Ngày 28/11/2021, ở gian hàng Nhã Nam giảm giá ở AEON Mall Hà Đông.
Tôi băn khoăn không biết có nên mua cuốn sách có tên ‘’Nghiệt duyên’’ hay không, vì một sự cảnh giác với cái tên đậm chất ngôn tình Hoa ngữ.
Nhưng rồi cuối cùng thì tôi cũng quyết định chốt đơn, vì 2 lý do: một, đọc qua phần giới thiệu thấy cuốn sách khắc họa về xã hội Thái Lan thời kỳ chiến tranh, tôi thì chưa từng đọc tiểu thuyết nào lấy bối cảnh Thái Lan cả.
Và hai, giá bìa 140k được giảm 50%. 
À, có lẽ tôi cũng luôn có nhã hứng đọc tiểu thuyết lãng mạn nữa.
Ngày 7/12/2021, đọc đến trang 309. Tôi tự hỏi làm sao cuốn sách này không được giải Nobel Văn học?
Ngày 9/12/2021, sau khi những tiếng gọi văng vẳng ‘’Kobori’’ ‘’Hideko’’ đã vãn bớt trong đầu, tôi mới thực hiện được điều mình tự hứa: viết một bài cảm nhận tử tế cho cuốn sách này.
--
‘’Angsumalin từ biệt người bạn trai thân thiết từ thuở thiếu thời để anh lên đường sang Anh quốc du học, với lời hứa chờ đợi anh trở về và trả lời câu hỏi: ‘’Em sẽ cưới anh chứ?’’ Nhưng rồi, Đại chiến Thế giới thứ hai nổ ra, quân Nhật tiến vào chiếm đóng đất nước Thái Lan, và nhất là sự xuất hiện của chàng sĩ quan Nhật trẻ tuổi, đẹp trai, hào hiệp Kobori đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc đời cô gái... ‘’
Đây là nguyên văn lời đề từ ở bìa sau ấn bản Nghiệt duyên do Nhã Nam xuất bản. Tôi không nghĩ ra được cách nào tốt hơn để tóm tắt plot của cuốn truyện, và càng không muốn spoil thêm dù chỉ một chi tiết nhỏ khiến mọi người mất hứng khi đọc sách, nên chỉ xin đề cập qua đến nội dung sách như vậy thôi.
Mang một chủ đề muôn thuở là tình yêu, với những màu sắc đã quá quen thuộc như xa mặt cách lòng, chuyện tình tay ba, có lẽ Nghiệt duyên bước đầu sẽ khó thuyết phục được độc giả bỏ tiền ra mua sách (việc xuất hiện trong gian hàng giảm giá 50% hẳn là minh chứng cho nhận định này).
Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng giống như tranh vẽ chỉ có mấy màu cơ bản vẫn có thể tạo nên vô vàn tuyệt tác, chuyện tình yêu trong cuộc đời cũng chỉ là chất liệu, còn nhào nặn đến đâu để trở thành tuyệt tác hay phế phẩm, thì hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay, vào ngòi bút của tác giả.
Và với ngòi bút của Thommayanti, người Thái đã may mắn có một tuyệt tác.
Theo thông tin được cung cấp trên bìa sách: Thommayanti đã viết nên cuốn tiểu thuyết Nghiệt duyên từ nguồn cảm hứng là một bài thơ ghi lại nỗi lòng của người phụ nữ đã mất người yêu thương nhất, được viết trên một tấm thiệp đính vào bó hoa đặt trước nấm mộ người lính, người đã ra đi vĩnh viễn, người mà cô sẽ không bao giờ còn có cơ hội gặp mặt.
Ở thời điểm đọc liền tù tì đến trang 309 của cuốn sách, tôi tự hỏi: làm sao chỉ dựa vào một bài thơ để sáng tạo nên một tác phẩm quá nhiều nút thắt, quá nhiều những tình huống đưa đẩy éo le mà vẫn đảm bảo hợp lý, không chút khiên cưỡng như vậy?
Với tôi, hoàn toàn không thể tin nổi.
Giống như Angsumalin và Kobori ở cách nhau một con sông, chuyện tình của hai người như chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng nước ấy. Có những khi tưởng như thuyền đã cập được bờ, rồi lại có khi bị đẩy ra giữa dòng nước xiết, rồi lại gần, rồi lại xa,... Nếu nói bất ngờ là yếu tố tạo nên sức hút của một tác phẩm, chính trong Nghiệt duyên, ta không phải thất vọng về điều đó.
Tất nhiên, nếu Thommayanti chỉ tập trung mô tả về các nhân vật và những mối quan hệ của họ, có lẽ cuốn sách sẽ chỉ nhỉnh hơn những bộ phim kinh điển của VFC ở tính logic. Chính bối cảnh chiến tranh, cụ thể là chiến tranh Thế giới thứ hai, những sự giằng xé giữa các phe phái, giữa danh dự và cảm xúc cá nhân, giữa sự sống và cái chết có khi chỉ cách nhau trong gang tấc, mới là yếu tố đóng vai trò then chốt khiến cho một câu chuyện tình yêu nam nữ thông thường lại trở nên đặc biệt.
Với những độc giả chỉ sống trong hòa bình, những phần mô tả về chiến tranh của Thommayanti chắc chắn khiến chúng ta cảm thấy rùng mình, xót xa, và phải biết trân trọng hơn cuộc sống quá đỗi may mắn, quá đỗi sung sướng ở hiện tại. Thứ trải nghiệm này tôi đã từng có khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Phía Tây không có gì lạ, nhưng lần đọc Nghiệt duyên này (hay có lẽ là bất kỳ khi nào đọc về chiến tranh trong tương lai), cảm giác vẫn như lần đầu được thấy chiến tranh khốc liệt và đáng căm ghét đến thế nào, bất kể là ở đâu hay đối với ai.
Những hiểu biết sâu sắc của tác giả về Thái Lan trong Thế chiến II thực sự đã mang đến một phông nền văn hóa – xã hội vô cùng chân thực cho tác phẩm. Không chỉ có chiến tranh, từng phong tục sinh hoạt hàng ngày như canh tác, ăn uống, giao tiếp trong văn hóa làng xã,... mang đậm bản sắc Thái cũng thấm đẫm trong từng câu chữ, mở mang cho độc giả nước ngoài như một chuyến du lịch qua trang sách.
Không những vậy, tác giả còn khéo léo lồng ghép thêm nhiều chất liệu văn hóa xuyên suốt trong tác phẩm như âm nhạc truyền thống, những truyền thuyết dân gian Nhật Bản, nhạc kịch Ibsen,... - một rổ trứng Phục sinh tăng thêm phần thú vị cho trải nghiệm đọc của độc giả ham tìm hiểu.
Bạn có thể hình dung Ayn Rand đã thành công như thế nào khi khắc họa đời sống, công việc của những kiến trúc sư như Howard Roark, Peter Keating trong Suối nguồn, Mario Puzzo đã thấu đạt đến đâu khi đưa đời sống mafia lên trang giấy Bố già, thì ở Nghiệt duyên, Thommayanti cũng đạt được trình độ tương tự.
Theo tôi, đưa đời sống hàng ngày vào văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, tưởng dễ nhưng thực tế không hề đơn giản đến vậy. Phải làm sao để hiện thực vẫn hiện lên thật nhất, đôi khi đến trần trụi, nhưng đồng thời cũng mang tính văn trong đó. Ngoài ra còn là phối kết, sắp đặt những sự kiện hư cấu vào bối cảnh của những sự kiện chung có thật, cũng không hề đơn giản.
Nếu thất bại trong phần việc trên, bạn sẽ có các bộ phim truyền hình phát sóng trên giờ vàng của một đài truyền hình quốc gia Đông Nam Á nào đó. Ngược lại, khi thành công, bạn hoàn toàn xứng đáng tạo nên tác phẩm bán chạy nhất ở một quốc gia Đông Nam Á khác suốt 5 thập kỷ, được chuyển thể thành phim hết lần này tới lần khác mà vẫn đầy sức hút. 
Một điểm mạnh nữa trong văn phong của Thommayanti ở Nghiệt duyên là những đoạn tả cảnh - gợi nhắc cho tôi nhớ đến những dòng miêu tả bay bướm của Lucy Maud Montgomery trong Anne Tóc đỏ. Cảnh là tình, là chỉ báo cho những sự kiện sắp tới, là mấu nối các sự kiện trong tác phẩm, là ẩn dụ cho những thông điệp sâu xa. Cách phát triển tâm lý nhân vật của Thommayanti có thể cũng tương đồng nhiều nét với nhiều tác phẩm quốc tế khác, nhưng phong cách tả cảnh có những nét đặc trưng khá hấp dẫn và hiệu quả.
Không liên quan nhưng đây là anh tôi, anh tôi đã giúp chụp ra mấy chiếc ảnh minh họa. Shout out to anh Tân.
Không liên quan nhưng đây là anh tôi, anh tôi đã giúp chụp ra mấy chiếc ảnh minh họa. Shout out to anh Tân.
Tổng kết lại, Nghiệt duyên là một tiểu thuyết lãng mạn hấp dẫn bởi các yếu tố: một chuyện tình éo le, ‘’cao đẹp và tinh tế’’, khiến người đọc phải hồi hộp theo dõi; các yếu tố đời sống văn hóa xã hội (‘’mang cốt lõi của văn hóa Thái Lan’’, theo lời tựa cho lần xuất bản thứ 11 của NXB Banwannagum) được tái hiện chân thực; văn phong cuốn hút từ mô tả tới trần thuật và kể chuyện.
Sau khi đọc xong thì tôi nghĩ, nếu có mua Nghiệt duyên của Nhã Nam với nguyên giá bìa là 140k thì vẫn sẽ đáng đồng tiền bát gạo thôi.
Cuối cùng, xin gợi ý tới các bạn một số tác phẩm mang màu sắc tương đồng – dù có thể gợi ý này cũng sẽ không hữu ích lắm vì là những tác phẩm rất quen thuộc rồi.
Một cuốn mang màu sắc hopeless romantic và bối cảnh tận thế khá tương đồng với Nghiệt duyên, tôi nghĩ ngay đến Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế của Ichikawa Takuji. Ngoài ra, cũng là chuyện tình của một anh kỹ sư Nhật Bản trong Thế chiến II, đi kèm với thông điệp về chiến tranh và lý tưởng sống, bạn có thể xem anime The Wind Rises (Khi gió thổi).
Một truyện tình, một tác phẩm điện ảnh có bối cảnh Thế chiến II có nhiều tương đồng nữa - chỉ khác là ở mặt trận châu Âu – là phim Stalingrad do Sony sản xuất. Cũng giống như khi đọc Nghiệt duyên, tôi tin rằng thưởng thức những tác phẩm này sẽ cho bạn trải nghiệm vô vàn cung bậc cảm xúc cùng các sự kiện và nhân vật.
Chúc các bạn thưởng thức Nghiệt duyên được trọn vẹn nhất! À, lời khuyên cuối cùng, hãy cẩn trọng với nước mắt của bạn trong những ngày đông giá hanh khô.
Bạn có thể đọc bài gốc của mình trên trang cá nhân. Post xong thì mình nghĩ có thể các bạn sẽ quan tâm nên post ở đây luôn.