Bread of Happiness (2012)
Bread of Happiness (2012)
Cuộc sống tĩnh lặng ở vùng nông thôn Nhật Bản được khắc họa với vẻ đẹp hoang vu hòa cùng với cảnh thiên nhiên tuyệt diệu ở vùng Hokkaido đã định nghĩa được khái niệm của hạnh phúc là gì. Hệt như quán bánh mì kiêm nhà hàng khách sạn của hai vợ chồng trong Bread of Happiness, dù không sang trọng nhưng ấm cúng, mỗi ngày tiếp đón biết bao nỗi niềm của những vị khách từ phương xa. Chắc hẳn Bread of Hapinness sẽ là liều thuốc đón những tâm hồn đang lạc lõng có bến bờ để trải lòng và chìm đắm.
Bread of Happiness (2012) hay Shiawase no Pan là bộ phim Nhật Bản của đạo diễn Mishima Yukiko với số điểm là 6.5 trên IMDb. Bộ phim được lấy bối cảnh từ vùng thôn quê Nhật Bản cùng màu sắc đơn sơ và phong cách ưa chuộng chế độ tĩnh. Tất nhiên không thể đặt sánh vai được với các bộ phim khác về mặt hình ảnh hay góc quay, nhưng Bread of Happiness lại là nốt nhạc trong trẻo giữa một rừng phim mang tính thương mại chỉ lấy hiệu ứng và kĩ xảo để làm lóa mắt khán giả .
“Tình yêu đầu tiên của tôi là Mani”
Bộ phim được mở đầu bằng cách dẫn dắt thông qua câu chuyện cổ tích “Mặt trăng và Mani” mang đậm màu sắc trẻ thơ. Từ nhỏ cho đến lớn Rie đã luôn tìm kiếm Mani cho riêng mình. Để rồi đến khi gặp Sang, Rie đã rời xa Tokyo để tìm đến bên anh là một làng quê mênh mông với cảnh thiên nhiên đất trời tuyệt đẹp mà sinh sống - Tsukiura . Ở đó, quán bánh mì kiêm nhà hàng khách sạn mang tên Mani đã ra đời. Sang làm bánh mì, luôn tìm kiếm công thức làm ra những loại bánh mì thơm phức , còn Rie là đầu bếp, chuẩn bị thức ăn và lau dọn nhà hàng. Cuộc sống bình dị của hai vợ chồng cứ thế trôi qua xuân, hạ , thu, đông và lại xuân với mỗi mùa là một màu sắc và món ăn riêng biệt. Nhà hàng đối diện chiếc ghế chờ xe buýt, nơi mà những người du khách mệt mỏi sau một chuyến đi dài dễ dàng tìm thấy, hay là những tâm hồn cô đơn chất chứa nhiều nỗi niềm không thể tiến bước cũng có thể ghé ngang. Sang và Rie đã lắng nghe biết bao câu chuyện buồn vui của những thực khách, và Rie dần nhận ra Mani của đời mình đã ở bên cạnh cô tự bao giờ.
Bread of Happiness là câu chuyện lớn bên trong những câu chuyện nhỏ mà điển hình là ba câu chuyện của ba thực khách khác nhau dừng chân bên quán Mani. Từ cuộc gặp gỡ kì cục cho đến câu chuyện tình yêu của anh chàng chỉnh ray tàu hỏa và cô nhân viên siêu thị cô đơn đi nghỉ mát một mình, đến hơi ấm gia đình của hai cha con nhà nọ mà người cha có cuộc hôn nhân tan vỡ, và cuối cùng là nơi đầy ắp kỉ niệm cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều. Nếu bạn là tín đồ của phong cách vintage, một người yêu thích sự nhẹ nhàng sâu lắng hòa cùng nỗi đau, thì chắc chắn Bread of Happiness sẽ là tựa phim không thể bỏ qua.
Tất nhiên, hai người chủ tiệm đáng mến cũng đã đồng hành đi qua tất cả các câu chuyện nhỏ, cùng vui cùng buồn với những người khách tạo nên bầu không khí như gia đình thật sự.
Bread of Happiness là câu chuyện mang đầy tính nhân văn , thể hiện sự quan tâm diệu dàng của hai vợ chồng chủ quán đối với tùng thực khách của họ. “Bánh mì bình thường cũng ngon lắm”. Không cầu kì, không hoành tráng, nhưng dư vị của chiếc bánh mì bình thường lại đủ sức gắn kết và xoa dịu nỗi lòng đối với bất kì ai.
Trải dài xuyên suốt trong bộ phim là hành động một chiếc bánh mì được chia sẻ làm đôi dành cho hai người, và có lẽ đó cũng là thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền tải đến khán giả.
“Compagnon”
Khi chia đôi một chiếc bánh mì, người ta cảm nhận được tình thương của người bên cạnh mình, khi chia đôi một chiếc bánh mì, hương vị dù không đổi nhưng tình cảm lại tăng lên. Trọn vẹn hay không trọn vẹn là do lòng người tự thấy vậy. Đôi khi phải tự vận động bản thân mình sống cho lạc quan, tự hài lòng những gì đang có. Một nửa chiếc bánh mì đôi khi chỉ là hình thức bên ngoài, bên trong cái một nửa ấy đôi khi là cái gì trọn vẹn và đong đầy mà trong Bread of Happiness đã thể hiện rõ nhất. Đó là sụ hy sinh, thấu hiểu và đồng cảm giữa người với người thông qua chiếc bánh mì chia đôi
“Con người càng nâng ly nhiều, càng hạnh phúc. Nâng ly khi có điều vui mừng, nâng ly ngay cả khi có điều hối tiếc. Nếu bạn có ai đó để cùng nâng ly vào cuối ngày, thì đó được gọi là hạnh phúc”
Câu chuyện là một ngoại lệ khi dàn nhân vật phụ được đứng ngang hàng với hai nhân vật chính bởi lẽ ai ai cũng là trung tâm trong câu chuyện của riêng mình. Tác phẩm của đạo diễn Yukiko cũng được hoàn thiện rất chỉnh chu về mặt hình ảnh khi cả bộ phim đều mang đậm chất vintage của vùng quê cùng với màu sắc thay đổi theo bốn mùa đem đến cảm giác nhẹ nhàng thư thái nhưng không hề nhàm chán. Về nhạc phim là những nốt nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết sống dõi theo từng bước của đôi vợ chồng.
Để kết lại bài viết, dưới đây là đánh giá tích cực của khán giả trên trang IMDb dành cho Bread of Happiness
“Four different story in different age and life situations are displayed in this film. Those are connected by a little cafe and bakery in a beatiful landscape at Hokkaido. All stories start with loss and suffering and strugling but with spending time at this lovely place and sharing bread all person realizes what is really important for them and find a way forward for hapiness.”
(Tạm dịch: Bốn câu chuyện khác nhau với mỗi câu chuyện là từng hoàn cảnh và tuổi tác riêng biệt đã được thể hiện trên màn ảnh, tất cả đã kết nối lại bởi một quán cà phê và bánh mì bình dị tại một vùng quê xinh đẹp ở Hokkaido. Điểm chung của các câu chuyện ấy là đều xuất phát điểm từ sự mất mát và khó khăn, nhưng trong khoảng thời gian ở lại quán cà phê yên bình ấy cùng với sự chia sẻ bánh mì với mọi người khiến họ nhận ra rằng điều gì là thật sự quan trọng và hướng đến con đường tìm đến hạnh phúc)
Tài liệu tham khảo:
Kyymi (2015) “Review phim Bread of happiness”, https://kyymi.wordpress.com/2015/11/02/26/
Maachikoo (2019) “Hạnh phúc giản đơn từ Bread of Happiness”, Nêm Nếm, https://www.nemnem.vn/hanh-phuc-gian-don-tu-bread-of-happiness
Lời đánh giá từ khán giả ở IMDb