“CÁI GIÁ CỦA SỰ TỦI HỔ”
Đó là tên của một video trên TED Talk mà mình nghe trong lúc lái xe. Câu chuyện khiến mình ấn tượng đến nỗi về nhà mình đã phải mở...
Đó là tên của một video trên TED Talk mà mình nghe trong lúc lái xe. Câu chuyện khiến mình ấn tượng đến nỗi về nhà mình đã phải mở ra nghe lại.
Diễn giả là Monica Lewinsky. Chắc chỉ từ thế hệ mình trở về trước mọi người mới biết nhiều về Monica Lewinsky. Có thể nói cô chính là “tuesday” nổi tiếng nhất thế giới vì scandal tình cảm với cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Monica đã trải qua một quãng thời gian dài khó khăn nhất đời, sống trong ân hận, dằn vặt, là nạn nhân bị chỉ trích bởi truyền thông, và giờ đây cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình ra cộng đồng để giúp đỡ những người rơi vào tình cảnh tương tự.
Mở đầu bài nói chuyện, Monica nói:”Các bạn đang nhìn vào một người phụ nữ đã sống trong im lặng suốt 10 năm trời”. 10 năm có lẽ là quãng thời gian đủ để ai đó gây dựng cả một sự nghiệp, hoặc một gia đình hoàn chỉnh với vợ/chồng và con cái. Nhưng Monica thì chỉ sống một cách im lặng, khép nép, đau khổ. Cô phải trả giá vì sai lầm của mình, ân hận vì đã “yêu không đúng người”. Cô thừa nhận đó là một sai lầm to lớn của tuổi 22 khiến cô chưa một ngày nào quên được. Nhưng ai mà không có những sai lầm ở tuổi 22 chứ. Chuyện có lẽ sẽ chả rùm beng đến thế nếu người đàn ông của Monica không phải là chính khách đình đám nhất thế giới: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton.
Chỉ sau một đêm, Monica từ một người bình thường trở thành nhân vật được chú ý hàng đầu. Bị lên án, gọi tên bằng những từ ngữ xấu xí, thô tục nhất. Mẹ cô đã có nhiều đêm dài ngồi cạnh giường của con gái, bắt cô đi tắm với cánh cửa mở, bố mẹ cô lo sợ con gái mình sẽ bị làm nhục cho đến chết. Tất cả bắt đầu bằng sự lan truyền những đoạn ghi âm hội thoại riêng tư. Truyền thông đã khiến thứ thuộc về cá nhân có thể lan ra khắp thế giới trong chớp mắt và tồn tại mãi mãi, rồi sau đó thì thu về một làn sóng chỉ trích, chửi bới, lăng mạ dành cho người trong cuộc.
Ở Việt Nam cũng có một người đã phải trải qua quãng thời gian tủi hổ liên quan đến việc lộ sự riêng tư, đó là Hoàng Thùy Linh. Trong chương trình ‘Sóng 21’, Hoàng Thùy Linh đã chia sẻ: cô không ngại hợp tác với những người mới vào nghề, bởi vì cô rất trân trọng bất cứ ai làm việc cùng mình sau khi đã trải qua một khoảng thời gian mà không ai muốn hợp tác với cô cả.
Ngày hôm nay chúng ta có thể thấy cả Monica và Hoàng Thùy Linh đang sống lại một cuộc đời ổn định, mạnh mẽ, tự tin, lành lặn, dũng cảm, vì dường như chả có gì có thể làm họ sợ hãi được nữa. Nhưng không phải ai cũng làm được như hai người phụ nữ này. Ngoài kia vẫn có rất rất nhiều con người đã và đang là nạn nhân của làn sóng chỉ trích, bắt nạt được khởi tạo bởi truyền thông, như Tyler Clementi – thanh niên 18 tuổi nhảy cầu tự vẫn vì bị bạn cùng phòng phát tán hình ảnh cậu tình tứ với một người đàn ông.
Vậy đâu là nguyên nhân mà con người biến truyền thông trở thành vũ khí gây hại cho người khác?
Monica đã thẳng thắn đọc tên lí do: CLICK. Những cú click truy cập sinh ra lợi nhuận, “càng nhiều sự tủi hổ, càng nhiều click, càng nhiều click, càng nhiều tiền quảng cáo”. Cô nói rằng: click vào những tin tức giật gân đăng tải bê bối của người khác càng nhiều, chúng ta càng vô cảm với hoàn cảnh họ, và càng vô cảm thì lại càng click. Vậy thì điều đó có nghĩa chúng ta chính là công cụ kiếm tiền của kẻ khác. Họ dùng sự vô cảm, độc ác của chúng ta để sinh lợi cho bản thân, phải không?
Trong bộ phim Hàn Quốc gây sốt năm 2018 có tên là ‘Hoa Du Ký’ có những nhân vật yêu quái chuyên đi hại người, một trong số đó là ‘yêu quái khẩu nghiệp’ – kẻ chuyên xúi giục con người buông lời mạt sát, làm nhục người khác trên mạng xã hội. Và những người bị nó xúi giục là ai? Là những người ghen tị, sân si, hằn học với cuộc sống của người khác. Kiểu người này trong đời sống hàng ngày không thiếu. Thay vì phấn đấu, cố gắng để đạt được điều mình mong muốn, họ lại chỉ chăm chăm dìm đối tượng mà mình ganh ghét xuống một cách hèn hạ. Nhưng tiếc là, có dìm người khác xuống thì bạn cũng không cao lên được, phải không?
Monica trích dẫn câu nói của nhà nghiên cứu Brene Brown: sự tủi hổ không thể sống sót nếu có sự đồng cảm. Ai cũng có thể sai lầm. Đồng cảm với sai lầm – nhất là sai lầm của người trẻ tuổi – là một trong những cách để kéo họ lại đúng con đường. Tục ngữ Việt Nam còn có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” cơ mà. Đừng buông lời cay đắng với tội lỗi của người khác. Hãy dùng những ngôn từ tích cực nhất, hoặc ít nhất là im lặng nếu bạn cảm thấy khó khăn với việc đồng cảm.
Hãy để không gian mạng là một nơi trong sạch, lành mạnh để tìm kiếm tri thức, để giải trí, để kết nối với nhau, để giữ liên lạc với những người mình yêu quý. Để không ai phải bỏ mạng vì trót sai lầm, và không người cha người mẹ nào phải đau khổ khi chứng kiến con mình bị bắt nạt.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất