Dường như tất cả mọi người đang tồn tại trên hành tinh này, tìm kiếm sự hạnh phúc và né tránh khổ đau là một điều gì đó quá đỗi bình thường. Ai mà không muốn được sống yên ổn và đầy đủ, ai mà không muốn trong lòng luôn là những đợt sóng êm ái thay vì giông tố. Thế nhưng, liệu rằng chúng ta có đang thực sự sống một cách yên bình khi mà tiềm thức ta đang không ngừng so sánh bản thân mình với thế giới xung quanh.
aerial view of people walking on raod
Unsplash.com
Cái tiềm thức của sự so sánh có lẽ đã nược nuôi nấng từ khi chúng ta còn là những đứa bé. Khi còn nhỏ, mình không ngừng nghe được những lời chỉ bảo của cha mẹ rằng phải đạt được điều này, đạt được điều kia để không thua kém một ai đó, để người khác phải ngưỡng mộ khi nhắc đến mình. Lúc lớn hơn, điểm số là thứ mà đại đa số học sinh tranh giành nhau từng chút, cái thứ hạng trong lớp khiến chúng ta khó mà chấp nhận xếp sau những người khác, cảm thấy bản thân thua kém cơ bản đã khiến bản thân mình không hạnh phúc rồi. Dần dần như thế, khi mà sự so sánh được nuôi nấng từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới so với những gì chúng ta biết khi xưa, sự so sánh đã trở thành tiềm thức của chúng ta khi nhắc đến sự thành công và hạnh phúc. Chúng ta giờ đây càng dễ dàng để đặt bản thân vào chế độ so sánh hơn bao giờ hết, chúng ta hàng ngày được nhìn những điều tốt đẹp của những người ưu tú hơn mình trên mạng xã hội, ngưỡng mộ sự thành công của người khác và tự động rước vào bản thân sự mệt mỏi và cảm giác thua kém. So sánh bản thân với người khác có lẽ là điều ngu ngốc nhất con người biết nhưng không thể nào thôi hành động đó ngay được.
Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng sự so sánh cũng có những mặt tích cực của riêng nó, so sánh giúp con người đi lên, vượt lên những dấu mốc của những người khác đã đặt lên trước đó. Nếu không thực sự so sánh thì có lẽ con người cứ mãi dậm chân tại chỗ và không có được các sự đột phá trong một thế giới ngày càng cần thêm những điều mới mẻ. Tuy nhiên, so sánh với ai và so sánh như thế nào mới là điều chúng ta cần nghĩ tới để không rơi vào cái bẫy mà nó đã giăng sẵn.
Bản thân mình là một đứa đã từng không ngừng so sánh bản thân mình với người khác. Không ngừng so sánh xem những gì mà người khác có mà mình thì không để từ đó mà âm thầm tự nhận lấy hết sự đau khổ, khó chịu của cái cảm giác thua kém một ai đó và thậm chí là tự cảm thấy bản thân như đang bị xem thường vậy (Mặc dù điều đó đôi khi là có thật). Sống một cuộc đời mà luôn phải cố gắng làm thế nào không thua thiệt so với người khác đã rút cạn đi năng lượng của bản thân rất nhiều. Tất nhiên là mình không phải là một đứa hiếu thắng, không phải là kẻ làm mọi cách để không còn thua thiệt so với người khác nữa, kể cả là những trò không hay ho lắm. Mình chỉ đơn giản là cảm thấy không vui trong lòng vì thua kém người khác mà thôi, và cũng không có một tí gì là nỗ lực để có thể thoát khỏi hoàn cảnh đó cả.
woman in white elbow-sleeved shirt standing near white train in subway
Unsplash.com
Cảm giác khó chịu này đơn giản là cảm giác không yên bình từ nội tại do bản thân thật thấp kém và không tài giỏi. Sống một cuộc đời ngưỡng mộ những thành quả của người khác và rồi liên tục buồn bã cũng chính vì những điều này quả thực không hay tí nào. Đôi lúc bản thân chúng ta không có động lực để vượt qua được những điều so sánh kia bởi vì những điều đó quá khó để có thể vượt qua. Đó là lý do tại sao việc bạn so sánh với ai là một điều cũng quan trọng không kém dẫu rằng việc so sánh đôi khi cũng không phải là xấu hoàn toàn. So sánh với những điều không thực tế chẳng thể nào khiến chúng ta có đủ dũng khí để có thể vượt qua vậy, giống như việc bạn đang không ngừng buồn bã vì không giàu có như Bill Gate vậy.
Lần gần đây, khi mình có cơ hội tham gia một hội thảo về sách nhân ngày sách thế giới được tổ chức ngay tại trường mình. Có một câu chuyện thực sự khiến mình ấn tượng khi được nghe. Mình được hỏi rằng nếu như so sánh giữa một đứa bé 5 tuổi và một võ sĩ Sumo, thì ai sẽ là người giỏi hơn. Ắt hẳn nhiều người cũng giống như mình đều đưa ra câu trả lời rằng đứa trẻ 5 tuổi thì làm sao mà có thể hơn được vị võ sĩ được đúng không nào. Đúng là đứa bé sẽ thua vị võ sĩ nếu như đó là một cuộc đấu vật, thế nhưng nếu đó là một cuộc thi trốn tìm thì đứa trẻ sẽ lại là người có ưu thế hơn. Vì vậy nên mình mới nhận ra rằng, à hoá ra thì không thể nào mà so sánh hai người với nhau một cách hoàn toàn được, khi mà hệ qui chiếu của tất cả chúng ta không ai là giống ai cả. So sánh như thế nào cũng là một điều vô cùng quan trọng, so sánh một cách viễn vông và lệch lạc không những khiến chúng ta mệt mỏi mà còn tự làm giảm giá trị của bản thân nữa.
So sánh lệch lạc giống như bạn so sánh tài sản của mình với Bill Gate và so sánh sắc đẹp của mình với David Beckham vậy. Chúng ta có thể dừng so sánh bản thân mình với người khác ngay từ bây giờ bởi vì giá trị quan của mỗi người là khác nhau và người duy nhất bạn có thể so sánh để cố gắng vượt qua đó chính là bản thân bạn của ngày hôm qua.
Chấm dứt sự so sánh cũng là chấm dứt nỗi dằn vặt thua kém ảo tưởng để có thể sống một cách trọn vẹn hơn. Mỗi ngày hãy nhìn lại xem mình đã khác như thế nào so với chính mình ngày hôm qua không. Điều thay đổi đó là tích cực hay không, có giúp chúng ta trở thành một phiên bản toàn diện hơn mỗi ngày hay không. Không việc gì phải cố gắng phải vượt qua ai khi chính bản thân bạn mới là người bạn cần vượt qua nhất.
Mình vẫn luôn tâm đắc với quan điểm rằng thay vì tận hưởng sự thành công, hãy yêu cả quá trình mình đạt được thành công đó. Việc bạn trở thành một phiên bản tốt nhất của mình là sự thành công, tuy nhiên tốt hơn mỗi ngày là quá trình bạn nên tận hưởng để có được niềm vui trong cuộc sống. Sự thay đổi từ từ rồi sẽ đem lại kết quả to lớn. Khi lượng đã đủ, chất sẽ thay đổi. Khi cố gắng đã đủ, thành công sẽ tới. Hãy trở thành chính mình, đừng trở thành bản sao của ai cả.