Hôm rồi, trên đường đưa con đến lớp, mình đi gần một cái xe rác. Nhìn vào nó, ngửi mùi hôi từ nó, mình chợt nghĩ đến những công viên tuyệt đẹp hay những con phố khang trang. Quả là hai hình ảnh đối lập. Nhưng thật ra chúng lại liên quan mật thiết với nhau.
Mình yêu nhiếp ảnh. Vì thế, mỗi khi có thời gian, mình lại xách máy lên và đi lang thang khắp nơi. Vừa để quan sát và cảm nhận cuộc sống, vừa để bấm máy lưu lại những khoảnh khắc không có lần thứ hai. Đôi khi, mình lạc vào một khu vườn phủ đầy lá rụng do không được ai chăm sóc. Nhưng phần lớn những nơi mình đặt chân đến đều được dọn dẹp hàng ngày. Chúng toát lên vẻ khang trang, chỉn chu, sạch đẹp. Tất cả là nhờ những chiếc xe rác. Nếu không có chúng, những con phố và công viên sẽ trông thật nhếch nhác, bẩn thỉu, và bốc mùi hôi thối. Có thể nói xe rác chính là biểu tượng của thế giới văn minh.
Thế nhưng, cũng từ đây, mình nhớ lại một câu nói từng đọc ở đâu đó:
Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng.
Nó hàm ý lên án việc bóc lột, khai thác tài nguyên từ những nơi nghèo khó để phục vụ cuộc sống của những nơi xa hoa lắm tiền. Và cái xe rác cũng đang thực hiện chính xác công việc ấy.
Nó không làm biến mất những rác rưởi mà con người ở nơi phố thị xả ra. Nó chỉ mang chúng đến một nơi khác. Nó chở rác từ nơi quần hồng để xả xuống nơi khố rách. Một cảm giác xấu hổ xâm chiếm tâm trí mình. Để cho mình có những buổi chiều thảnh thơi chụp ảnh, để cho những người có tiền nơi phố thị được thong dong dạo bước công viên; thì một nơi nào đó khác, một ai đó khác đang phải nhận về vô số những rác rưởi từ chốn quần hồng.
Đọc đến đây, có thể các bạn nghĩ đến sự bất công xã hội, khi những người khố rách bị bòn rút để phục vụ cuộc sống xa hoa của chốn quần hồng. Rồi cũng chính họ lại phải nhận về những rác rưởi mà chốn quần hồng xả ra sau những cuộc ăn chơi. Thế nhưng đây không thật sự là thông điệp mà mình nghĩ đến. Mình không thương xót cho nơi khố rách, cũng chẳng phẫn nộ với nơi quần hồng. Vì mình biết những người khố rách nếu có cơ hội để vươn lên và chuyển đến nơi quần hồng thì họ cũng sẽ nhanh chóng tham gia vào những thú vui chơi của nơi đó. Đây là quy luật tất yếu của xã hội. Nó là nó, không tốt mà cũng chẳng xấu.
Thay vào đấy, mình nghĩ đến việc con người ta không phải chịu trách nhiệm về những việc họ làm. Nếu như bạn và mình phải giữ lại tất cả những rác rưởi tạo ra, ắt hẳn chúng ta chẳng còn dám ăn chơi và tiêu xài hoang phí đến thế. Không cần cả đời, chỉ cần một tháng thôi - một tháng giữ lại toàn bộ rác trong nhà. Mỗi cái kẹo mà bạn ăn, mỗi cái tăm mà bạn xỉa răng, mỗi cái vòng tay 10k mà bạn đặt mua trên shopee đều để lại rác trong chính ngôi nhà mà bạn sống, trong một tháng trời. Mình tin rằng ai cũng sẽ phải thay đổi hành vi của bản thân nếu trải qua tình huống đó.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một chữ "nếu". Trong phần lớn trường hợp, chúng ta có thể dễ dàng chối bỏ phần trách nhiệm thuộc về mình. Không phải cứ "ác giả" là chắc chắn bị "ác báo". Thậm chí "ác giả" lại thường thu được lợi lộc, và có ai đó phải chịu "ác báo" thay. Đó là quy luật xã hội.

LỜI KẾT

Xét theo nghĩa đen, cái xe rác đã gián tiếp thúc đẩy hành vi ăn chơi và tiêu dùng vô tội vạ của con người. Khi có thể đùn đẩy rác của bản thân đến một nơi khác, chúng ta chẳng có lý do gì để dừng lại thói quen tiêu xài của mình. Trái Đất đang ngày càng cạn kiệt tài nguyên vì lối sống này của xã hội hiện đại.
Xét theo nghĩa bóng, xe rác là đại diện cho việc thoái thác trách nhiệm của con người. Khi không phải gánh chịu hậu quả cho những hành vi mà mình gây ra, chẳng có lý do gì để người ta phải dừng lại những việc sai trái mà họ đang làm.
Còn với cá nhân mình, từ nay mỗi khi ăn chơi hoặc thỏa mãn những thú vui của bản thân, mình sẽ tự nhủ "khi ta làm việc này, một ai đó khác, một nơi nào đó khác sẽ gánh chịu hậu quả thay ta". Buông bỏ những ham muốn không chỉ là việc ta nên làm cho tâm hồn mình, mà còn là việc ta nên làm cho thế giới này.
BÒN NƠI KHỐ RÁCH ĐÃI NƠI QUẦN HỒNG