Trong sự ấm cúng của gia đình cùng làn sương khói mờ ảo của nồi bánh chưng, mọi thứ làm con người ta thoải mái đến diệu kỳ. Một tuần nghỉ ngơi đủ cho ta để ngồi lại đọc sách. Nhưng, nhiều khi, sự nhàn rỗi ấy lại đem cho ta nhiều sự đau đầu hơn, có khi lại gặp phải câu hỏi khó khăn nhất: "Đọc gì bây giờ đây?".
Nếu như bạn đang chật vật ngay trong bước đầu tiên: chọn sách để đọc; hoặc bình thường vẫn hay đọc tiểu thuyết nước ngoài, thể loại huyền bí, kì ảo, trinh thám,... thì tại sao không thử đọc chính tiểu thuyết Việt Nam? Với đủ những thể loại vừa nhẹ nhàng lại vừa mang nhiều ý nghĩa sâu lắng. Dịp Tết lại là một dịp thích hợp để đọc những tác phẩm này, vừa là để cảm nhận những áng văn huy hoàng trong quá khứ, cũng là mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử, từ đó càng thêm tự hào về chính "non sông biển rộng" của mình.
Dưới đây là list recommendation của Duende những quyển sách cho các mọt đọc ngày Tết, 100% chỉ toàn những tác phẩm Việt Nam mà thôi. Đọc cùng mình nhé!

Những ngày thơ ấu (Chủ đề: Bi kịch)

Tác giả: Nguyên Hồng
“Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau, trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía ngay từ ngày tôi lên bảy lên tám, ở vào cái tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì, một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi…
Đây là một tác phẩm rất quen thuộc với các học sinh cấp 2 (và đối với tôi cũng là một trong những tiết Ngữ Văn thú vị nhất mà tôi từng chăm chú lắng nghe) lần đầu được biết đến giọng văn của Nguyễn Nguyên Hồng qua cuộc “đấu khẩu một chiều" của người cô và cậu bé Hồng.
Cuối giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ Nhất, năm 1918, Nguyên Hồng sinh ra trong một gia đình không mấy chi là hạnh phúc - cha ông là một cai ngục, vì sự đau khổ mà công việc đem lại mà ông đâm sinh nghiện ngập, thờ ơ với tất cả rồi chết; mẹ ông lại phải gánh chịu bao nhiêu là tủi nhục, đau đớn từ chính gia tộc đến mức mà phải bỏ ông lại để đi tha hương cầu thực ở nơi xứ lạ. Toàn bộ những hồi ức về tuổi thơ cay nghiệt ấy đã khắc sâu trong tâm trí, để rồi ông viết nên “Những ngày thơ ấu” trọn vẹn những cảm xúc mãnh liệt và chân thật nhất nơi nhà văn.

Lạnh lùng (Chủ đề: Tình yêu, Khát vọng con người)

Tác giả: Nhất Linh
Luân thường đạo lý là cái một lẽ lạnh lùng...
Dưới ngòi bút của Chủ soái Tự lực văn đoàn, tác phẩm “Lạnh lùng” của ông phủ đầy tài nghệ của ông trong việc diễn tả tình cảm và nhục dục đàn bà - thứ luôn biến hóa khó nắm bắt. Nhân vật chính trong câu chuyện là một người đàn bà góa bụ tên Nhung. Thuở khi xưa, Nhung lấy Tú vì sự sắp đặt của bề trên - như một lẽ thường mà những người trẻ tuổi được sinh ra trong thời đại ấy phải cam chịu. Và đâu có một sự hôn nhân sắp đặt nào mà con người ta cảm thấy yêu thương thực thụ? Nhung không biết đến mùi vị của tình yêu thực sự là gì, cho đến khi một thầy giáo trẻ dạy tư đã nhen nhóm trong lòng Nhung một ngọn lửa lạ kỳ, đem lại cảm giác bất chính nhưng không hiểu tại sao lại bất chính.
Tình yêu đem cho người đàn bà ấy một sức mạnh nội lực phi thường, để Nhung có thể vươn tới ngưỡng tự do của tâm hồn. Thế nhưng, tất cả khát vọng, nỗ lực ấy lại bị dìm xuống một cách “lạnh lùng” bởi sức nặng của những danh từ như “mặt mũi”, “thanh danh”, “thể diện”, “tiếng thơm”, hay gói gọn lại trong bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” (Thủ tiết thờ chồng con)... Và thế là chúng lại trở thành những gông cùm vô hình trói Nhung vào cuộc đời của một người vợ hiền, dâu thảo.

Gánh hàng hoa (Chủ đề: Gia đình)

Tác giả: Khái Hưng
Đến từ một chủ bút của Tự lực Văn Đoàn khác, câu chuyện trong “Gánh hàng hoa” có phần đơn sơ, giản dị hơn những tác phẩm khác được đề cập trong bài viết này: Đó là đừng vì sự nghiệp, tương lai mà bỏ quên gia đình của chúng ta. Câu chuyện mở ra như chuyện tình Hà Lan với Ngạn nhưng Ngạn dũng cảm hơn - Thầy giáo Minh và Liên là hai người bạn thanh mai trúc mã, cùng lớn lên và kết hôn với nhau, có một gia đình dường như là hạnh phúc êm đềm. Cho đến khi một biến cố ập đến, khiến Minh mất đi thị lực, nhưng anh đã có một ánh sáng cạnh bên anh là người vợ Liên, luôn động viên và vực dậy niềm tin nơi Minh một lần nữa. Anh cho rằng mình hạnh phúc mà thốt lên rằng:
“Còn gì sung sướng bằng có một nếp nhà tranh không rộng rãi nhưng mát mẻ; trong nếp nhà tranh có một người vợ dịu dàng xinh đẹp đáng yêu, đáng kính. Trời ơi! Thật là một cái tổ uyên ương đầy hoa mộng, đầy ánh sáng. Chiều chiều, vợ chồng ra kề vai nhau ngồi chơi ngoài vườn ngắm cảnh, nhìn trăm hoa đua nở và nghe chim muông ca hát trên cành. Trời ơi! Còn hạnh-phúc nào hơn hạnh-phúc của anh?"
À, thế nhưng mà sau khi khôi phục đôi mắt và trở thành một nhà văn nổi tiếng, “đôi mắt” anh lại bị ánh hào quang làm cho mờ đi một lần nữa. Lúc này, anh lại cho rằng Liên là gánh nặng, bởi cô quá mộc mạc và quê mùa, là người mà mỗi khi ở bên anh chỉ cảm thấy mệt mỏi chứ không còn niềm vui như trước kia nữa (anh hứa mãi mãi là bao lâu?).
Dẫu câu chuyện được đặt vào bối cảnh từ cả một thế kỉ trước, song đến bây giờ vẫn không phải là một tình trạng hiếm gặp trong xã hội bây giờ: Khi mà những cặp tình nhân sau khi yêu nhau một thời gian, một người đam mê cái hào quang vô nghĩa để rồi chán chường với vợ/chồng mình - chẳng dám giới thiệu vợ với bạn bè vì cái suy nghĩ “cô ấy sẽ làm mất mặt mình”.
Không những vậy, câu chuyện còn là một lời nhắc nhở cho những người mãi chạy theo cái phồn vinh của xã hội hư ảo, mà quên đi mất còn gia đình, còn người cha người mẹ già - những người luôn hi sinh cho chúng ta vô điều kiện. Hoặc nếu không phải cha mẹ, mà là một “gia đình” nơi bạn luôn có thể trở về, thì xin đừng quên đi những người ấy mà cứ thế chìm vào dòng đời.
Kết cục của gia đình Minh và Liên sẽ ra sao? Các bạn đọc hãy thử tự tìm đọc và trải nghiệm nhé.

Sợi tóc (Chủ đề: Tâm lý)

Tác giả: Thạch Lam
Có thể là nổi tiếng nhất với các bạn đọc khi nhắc tới Tự lực Văn đoàn, cái tên Thạch Lam nổi bật với một giọng văn trong trẻo, dịu dàng, tinh tế như chính con người ông. Nhưng khi đến với tập truyện “Sợi tóc”, bạn đọc được khám phá ra ở chất văn của Thạch Lam một mảng màu buồn rười rượi, không ảo não, sầu muộn, mà hoang hoải ám ảnh. Từng góc nhỏ trong câu chuyện như phơi bày, bóc trần bản chất tăm tối của con người. Ranh giới mong manh giữa “thiện” và “ác” thường được ví cách nhau chỉ như một sợi chỉ, và đối với Thạch Lam, nó còn mỏng hơn, chỉ như một sợi tóc nhỏ nhoi, tủn mủn.
Nếu bạn đã quen với một Thạch Lam yêu thích viết về những vẻ đẹp bình dị, chớm đầy hy vọng và yêu thương. Tại sao không thử một khía cạnh đối lập “tình người” nhưng không thể tách rời với “tính người” - hãy để Thạch Lam dẫn dắt bạn vào tận đáy tâm hồn con người, thứ dễ dàng bị làm cho xé rời, vụn vã giữa ngã đường đời.

Hà Nội băm sáu phố phường (Thể loại: Bút ký)

Tác giả: Thạch Lam
“Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.”
“Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gàu dòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả…”
Lúc đầu đọc tiêu đề, tôi đã tưởng mình đọc lầm, đáng lẽ ra nó phải là “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” chứ nhỉ? Cuốn sách dày 70 trang nhỏ xinh là bút ký của “chú” Thạch Lam quanh khắp Hà Thành, hay nói với thuật ngữ bây giờ thì là “review” những món ăn, những tòa nhà, và kể lại những câu chuyện nơi hẻm ngõ. Bây giờ, quyển sách này đã cũ, và chỉ có thể cho chúng ta sống trong sự hoài niệm một Hà Nội đã chìm vào quá khứ. Nhưng nếu là một người trót yêu cái duyên dáng, cái cổ kính của Hà Nội, như tôi (dù chẳng mấy lần tôi được về lại thủ đô là bao), thì hãy thử đọc quyển sách này và để cho trí tưởng tượng được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình của Thạch Lam - và rồi trót yêu nơi chốn này một lần nữa.
P/S: Đừng đọc cuốn sách này lúc đói và không có “măn-nì” nhé ^^.

CẢO THƠM TRƯỚC ĐÈN

Để khép lại list “Đọc gì ngày Tết”, mình xin giới thiệu cho các bạn một series rất đặc biệt. “Để ngày nay ta hiểu người xưa” - với tinh thần đó, NXB Hồng Bàng và NXB Trẻ đã chủ trương cho ra đời Tủ sách “Cảo thơm trước đèn” chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi chữ Hán - Nôm. Tủ sách bao gồm những thể loại ghi chép, truyện ký, tiểu thuyết chương hồi, được biên soạn, hiệu đính, bổ sung lời đề tựa, phân tích của người biên soạn và làm mới bìa một cách đầy đủ nhất, dễ đọc và dễ hiểu nhất cho mọi lứa tuổi.
Nếu yêu thích tìm hiểu Lịch sử hoặc có một cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người, tập tục, truyện dân gian, địa lí đất nước ta, thì Mopa nhiệt liệt đề xuất các bạn rinh về một… hoặc một vài quyển! Với độ dài mỗi quyển không quá 300 trang, bìa lại xinh xắn, vừa đủ cầm tay, giá thành lại "hạt dẻ", đây là một lựa chọn không thể nào thích hợp hơn cho các bạn khi đang tìm kiếm sách đọc ngày Tết.
Dưới đây là một số quyển tiêu biểu nằm trong tủ sách “Cảo thơm trước đèn” mà mình muốn giới thiệu cho các mọt, một số có thể bạn đã từng nghe qua trong SGK Ngữ Văn hoặc Lịch Sử, nhưng chỉ loáng thoáng qua một chút trích đoạn.
- Đại Việt Thông Sử (Bộ sách sử lớn viết theo thể kỷ truyện đầu tiên của Việt Nam - Lê Quý Đôn)
- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam - Phan Huy Chú)
- Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Tác phẩm văn xuôi đầu tiên có quy mô lớn của một bộ sử thi - Ngô Gia Văn Phái)
- Lĩnh Nam Chích Quái (Truyền thuyết, cổ tích dân gian Việt Nam - Trần Thế Pháp (?))
- Nam Hải Dị Nhân - Liệt truyện (Truyền tích, dã sử Việt Nam - Phan Kế Bính)
- Thượng Kinh Ký Sự (Ký sự - Phan Hữu Trác hay còn gọi là Hải Thượng Lãn Ông)
- Truyền Kỳ Mạn Lục (Thiên cổ kỳ bút, Ghi chép tản mạn những chuyện lạ - Nguyễn Dữ)
- Vũ Trung Tùy Bút (Tập truyện chữ Hán theo thể loại Ký - Phạm Đình Hổ)
Trên đây là một số các tác phẩm mà mình muốn giới thiệu cho các bạn "nhâm nhi" ngày Tết. Phần nhiều trong số đó thuộc series Việt Nam Danh Tác và có thể mua theo chùm với giá rẻ hơn. Hi vọng, năm mới của các bạn sẽ có thật nhiều niềm vui và may mắn nhé! Tuy đây là bài viết đầu tiên của mình, nhưng sẽ không phải là bài viết cuối cùng đâu. Nếu các bạn muốn đọc thêm nhiều bài viết về sách và review, các bạn có thể tìm trên page facebook Duende: Readerversity nhé!
Mopa.