Mỗi chúng ta sinh ra đều là một thực thể duy nhất. Nhưng có 2 loại người phổ biến : người có cái tôi mạnh và người có cái tôi yếu.
Người có cái tôi mạnh là người độc lập trong suy nghĩ, quyết đoán và kiên định với sự lựa chọn của mình. Không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo, nhưng người có cái tôi mạnh thường có xu hướng bảo vệ quan điểm mà họ đã chọn. Việc này đồng nghĩa với chuyện người có cái tôi mạnh có xu hướng cố chấp, bảo thủ, nhiều khi bị cho là ích kỷ, không tôn trọng cá nhân, tổ chức... 
Người có cái tôi yếu là người thường không có sự yêu, ghét rõ ràng, cả trong sở thích lẫn trong quan điểm chính kiến. Vì thế người có cái tôi yếu thường rất khó lựa chọn , khó đưa ra quyết định và dễ dao động trước những việc xung quanh. Người có cái tôi yếu thường có xu hướng "ba phải" và không đi sâu tìm hiểu một quan điểm nào. Họ rất dễ bị "rối loạn", mâu thuẫn trong kiến thức, suy luận, chính kiến.
Người có cái tôi mạnh tự mình tìm kiếm một cuốn sách để bổ sung cái mình thiếu , tán thành với ý nào thì quyết định làm theo. Người có cái tôi mạnh muốn làm gì thì độc lập tự chủ tự làm. Tuy nhiên họ cũng dễ rơi vào tình huống sách đọc thì nhiều nhưng chỉ nhớ những điểm cùng quan điểm với họ, hoặc bảo vệ quan điểm cho họ, bất chấp hoặc bỏ qua những quan điểm đối nghịch.
Người có cái tôi yếu đọc một cuốn sách, có thể là do người khác giới thiệu hoặc đọc theo phong trào, đồng tình hay không đồng tình cũng không rõ ràng.(Không rõ ràng nhiều khi là do không có động lực để tìm hiểu sâu hơn, để củng cố quan điểm). Có đồng tình cũng không quyết định làm theo. Người có cái tôi yếu thì chỉ làm việc gì đó một cách thường xuyên khi có người ủng hộ, lôi kéo, khi có nhiều người cùng làm chung.
Người sáng lập ra một tổ chức nào đó hoặc người lãnh đạo thường là người có cái tôi mạnh và nên là người có cái tôi mạnh. Nếu không, tổ chức đó khó tồn tại lâu hoặc không phát triển được. Tuy nhiên tổ chức phát triển đến một mức độ nào đó thì không thể tiếp tục, rồi vấp phải những hạn chế dẫn đến suy tàn. Lý do cũng là do điểm yếu của cái tôi mạnh là ít chịu lắng nghe, thay đổi khi cần thiết.
Một tổ chức thường hướng đến những người có cái tôi yếu, vì họ là mục tiêu dễ kết nạp và dễ kiểm soát. Hơn nữa, những lợi ích mà một tổ chức mang lại thường có lợi cho người có cái tôi yếu nhiều hơn. Bởi vì chỉ có ở trong một tổ chức thì người có cái tôi yếu mới phát triển theo một phương hướng rõ ràng và hoạt động tích cực hơn khi họ chỉ có một mình. Tuy nhiên một tổ chức có quá nhiều cái tôi yếu sẽ dễ dẫn đến thiếu gắn kết, dễ tan rã, thiếu động lực để vượt qua khó khăn....
(Của người bạn)