Cách đây mấy hôm, tôi có đăng một bài viết đụng chạm ít nhiều đến “tâm linh”. Bài viết đó nhận được nhiều cmt (có cả những cmt công kích cá nhân và chửi).
Nhiều anh em cmt rằng bài viết của tôi phiến diện, thể hiện cái nhìn tiêu cực, kiểu tư duy một chiều, vì phàm cái gì cũng có hai mặt lợi và hại, nhưng tôi chỉ nói mặt hại của mxh và lờ đi mặt lợi của nó. Tôi xin chân thành cảm ơn những anh em đã góp ý và phản biện bài viết ấy một cách văn minh. Góc nhìn của anh em rất có giá trị.
Trước hết, tôi thừa nhận với anh em rằng tôi đã thể hiện những quan điểm phiến diện, một chiều trong bài viết ấy. Cụ thể, tôi cho rằng những tác hại của mxh liên quan đến 3 chủ đề “thiền - chữa lành - tỉnh thức” là:
- Khiến đầu óc của người dùng lăng xăng, khó tập trung.
- Khiến người dùng dễ bị tổn thương hơn.
- Khiến người ta nghiện mxh.
Cái tôi không đề cập đến trong bài viết là mặt lợi của mxh liên quan đến 3 chủ đề trên. Lúc viết bài, tôi đã ý thức rõ điều này. Đáng lẽ tôi phải đưa thêm những quan điểm như:
- Mxh giúp người dùng được chữa lành.
- Mxh giúp người dùng biết thiền.
- Mxh giúp người dùng đạt được tỉnh thức.
Thế mới công tâm, mới là kiểu tư duy toàn diện, bao quát. Nhưng tại sao tôi không viết như thế? Vì khi viết ra những quan điểm trên, tôi thấy cấn trong lòng, nó sai với sự quan sát - phân tích - đúc kết của chính bản thân tôi.
Suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã tự tay bóp chết tiếng nói thật của mình để xây dựng lên một “tiếng nói giả tạo”: tôi viết văn để làm hài lòng giáo viên văn của tôi, để nịnh lỗ tai của những người đánh giá bài viết của mình; nếu bài văn của tôi làm phật ý những người này, tôi sẽ bị điểm thấp - điều tôi rất sợ.
Ảnh của Lukasz Bilinski
Ảnh của Lukasz Bilinski
Hiện tại, tôi không xem người đọc là giáo viên của mình, nên tôi viết theo tiếng lòng mình, theo góc nhìn cá nhân. Tất nhiên đứng từ một GÓC mà nhìn thì cái nhìn sẽ hạn hẹp, phiến diện, thiển cận, không bằng việc "chuyền cành" từ góc này sang góc nọ. Nhưng tôi viết để chia sẻ trải nghiệm và quan điểm của tôi, không cốt làm hài lòng ai hay nịnh lỗ tai của ai cả. Và tôi trân trọng những cmt góp ý của anh em, bởi đó là thứ bổ sung những góc nhìn khác cho bài viết. Có khi những cmt của anh em còn đáng đọc hơn cả bài viết. Một lần nữa, xin cảm ơn anh em rất nhiều!
Nhân tiện, tôi nói thêm về chủ đề mà tôi hay viết…
Mấy năm gần đầy, những cụm từ như: tỉnh thức, thiền, chữa lành, năng lượng vũ trụ, tần số rung, thần số học, hồi quy tiền kiếp, trái đất 5D, higher-self, spirit guides, channeling… xuất hiện tràn lan trên internet với tần suất ngày càng dày, đến nỗi một cậu nhóc 15 tuổi ở Việt Nam còn xuất bản được một cuốn sách nói về hành trình đạt đến “thức tỉnh” và lên sân khấu chia sẻ về điều đó!
Buổi giao lưu giới thiệu sách Thức tỉnh của tác giả Trần Đắc Khí (15 tuổi) được tổ chức bởi Thái Hà Books
Trong cuốn Hành Trình Về Phương Đông, Nguyên Phong (thông qua lời thoại của nhân vật nhà chiêm tinh Babu) đã dự đoán:
"Cuối thế kỷ XX, phong trào duy vật sẽ sụp đổ, hiện tượng nghiên cứu các giáo lý bí truyền sẽ bắt đầu."
Có thể Nguyên Phong đã dự đoán đúng: “hiện tượng nghiên cứu các giáo lý bí truyền sẽ bắt đầu”. Nhưng phục vụ cho mục đích gì thì còn phải xem lại, nếu ta không cẩn thận, nó sẽ là một cái "màn che" mới của bản ngã; nó vi tế hơn, ranh ma hơn, mê man hơn… Đó chính là “CÁI TÔI TÂM LINH”.
Có những người càng tìm hiểu về tâm linh, càng rao giảng về tâm linh thì "cái tôi tâm linh" của họ càng to, nghĩ mình là "người được chọn". Và khi có ai đụng chạm đến CÁI TÔI này, họ sẽ "nhảy dựng".
Theo nhận định của cụ Nguyễn Duy Cần thì:
"Nhân loại như người đang ngủ trong giấc mộng dài, còn giựt mình thức giấc một đôi khi là chỉ để ngủ lại giấc thứ nhì dài hơn, êm ái hơn mà thôi vậy."
Vì một số bài viết đụng chạm đến “tâm linh”, tôi từng bị không ít những người theo hệ tâm linh chửi rủa, công kích cá nhân. Điều này chứng tỏ những bài viết ấy tuy phiến diện, nhưng cũng đủ phiến diện để chạm đến “cái tôi tâm linh” sâu thẳm trong ai đó.