập, và nếu chả may ta nghe theo, làm theo những điều sai trái của người khác và cho là đúng rồi hành động theo thì ko có lợi gì cho anh chị cả. Vậy tu ở đây có thể hiểu đơn giản là sửa tâm, tu để làm gì? Tu để sửa tâm, vậy thôi. Chứ không có gì to lớn hay thần thánh lên cả. Nhiều người hiểu nhầm: tu tức là phải ăn chay, chuyên tu là phải cạo đầu, lên chùa, tụng kinh, niệm phật. Tôi xin thưa đó chỉ là hình thức, chúng ta phải hiểu rõ, đã là con người thì ai cũng đang tu cả, chỉ khác nhau ở mức độ tu - hiểu là pháp tu của mỗi người khác nhau. Ai có duyên thì sẽ gặp được những người cùng tần số để chia sẻ những pháp tu khác nhau. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo và nhận thức rõ về điều này.
Nhận ra rồi sửa chữa lại thì dần dần chúng ta sẽ bắt đầu nhận được những điều tốt đẹp, được trải nghiệm những cảm xúc tích cực, thoải mái, nhiều hơn những cảm xúc tiêu cực, nặng nề. Hiểu rõ được cảm xúc đến từ đâu sẽ giúp ta điều chỉnh và có được chúng một cách chủ động.
Thưa các bạn, thời gian này chúng ta đang phải đối diện với dịch bệnh Covid, rất mong anh chị tuân thủ pháp luật, trước là bảo vệ bản thân, sau là bảo vệ cho gia đình, cộng đồng. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được cách tốt nhất để đối diện với dịch bệnh. Chúc bạn và gia đình bình an và hạnh phúc, xin chào và cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết này. Rất mong nhận được bình luận từ các bạn.